Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/07/2022 21:07 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
Viêm bao hoạt dịch là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa


Viêm bao hoạt dịch là bệnh lý viêm cấp tính hay mạn tính của bao hoạt dịch. Nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng, nhưng có thể là do chấn thương. Các triệu chứng gồm đau, sưng và viêm. Chẩn đoán dựa trên lâm sàng, có thể cần siêu âm để đánh giá viêm bao hoạt dịch sâu và xét nghiệm dịch của bao hoạt dịch để đánh giá nguyên nhân nhiễm trùng. Điều trị gồm NSAID, nẹp cố định, tiêm corticosteroid và điều trị nguyên nhân.

Tìm hiểu chung

Viêm bao hoạt dịch là gì? 

Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm túi chứa chất lỏng bao quanh xương, cơ, gân của khớp (bao hoạt dịch). Các túi này có thể bị viêm do đè nén, áp lực, chấn thương, nhiễm trùng hay do lắng đọng tinh thể. 

Viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra ở các loại khớp, nhưng mỏm khuỷu và trước xương bánh chè là vị trí dễ xảy ra nhất.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch cấp thường gây đau, đặc biệt là khi bị chèn ép, đè nén hay lúc căng giãn khớp khi vận động, gây hạn chế vận động. Sưng, đôi khi kèm theo viêm thường gặp ở bao hoạt dịch mỏm khuỷu hay trước xương bánh chè. Ở viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷ, triệu chứng sưng tấy thường nhiều hơn là triệu chứng đau. Viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn hay do lắng đọng tinh thể thường đi kèm ban đỏ, đau, phù, nóng ở phần mềm xung quanh.

Viêm bao hoạt dịch mạn tính thường kéo dài trong vài tháng, có thể tái phát nhiều lần. Đợt cấp của viêm bao hoạt dịch có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Viêm kéo dài ở khớp nên thường gây hạn chế vận động, và hạn chế vận động kéo dài lại thường gây teo cơ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm bao hoạt dịch

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng như

  • Yếu cơ.

  • Bại liệt và tàn phế.

  • Mắc phải các bệnh xương khớp khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch

Các nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch bao gồm:

  • Chấn thương.

  • Hoạt động quá mức kéo dài và/hoặc chịu áp lực đè nén.

  • Bệnh lý viêm khớp (gout, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống, viêm khớp vẩy nến).

  • Nhiễm trùng cấp tính hay mạn tính (Staphylococcus aureus trong nhiễm trùng cấp tính và mycobacteria trong nhiễm trùng mạn tính).

Nguyên nhân vô căn hay gặp chấn thương là phổ biến nhất. Viêm bao hoạt dịch cấp và mạn tính xảy ra sau khi vận động sai tư thế, căng hay giãn khớp một cách bất thường và gây tràn dịch bao hoạt dịch. Viêm bao hoạt dịch thường gặp nhất là viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu và viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè.

Viêm bao hoạt dịch mạn tính thường xảy ra ở bệnh nhân đã có viêm bao hoạt dịch trước đó hoặc chấn thương lặp đi lặp lại ở cùng một vị trí.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bao hoạt dịch?

  • Người lớn tuổi.

  • Người có bệnh gout, thấp khớp, béo phì, thoái hóa khớp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bao hoạt dịch

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm bao hoạt dịch, bao gồm:

  • Công việc đòi hỏi phải quỳ gối thời gian dài như thợ lót thảm, sửa ống nước, làm vườn,..

  • Chơi các môn thể thao có nguy cơ chấn thương hay té ngã như đấu vật, bóng chuyền, bóng đá.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bao hoạt dịch

  • Đánh giá dựa trên lâm sàng.

  • Siêu âm hoặc MRI đối với viêm bao hoạt dịch sâu.

  • Xét nghiệm dịch trong bao hoạt dịch để tìm nguyên nhân.

Cần nghi ngờ viêm bao hoạt dịch ở vị trí nông khi có triệu chứng sưng, viêm tại vị trí bao hoạt dịch. Nghi ngờ viêm bao hoạt dịch ở sâu khi bệnh nhân bị đau tăng lên khi hoạt động và chưa tim được nguyên nhân. Viêm bao hoạt dịch thường được chẩn đoạn dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Chụp MRI hay siêu âm để giúp xác định chẩn đoán các bao hoạt dịch ở vị trí sâu, không thể thực hiện thăm khám như quan sát, sờ hay hút dịch. Chẩn đoán hình ảnh cũng giúp xác định được chính xác các tổn thương của cấu trung liên quan.

Nếu bao hoạt dịch bị sưng, đi kèm với nóng, đỏ và đau, vị trí ở bao hoạt dịch mỏm khuỷu hay phía trước xương bánh chè, nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn hay do tinh thể lắng đọng, cần lấy dịch trong bao hoạt dịch để đi xét nghiệm. Nuôi cấy vi khuẩn và soi kính hiển vi tìm tinh thể. Nhuộm Gram có thể hữu ích nhưng không đặc hiệu, số lượng bạch cầu trong bao hoạt dịch nếu có nhiễm trùng thường thấp hơn so với ở khớp nếu nhiễm trùng. Tinh thể urat được quan sát dễ dàng bằng kính hiển vi ánh sáng phân cực, nhưng tinh thể apatite thường khó quan sát. Tinh thể cholesterol có thể được tìm thấy trong viêm bao hoạt dịch mạn tính.

Viêm bao hoạt dịch cấp cần được phân biệt với xuất huyết từng đám, đặc biệt là ở bệnh nhân đang dùng warfarin. Chảy máu bao hoạt dịch thường gây ra các triệu chứng tương tự như viêm cấp vì trong máu có thành phần gây viêm. Dịch trong bao hoạt dịch khi bị chấn thương thường có huyết thanh. Viêm mô tế bào cũng có các triệu chứng viêm nhưng không gây ra viêm bao hoạt dịch, viêm mô tế bào ở bao hoạt dịch thường có chống chỉ định tương đối với thủ thuật chọc kim để hút dịch trong bao hoạt dịch, nhưng nếu có nghi ngờ bị viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn, vẫn cần phải hút dịch để xét nghiệm.

Phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch hiệu quả

  • Nghỉ ngơi.

  • NSAID liều cao.

  • Điều trị nguyên nhân do tinh thể hay nhiễm trùng.

  • Tiêm corticosteroid (thỉnh thoảng).

Nếu viêm bao hoạt dịch do tinh thể, điều trị như điều trị bệnh gout.

Nếu viêm bao hoạt dịch nghi ngờ do nhiễm trùng, ưu tiên dùng kháng sinh kháng S. aureus theo kinh nghiệm. Sau đó, lựa chọn kháng sinh khi đã có kết quả nuôi cấy. Viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn cần phải hút, dẫn lưu dịch ra, kết hợp với điều trị bằng kháng sinh.

Viêm bao hoạt dịch cấp tính không do nhiễm khuẩn cần nghỉ ngơi hay nằm bất động tạm thời, sử dụng NSAID liều cao và thêm các loại thuốc giảm đau khác (nếu cần). Khi đã giảm đau, cần vận động lại bằng các bài tập tốt cho khớp.

Nếu sau khi uống thuốc và nghỉ ngơi vẫn không giảm được viêm, nên hút dịch và tiêm corticosteroid vào bao hoạt dịch với liều 0,5 – 1 ml (ví dụ, triamcinolone acetonide 40 mg/mL). Nếu cần, có thể tiêm 1 ml thuốc gây tê (như lidocaine 2%) trước khi tiêm corticosteroid. Sau khi gây tê, giữ kim, thay xilanh khác để hút dịch. Liều corticosteroid tùy thuộc vào kích thước bao hoạt dịch. Đôi khi, sau khi tiêm corticosteroid vài giờ có khởi phát đợt viêm cấp do phản ứng với tinh thể trong mũi tiêm hay do kim tiêm làm phá vỡ cặn calci. Đợt viêm cấp này thường kéo dài ≤ 24 giờ, thuyên giảm khi chườm lạnh và dùng thuốc giảm đau. Corticoid đường uống, ví dụ prednisone, có thể dùng nếu bệnh nhân không thích hợp tiêm tại chỗ.

Việc điều trị viêm bao hoạt dịch mạn tính cũng giống như điều trị dạng cấp tính, tùy nhiên, nghỉ ngơi hay dùng nẹp thường không có hiệu quả đối với dạng mạn tính. Việc tập thể dục để duy trì tầm vận động của các khớp rất quan trọng. Nếu cần thiết, có thể cắt bỏ bao hoạt dịch.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bao hoạt dịch

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ.

  • Hạn chế hoạt động các khớp đang viêm.

  • Chườm lạnh để giảm đau.

  • Nâng cao đầu gối để giảm bớt sưng tấy khớp gối.

  • Kiểm soát tốt đường huyết, viêm khớp dạng thấp.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga hay đi bộ khi đã giảm đau.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

  • Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn.

  • Hạn chế ăn đồ ngọt.

Phương pháp phòng ngừa viêm bao hoạt dịch

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không lặp đi lặp lại một động tác kéo dài, cần thay đổi tư thế.

  • Không mang vác nặng trong thời gian dài.

  • Nghỉ ngơi và thư giãn các khớp.

  • Duy trì cân nặng vừa phải.

  • Tập thể dục với cường độ vừa phải.

  • Nếu chơi thể thao, cần mang đồ bảo hộ khớp.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024