Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/09/2021 22:09 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Bạn thật đẹp


Internet là một công cụ kỳ diệu. Nhờ có nó, tôi đã dành hai tiếng cuộc đời để xem những cái chết đau đớn nhất được ghi lại trên video.
Hôm nay tôi đã được xem cảnh một người đàn ông tự tử bằng cách bắn shotgun vào mặt mình. Anh ta không chết nhưng mặt anh ta vỡ toác. Khi vào đến bệnh viện, người đàn ông ậm ừ trong cổ họng, trên cái-từng-là-gương-mặt của anh ta là một cái hố thịt đỏ lòm và bầy nhầy. Anh ta thở ra từng làn sương đỏ máu.
Hôm nay tôi đã được xem những người rơi từ tòa nhà cao tầng xuống. Họ cố bám lấy thành tường nhưng không nhấc người lên nổi. Họ rơi xuống… Và họ rơi cái bẹp. Cái âm thanh của tiếng thịt chạm đất với vận tốc gần 100km/h nghe giống như tiếng cắn một quả ổi. Cờ-rách một cái. Và trên người họ cũng tỏa ra một làn sương đỏ mờ mờ.
Hôm nay tôi xem mọi người bị chặt đầu. Có người tôi xem từ lúc họ đang quỳ xuống đất, và một tay khủng bố tựa dao vào rồi bổ xuống cổ anh ta. Ngạc nhiên thay, anh ta không kêu một tiếng nào cho tới lần chặt thứ hai (xương người rất cứng nha). Đọc comment, hóa ra những tay khủng bố thường “diễn tập” trò này, bảo với tù binh là họ chỉ diễn trước máy quay thôi rồi thả ra. Rồi có ngày họ chém thật.
Có cô gái kia thì tôi thấy cái đầu của cô ấy sau khi đã bị chặt. Hình như là fan hâm mộ, bắt cóc xong không được đáp trả tình yêu nên chặt đầu. Cô ta đã chết trước khi đầu bị chặt, nên khuôn mặt cô ta lạnh đơ, vô cảm, à và cũng không có máu nữa. Con ngươi bên mắt trái của cô ta liếc ngược lên trời còn mái tóc thì rối bù.
img_0
 
Tôi xem những cái chết để làm gì? Tôi nghĩ tôi không phải người duy nhất hoặc đầu tiên bị cuốn vào những thứ kinh dị như vậy. Có gì đó như là khoái cảm – một khoái cảm buồn nôn – khi chúng ta – tôi – nhìn vào cái chết của người khác. Có một sự đắc thắng nhẹ nhàng nào đó chăng? “A, ta vẫn còn sống. Ít nhất thì ta vẫn còn sống, vẫn còn nhìn thấy cuộc đời và không phải chịu sự đau đớn như vậy”.
Tôi nghĩ, nó không đơn giản như thế. Sự khoái cảm tạo ra từ sự ghen tị được thỏa mãn (chúng ta so sánh cuộc đời ta với cuộc đời của người khác) chỉ là một phần rất nhỏ và là một thứ có thể thay thế được. Nếu chỉ là sự so sánh sinh mạng, tôi có thể đã dừng ngay sau clip một công nhân xây dựng bị xe cuộn kéo thành nhiều vòng tròn trên sàn (nó rất là ghê). Có gì đó thôi thúc hơn, một cảm giác tựa như sự quyến rũ. “Một clip nữa thôi”, tôi bảo vậy với chính mình, và tôi lại tiếp tục xem thêm nữa. Một cảm giác háo hức như trẻ con bóc một gói quà khi nhìn những sự chết được biểu diễn trước mặt bằng đủ loại cung cách khác nhau. Và thực tình tiếng cắn một quả ổi khi xác thịt chạm đất vẫn khiến tôi quay lại mấy lần.
Vậy là, tôi đồ rằng, có một sự thỏa mãn trong chính việc nhìn thấy những cái chết đó, chứ không phải chỉ vì mình cảm thấy an toàn với sự sống của mình. Tôi không cô đơn – cộng đồng mà tôi xem những clip đó có đến hơn 200 ngàn lượt theo dõi. Phải có một sức quyến rũ nào mới khiến chúng tôi tìm đến những thứ như vậy chứ?
Sự quyến rũ là một từ khóa. Viết về sự quyến rũ, Baudrillard từng nói: “Đúng vậy, những kẻ chạy khỏi số phận lại càng bị chính nó trói buộc. Đúng vậy, ai ai cũng tìm kiếm cái chết của chính mình, và chính những kẻ thất bại nhất là những kẻ thành công nhất”. Sự quyến rũ của cái chết – giống như cuộc hẹn với tử thần trên sa mạc Samarkand – nằm ở chỗ chúng ta không thể thoát khỏi nó. Mọi sự chạy trốn khỏi cái chết đều đem ta lại gần nó hơn. Nhưng… tại sao cái chết lại quyến rũ?
Một người bạn tôi từng nói, không có gì thoát khỏi ngôn ngữ. Mọi thứ chúng ta tạo ra hay suy tưởng đến đều bị giới hạn trong ngôn ngữ. Tôi cười:
“Thế còn cái giật mình?”
“Giật mình?”
“Phải, khi bị đập từ đằng sau… Trong khoảnh khắc thốt mình lên, chúng ta không nghĩ. Và trong khoảnh khắc đó, không có thứ ngôn ngữ nào vang lên cả”.
Tôi không biết đó có phải giây phút “gotcha” của tôi không. Có lẽ người bạn kia sẽ giải thích theo một cách nào đó rất thông minh (VD: để định nghĩa được sự giật mình đã xảy ra thì cần dùng ngôn ngữ). Nhưng, nếu có những giây phút mà chúng ta không ngờ tới được như là khoảnh khắc giật mình, những giây phút nằm ngoài kinh nghiệm – một thứ được trị vì bởi ngôn ngữ - thì chúng ta có thoát được khỏi việc bị gói gọn trong ngôn ngữ, và đồng thời với nó, gói gọn trong các giới hạn của con người không?
Cái chết, có lẽ, có sự quyến rũ của cái-nằm-ngoài-ngôn-ngữ đó.
Chúng ta đều biết là chúng ta sẽ chết. Vâng, đó là một trong những tam đoạn luận kinh đầu tiên của nhân loại: “Con người phải chết. Socrates là con người. Vậy Socartes phải chết”. Nhưng, như Ivan Ilych từng nói trong cơn đau đầu tiên của những ngày cuối đời: “Vâng, Socrates phải chết! Nhưng tôi, tôi nào phải Socartes đâu! Sao tôi lại chết?”. Sự không thừa nhận cái chết của mình tương đồng với cuộc đời của Ivan Ilych, ấm êm, nhàn hạ, không bao giờ vượt qua khỏi giới hạn xã hội của mình và đồng loại. Và vì thế ông ta phải có một cái chết vô cùng đau đớn, giống như cách ông ta từ chối trong suốt quãng đời trước kia:
“Đúng vậy, ai ai cũng tìm kiếm cái chết của chính mình, và chính những kẻ thất bại nhất là những kẻ thành công nhất”.
 
Xem cái chết của người khác có thể cũng có một hiệu ứng như vậy. Nó nói rằng: “nhìn kìa, đó là một ranh giới giữa cái vượt qua cả trải nghiệm. Cái mà mày, sớm hoặc muộn, cũng phải trải qua thôi. Nhìn đi!”. Và tôi nhìn.
Khi chúng ta trố mắt nhìn vào cái chết, đặc biệt là những cái chết đau đớn, tôi cho rằng, chúng ta đang tự nhắc nhở bản thân mình điều gì đó. Cái chết được bày ra xấu xí, kinh hoàng và man rợ, và những cảm xúc nó gây lên cho người xem nằm ngoài ngôn ngữ. Hơn cả việc “đời sống của mình có giá trị lắm”, đó là lời nhắc “đời sống của mình có lẽ chẳng có giá trị gì hơn”.
VÀ ĐÓ KHÔNG PHẢI MỘT ĐIỀU XẤU!
Trời ơi, chúng ta cứ luôn gán nghĩa, gán ngôn ngữ vào trong cuộc sống của mình. Cuộc sống của chúng ta luôn phải đi kèm với một con số gì đó. Nó phải là một căn nhà bên Hồ Tây, nó phải là một chiếc xe máy mới. Nhưng khi nhìn vào những cảnh chết khiếp đảm và rợn người, nó cho ta thấy một sự vật vượt qua giới hạn của kinh nghiệm, của ngôn ngữ. Cái chết man rợ tự cắt nghĩa của nó khỏi toàn bộ thế giới trước đây, cắt toàn bộ món nợ của một con người với những gì họ đã là. Nó là một thứ không thể diễn tả bằng lời được, và rồi, nó có thể sẽ xảy đến với bạn và tôi. Và khi nhìn vào nó, chúng ta hiểu được, không phải là giá trị của sự sống, mà là thứ không-giá-trị của sự sống.
Chúng ta phải đặt ngược lại câu hỏi của Leibniz: “Tại sao không tồn tại lại tốt hơn là tồn tại?”. Tại sao chúng ta phải cho rằng cuộc đời không có nghĩa và mục đích của chúng ta là tìm kiếm và định nghĩa cho cuộc đời? Tại sao cuộc đời không đơn giản là chỉ-không-có-nghĩa và dừng lại như vậy? Khi nhìn những cái chết thê thảm trên mạng, tôi thường nghĩ như thế.
Đừng hiểu nhầm. Tôi không ủng hộ sự tử tử, ít nhất là với cá nhân mình. Tôi không nghĩ về sự tự tử nữa: Tôi đang sống những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời với hàng trăm cuộc phiêu lưu bày ra phía trước với những người tôi thương yêu. Sự tự tử - với cách suy nghĩ của tôi và các bạn đồng trang lứa khác vẫn nghĩ về - khác hẳn với sự quyến rũ về cái chết. Sự tự tử chẳng qua vẫn là sự định nghĩa cho giá trị của cuộc sống của mình. Tất nhiên tôi không nói về những người đau đớn tự tử như bị ung thư/trầm cảm hoặc như triết gia nào đó nhảy ra khỏi cửa sổ chẳng hạn. Nhưng nếu chúng ta tự tử chỉ để mong thế giới biến mất, để mong cái chết của chúng ta có giá trị gì đó, để làm những điều như series phim 13 Reasons Why thì chúng ta vẫn chi đặt mạng sống của mình vào trong một chuỗi giá trị gì đó, và rốt cục, vẫn chạy trốn khỏi cái chết. Chúng ta tự tử vì không phải vì cái chết, mà vì sự sống của mình. Và điều đó làm mất hẳn đi khả năng loại bỏ giá trị của nó.
Không, điều chúng ta, tôi, nên làm là khẳng định sự tồn tại của mình. Chúng ta sống. Chúng ta thật đẹp. Không phải đẹp theo cách self-help rằng ai cũng có vẻ đẹp của mình, mà đẹp theo cách rằng tất cả mọi hành động của bạn đều đầy tự tin, đầy sự ham sống không-vì-lý-do-gì-cả. Không vì cuộc sống có ý nghĩa, nhưng chúng ta đẹp khi chúng ta đâm đầu vào màn khói đặc của sự vô nghĩa đó. Chúng ta đẹp khi chúng ta khẳng định sự tồn tại của mình, bằng cách này hay cách khác, và dũng mãnh tự đăt ra lịch hẹn với cái chết. Tôi sẽ chết, vâng, và tôi sẽ đi tìm ông một ngày nào đó tôi sẵn sàng.
Và bạn thật đẹp.
 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024