Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/08/2021 20:08 # 1
hienhien1503
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 99/250 (40%)
Kĩ năng: 4/20 (20%)
Ngày gia nhập: 04/08/2018
Bài gởi: 3099
Được cảm ơn: 14
Người cha


- Đó là chuyện của người lớn, còn mày là phận làm con, nên cha mày có khùng có điên cũng là cha mày."

....

***

Thằng Tuấn trở về thấy mẹ nó ngồi đó thở dài với gương mặt buồn hiu, nó nhìn vô nhà thấy một mâm chén bát để đó y nguyên chưa có ai dọn dẹp, nó thừa biết mẹ nó buồn vì chuyện gì, nó còn lạ gì với cái cảnh này nữa. Nhà thì nghèo cha nó tối ngày rượu chè, ít khi nào nó thấy cha nó tỉnh táo như bao người khác, đi ra đường thì chân bước loạng choạng trong cơn say hàng xóm thấy mà họ cười, cứ như là cha nó diễn hề cho mọi người xem vậy. Người lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu men, nói chuyện chẳng đâu vào đâu, thấy cha nó, mà ra đường mắc cỡ với người ta vô cùng. Thì cũng cùng trang lứa với con của người ta, nhưng cha của họ có ăn nhậu bê tha như cha nó đâu, nhìn thấy cái cảnh này cái chán nản nào đó hiện lên trên gương mặt của nó. Cái căn nhà lụp xụp dột trước dột sau mà không khi nào cha nó chịu sửa lại, cứ nhắc đến thì ông luôn miệng nói bận hàng trăm thứ việc nào là: phun thuốc trừ sâu, rải phân cho lúa, lấy nước, tháo nước, bao nhiêu chuyện ở ngoài đồng ruộng làm không xuể chưa rảnh để sửa lại, thế mà ông lại có thời gian đi nhậu những người bợm nhậu thật không thể nào hiểu nổi. Cái hàng rào tre trước sân đã gãy do ông say xỉn té vào, thế mà ông cũng không chặt tre để thay, cứ để đó hết ngày này qua ngày khác, ôi... nhắc đến cha nó thì nó chỉ biết lắc đầu. Thằng Tuấn thương mẹ nó nhất, cứ ghét cha nó bao nhiêu thì nó thương mẹ bấy nhiêu. Mẹ nó thuộc về số khổ, hết buôn bán rồi lo nhà cửa con cái, lại phải chịu cái cảnh có người chồng say sưa suốt ngày chỉ biết làm bạn với ma men, chẳng khi nào quan tâm hoặc ngó ngàng tới vợ con nhà cửa. Xem ra chị hai nó có phước, đi lấy chồng sớm, không còn ở trong cái nhà này vì thế sẽ không nghe những lời lãi nhãi của cha nó, dù say rượu hay tỉnh gì đi chăng nữa thì ông vẫn cằn nhằn đủ thứ chuyện, dường như đó là bản chất của con người ông đã có từ bao giờ, chỉ còn nó với mẹ là khổ nhất phải đưa tai ra chịu đựng mỗi ngày. Nhiều khi nó bực lên chửi lại ông và nếu như không có mẹ nó can ngăn thì đã nhiều lần hai cha con đã đánh nhau như kẻ thù.

Từ cái ngày lúa bị bệnh vàng lùn xoắn lá mất mùa, rồi tới đào ao nuôi cá, cá chết trắng, thua lỗ gần cả tỷ thì cha nó cứ tìm tới rượu như một con ma men cho tới ngày hôm nay. Dù được bà con lối xóm khuyên cố gắng gây dựng lại, nhưng cha nó chẳng còn chút tâm trí nào để làm lại từ đầu, số ruộng đã bán gần hết để trả nợ, chỉ còn vài công đất trồng lúa ở ngoài rẫy, thì còn cái hy vọng nào cho cha nó làm lại từ đầu. Thằng Tuấn bước tới mẹ nó rồi hỏi.

- Ổng đi lâu chưa.

Đôi mắt bà nhìn thằng Tuấn hiện lên nét buồn như cái nắng chiều đang đổ xuống nhuộm hoe ngoài bờ đê.

- Ổng mới đi thì mày về đó.

Thằng Tuấn bực mình hét lớn.

- Rượu... rượu... rượu... tối ngày, chắc tui phải đeo mặt nạ đi ra đường với người ta quá. Sao không chết khuất đi cho rồi.

Bà nghiêm giọng mắng thằng Tuấn.

- Nè... nè... mày không được ăn nói xách mé cái kiểu đó, dù gì ổng cũng là cha của mày.

Thằng Tuấn bị bà la nó càng nóng hơn.

- Cha gì cái thứ đó, không chừng bây giờ hỏi tôi tên gì ổng còn không biết, biết cái gì ngoài uống rượu ra. Tối nay bà về nói với ổng tôi sẽ bỏ nhà đi, tôi không chịu nổi cái cảnh này nữa.

- Mày tính đi đâu.

- Đi đâu cũng được, miễn không ở trong cái nhà này là được rồi.

- Mày ở nhà đi, để tao khuyên ổng nghỉ nhậu.

- Bà đã khuyên bao nhiêu lần rồi, mà ổng có bỏ đâu. Lần thứ mấy rồi.

- Thì từ từ rồi ổng cũng nghe và bỏ thôi mà.

- Đến bao giờ, trái đất ngừng quay hả.

- Mày cũng không khuyên ổng, mà tối ngày cứ nói, ổng là ổng cần con cái quan tâm, từ lúc làm ăn đi xuống ổng buồn nên cứ uống rượu, khuyên ổng một thời gian rồi ổng sẽ bỏ thôi. Mày sống trong cái nhà này bao lâu rồi mà mày không biết tính ổng.

- Mệt quá đi, tôi không muốn gần ổng, cũng không muốn nói chuyện với ổng. Ổng cứ kêu tôi lo đi kiếm vợ, mà ổng thì cứ vậy thì ai dám gả con của họ để làm dâu cái nhà này. Sui gia có coi ổng ra gì đâu, nhà anh rể đó không phải họ xem ổng như một thằng hề sao, làm trò cười cho họ. Họ nói trên đầu, trên cổ.

- Đó là chuyện của người lớn, còn mày là phận làm con, nên cha mày có khùng có điên cũng là cha mày.

- Kể từ bây giờ, tôi không có cha con gì với ổng hết.

Thằng Tuấn bỏ đi vô nhà, chỉ còn một mình bà ngồi đó trong cái nắng chiều buồn hiu, tiếng loa phát thanh cũng im phăng phắc từ bao giờ, những cơn gió rung cành tre nghe xào xạc, đôi mắt bà dõi ra ngõ với nỗi buồn thênh thang, và những tiếng thở dài đầy sự mệt mỏi lẫn chán nản. Thằng Tuấn trở ra với tô cơm chan canh chua trên tay, nó vừa ăn vừa nói với mẹ nó.

- Bà đi vô ăn cơm đi, còn ổng bao giờ về kệ ổng, chết bờ chết bụi cũng được.

Bà lắc đầu với câu nói của Tuấn, bà cũng thừa hiểu tính nết ngang bướng của con trai mình, và bà tin rằng thằng Tuấn nói vậy chứ không bao giờ bỏ nhà đi vì nó đã nói quá nhiều lần. Cái bà đang lo là cầu mong sao ổng đừng về sớm, cứ để khi nào thằng Tuấn đi ngủ rồi ổng hãy về, vì về ngay lúc này chắc chắn cha con sẽ có chuyện cãi vã, hàng xóm người ta sẽ cười cái gia đình này, vì đã có quá nhiều trường hợp đó xảy ra, nhưng nếu thằng Tuấn ngủ rồi thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, cha nó về sẽ không nói tới ai và đi ngủ trong im lặng. Cái tính của cha nó như thế cũng do thằng Tuấn mà ra, suốt ngày lông bông đi chơi, không làm gì phụ giúp, mọi việc nặng nhọc trong nhà đều một mình ông làm hết. Thằng Tuấn là con út lại là con trai một, luôn được bà cưng chiều, nhiều khi nó đi đá gà thua, bà phải giấu ông lấy tiền đưa thằng Tuấn đi trả nợ cờ bạc, và còn vô số chuyện khác cứ mỗi lần ông nói đến thằng Tuấn thì bà lại bênh vực, và mỗi lần ông nói thì thằng Tuấn quay mặt đi chỗ khác, hoặc đôi khi cãi lại ông. Ông ít khi nào nói đến con Thùy chị 2 của thằng Tuấn vì ông hiểu con gái nên không làm được những chuyện nặng nhọc, đáng nói nhất là thằng Tuấn, vì đã 22 tuổi đầu mà chẳng làm được tích sự trong nhà.

Đêm đó ông trở về, tiếng chó sủa om sòm ở trước ngõ, cái dáng đi nghiêng qua nghiêng lại rõ từng bước dưới ánh trăng quê, ông bước vào nhà trong hơi thở nồng nặc mùi rượu, thằng Tuấn và mẹ nó đang nằm coi cải lương, bà nhìn ông rồi nói.

- Ông vào ăn cơm đi, tôi có chừa canh chua, với cá rô kho tiêu ở dưới.

Ông trả lời trong cơn say.

- Hai mẹ con ăn đi, chừa tôi làm gì. Còn thằng Tuấn mày đã ăn chưa.

Thằng Tuấn im lặng không trả lời, bà phải trả lời thay nó.

- Tôi với nó ăn rồi, còn một mình ông thôi đó. Ông ăn đi rồi đi ngủ. Mà ông đi nhậu ở đâu vậy.

- Tôi đến nhà anh sui, thăm con Thùy với cháu ngoại, rồi sẵn uống với anh sui vài ly.

- Trời ơi, ông tới nhà người ta chi mà tới hoài vậy. Hôm bữa người ta đã nói vậy mà ông cứ tới.

- Tôi đi thăm con tôi, với cháu tôi. Họ nói gì tôi không quan tâm

- Thăm vài lần là được rồi, cứ cách một tuần là ông tới, người ta nói chết.

Thằng Tuấn nghe xong vụt miệng.

- Đi kiếm rượu uống thì nói mẹ đi, chứ thăm cháu con gì mà ngày nào cũng đi.

Ông nghe xong chỉ tay vào mặt thằng Tuấn rồi la lớn.

- Mày nói cái gì...

Thằng Tuấn cũng hét lớn.

- Tôi nói ông đi kiếm rượu uống.

Hai cha con cãi nhau rùm beng lên, bà phải vào cuộc can ngăn.

- Tôi lạy ông... ông không ăn cơm thì đi tắm rồi đi ngủ đi, cứ mỗi lần ông về là cái nhà này có chuyện.

Bà quay sang thằng Tuấn rồi nói.

- Mày cũng im đi, kệ ổng, ổng nói gì kệ. Mày cũng vào ngủ đi.

Thằng Tuấn nóng giận bỏ đi vào trong, ông quay sang la vợ mình.

- Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

Thằng Tuấn lục đục bên trong một lát, rồi nó trở ra với chiếc ba ba lô cũ của cha nó, nặng trĩu trên vai, nó dắt chiếc xe máy ra và nói 3 từ duy nhất.

- Tôi đi đây

Mẹ nó chạy theo cản lại với tiếng gọi Tuấn... Tuấn... vang vọng trong màn đêm hiu quạnh, nó đã lên xe và chạy đi mất hút, bà quay sang nạt ông.

- Ông sáng mắt ra chưa, rượu với chè, ông đã phá nát cái nhà này chưa đủ hay sao mà còn đi uống rượu về kiếm chuyện hết người này đến người khác.

- Bà cưng chiều nó như vậy là nó hư, mai mốt tôi chết rồi, thì nó sống như thế nào khi không biết làm ăn với người ta, phải tập làm ăn với người ta ngay bây giờ, chứ không để nó lêu lỏng ăn chơi được.

- Ông làm ăn giỏi quá. Đó cả tỷ bạc bay đi rồi, nợ nần chồng chất, ruộng đất bán sạch, còn muốn dạy con làm ăn kiểu đó hả. Mà chết cái gì, ông trời đánh còn chưa chết ở đó mà mai mốt tao chết.

- Tôi làm nhiều vậy cũng chỉ mong có tiền xây lại cái nhà, trời không thương nên lỗ hết cái này tới cái khác, tôi biết làm sao bây giờ.

- Biết vậy thì lo làm ăn lại từ đầu, tối ngày nhậu nhẹt thì tính toán được cái gì. Hồi đó ông làm lắm mà, sao thời gian gần đây tự nhiên dở chứng ăn nhậu vậy, ăn nhậu riết còn cái da bọc xương, mà nhậu miết.

Ông bỏ đi vào trong phòng với gương mặt buồn bã, dường như ông đã tỉnh hẳn. Ông vội vàng trở ra trong sự lúng túng.

- Ba lô... cái ba lô của tôi đâu, bà dẹp nó đâu rồi. Mau trả lại đây cho tôi.

Bà nhìn ông rồi trả lời.

- Ba lô của ông tôi lấy làm gì, thằng Tuấn nó lấy rồi.

Ông bệt xuống nền cái gương mặt nhăn nhó trong sự đau khổ, hai cái tay sờ đầu rồi nắm tóc. Bà nhìn ông lắc đầu rồi nói.

- Có cái ba lô cũ rách mà ông làm gì như mất mấy cây vàng vậy, bộ để tiền trong đó hả, ông thì 1 đồng cũng không có, tiền đâu mà để trong đó.

- Trong đó nó hoàn toàn không có tiền bạc gì cả, cái ba lô nó cũng không hề có giá trị, nhưng tôi có để 1 vật trong đó, mà cái vật đó tôi không muốn 2 đứa con tôi nhìn thấy.

- Coi bộ nghiêm trọng quá.

- Bà gọi điện cho nó kêu nó về trả lại cái ba lô cho tôi liền, nó muốn đi tôi không cản, nhưng cái ba lô phải trả lại cho tôi.

Bà móc điện thoại ra gọi thì thằng Tuấn đã khóa máy, vì nó biết nó đi chắc chắn bà sẽ gọi điện kêu nó về, bà nhìn ông rồi nói.

- Ông làm gì mà trông thê thảm vậy.

Ông mếu máo rồi như nói 1 mình.

- Xong rồi... xong rồi.

Bà nghe càng khó hiểu, vợ chồng đã mấy chục năm nay chưa bao giờ bà thấy thái độ của ông lạ như lúc này, bà nghĩ đơn giản rằng : chắc ổng không muốn thằng Tuấn đi nên làm vậy để kêu nó về, vì bà thừa biết tuy cái miệng ông la la chửi chửi vậy nhưng ông rất thương thằng Tuấn.

- Mà cái vật gì ở bên trong ba lô, ông nói cho tôi nghe coi, sao nào giờ tôi không biết.

Ông đứng dậy trả lời quay lưng đi.

- Không có gì đâu.

Cả đêm đó ông nằm ho suốt, ông không chợp mắt, cứ đi tới đi lui ôm ngực ho, rồi trở lại giường nằm tiếp tục ho đến sáng. Bà cũng mất ngủ vì thằng Tuấn nó đi, không biết nó thế nào, và những tiếng ho của ông cứ kéo dài trong phòng làm bà khó ngủ. Từ lúc ông hay nhậu nhẹt thì ông chỉ ngủ riêng 1 mình, ông từng cấm không cho bất cứ ai bước vào phòng . Sáng đó bà thức dậy, đi chợ rồi trở về nấu chuẩn bị cho bữa cơm trưa, đến giờ cơm vẫn không thấy ông đâu, thường ngày ông đi ruộng về tới giờ cơm đều có mặt, bà đi vào gọi ông ra, thấy ông nằm đó gương mặt xanh xao, 2 mắt mở nhìn chăm chăm lên trần nhà, bà biết có lẽ tối qua do mất ngủ vì thằng Tuấn nó bỏ nhà đi nên bây giờ mệt.

- Ông dậy ăn cơm đi, hồi sáng tôi có mua đồ ăn sáng cho ông sao ông không ăn, mà chưa bao giờ tôi thấy ông nằm nhiều như hôm nay, cũng do ông mà ra, nếu ông không nói nó thì nó đâu có bỏ nhà đi, ông hối hận lắm rồi phải không. Đó thấy chưa, con cái đừng khó khăn với nó quá.

Ông vẫn nằm im, không trả lời, cũng không nhìn bà, 2 cánh tay giữ cái ngực, đôi lúc ông ho ho vài tiếng.

- Nè tôi hỏi sao ông không trả lời, tôi nói đúng chứ có nói sai đâu mà ông giận tôi.

Bà nhìn vào chỗ ông nằm, trên cái gối có để chiếc khăn trắng ở đó dính đầy máu tươi, bà hốt hoảng chui vào mùng hét lên.

- Cái gì thế này, sao toàn máu me, ông làm gì vậy.

Ông nói từng tiếng rất nhỏ..

- Đừng... đưa... tôi... đi.. đâu hết... cứ... để... tôi... ở... nhà.

Những tiếng nói thật chậm rãi, mà ông đã cố gắng nói rõ ràng, bà nhìn lên trên một cái khăn khác nằm dưới tấm chiếu lộ ra một phần, bà dở ra xem thấy một đống khăn ở đó dính toàn máu.

Ông bị cái gì vậy.

Ông vẫn nằm im không trả lời, bà rối lên không biết làm gì, bà lấy điện thoại gọi cho con Thùy về nhà gấp coi cha nó có chuyện gì.

- Mày về nhà gấp nhanh lên Thùy, về đây coi cha mày bị sao mà máu me không đây này.

Thùy trả lời trong điện thoại.

- Tối qua ổng còn qua đây nhậu mà, mẹ la ổng nha, chứ mẹ chồng con bà chửi suốt đó, ổng cứ nói cho ổng xin thăm con với cháu, chứ thật ra toàn là ổng giả bộ qua để nhậu.

- Mày về nhà gấp đi, giờ này giờ nào mà mày còn nói mấy chuyện này. Cha mày không biết làm gì mà ho ra máu đây nè. Nhanh về đi con

- Thôi mệt quá, con cho thằng cu nó ăn rồi.

Ông rơi hai hàng nước mắt, nước mắt chảy xuống gối, bà chạy qua nhà hàng xóm kêu hết người này đến người khác, bốn người chạy sang xem họ nói phải đưa ông đi bệnh viện gấp, ông cứ lắc đầu như không muốn đi, họ đưa ông đến bệnh viện của huyện, rồi huyện chuyển ông đến thành phố, bác sĩ chuẩn đoán ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đành trả ông về. Từ lúc ông về mỗi ngày ông tiều tụy xơ xác, con Thùy bây giờ mới chịu đến chăm sóc cho ông ở những phút cuối đời. Thằng Tuấn nhận được tin báo từ con Thùy cha bị bệnh nặng phải về đây gấp nhưng nó chẳng chịu về, vì nó vốn dĩ ghét ông, và điều thứ 2 nữa là nó cứ nghĩ mọi người lừa nó để nó trở về. Nó tự nói với lòng khi nào cha nó gọi lên xin lỗi nó và hứa bỏ nhậu luôn thì lúc đó nó sẽ về.

Thằng Tuấn thuê phòng trọ ở huyện khác, nó định đi làm ở ngoài 1 thời gian, kiếm 1 số tiền rồi sẽ lên thành phố làm luôn và không trở lại cái nhà nó nữa, nó lấy quần áo trong ba lô treo lên, bỗng nhiên nó gặp 1 cuốn nhật ký tính tiền chi tiêu của mùa lúa trước và cả cái ao cá, lật qua một trang mới, nó nhận ra đây đúng là chữ viết của ba nó, vết mực còn mới với nội dung:

" Tại sao trời không thương tôi, làm cái gì thì thua lỗ cái đó, chỉ muốn kiếm tiền xây nhà cho đàng hoàng với người ta mà ông trời cũng không cho, mang trong người bệnh mà tôi có dám đi bệnh viện đâu, tôi sợ tốn tiền, mà chưa chắc tốn tiền mà lại hết, tôi biết bệnh của tôi sẽ không hết, thôi tôi không đi có chết cũng chết ở nhà, để tiền đó cho con tôi, tôi chịu đau được, cứ đau thì uống rượu cho thật say như thế thì sẽ quên cơn đau ấy thôi"

Đọc xong hai hàng nước mắt nó chảy dài, miệng nó cứ gọi ba ơi. Nó vội vàng bỏ đồ vào ba lô trở lại rồi đón xe trở về nhà. Chưa bao giờ nó khóc, thế mà hôm nay nó lại khóc như một thằng trẻ con. Nó trở về thấy họ hàng đến thăm ba nó đông nghẹt, nó nhìn ba nó nằm đó hấp hối chỉ một thời gian ngắn mà ba nó chỉ còn da với xương, nó bước lại gần ngồi bên cạnh nhìn ba nó, ông rơi hai hàng nước mắt, nhìn về phía nó với con Thùy. Thằng Tuấn nắm lấy đôi tay gầy guộc của ông nói khẽ.

- Cha ơi con về rồi.

Ông nở nụ cười sau cùng, rồi nhắm mắt xuôi tay ra đi vĩnh viễn. 3 mẹ con khóc thê thảm, con Thùy hét lớn.

- Cha ơi, đừng bỏ con.

Mẹ nó khóc đến ngất lịm, thằng Tuấn giãy giụa trong vòng tay giữ chặt của bà con lối xóm, nó muốn vào ôm ba nó, và gọi ba nó tỉnh lại, dù nó biết ba nó đã ra đi sẽ không bao giờ trở lại nữa. Con Thùy cũng ngất đi vì quá sốc trước sự ra đi của ông, người ta đưa 2 mẹ con ra nhà bếp người thì cạo gió, người thì pha nước chanh cho 2 mẹ con uống để tỉnh lại. Riêng thằng Tuấn cái mặt thất thần trông rất tội nghiệp, nó từng nói khi nào ba nó gọi điện lên xin lỗi nó và hứa bỏ nhậu thì lúc đó nó sẽ trở về, thế mà cha nó chưa gọi điện, chưa hứa, thì nó đã trở về rồi.

Hai mẹ con tỉnh dậy khóc đến mất tiếng. 2 chị em nó chưa bao giờ nói tiếng " thương cha " con Thùy thì mỗi lần đi du lịch đều mua quà về, nhưng tặng cho mẹ chứ không phải là cha, cái gì cũng mẹ, mẹ là trên hết, còn cha chẳng có cái gì. Thằng Tuấn thì không bao giờ chịu ngồi và nói chuyện với ông, nó cứ trách ông ăn nhậu, làm nó xấu hổ với người ta, cái gì ông cũng nói nó, nhưng cái sự quan tâm và thương yêu thì chưa bao giờ ông nói cùng nó và chị nó. Cả nhà đều trách ông vô tâm, không quan tâm gì đến con cái, nhưng ít ai chịu nghĩ rằng : Cha vốn dĩ là người rất ít nói, cha không bao giờ nói nhiều như mẹ, cha không bao giờ biểu hiện bất cứ cái nét nào trên gương mặt, nhưng cha rất thương con, cha giấu cảm xúc rất giỏi không bao giờ lộ cái cảm xúc ấy ra ngoài, cha khác với mẹ rất nhiều. Ông chưa bao giờ nói thương thằng Tuấn với con Thùy nhưng ông luôn âm thầm lặng lẽ dõi theo từng bước chân của chúng. Nhớ lần con Thùy đẻ ông thức trắng đêm ở bệnh viện mấy ngày liên tục, trong khi đó vợ ông chỉ đến đó thăm có vài lần, và bên nội cũng thế. Chỉ có một người đàn ông đạp xe giữa đêm khuya, mặc kệ mưa gió từ xã đến bệnh viện, đến nơi nấp vào cánh cửa lén, nhìn con và cháu thật lâu rồi lặng lẽ đạp xe về, cứ như thế đến khi con Thùy trở về nhà, nỗi thương con hầu như không ai hiểu cho ông vì họ chưa bao giờ thấy tận mắt, và ông cũng không cần ai hiểu vì ông thương con bằng trái tim của mình chứ không qua lời nói, ông cũng chẳng cần con mình cho quà cáp tiền bạc, chỉ cần con mình sống hạnh phúc thì đó là món quà rất lớn đối với ông rồi. Ông biết mình sẽ không sống được bao lâu nên thường đến nhà sui gia thăm con Thùy, vì ông biết sau này sẽ không còn cơ hội gặp lại con và cháu ngoại của mình nữa, ông cũng hiểu bên nội họ sẽ khó chịu khi thấy ông thường xuyên đến, nhưng mặc kệ ông cứ lì ra, ai chửi hay nói nặng nhẹ ông cũng chấp nhận. Mỗi lần ra về nước mắt ông trào ra trong cơn say ngà ngà. Ông luôn nói thằng Tuấn phải tập làm ăn với người ta, nhưng nó hoàn toàn không biết những gì ông nói đều có chủ ý riêng của ông. Nhớ hồi nhỏ đi đâu ông chở hai đứa con trên chiếc xe đạp cũ, thằng Tuấn với con Thùy nó ưng thì cái gì ông cũng phải làm cho bằng được miễn sao 2 đứa con ông vui. Khi lớn lên thì cái đồ ăn nào ông cũng giả đò chê, mặc dù ông rất thèm, nhưng đành phải nói dối để nhường lại cho con của ông. Ông hoàn toàn không vô tâm, tình thương của ông dành cho con nó bao la như biển cả, vợ ông bây giờ mới nhận ra những gì ông nói trước kia đều là sự thật, và bà cứ hay trách ông không lo gì cho gia đình, cứ mỗi đêm khuya anh dắt chiếc xe đạp đi ra bà đều hỏi.

- Khuya thế này mà ông còn đi đâu, ông thiệt không ra gì cả, con cái nó sanh đẻ bên kia, không lo mà cứ đi đâu khơi khơi. Ông có thấy làm cha vậy đáng chưa.

Ông không trả lời chỉ cười rồi nói.

- Tôi chạy vòng vòng cho mát rồi về ngủ. Bà vào ngủ đi.

Bà hoàn toàn không biết, ông quá lo lắng cho con, nên đạp xe đi thăm con Thùy. Bà và con Thùy, với thằng Tuấn hay trách ông cứ tối ngày uống rượu, nhưng họ đều không biết ông uống cho say để quên đi cái nỗi đau mà ông đang chống chọi, ông nhất quyết giấu bệnh, vì ông hiểu bệnh tình của mình, và cũng không muốn tốn tiền viện phí. Thằng Tuấn khóc lóc kể lại cái cuốn nhật ký của ông trong ba lô, họ hàng khóc như mưa, họ đều trách lầm ông, giờ họ mới biết đó là niềm hy sinh của ông dành cho các con của mình. Bà nhớ lại mỗi lần ông ho sáng đêm, bà hỏi ông bị gì thì ông trả lời bị viêm họng, và hỏi ông sao ốm quá thì ông trả lời do uống rượu không ăn uống, chẳng ai biết ông bị bệnh, ông cũng chưa từng than vãn, rên rỉ cho họ con biết. Ông tự cắn răng mà chịu một mình, đến khi chịu hết nổi thì ông lại uống rượu để quên cơn đau, ông ít khi nào uống rượu cùng ai, quý lắm ông mới uống cùng, đa số là ông uống 1 mình trong căn phòng im lìm. Bà cũng không mấy vô tâm, chỉ nghĩ đơn giản là ông ho vì bị viêm họng mà nhậu suốt nên càng ngày ho càng nhiều, sụt cân là do không ăn uống, chứ bà không hề biết ông giấu kỹ đến mức vậy.

Người cha đã âm thầm lặng lẽ yêu thương các con đến hơi thở cuối cùng, mái tóc bạc màu gió sương của sự khó nhọc, bàn tay đã chai cứng vì cầm cuốc nuôi con, đôi mắt trĩu nặng tâm tư mà ít có ai nhìn thấy và thấu hiểu. Tình yêu thương của cha cũng dạt dào không thua kém gì mẹ. Cha vẫn là cha quần áo cũ kĩ khét mùi nắng, bàn chân luôn dính đầy bùn lấm lem, và con lúc nào cũng hơn chính bản thân của mình, cha có thể nhịn đói, nhịn khát, để con được no ấm, cha sẽ vui trong lòng khi thấy con thành công và có 1 tương lai tươi sáng, nhưng cha cũng sẽ đứt từng đoạn ruột khi thấy con mình vấp ngã. Nụ cười và nước mắt của cha nó không bao giờ hiện lên trên gương mặt, buồn hay vui gì thì cha cũng để bụng, ai quan tâm thì sẽ biết tâm trạng của cha như thế nào. Từ " cha " chỉ có duy nhất 3 chữ rất ngắn nhưng tình thương của cha dành cho con nó dài vô tận, dài miên man, mà mãi mãi không bao giờ đi hết được. Cha là bóng râm che mát cho đời con, một mai cha không còn, đời con đầy nắng trên đầu. Con Thùy và thằng Tuấn cứ khóc lên khóc xuống bên linh cửu của ông, miệng chúng nó cứ gọi " cha ơi đừng bỏ con mà đi " tiếng gọi hòa theo làn khói hương nghi ngút rồi tan biến, trên bàn thờ đầy đồ cúng hoa quả trái cây, thịt thà, nhưng khi còn sống ông chả được ăn những thứ ngon đó bao giờ.

 

Nếu như cậu cứ tiếp tục theo đuổi aỏ ảnh của tôi,một ngày nào đó cái tôi thực sự cuả tôi sẽ theo kịp cậu.

Shindou Hikaru (Hikaru no go)

 

 



Cuộc sống giống như bông hoa hồng

Vẽ đẹp luôn đi cùng với gai.

Facebook: Nguyenhien

Gmail: nguyenhienduong2k@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024