Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
22/06/2021 16:06 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 186/400 (46%)
Kĩ năng: 2/210 (1%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 7986
Được cảm ơn: 2102
Cách viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc


Hiện nay, số lượng người thành thạo ngoại ngữ khá nhiều song không phải ai cũng biết cách tận dụng lợi thế này khi viết CV tìm việc. Để viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc, trước tiên bạn cần xác định trình độ hiện tại của mình thông qua các kỳ thi, sau đó hãy lựa chọn bố cục CV phù hợp và trình bày thông tin một cách ngắn gọn, hợp lý.


Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, việc thành thạo ngoại ngữ trở thành một trong những kỹ năng quan trọng giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Các ứng viên thành thạo ngoại ngữ có thể tìm được những cơ hội việc làm hấp dẫn cả ở trong nước và ở nước ngoài. Vậy làm thế nào để viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc?

 MỤC LỤC:
I. Trước khi viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc​
II. Khi nào nên thêm trình độ ngoại ngữ vào CV?​
III. Các bước để viết trình độ ngoại ngữ vào CV​

cach viet trinh do ngoai ngu trong cv xin viec

Viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc như nào cho chuyên nghiệp?

I. Trước khi viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc​

Để đưa trình độ ngoại ngữ vào CV, khiến CV xin việc ấn tượng hơn thì trước hết bạn sẽ cần hiểu về trình độ ngoại ngữ là gì, vì sao nó quan trọng. Trình độ ngoại ngữ là khả năng sử dụng một ngôn ngữ thứ hai không phải tiếng mẹ đẻ. Người ta đánh giá trình độ ngoại ngữ của bạn dựa trên các yếu tố như độ chính xác và sự trôi chảy khi nghe, nói, đọc, viết. Các nhà tuyển dụng cũng dựa trên bốn kỹ năng trên để xác định bạn có sử dụng thành thạo ngoại ngữ hay không.

Việc sử dụng thành thạo bất kỳ ngoại ngữ nào sẽ giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên còn lại và gia tăng cơ hội trúng tuyển, đặc biệt là đối với những vị trí việc làm trong môi trường quốc tế. Do đó, nếu bạn có khả năng sử dụng ngoại ngữ, đừng quên bổ sung chúng vào CV của mình.

 

II. Khi nào nên thêm trình độ ngoại ngữ vào CV?​

1. Xin việc ở các quốc gia đa ngôn ngữ

Một số công ty có trụ sở ở các các quốc gia sử dụng đa ngôn ngữ. Ví dụ như, người Switzerland nói bốn thứ tiếng khác nhau là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Rumani. Trong trường hợp nếu bạn ứng tuyển cho các công việc ở đất nước này và bạn có khả năng sử dụng tiếng Pháp hay tiếng Đức, các nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ ưu tiên bạn hơn các ứng viên không có khả năng này.

2. Xin việc ở các công ty nước ngoài

Nếu sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn. Không chỉ có thể làm việc cho các công ty của Việt Nam mà bạn còn có thể mở rộng ra các thị trường việc làm ngoại quốc khác. Ví dụ, nếu có khả năng dùng tiếng Trung, bạn có thể xin việc ở các công ty Trung Quốc hoặc công ty Việt Nam hợp tác với Trung Quốc.

3. Xin việc ở các công ty của Việt Nam ở nước ngoài

Đối với các công ty của Việt Nam ở nước ngoài, nếu bạn có thể sử dụng ngôn ngữ của đất nước kia, các nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá bạn cao hơn. Trình độ ngoại ngữ chính là dấu hiệu cho thấy bạn là người tích cực, luôn muốn phát triển bản thân. Do đó, hãy bổ sung điều này vào CV và thể hiện khả năng của bạn trong buổi phỏng vấn.

cach viet trinh do ngoai ngu trong cv xin viec 2

Thêm trình độ ngoại ngữ vào CV trong trường hợp nào?

4. Xin việc ở các công ty có hợp tác với nước ngoài

Nếu bạn quyết định làm việc ở trong nước, trình độ ngoại ngữ sẽ phục vụ cho quá trình làm việc với khách hàng ngoại quốc. Bạn cũng có thể giúp đồng nghiệp của mình học ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp gắn kết bạn và mọi người trong công ty.

III. Các bước để viết trình độ ngoại ngữ vào CV

1. Kiểm tra trình độ

Bạn có thể kiểm tra trình độ ngoại ngữ của mình bằng cách tham gia các kỳ thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ như TOEFL, IELTS, DELE, HSK, JLPT, ...

  • TOEFL là bài kiểm tra trên máy tính và yêu cầu bạn nói qua mic, do đó bạn cần có một chút am hiểu về máy tính. Bài thi này không đánh giá bạn đã thông qua hay trượt mà chỉ đưa ra điểm số trong khoảng từ 0 đến 120.
  • IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh được sử dụng phổ biến hiện nay với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Số điểm cao nhất trong bài thi IELTS là 9.0. IELTS phân thành hai loại là IELTS General training (tổng quát) và IELTS Academic (học thuật).
  • Cambridge English Qualifications: Các chứng chỉ này được công nhận trên toàn thế giới. Khác với TOEFL và IELTS, bài thi này có mức điểm đỗ/trượt.
  • Diplomas de Español como Lengua Extranjera (DELE) là chứng chỉ tiếng Tây Ban Nha được đánh giá cao và chấp nhận ở hầu hết các quốc gia.
  • HSK là chứng chỉ tiếng Trung chính thức duy nhất của Trung Quốc gồm có 6 mức độ từ HSK1 (sơ cấp) đến HSK6 (cao cấp). Bạn có thể thi cả trên giấy và trên máy tính. Bài thi này chỉ gồm 3 kỹ năng: nghe, đọc và viết. Kỳ thi nói HSK được tổ chức riêng.
  • JLPT là chứng chỉ tiếng Nhật được công nhận và sử dụng ở 62 quốc gia. Giống như HSK, JLPT gồm có 6 bậc từ N5 (sơ cấp) đến N1 (cao cấp). Khi viết CV xin việc tiếng Nhật, hãy nhớ đề cập đến chứng chỉ này để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhé.
  • DELF và DALF là các chứng chỉ cấp bởi bộ giáo dục Pháp. DELF dành cho trình độ sơ cấp và trung cấp trong khi DALF tương đương với trình độ cao cấp.
  • Goethe-Zertifikat Deutsch là chứng chỉ tiếng Đức được công nhận trên toàn thế giới.


Ví dụ, nếu từng du học ở Pháp trong vòng một năm và bạn có thể trò chuyện trôi chảy với người bản địa nhưng bạn chưa xác định được trình độ của mình, hãy tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Bởi các nhà tuyển dụng đôi khi không có thời gian để kiểm tra khả năng của bạn và các chứng chỉ khi đó sẽ là bằng chứng chứng minh trình độ của bạn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

2. Sử dụng khung tham chiếu phù hợp

Trước khi thêm trình độ ngoại ngữ vào CV, bạn nên tìm hiểu cách nhà tuyển dụng đánh giá trình độ của bạn hay nói cách khác, khung tham chiếu mà các công ty sử dụng. Các nhà tuyển dụng có thể sử dụng nhiều khung tham chiếu khác nhau, song ở Việt Nam, các công ty, tổ chức thường sử dụng khung trình độ chung Châu Âu (CEFR) với 6 bậc gồm A1, A2, B1, B2, C1 và C2 (tương đương với 3 cấp: sơ cấp, trung cấp, cao cấp).

Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về trình độ ngoại ngữ, bạn có thể đưa ra điểm số mình đạt được trong các kỳ thi trên hoặc quy đổi ra thang 6 bậc từ A1 đến C2. Bạn cũng có thể trình bày thêm về quá trình học tập để có được trình độ như hiện tại. Hãy chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người luôn sẵn sàng và nỗ lực học tập cũng như những gì bạn có thể đem lại cho họ nếu được tuyển dụng.

cach viet trinh do ngoai ngu trong cv xin viec 3

Cách trình bày trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc

3. Trình bày hợp lý trong CV

Để CV không bị rối mắt mà vẫn hấp dẫn được nhà tuyển dụng, bạn cần lựa chọn bố cục các phần một cách hợp lý. Nếu bạn có thể nói đa ngôn ngữ, hãy thêm một phần riêng trong CV để nhấn mạnh các ngôn ngữ bạn có thể sử dụng và khả năng sử dụng mỗi ngôn ngữ của bạn. Khi đó, kỹ năng ngoại ngữ trở thành thế mạnh và là điểm sáng trong CV xin việc của bạn.

4. Đừng quên ngôn ngữ chính của bạn

Bạn có thể liệt kê 3 - 5 ngoại ngữ khác nhưng đừng quên bổ sung ngôn ngữ bạn thành thạo nhất: tiếng Việt. Cho dù bạn làm công việc gì, việc sử dụng linh hoạt tiếng Việt cũng góp phần quan trọng tạo nên thành công trong quá trình phát triển sự nghiệp.

Trình độ ngoại ngữ là điểm cộng lớn cho bất kỳ ứng viên nào đang tìm kiếm việc làm, vì vậy đừng quên bổ sung yếu tố này vào CV của bạn. Bạn cũng nên nhớ rằng CV là phương tiện đầu tiên để bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng; do đó, hãy đảm bảo độ chính xác của thông tin cũng như lựa chọn cách trình bày phù hợp để có thể thuyết phục được họ. Nhất là với CV xin việc biên dịch viên hay phiên dịch viên thì bạn càng cần lưu ý về kỹ năng ngoại ngữ của mình.

 

Nguồn: vn.joboko.com

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024