Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/04/2021 13:04 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 204/400 (51%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8004
Được cảm ơn: 2114
"5 không" khi viết đơn xin việc


Đơn xin việc cũng giống như chiếc chìa khóa dẫn nhà tuyển dụng đến mở CV của bạn. Một lá đơn trang nhã, chân thành là bước đầu tiên giúp bạn "ghi điểm" với nhà tuyển dụng. Theo CareerLink.vn, để đơn xin việc của bạn không bị "chìm" giữa hàng trăm email ứng tuyển gửi về, bạn cần ghi nhớ 5 điều không nên làm dưới đây.

 

1. Không nên sử dụng mẫu đơn có sẵn

 

Khi bắt tay viết đơn xin việc, bạn chỉ nên tham khảo mẫu trên mạng và đừng "bê" hết nguyên văn về làm của riêng. Những gì bạn sử dụng chắc chắn người khác cũng có thể tìm được. Mỗi ngày nhà tuyển dụng phải đọc rất nhiều email ứng tuyển gửi về. Nếu bạn sử dụng mẫu đơn có sẵn giống như các ứng viên khác thì chẳng có lí do gì để nhà tuyển dụng phải dừng lại tìm hiểu. Có hai nguyên nhân lý giải cho điều này: một là bạn lười suy nghĩ, hai là bạn thiếu sự sáng tạo. Dù với nguyên nhân nào, nhà tuyển dụng chắc chắn cũng không ấn tượng với những ứng viên như vậy.

 

2. Không nên "nói dối" trong đơn xin việc

 

"Nói dối" gần như là điều tối kỵ khi viết đơn xin việc. Đừng vì muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà bạn thêm thắt những kinh nghiệm, kỹ năng mình không hề có. Đối với bất kỳ công việc nào, sự trung thực luôn được đặt lên hàng đầu. Bạn có thể "qua mắt" nhà tuyển dụng ở vòng ứng tuyển hoặc phỏng vấn nhưng chắc chắn không thể tiếp tục "giấu" khi đã bắt tay vào làm. Khi đó, sự thất vọng của nhà tuyển dụng sẽ nhân lên bội phần, cả bạn và công ty đều mất thời gian của nhau. Thành thật ngay từ khâu đầu tiên sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối sau này.

 

3. Không nên trang trí quá lòe loẹt, màu mè

 

Hình thức của đơn xin việc đóng vai trò quan trọng không kém so với nội dung bởi đó là thứ đầu tiên nhà tuyển dụng nhìn vào. Tuy nhiên, bạn không nên cố gây ấn tượng bằng cách trang trí đơn xin việc quá lòe loẹt, màu mè. Ví dụ như lạm dụng nhiều màu sắc, phông chữ và cỡ chữ khác nhau trong cùng một lá đơn. Điều này chỉ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy rối mắt. Bạn hãy luôn nhớ rằng "simple is the best" (đơn giản vẫn là tốt nhất) đặc biệt là với những thứ trang trọng như đơn xin việc. Ngoài ra, đơn xin việc của bạn cần ngắn gọn, súc tích và khơi gợi trí tò mò. Bạn đừng viết dài dòng lan man bởi tất cả đã được nói rõ trong CV. Nhiệm vụ của đơn xin việc chỉ là trình bày ngắn gọn nguyện vọng của ứng viên mà thôi.

 

4. Không sai lỗi chính tả

 

Nếu đơn xin việc chỉ có nội dung hay và rõ ràng thôi thì vẫn chưa đủ. Sau hết, bạn cần đặc biệt chú ý đến lỗi chính tả trước khi gửi đơn đến nhà tuyển dụng. Hãy đảm bảo rằng đó là lá đơn hoàn thiện và chỉn chu nhất có thể của bạn. Từ đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thái độ ứng viên có chân thành và nghiêm túc hay không. Với đơn xin việc bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác nếu không giỏi thì cách tốt nhất là nhờ người giỏi hơn tư vấn giùm. Mặc dù không phải nhà tuyển dụng nào cũng "vạch lá tìm sâu" soi xét từng câu từng chữ của bạn nhưng nếu được đọc một lá đơn xin việc chỉn chu thì vẫn tốt hơn.

 

5. Không nên gửi một mẫu đơn cho nhiều nhà tuyển dụng

 

Cuối cùng, sau khi hoàn thành lá thư xin việc ưng ý, bạn không nên vội vàng gửi đi cùng lúc cho nhiều nhà tuyển dụng. Mỗi công ty đều có những yêu cầu riêng. Bạn cần đọc kỹ yêu cầu của từng vị trí công việc và nhấn mạnh vào những kỹ năng, kinh nghiệm bạn có giúp đảm đương tốt vị trí đó. Gửi một mẫu đơn nhiều nơi không những khiến bạn bị loại từ vòng "gửi xe" mà còn ghi tên mình vào "danh sách đen" của nhà tuyển dụng, nhất là khi bạn lỡ nhầm tên công ty hay tên người tuyển dụng của công ty này với công ty kia. Bạn nên nhớ đầu tư thời gian và tâm huyết cho đơn xin việc không bao giờ là thừa thãi nếu muốn có được một công việc tốt.

 

Áp dụng "5 không" trên thì khả năng cao đơn xin việc của bạn sẽ có cơ hội lọt vào "mắt xanh" nhà tuyển dụng. Chúc bạn thành công!

 

                                                                                                Nhiên Phượng

Nguồn: careerlink.vn

 
 


 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024