Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/03/2021 19:03 # 1
thuphuong21
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 69/110 (63%)
Kĩ năng: 4/10 (40%)
Ngày gia nhập: 09/10/2020
Bài gởi: 619
Được cảm ơn: 4
Hai trận đánh nổi tiếng trong Chiến Tranh Napoleon


I. Trận leipzig — trận chiến lớn nhất Châu Âu trước thế chiến I

Chiến Tranh Napoleon vào thế kỷ 19 là tiền thân của hai cuộc Thế Chiến vào thế kỷ 20, trước tiên làm rung chuyển gần như toàn bộ phương Tây với Thế Chiến I, và sau đó là gần như toàn bộ thế giới với Thế Chiến II. Giống như hai cuộc Thế Chiến, Chiến Tranh Napoleon liên quan đến nhiều quốc gia, hậu quả ảnh hưởng khắp toàn cầu và đã thay đổi lịch sử thế giới.

Trận đánh lớn nhất trong Chiến Tranh Napoleon là Trận Leipzig — còn gọi là Trận Chiến Liên Minh — diễn ra từ ngày 16 tới ngày 19 tháng 10 năm 1813. Gần 60 vạn người tham gia trận đánh, phần lớn trong số đó đến từ các lực lượng liên minh đa quốc gia.

Quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của Napoleon tham gia Trận Leipzig vào khoảng 22 vạn người. Gia nhập với quân đội Pháp còn có quân đội từ Ý, Ba Lan, và Đức. Họ chiến đấu với liên quân từ Liên Minh Thứ Sáu, tham gia trận đánh này gồm quân đội Nga, Thụy Điển, Áo, và Phổ, thêm một lữ đoàn pháo binh của Anh, với quân số lên tới 38 vạn người.

Kết quả cuối cùng của cuộc chiến là người Pháp bị đánh bại. Thiệt hại gần 9 vạn nhân mạng, với số lượng người tham gia như vậy, Trận Leipzig trở thành trận đánh lớn nhất Châu Âu thời kỳ tiền Thế Chiến I.

Ngay từ đầu, mọi thứ đều không được thuận lợi với Napoleon, chính ông khơi mào cuộc chiến khi cho bao vây thành phố Leipzig của Đức. Mặc dù vị trí này mang lại cho ông rất nhiều lợi thế chiến thuật — địa hình bị chia cắt bởi một vài con sông hội tụ ở đây, và Napoleon kiểm soát tất cả các cây cầu bắc qua chúng — nhưng ông lại bị áp đảo bởi quân số.

Ngoài ra, do đội quân danh tiếng “Đại Quân” của ông bị đánh bại tại Nga vào năm trước nên đội quân ông chỉ huy lúc đó đa phần là lính mới gia nhập non kinh nghiệm. Mặc dù vậy, ông hi vọng vào lợi thế chiến thuật để dành chiến thắng.

Các chỉ huy phe đối nghịch là Sa hoàng Nga Alexander I (chỉ huy trưởng liên quân), Hoàng đế Áo Francis I, và Vua Phổ Frederick William III, tự tin vào kỹ năng quân đội của họ có thể đập tan lực lượng của Napoleon. Họ không những áp đảo về quân số mà còn vượt trội gấp đôi về số lượng súng pháo.

Trận chiến bắt đầu vào buổi sáng ngày 16 tháng 10 năm 1813, với những khu vực lân cận thành phố Leipzig. Các cuộc đụng độ chính xảy ra ở phía Bắc, xung quanh các làng Möckern, Groß-Wiederitzsch và Klein-Wiederitzsch, và ở phía Đông Nam, trong và xung quanh các làng Markkleeberg, Dölitz và Wachau.

Gia nhập vòng chiến ngoài những người lính bộ binh ra còn có pháo kích, kỵ binh, địa điểm là trên đường phố giữa các tòa nhà trong làng. Cả hai bên lao vào tàn sát lẫn nhau, giao tranh dữ dội và đẫm máu, cuối cùng ngày đầu tiên kết thúc trong bế tắc.

So với ngày đầu tiên dữ dội và quyết liệt, ngày thứ 2 diễn ra khá yên ả. Một trong những người lính của Napoleon là Trung úy Parquin, một người lính tiên phong trong đội Ngự Lâm Quân của Napoleon, đã nói rằng, “cả hai đội quân diễu qua diễu lại như đang duyệt binh” mà không chịu động thủ, và phần lớn lính Pháp “dành cả ngày để chùi tay và lau súng”.

Tuy nhiên, đã có vài cuộc đụng độ nhỏ. Khinh kỵ Nga tấn công một bộ phận của quân đoàn kỵ binh Pháp và dùng lực lượng xua đuổi kỵ binh Pháp, đập tan hàng ngũ của họ và gây tổn thất đáng kể.

Vào ngày 18, lòng tự tin của Napoleon bị thử thách. Ông nhận ra rằng quân đội của ông đang ở bên bờ vực bị bao vây hoàn toàn bởi lực lượng Liên Minh, và trên hết là quân lương đang cạn kiệt cả nguồn cung cấp và đạn dược. Ông đã cố gắng kêu gọi đình chiến, nhưng đề nghị của ông đã bị các nhà lãnh đạo Liên Minh từ chối.

Phía Liên Minh quyết định tấn công tổng lực, diễn ra trong 9 giờ đồng hồ đẫm máu và bạo lực, đẩy lùi lực lượng Pháp ra khỏi các ngôi làng và vị trí họ chiếm đóng quanh thành phố Leipzig. Probstheida, một ngôi làng nằm ở phía Đông Nam thành Leipzig là nơi diễn ra cuộc đụng độ dữ dội nhất với gần 1 vạn 2000 người ngã xuống chỉ trong vòng 3 tiếng.

Một số cuộc giao tranh bên phía Liên Minh có sự tham gia của người Bashkir, những chiến binh thảo nguyên của Nga, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Những chiến binh này, ăn mặc và trang bị theo phong cách đặc biệt giống với tổ tiên người Mông Cổ của họ 500 năm trước, chiến đấu theo cách giống như những chiến binh đó. Họ tấn công quân Pháp với tư thế của những cung thủ cưỡi trên lưng ngựa, cất tiếng hét xung trận và bắn từng loạt tên vào hàng ngũ quân Pháp.

Ngoài sự tàn khốc do giao tranh gây ra, Napoleon còn chịu nhiều tổn thất hơn vào ngày 18 do phản bội: hai lữ đoàn Saxon đào ngũ và gia nhập Liên Minh. Cuộc đào tẩu của họ để lại một lỗ hổng lớn trong phòng tuyến của Pháp mà Liên Minh có thể khai thác vào.

Mặc dù vậy, quân Pháp không muốn cho quân Liên Minh có được một chiến thắng dễ dàng, họ đã chiến đấu đến cùng để giữ vững vị trí của mình, thường chỉ nhượng bộ khi họ hết đạn hoặc bị áp đảo hoàn toàn. Tuy nhiên, bất chấp tinh thần dũng cảm đó, vào cuối ngày, rõ ràng là trận chiến đã thất bại. Quân số của Liên Minh đơn giản là quá lớn, và quân Pháp giờ đã cạn kiệt đạn dược.

Lựa chọn duy nhất của Napoleon hiện thời chính là cố gắng tránh để thiệt hại nhân mạng càng ít càng tốt (và cả niềm tự hào của ông) bằng cách vừa chiến đấu vừa rút lui dần dần. Ông ra lệnh cho đội quân lui về hướng Tây tới sông Elster. Cuộc rút lui diễn ra vào ban đêm với những người lính di chuyển âm thầm để tránh quân Liên Minh phát hiện ra.

Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày 19, quân Liên Minh đánh động về cuộc rút lui của quân Pháp nên tổ chức tấn công vào lực lượng Pháp từ phía Nam, Đông và Bắc. Cuộc rút lui qua Leipzig được đánh dấu bằng giao tranh ác liệt trong đô thị, với các cuộc đụng độ xảy ra từ tòa nhà này sang tòa nhà khác và trên các đường phố của thành phố. Trên đường rút lui đã xảy ra một thảm họa bi thảm đối với người Pháp. Napoleon ra lệnh phá bỏ cây cầu bắc qua sông Elster, để ngăn chặn quân Liên Minh truy đuổi. Tuy nhiên, do thông tin sai lệch khi lệnh được truyền xuống, cây cầu đã bị nổ tung trong khi quân Pháp vẫn đang băng qua. Kết quả là đã làm thiệt mạng nhiều lính Pháp, đồng thời cắt đường rút lui làm họ bị kẹt lại Leipzig, lúc này đã tràn ngập lực lượng của quân Liên Minh. Người Pháp nhận ra rằng không còn gì để mất, họ lập cứ điểm cố thủ trong các tòa nhà, chiến đấu tới tận viên đạn cuối cùng trong túi.

Nhiều đội quân chết đuối trong khi cố bơi qua sông Elster sau khi cây cầu bị phá hủy. Ngay cả những người đã bơi qua được bờ bên kia cũng không hẳn an toàn, họ trở thành đích ngắm cho các tay xạ thủ quân Liên Minh. Phần còn lại của lực lượng Pháp rút lui được về phía sông Rhine, hoàn toàn sụp đổ và mất tinh thần.

Tổng kết lại, khoảng 9 vạn người đã thiệt mạng trong 4 ngày chiến đấu. Ước tính có khoảng 3 vạn 8000 quân Pháp và hơn 5 vạn 4000 quân phía Liên Minh đã thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích. Có rất nhiều thương vong đến nỗi người dân địa phương không thể xử lý tất cả các thi thể, và nhiều xác chết vẫn nằm ngoài trời vào năm sau. Trận Leipzig do đó là trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến Tranh Napoleon, và là một điềm báo đáng ngại về chết chóc, bạo lực và sự hủy diệt xảy đến 105 năm sau, khi Thế Chiến I nổ ra.

II . Trận Waterloo — Sự sụp đổ cuối cùng của Napoleon

Trận Waterloo, hay còn gọi bằng cái tên mỹ miều tiếng Pháp là “La Belle Alliance”, diễn ra vào ngày 18 tháng 6 năm 1815, thất bại cuối cùng của Napoleon, chánh thức chấm dứt 23 năm chinh chiến giữa Pháp và các siêu cường khác ở Châu Âu. Trận đánh diễn ra trong Kế Hoạch 100 Ngày sau khi Napoleon tái phục hồi, cách 3 dặm (5 km) về phía Nam thị trấn Waterloo (cách 9 dặm (14,5 km) về phía Nam thủ phủ Brussels), giữa đội quân 7 vạn 2000 người của Napoleon và lực lượng liên quân gồm 6 vạn 8000 người dưới quyền chỉ huy của Wellington (trong đó có lính Anh, Hà Lan, Bỉ, và Đức) và khoảng 4 vạn 5000 lính Phổ dưới quyền chỉ huy của Gebhard Leberecht von Blücher.

SỰ TRỞ LẠI CỦA NAPOLEON VÀ PHẢN ỨNG CỦA LỰC LƯỢNG LIÊN MINH

Bị trục xuất tới đảo Elba vào tháng 5 năm 1814, Napoleon trở lại Pháp vào ngày 1 tháng 3 năm 1815, cập cảng Cannes với 1000 người. Ông dành được sự ủng hộ từ tầng lớp nông dân vùng nông thôn khi ông diễu hành tới Paris, và Louis XVII phải bỏ chạy khỏi quốc gia trước khi Napoleon tới thủ phủ này vào ngày 20 tháng 3.

Trong một hiệp định ký vào ngày 25 tháng 3, Vương quốc Anh, Phổ, Áo, và Nga đều lập quy ước rằng sẽ bảo tồn 15 vạn quân nhân sẵn sàng chiến đấu cho tới khi Napoleon bị lật đổ. Ngay sau đó, họ quyết định rằng quân đội đồng minh, lúc này đã lên tới 79 vạn 4000 người, nên tập hợp lại dọc theo biên giới với Pháp và hành quân tới Paris bằng các tuyến đường khác nhau. Nhưng thời gian cần để người Nga tiến tới sông Rhine đã làm chậm cuộc tiến công cho tới trước tháng 7, và điều đó giúp cho Napoleon có cơ hội tổ chức đội hình phòng thủ.

Napoleon có thể chỉ huy đội quân 16 vạn người trên tiền tuyến, nhưng ông bắt buộc phải phân bố nhiều người để bảo vệ biên giới. Bởi vì Louis XVII, người được khôi phục lại ngai vàng khi Napoleon lần đầu thoái vị, đã bãi bỏ lệnh cưỡng chế tòng quân, nên Napoleon không thể nào ngay lập tức điều động được số lượng lớn những cựu quân nhân đã giải ngũ về làm thường dân. Để giải quyết vấn đề này, ông nhanh chóng tuyển mộ lính cho một chiến dịch phủ đầu. Những người lính chưa tròn nghĩa vụ đều được gọi vào lực lượng, và chưa đầy 8 tuần, hơn 8 vạn người đã gia nhập quân đội.

Vào đầu tháng 6 — lúc này đã quá trễ cho chiến dịch Waterloo — đội quân cưỡng chế gia nhập năm 1815 được điều động tới các cứ điểm duyệt binh, và Napoleon hy vọng ông có được hơn 50 vạn lính dưới quyền trước mùa thu. Vào ngày 27 tháng 4, Napoleon quyết định tấn công Wellington và Blücher ở miền Nam Hà Lan (ngày nay là Bỉ), với hy vọng trước khi người Phổ và người Nga gia nhập với họ.

Chiến dịch của đồng minh nhằm chống lại Napoleon tiến hành trong gấp gáp vào đầu tháng 6, nhưng đội quân đang đóng tại Bỉ có chất lượng không được rõ ràng lắm. 4 quân đoàn của Blücher gồm nhiều người lính thiếu kinh nghiệm bị cưỡng chế tòng quân trong số 12 vạn người. Còn về phía Wellington, quân số hơn 9 vạn 3000 người trước chiến dịch, đã mô tả đội quân của mình là “khét tiếng”. Nhưng trong số 3 vạn 1000 người dưới quyền chỉ huy của ông, nhiều người chưa tham gia trận chiến nào. Trong số đội quân 2 vạn 9000 người Hà Lan dưới quyền William, Hoàng tử xứ Orange (sau này là William II), nhiều người không đáng tin cậy vì đã phục vụ Napoleon hơn 1 năm trước đây. Số còn lại trong đội quân đa quốc gia này bao gồm 1 vạn 6000 người vùng Hanover, khoảng 6800 người Brunswick, và 6300 người thuộc Binh đoàn Lê dương Đức dưới quyền Vua George III. Chỉ có trung đoàn cuối cùng này, những cựu binh từ Chiến Tranh Bán Đảo, là có thể tin tưởng được. Vì vậy, phần lớn đội quân chống lại Napoleon không thể sánh được với lực lượng quân Pháp đông đảo và nhiều kinh nghiệm. Wellington và Blücher đồng ý hỗ trợ lẫn nhau nếu bị tấn công, nhưng việc thiếu bất kỳ sự chuẩn bị nào trước ngày 15 tháng 6 cho thấy họ không thực sự chú ý tới khả năng này.

TRẬN QUATRE-BRAS VÀ LIGNY — NHỮNG PHÁT PHÁO ĐẦU TIÊN

Quân đội Pháp đầu tiên tiến tới miền Nam Hà Lan vào ngày 15 tháng 6, và tới cuối ngày, bằng cách điều động khéo léo và táo bạo, Napoleon đã đảm bảo được nhu cầu chiến lược thiết yếu cho mình. Ông triển khai đội hình trên một mặt trận rộng 12 dặm (19 km), ngăn cách quân Phổ và quân Anh ra và sẵn sàng đối đầu với họ. Sáng sớm ngày 16 tháng 6, Napoleon lên kế hoạch chuyển phần lớn đội quân của ông sang cánh trái để đối đầu với Wellington dọc theo tuyến đường Charleroi—Quatre-Bras—Brussels, nhưng ông sớm chú ý rằng lực lượng Phổ đóng tại Ligny rất mong manh.

Để dành được khu vực giao nhau tại Quatre-Bras, Napoleon điều động một lực lượng dưới quyền Nguyên soái Michel Ney, vị chỉ huy mà Napoleon đã mô tả là “người dũng cảm nhất trong những người dũng cảm” vì hành động của ông tại Nga. Tuy nhiên, Ney lại quá thận trọng trong khi tiến lại vị trí của quân đồng minh, giúp cho Wellington có cơ hội tăng cường quân số và giữ vững Quatre-Bras sau một ngày giao tranh bất phân. Quân đồng minh tổn thất khoảng 4700 người trong khi quân Pháp là 4300 người.

Bản thân Napoleon dẫn đầu cuộc tấn công vào lực lượng của Blücher tại Ligny, và người Phổ thoát được một trận hủy diệt toàn diện do sai lệch thông tin giữa các chỉ huy Pháp. Blücher triển khai 3 quân đoàn (vào khoảng 8 vạn 3000 người) ở một con dốc phía trước, vị trí đã trao cho ông tầm quan sát bao quanh thung lũng bên dưới nhưng người của ông sẽ phải chịu pháo kích. Kế hoạch tấn công của Napoleon dựa vào quân đoàn dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Jean-Baptiste Drouet với nhiệm vụ cày nát cánh phải của quân Phổ. Tuy nhiên, quân đoàn của Drouet bị vướng quyền chỉ huy với Ney, và hàng loạt cuộc xung đột giữa Ney và Napoleon dẫn tới việc Drouet hành quân vô nghĩa qua lại giữa 2 chiến trường trong ngày 16 tháng 6.

Quân đội của Blücher chiến đấu một cách ngoan cường, nhưng họ quá thiếu kinh nghiệm cũng như thể lực so với các cựu binh Pháp, và cho tới buổi chiều, Napoleon đã sẵn sàng cho đợt tấn công kết liễu vào trung tâm quân Phổ khi quân đoàn của Drouet xuất hiện. Vào thời khắc đó, một đội quân mạnh mẽ khác xuất hiện ở hậu phương quân Pháp, và cac bộ phận bên cánh trái quân Pháp bắt đầu rút lui khi trông thấy mối đe dọa. Blücher chớp lấy thời cơ này tấn công tổng lực, nhưng bị chặn bởi Đội Cận Vệ Hoàng Gia của Napoleon.

Bước ngoặt của trận đánh giờ đây thay đổi: lính của Blücher đã ra quân và Napoleon đã được thông báo là đội quân lạ đó, trên thực tế là của Drouet, giờ đã rút lui theo lệnh điều động của Ney. 2 tiếng sau, ông ra lệnh Cận Vệ Hoàng Gia tấn công trung tâm quân Phổ. Đội Cận Vệ tấn công vào Ligny sớm sau 7:30 tối, theo sau đó là đội kỵ binh, và hàng ngũ quân Phổ bắt đầu sụp đổ. Adolf, Nam tước von Lützow, dẫn dắt kỵ binh phản công nhưng thất bại và bị người Pháp bắt giữ, và vị chỉ huy 72 tuổi Blücher đã để con ngựa của mình bị bắn chết trong khi điều phối quân Phổ rút lui. Bị ghìm chặt bởi việc mất ngựa cũng như đội kỵ binh chiến đấu xung quanh ông, Blücher được cứu thoát bởi trợ lý hậu cần và được kéo ra khỏi chiến trường. Bóng tối và sự chống trả kiên cường của 2 cánh quân Phổ đã ngăn cản Napoleon tấn công vào trung lộ nhằm tránh bị quân Pháp vượt qua. Nhưng chiến thắng cho người Pháp là quá rõ ràng. Người Phổ thiệt hại 1 vạn 2000 nhân mạng, trong khi người Pháp mất xấp xỉ 1 vạn người. Suốt đêm đó, một đội 8000 quân Phổ, được tuyển mộ từ các tỉnh cũ thuộc Đế chế Pháp, đã bỏ rơi hàng ngũ của Blücher và đào thoát về phía Đông tới Liege, cách xa quân Pháp và trận đánh lớn sắp tới.

Lực lượng của Blücher, tạm thời nằm dưới quyền chỉ huy của Agust, Bá tước Neidhardt von Gneisenau, tiếp tục lui về Wavre vào ngày 17 tháng 6, để lại người Pháp giờ đây chĩa mũi dùi vào Wellington. Tuy nhiên, Napoleon tỏ ra quá thận trọng với lợi thế ông đang nắm. Vào giữa ngày 17, Nguyên soái Emmanuel de Grouchy với quân số 3 vạn 3000 người — gần 1/3 tổng quân số 10 vạn 5000 của Napoleon — tiến hành truy đuổi Blücher nhằm loại bỏ lực lượng của ông ra khỏi trận đánh sắp tới. Ở cánh trái, Ney vẫn không làm gì để cản trở việc rút lui của Wellington khỏi Quatre-Bras, và hành động cuối cùng của quân Pháp đã bị cản trở bởi một cơn bão lớn. Nhận được lời hứa tăng cường quân lực của người Phổ vào ngày hôm sau, Wellington kết thúc ngày 17 bằng việc đóng quân tại một vị trí phòng thủ vững chắc dọc theo sườn núi phía Nam Mont-Saint-Jean.

NHỮNG GIỜ ĐẦU TIÊN CỦA TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH — TRẬN WATERLOO

Địa điểm diễn ra trận đánh vào ngày 18 tháng 6 là khu vực bao gồm hai rặng núi thấp được ngăn cách bởi một thung lũng có bề rộng không quá 1.200 yard (khoảng 1,1 km). Tuyến phòng thủ đầu tiên của Wellington là một con đường đất từ Braine-l’Alleud, chạy về phía Nam của làng Mont-Saint-Jean dọc theo đỉnh của sườn núi phía Bắc. Đoạn đường hẹp có nhiều chỗ ẩn nấp, và phần lớn lực lượng của Wellington đóng quân trên con dốc ngược phía sườn núi để che chở khỏi pháo binh Pháp. Hai đồn tiến công nằm cách giới tuyến chính khoảng 500 yard (khoảng 450 m) bổ sung hỏa lực cho cứ địa quan trọng của trận đánh sắp tới: Lâu đài và phần đất xung quanh tại Hougoumont và, khoảng 1100 yard (khoảng 1 km) về phía Đông là trang trại và bãi cát tại La Haye Sainte.

Trước khi tấn công vào hàng ngũ quân Anh, Napoleon yêu cầu xoay hướng tấn công vào Lâu đài Hougoumont. Vùng đất ướt át xung quanh đã làm chậm hướng tấn công của ông, và vào lúc 11:35 sáng, những phát pháo đầu tiên của đơn vị pháo binh dưới quyền Nguyên soái Honoré Charles Reille đã mở màn Trận Waterloo. Trong 1h30p sau đó, trận đánh chỉ giới hạn tại Hougoumont.

Vào lúc 1h chiều, khi ông đang chuẩn bị chỉ thị một loạt bắn lớn gồm 80 đại pháo gần La Belle Alliance để pháo kích vào trung tâm của đối phương, vị hoàng đế cảm nhận được một đội quân khổng lồ đang lùa ra từ cánh rừng ở Chapelle Saint-Lambert, cách 6 dặm (10 km) về hướng Đông Bắc. Ông nhận ra đó là Quân Đoàn IV (3 vạn người) của Friedrich Wilhelm, “Freiherr” (Nam tước) xứ Bülow, và theo sau đó là quân đội Phổ.

Một lệnh điều động nhanh chóng được gởi tới Groichy, yêu cầu ông gia nhập trận địa và đối đầu với Bülow, nhưng thông tin không tới được ông cho tới 5h chiều. Lúc này, Grouchy đang hoàn toàn lo đối phó với Quân Đoàn III của Johann Adolf Thielmann tại Wavre, và ngay cả khi ông có thể hành quân tới đó, ông cũng không thể hội hợp với Napoleon trước khi đêm xuống.

Napoleon vẫn nuôi hy vọng đánh bại Wellington trước khi quân Phổ gia nhập. 2 đơn vị kỵ binh được gởi tới chặn đường tiến công của Bülow, và một quân đoàn dưới quyền chỉ huy của George Mouton, Bá tước de Lobau, theo sau bọc hậu cho họ. Vào lúc 1:30 chiều, mọi sự sắp xếp đã chuẩn bị xong. Các khẩu pháo ở La Belle Alliance bắt đầu khai hỏa, và 1 vạn 8000 lính bộ binh dưới quyền Ney và Drouet hành quân vào trung tâm của quân đội đồng minh 30p sau đó. Không có kỵ binh tham gia vào cuộc tiến công này, và bộ binh Anh đụng độ với người của Drouet với hỏa lực mạnh nhất.

Quân Pháp tấn công với một đội hình khác thường: 3 hàng dọc, với 200 người thành hàng ngang, xếp thành 24—27 hàng. Do đó, họ không thể bắn trả hiệu quả cộng với nguy cơ bị pháo kích. La Haye Sainte bị tấn công nhưng chưa chiếm được, và Papelotte thì bị bao vây. Chỉ huy đội kỵ binh của Wellington, Henry Paget, Bá tước xứ Uxbridge (sau này là Hầu tước thứ nhứt xứ Angelsey), điều động kỵ binh xông vào hàng ngũ vô tổ chức của quân Pháp. Người Pháp rút lui khỏi Papelotte nhưng không thể ngăn chặn bước tiến của kỵ binh. Bị mờ mắt bởi chiến thắng, đội kỵ binh của Lãnh chúa Edward Somerset và Ngài William Ponsonby phớt lờ hiệu lệnh quay lại của Uxbridge và tiếp tục tấn công quân Pháp. Kết quả là Ponsonby thiệt mạng cùng với 2500 kỵ binh Anh. Thay vào đó, Wellington đã vượt qua cuộc khủng hoảng đầu tiên. Quân đoàn của Drouet bị đẩy lùi khỏi các sườn núi trước chiến tuyến của quân Anh với thương vong nặng nề và mất 3000 tù binh.

Vào lúc 3:00 chiều, cường độ của cuộc giao tranh đã giảm xuống một chút. Ngoại lệ là ở Hougoumont, nơi 1200 quân đồng minh tiếp tục cầm chân quân Pháp vượt trội về quân số. Napoleon ra lệnh cho Ney nhanh chóng chiếm giữ La Haye Sainte để chuẩn bị cho một đợt tấn công mới từ quân đoàn của Drouet và Reille cũng như của Đội Cận Vệ Hoàng Gia. Hai lữ đoàn bộ binh mà Ney điều động đến La Haye Sainte đã bị đẩy lui, và Ney, sau đó, đã đưa phần lớn kỵ binh Pháp vào một hành động nguy hiểm chết người.

Nhận định về việc vận chuyển người bị thương và các đoàn xe chở đạn từ trung lộ của Wellington lên tiền tuyến, vào lúc 4:00 chiều, Ney điều động 2 sư đoàn kỵ binh dưới quyền Édouard-Jean-Baptiste Milhaud tiến hành bao vây, nắm lấy cơ hội thay đội trận chiến, hay như chính ông đã nghĩ như vậy. Tệ hơn nữa, không hỏi ý kiến cấp trên, Charles Lefebvre-Desnouettes yêu cầu đơn vị kỵ binh của ông theo sát Milhaud. Người Anh phản ứng bằng cách thành lập đội hình bộ binh hình vuông — là một đội hình phòng thủ lõm vào bên trong và sâu vài lớp đã được chứng minh là hiệu quả khi đối phó với kỵ binh.

Mặc dù kỵ binh Pháp cực kỳ kiên quyết, nhưng cuộc tấn công của kỵ binh có rất ít cơ hội thành công khi hầu như không có bộ binh và pháo binh yểm trợ chống lại đội hình vuông của quân Anh. Các xạ thủ Anh đã gây thiệt hại nặng nề với 5.000 “cuirassier” (kỵ binh hạng nặng) bị tiêu diệt khi leo lên các con dốc giữa Hougoumont và La Haye Sainte.

Bị đẩy lùi bởi đội kỵ binh còn lại của Uxbridge, các kỵ binh Pháp tái lập đội hình, nhưng đợt tấn công thứ 2 của họ vẫn thất bại. Mặc dù chỉ trích việc sử dụng kỵ binh không có người đi kèm quá sớm của Ney, nhưng Napoleon vẫn quyết định cho ông cơ hội nữa. Hai sư đoàn kỵ binh của François-Étienne Kellermann được cử tới để hỗ trợ Ney, và được bổ sung thêm sư đoàn kỵ binh của Claude-Étienne Guyot từ Đội Cận Vệ. Hiện có 9000 kỵ binh chuẩn bị tấn công trên một mặt trận bị giảm xuống còn 500 yard (450 m) bởi các vùng hỏa lực xung quanh Hougoumont và La Haye Sainte.

Trong khi đó, ở cánh phải của quân đội Pháp, vào khoảng 4:30 chiều và sau cuộc hành quân kéo dài 11 tiếng, các sư đoàn hàng đầu của Bülow đã nổ súng từ Paris Wood vào kỵ binh Pháp. Lobau quyết định giao chiến với quân Phổ trước khi Bülow có thể triển khai lực lượng còn lại của mình. Blücher, người đã đi cùng quân đoàn của Bülow, chuyển hướng tấn công của quân Phổ sang Plancenoit, buộc Lobau phải lùi lại và tách một lữ đoàn ra để bảo vệ thị trấn. Bị vượt trội bởi quân số nên cuối cùng người Pháp buộc phải rút lui khỏi Plancenoit, và Napoleon điều đơn vị Cận Vệ Trẻ của Philippe-Guillaume Duhesme tới để hỗ trợ. Thành công của Duhesme ở đó giúp làm giảm áp lực lên cánh phải của Pháp vào lúc này.

KHỦNG HOẢNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGƯỜI PHÁP

Vào khoảng 5:30 chiều, Ney tiêu hao hết sức lực còn lại của kỵ binh trong những nỗ lực tuyệt vọng nhằm chọc thủng phòng tuyến của quân Anh. Vào lúc 6:00 chiều, sau đợt tấn công cuối cùng của kỵ binh, Ney ra lệnh cho 6000 bộ binh đang đứng yên vị trí cách Wellington chưa đầy 1 dặm. Họ gặp phải pháo kích hạng nặng và hỏa lực nên nhanh chóng bị đánh lui. Để đáp trả lại mệnh lệnh, Ney cuối cùng cũng chiếm được La Haye Sainte. Một đội pháo binh được đưa tới bắt đầu pháo kích vào trung lộ quân Anh chỉ cách đó 300 yard (270 m). 3 trong số các sư đoàn đã phát động đợt tấn công chính đầu tiên tiến lên sườn núi, nơi xảy ra một cuộc đấu tay đôi trong tuyệt vọng.

Giờ quyết định của trận đánh đã đến. Người Pháp phải nhanh chóng đánh bại Wellington trước khi sự xuất hiện của một quân đoàn Phổ khác làm mất cân bằng lực lượng. Nguồn dự trữ của Wellington gần như cạn kiệt: thương vong nặng nề và làn sóng đào ngũ khiến trung lộ gần như bỏ ngỏ trước bất kỳ đợt tăng cường tấn công nào của quân Pháp. Ở cánh trái của Wellington, quân Pháp đã chiếm được Papelotte lần thứ 2, và ở bên cánh phải, cuộc đụng độ gay gắt tiếp tục diễn ra tại Hougoumont.

Cho tới khi Quân Đoàn I dưới quyền Hans Ernst Karl von Zieten, đang ở gần Ohain (cách 3 dặm (5 km)) tới, thì Wellington không có bất kỳ quân tiếp viện nào. Ney nhận thấy sự dao động ở trung lộ của Wellington và gửi yêu cầu đến hoàng đế để tăng cường bộ binh. Napoleon từ chối giao cho ông ta bất kỳ tiểu đoàn nào trong số 14 tiểu đoàn Vệ Binh đang được giữ trong lực lượng dự bị. Ông quá bận tâm tới cánh phải — nơi Duhesme vừa bị quân Phổ đuổi ra khỏi Plancenoit — để ghé mắt tới cuộc khủng hoảng ở trung lộ quân đồng minh. Hai tiểu đoàn Ngự Lâm Quân được lệnh tiến công Plancenoit, truy đuổi quân phòng thủ Phổ cách đó 600 yard (550 m) về phía Đông, và Duhesme cùng Đội Cận Vệ Trẻ tái bao vây Plancenoit.

Vào lúc 7:00 tối, với việc 2 bên cánh đã được bảo vệ, Napoleon quay sang mặt trận chính. Mặc dù ông đã ra lệnh cho 6 tiểu đoàn Vệ Binh tham chiến cùng Ney chỉ vài phút sau khi tái chiếm Plancenoit, nhưng Wellington đã được nghỉ ngơi đủ để tổ chức lại lực lượng phòng thủ. Cuối cùng thì Zieten đã tiến lên bên cánh trái quân Anh, điều động bộ binh và kỵ binh tiến vào trung lộ đang bị đe dọa của Wellington. Wellington sau đó đã quét sạch người Pháp đang kiệt sức khỏi sườn núi trước khi họ có thể gia nhập với Đội Vệ Binh. Thay vì đi theo con đường ngắn nhất tới Brussels, nơi có khả năng ẩn nấp đáng kể, Ney dẫn đầu 5 tiểu đoàn tham gia cuộc tấn công băng qua các sườn núi không được bảo vệ.

Quân Phổ tập trung quân số áp đảo tại Papelotte, và ở cánh phải của Pháp, một cuộc rút lui vô tổ chức đã được lập lại. Vào khoảng 8:15 tối, sau khi Đội Vệ Binh bị đánh bại, Wellington ra lệnh tổng tiến công. Sự nhầm lẫn nghiêm trọng được tạo ra trong khu vực xung quanh La Belle Alliance, nơi phần lớn quân đội Pháp bị đẩy lùi bởi các cuộc tấn công quân đội Anh và Phổ.

Vào lúc 9:15 tối, Blücher và Wellington gặp nhau tại La Belle Alliance như những người chiến thắng. Họ quyết định rằng quân Phổ nên tiếp tục truy đuổi. Blücher hội họp với quân đoàn Bülow tại Genappe, cách 5,6 dặm (9 km) về phía Đông Nam, từ đó có thể nhìn thấy đám đông dày đặc những kẻ đào tẩu. Với 4000 người, Gneisenau tổ chức truy đuổi tới Frasnes (cách 11 dặm (18 km) về phía Nam của chiến trường Waterloo), với hàng đoàn người Pháp đang rút lui trước mặt ông. Chiến thắng áp đảo đã phải trả bằng cái giá rất đắt. Thương vong của Wellington vào khoảng 1 vạn 5000 người, của Blücher là khoảng 8000 người. Napoleon thiệt hại 2 cạn 5000 người và 9000 người bị bắt.

Từ bỏ đội quân đang tan rã của mình, Napoleon quay về Paris vào sáng ngày 21 tháng 6 và thoái vị vào ngày tiếp theo. Vào ngày 5 và 6 tháng 7, quân đội Pháp bắt đầu một cuộc hành quân bất đắc dĩ về phía Nam sông Loire, tại đó họ bị giải tán. Các đồng minh tiến vào Paris vào ngày 7 tháng 7, và Louis XVIII được đưa lên ngai vàng vào ngày hôm sau. Napoleon tới bờ biển phía Tây, và khi nhận ra kế hoạch đào tẩu sang Hoa Kỳ bị phát hiện bởi Hạm đội Hải quân Anh, ông đã đầu hàng với thuyền trưởng của chiến hạm HMS Bellerophon vào ngày 15 tháng 7. Ông dành phần đời còn lại lưu vong trên đảo St. Helena.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024