Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/03/2021 19:03 # 1
thuphuong21
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 69/110 (63%)
Kĩ năng: 4/10 (40%)
Ngày gia nhập: 09/10/2020
Bài gởi: 619
Được cảm ơn: 4
Thương nghiệp Châu Âu thời Trung Cổ


I. LIÊN MINH HANSEATIC — THỐNG TRỊ THƯƠNG HẢI VÙNG BALTIC

Biển Baltic là một khu vực lịch sử quan trọng trong việc giao thương thông qua đường hàng hải. Với vị trí địa lý đặc biệt của nó, là điểm kết nối giữa các cường quốc và các trung tâm thương mại khác, luôn là tâm điểm cho các thương nhân và các đoàn lữ hành vùng Bắc Âu. Nhưng một tuyến đường quan trọng như vậy thường là miếng mồi ngon cho các phe phái quyền lực đối đầu nhau để dành quyền thống trị. Và một lực lượng nổi bật lên trong số đó chính là Liên Minh Hanseatic.

Là một liên minh các hội nhóm thương gia hùng mạnh và giàu có nổi lên nhanh chóng, Liên Minh Hanseatic đã chứng tỏ cho người ta thấy được làm thế nào mà một mạng lưới các thương thành hoạt động đúng đắn gây lợi cho mọi người về lâu dài, tạo ra của cải mà không vấp phải sự phản đối nào. Liên minh các thương gia này được thành lập vào thời Trung Cổ, tồn tại qua 3 thế kỷ, thống trị các chuyến giao thương hàng hải khu vực Bắc Âu và tạo nên một mạng lưới rộng khắp mang lại sự thạnh vượng cho khu vực. Hôm nay chúng ta sẽ đi sâu vào khu vực này để tìm hiểu về một trong các liên minh thương gia lớn nhất từng tồn tại.

THÀNH LẬP LIÊN MINH HANSEATIC

Khu vực các bờ biển Baltic và Bắc Âu là một khu vực quan trọng để giao thương. Từ những ghi chú sớm nhất trong các cuốn biên niên sử, vùng Baltic nổi tiếng bởi các trung tâm thương mại giàu có và kết nối với vô số các bộ tộc và sắc dân, mà luôn có một thứ hàng hóa đặc sắc khác nhau để trao đổi.

Trong suốt thời Trung Cổ, các khu vực ven bờ Biển Baltic là nơi tọa lạc các thành thị của người Slav, trong khi về phía Đông Bắc là nơi định cư của các bộ tộc vùng Baltic như người Curonian, người Samogitian, người Yotvingian, và người Phổ.

Liên minh các bộ tộc Obodrite người Slav hùng mạnh và các bộ tộc người Pomeranian khác thống trị khu vực là miền Trung-Bắc nước Đức ngày nay và ho đã xây dựng nhiều trung tâm thành thị tại đây. Hơn nữa, người Viking sở hữu nhiều trung tâm thương mại lớn, như thành Birka, Hedeby, và Visby. Nhưng khi các bộ tộc người Slav bị xóa sổ phần lớn thông qua các cuộc thánh chiến hay xung đột bạo lực, các thành thị của họ bị sát nhập vào xứ German. Một vài thành thị trong số đó sau này đóng vai trò quan trọng nhất cho nước Đức thời Trung Cổ, cũng như gây ảnh hưởng tới Liên Minh Hanseatic. Một vài thành thị từng thuộc về người Slav có thể kể tới như Stralsund (từ tiếng Slav “strela” nghĩa là “mũi tên”), Rostock (rastoka, nhánh sông), Wismar (Wyszemir), và tối quan trọng nhất là thành Lübeck (Liubice, xinh đẹp).

Lübeck luôn là trung tâm của việc giao thương toàn vùng Baltic. Thành này trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất khu vực. Nhiêu bộ tộc và sắc dân tụ họp tại đây, với một khối lượng lớn đổ về đây rồi tỏa ra các thương thành xung quanh. Người Scandinavia là những người tiên phong trong việc giao thương. Thành Visby, nằm trên đảo Gotland, là một trung tâm thương mại lớn, và từ đây các thủy thủ xuôi dòng dọc hệ thống sông ngòi trong lục địa Baltic cho tới tận Novgorod. Nhưng chính thành Lübeck sẽ trở thành trái tim của thế giới Hanseatic khi thương mại hàng hải mang lại những thay đổi quan trọng cho khu vực. Nhiều học giả cho rằng Liên Minh Hanseatic được thành lập sớm nhất là vào khoảng năm 1159. Đó là năm thành Lübeck được củng cố và tái xây dựng sau khi bị chiếm đóng bởi Henry Hùng Sư, Công tước xứ Saxony và Bavaria.

Ngay cả trước đó, Lübeck là một thành phố cảng vùng Baltic tại một vị trí quan trọng mang tầm chiến lược. Người Slav xây dựng nên thành này vào năm 700 Công Nguyên, và nó vẫn trụ vững cho tới tận năm 1128, khi nó bị san bằng bởi một bộ tộc Slav khác. Sau đó nó được tái xây dựng lại bởi người German. Vào khoảng năm 1200, tầm quan trọng của thành phố cảng này được thể hiện ở vị trí nằm giữa Bắc Hải, Bán đảo Scandinavia và vùng Baltic.

Với tầm quan trọng này, các trung tâm thương mại khác của người German cũng ngày càng ăn nên làm ra. Khi Lübeck trở thành điểm tụ hội của vô số các thương gia từ khắp Đông, Tây, và Bắc, các hội thương nhân dần xuất hiện. Các bang hội này, tiếng German gọi là “hansa”, giao thương với thành thị hải ngoại và hỗ trợ lẫn nhau. Các bang hội này nổi lên tại các thành thị liên quan đến thương mại vùng Baltic. Vào lúc đó, mỗi thành thị liên quan tới Liên Minh Hanseatic đều có một đội quân riêng. Nhưng quan trọng nhất là các thành thị này luôn hỗ trợ lẫn nhau, loại bỏ cạnh tranh và tạo thành một liên minh các thương thành.

QUYỀN TỰ TRỊ VÀ QUYỀN LỰC

Các thành thị thuộc vành đai thương mại Baltic mang lại vô số thay đổi về kinh tế và thương mại hàng hải trong thời đại này. Nhiều thành phố và các tổ chức đại diện, được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, cố gắng miễn trừ các hạn chế thương mại cho các thương gia Hanseatic. Hamburg — một trong những thành phố quan trọng nhất của Liên Minh Hanseatic mới nổi — đã dành được vị thế của một “thành thị tự do thuộc Hoàng gia” vào năm 1189.

Một “thành thị tự do thuộc Hoàng gia” tương tự cho một chứng chỉ quyền tự trị so với thành thị khac trong Đế chế La Mã Thần Thánh. Lübeck cũng nhanh chóng nối gót Hamburg sau đó, đạt được danh hiệu này vào năm 1226. Một khía cạnh quan trọng cho tương lai của cả hai thành thị này là Hamburg và Lübeck xây dựng liên minh vào năm 1241. Mỗi thành thị đều nắm giữ một vị thế đặc biệt trong mạng lưới thương mại: Hamburg kiểm soát giao thương muối, còn Lübeck kiểm soát các khu vực đánh bắt thủy hải sản. Cùng nhau, cả hai thành thị này giữ vị thế độc quyền các loại hải sản ướp muối khô trong mạng lưới thương mại, một trong những sản phẩm độc đáo được mua bán nhiều ở vùng Baltic.

Khi một thành thị hùng mạnh khác, Cologne, gia nhập Liên Minh Hanseatic, liên minh này phát triển với tốc độ chóng mặt và tiến tới thống trị toàn bộ mạng lưới giao thương. Vua Henry III nước Anh trao cho các thành thị thuộc Liên Minh Hanseatic quyền tự do trao đổi hàng hóa ở Anh, với mục đích hưởng lợi và ảnh hưởng của họ.

Giao thương ở thời điểm này không được an toàn lắm, do nạn cướp biển và các cuộc đột kích thường xuyên, và các thương nhân cần bảo đảm an toàn cho hệ thống hàng hóa của họ. Và khi các thành thị lớn khác gia nhập, liên minh này tiếp tục phát triển thạnh vượng. Một trong số đó là hội thương gia Visby, một đối thủ cũ của thành Lübeck. Các mạng lưới thương mại mở rộng tới phía Đông, tới tận thành Veliky Novgorod của Công Quốc Kiev Rus’.

CHỐNG TRỊ CÁC “HANSA”

Liên Minh Hanseatic phát triển bền vững vài thập niên tiếp theo. Các thành thị thuộc liên minh hay các “hansa” (thương hội) vào khoảng từ 70 tới 170 thành viên. Trên hết, Liên Minh Hanseatic đã thành lập một số trung tâm giao dịch quan trọng, phát triển thành các khu vực cần thiết cho hệ thống giao dịch bên ngoài mạng lưới thương mại thông thường của họ. Các trung tâm giao dịch này được gọi là “kontor”, và nằm ở Bruges (Flanders), London, Bergen (Na Uy), cũng như nhiều kho hàng dọc theo các bờ biển nước Anh.

Một số hàng hóa độc đáo chủ yếu trong mạng lưới Liên Minh Hanseatic tới từ đủ khắp nơi ở Bắc Âu. Có thể kể tới như muối từ Lüneburg, vải vóc từ Flanders, vải linen và thời trang quý tộc từ Anh, sáp, dầu hắc, gỗ, da thú, lông thú, da thuộc từ Nga, các loại ngũ cốc từ Phổ và Livonia, đồ thủy tinh từ Thụy Điển, cá ướp, cá trích và bia từ vùng Baltic, rượu vang từ Rhineland, và nhiều hàng hóa từ nhiều vùng khác nữa.

Vì hầu hết các thành thị thương mại tập trung ở Đức vào thời kỳ đó, thành công trong giao thương của nó có ảnh hưởng đáng kể đến quốc gia này. Mạng lưới tiếp cận rộng rãi đã mang các sắc dân, công nghệ và hàng hóa mới tới Đức, thúc đẩy sự phát triển và cải tiến các ngành công nghiệp. Và vì phần lớn hoạt động buôn bán thông qua đường biển, nên điều đó có nghĩa là các thời trang thịnh hành, đặc biệt là ở thời Phục Hưng, tìm đường tới Đức nhanh hơn nhiều.

Tất nhiên là, các hoạt động thương mại của Liên Minh Hanseatic là thương mại hàng hải nên các thương hội rất chú trọng vào các loại tàu thuyền hoạt động hiệu quả. Điều này dẫn tới nhiều phát minh tiến bộ trong ngành công nghiệp đóng tàu, để tạo ra nhiều loại tàu thuyền lớn chuyên chở nhiều hàng hóa hơn. Trước khi những tiến bộ này được đưa vào sử dụng, các thương hội hầu hết được trang bị tàu thuyền kiểu Frisian: một cột buồm, đóng bằng gỗ sồi đặc trưng của vùng Baltic từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12. Loại lớn nhất trong số này có tải trọng khoảng 90 tấn.

Thời gian trôi qua, với nhu cầu tăng cao, Liên Minh Hanseatic phát triển thiết kế các loại thuyền lớn hơn gọi là “Hanseatic cog”. Loại đơn giản nhất trong số này được thiết kế có một cột buồm lớn, nhưng có thêm phần boong nhỏ ở mũi và đuôi tàu. Loại thương thuyền lớn nhất có tới 3 cột buồm, chịu được tải trọng 200 tấn, một con số lớn vào thời kỳ đó. Loại thuyền này chủ yếu chạy nhờ sức gió, nhưng phần lớn ít tốn kém để đóng. Điều thú vị là “Hanseatic cog” đã mang lại một số thay đổi trong việc đóng tàu có ảnh hưởng đến tất cả các thiết kế của tương lai. Một trong số đó là việc bổ sung thêm các phần boong ở phía trước và phía sau, một thiết kế bổ sung được nhập khẩu từ Anh. Đây là những bệ nâng phòng thủ, được sử dụng để bảo vệ con tàu nếu cần. Theo thời gian, boong phía đuôi tàu được bao bọc hoàn toàn, điều này tạo ra thêm một cabin đặc biệt ở phía sau, dành cho thuyền trưởng, nơi sẽ trở thành một phần quan trọng của các loại tàu thuyền được xây dựng vào các thế kỷ sau.

LIÊN MINH HANSEATIC Ở ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC

Với việc cải tiến các loại thương thuyền cũng như mở rộng mạng lưới thương mại bao gồm nhiều thành thị hơn nữa, tình hình kinh tế được cải thiện rõ rệt. Hàng hóa giờ đây được giao dịch với số lượng lớn, do đó ảnh hưởng tới sự cải thiện của tất cả các ngành công nghiệp. Điều này cũng cho phép buôn bán nhiều mặt hàng hơn. Nhiều loại hàng hóa trước đây được coi như là hàng xa xỉ và chỉ được giao dịch trong quy mô nhỏ thì nay trở nên hợp túi tiền hơn và được giao dịch rộng rãi.

Các “kontor”, nét đặc trưng trong Liên Minh Hanseatic, mang lại sự thay đổi lớn cho ngành thương mại. Thời Đại Hanseatic còn mang lại nền kinh tế thị trường và giao dịch tiền tệ. Điều này đã thay đổi hệ thống buôn bán trao đổi hàng hóa cũ, tạo tiền đề thương mại lâu dài. Một ví dụ điển hình mà Thời Đại Hanseatic ảnh hưởng tới giao dịch số lượng lớn chính là cá. Các hội chợ và chợ truyền thống của vùng phía Nam Thụy Điển bị Đan Mạch chiếm đóng, là nơi giao dịch với số lượng lớn cá trích — hàng năm có khoảng 20 vạn tới 30 vạn tấn cá trích được giao dịch tại khu vực này.

Với danh hiệu “thành thị tự do thuộc Hoàng gia”, các thành viên của Liên Minh Hanseatic trực tiếp chịu trách nhiệm với Hoàng đế La Mã Thần Thánh, không phải với các quý tộc địa phương. Với mức độ tự trị này, Liên Minh Hanseatic nắm giữ rất nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực. Họ cũng được hưởng các đặc quyền từ Luật Lübeck*, trong đó nhấn mạnh đến quyền tự quản. Luật này được áp dụng cho hơn 100 thành thị thuộc Liên Minh.

Những lợi ích trên đối với Liên Minh Hanseatic trao cho họ khả năng tự gây chiến. Được hỗ trợ bởi lực lượng quân đội của chính họ, liên minh đã tham gia vào một vài cuộc xung đột. Một trong những cuộc chiến quan trọng nhất là cuộc chiến với Đan Mạch, diễn ra từ năm 1361 tới năm 1370, với phần thắng nghiêng về phía Liên Minh. Sau khi gây dựng liên minh với thành Cologne, họ loại bỏ 2 thành Copenhagen và Helsinki, buộc Vua Đan Mạch Valdemar IV phải cấp cho liên minh 15% lợi nhuận từ thương mại với Đan Mạch. Kết quả này đã mang lại cho Liên Minh Hanseatic một chỗ đứng lớn trong việc độc quyền kinh tế và thương mại tại Bán đảo Scandinavia.

SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN MINH HANSEATIC

Theo thời gian, bối cảnh chánh trị tại Châu Âu chứng kiến những thay đổi ngày càng tăng. Vào đầu thế kỷ 16, Liên Minh Hanseatic rơi vào tình thế ngày càng khó khăn do nền chánh trị thay đổi nhanh chóng. Các thế lực mới lên nắm quyền, dành lại mạng lưới thương mại từ tay Hanseatic. Đế chế Thụy Điển là một trong số đó, cũng như Đan Mạch. Đối mặt với thực tế cộng với sự sụt giảm trong giao thương, một số thành thị thuộc Liên Minh Hanseatic đã theo đuổi con đường cá nhân, tìm kiếm lợi ích của riêng họ. Do đó, vào giữa thế kỷ 16, Liên Minh Hanseatic đi vào giai đoạn thoái trào.

Không thể đối phó với những tổn thất ngày càng tăng từ các đối thủ cạnh tranh, một số “kontor” quan trọng nhất của Liên Minh đã bị buộc phải đóng cửa: một ở Antwerp bị đóng cửa vào năm 1593 và một ở London vào năm 1598. Cuối cùng, áp lực trở nên quá lớn. Liên Minh Hanseatic bị tàn phá bởi các cuộc đấu đá nội bộ và thiệt hại về kinh tế, rồi đi tới giải thể. Cuộc họp chánh thức cuối cùng của Liên Minh được tổ chức vào năm 1669, chỉ có đại diện của ba thành thị tham dự cuộc họp. Liên Minh Hanseatic chánh thức giải thể vào năm 1862.

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU ĐẦU TIÊN VÀ TÁC ĐỘNG TỚI LỊCH SỬ

Lịch sử phong phú của Liên Minh Hanseatic rất quan trọng đối với sự phát triển của Đức và khu vực Baltic. Những phát triển đáng kể của thương mại hàng hải vùng Baltic dưới thời Liên Minh Hanseatic đã đẩy khu vực này sang một kỷ nguyên mới cũng như đẩy nhanh sự phát triển của khu vực sang thời Phục Hưng và còn hơn thế nữa. Liên minh thể hiện được sự thành thạo và khéo léo của các hệ thống thương mại và cho thấy cách một liên minh các thương thành bán độc lập có thể tự hoạt động hiệu quả cũng như đảm bảo sự tồn tại của chính họ thông qua sự giàu có và thống trị các mạng lưới thương mại.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024