Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
20/02/2021 21:02 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Làm Thế Nào Để Ngưng Trì Hoãn Khi Công Việc Dường Như Quá Khó Khăn?


 

“Bạn đã chỉ trích bản thân quá nhiều năm mà chẳng có tác dụng gì cả. Hãy thử chấp nhận bản thân và xem điều gì sẽ xảy ra.” - Louise L. Hay

Tôi đã mơ ước có thể bắt đầu việc kinh doanh của riêng mình nhiều năm lắm rồi. Chính xác là đã mười năm.

Dù có một vài lý do khiến tôi mất khá nhiều thời gian để quyết tâm hành động, thế nhưng việc trì hoãn lại là lý do đứng đầu danh sách.

Thật khó khăn để thay đổi sự nghiệp và rời bỏ khoản lương ổn định, chưa kể đến việc tôi bị căng thẳng khi nghĩ đến thất bại. 

Ngay cả sau khi đã dành hàng tháng, hàng năm để học hành, nghiên cứu, và được cấp chứng chỉ, khi mà không còn là vấn đề về kỹ năng nữa, thì sự bất định của thành công vẫn đủ để khiến tôi tiếp tục trì hoãn việc bắt đầu tiếp thị bản thân.

Tôi đã sợ hãi việc phải thất bại. Tôi sợ mình không hoàn hảo. Tôi sợ mọi người nghĩ rằng mình là một trò đùa. Và tôi sợ rằng mình không đủ khả năng hoàn thành tất cả công việc mà nó đòi hỏi.

Vì vậy tôi lại lê đôi chân của mình và tiếp tục để công việc cho “Tôi của Tương Lai”.

Mặc dù tôi cũng làm tương tự với tất cả mọi thứ.  Trì hoãn nó cho tương lai.

“Sandy của Ngày Mai” có thể rửa chén đĩa. Cô ấy có thể lên lịch hẹn với bác sĩ. À, và để cô ấy gánh cả cuộc trò chuyện căng thẳng mà tôi cần phải có cùng với mẹ mình nữa.”

Ở một thời điểm tôi đã nhận ra rằng mình thường trì hoãn bởi vì tôi cần mọi thứ phải thật hoàn hảo.

  • Tôi sẽ không bắt tay vào thực hiện dự án thủ công hay thử nấu một món mới trừ khi tôi biết rằng kết quả sẽ hoàn hảo.

  • Hay tôi sẽ cứ điều chỉnh các dự án công việc cho đến giây cuối cùng và hơn thế nữa, và hy sinh cơ hội có thể hoàn thành nhiều việc hơn.

  • Hay tôi sẽ khổ sở vì từng tin nhắn hay email mà mình gửi đi, thường chọn không gửi bất kỳ tin nhắn nào trừ khi tôi biết chính xác mình cần phải nói gì. 

Thế nhưng, như bạn thấy đấy, tôi cũng đã đi được một chặng đường khá xa từ phiên bản đó của bản thân. 

Tôi đã bắt đầu việc kinh doanh của riêng mình (và tôi thật sự yêu thích nó!), và tôi đã tập hợp tất cả các công cụ tốt nhất của mình vào giấy về cách để ngừng trì hoãn - dù là tôi thật ra đã chần chừ khi viết bài này (thật trớ trêu, tôi biết!).

Hôm nay, tôi sẽ không để nỗi sợ với điều “không đủ tốt” ngăn tôi chia sẻ lời khuyên thực tế, hữu ích và những thay đổi tư duy để tiến lên và thoát khỏi bế tắc. 

Bởi vì khi chúng ta bế tắc, chúng ta lại bắt đầu kể cho chính mình nghe những câu chuyện. Vậy nên đó sẽ là nơi chúng ta bắt đầu, với câu chuyện chúng ta kể cho chính mình nghe về lý do chúng ta trì hoãn.

 

Cách Chúng Ta Định Nghĩa Sự Trì Hoãn 

Chúng ta có quan niệm sai lầm rằng trì hoãn chính là lười biếng.

Thế nhưng trì hoãn là một quá trình chủ động. Bạn lựa chọn làm một việc khác thay vì việc mà bạn biết rằng mình đáng ra nên làm.

Ngược lại, lười biếng chính là không quan tâm. Đó là sự thờ ơ, thiếu chủ động, và không sẵn sàng hành động. Đó là kiểu thái độ “Tôi có thể làm, tôi chỉ là không muốn làm”.

Nhưng khi bạn trì hoãn, bạn thậm chí còn thấy căng thẳng hơn bởi vì bạn vốn dĩ có quan tâm về việc hoàn thành công việc đó. Bạn chỉ đang trốn tránh sự căng thẳng và gặp khó khăn khi tìm kiếm động lực mà thôi. 

Bởi vì đó chính là lý do tại sao chúng ta trì hoãn.

Sự Trì Hoãn Thực Sự Là Gì Và Lý Do Tại Sao Chúng Ta Cứ Làm Thế

Sự trì hoãn là một kỹ thuật tránh căng thẳng. Nó là một quá trình chủ động để tạm thời tránh đi cảm giác khó chịu.

Trong tiềm thức, chúng ta đang tự nhủ rằng: “Tôi của Hiện Tại chưa sẵn sàng để trải qua cảm giác khó chịu này, nên tôi sẽ để nó cho Tôi của Tương Lai.”

(Chúng ta làm điều này như thể chúng ta đang nhờ một người lạ làm giúp công việc cho chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy trên fMRI rằng khi chúng ta nghĩ về bản thân trong tương lai, phần não sáng lên sẽ tương tự như khi chúng ta nghĩ về người lạ.)

Một tin thực sự thú vị chính là bằng cách nỗ lực vượt qua thói quen trì hoãn của chính mình, bạn cũng đang xây dựng nên sức bật tinh thần (resilience) tổng thể đối với sự đau khổ. 

Đây là cách tôi định nghĩa sức bật tinh thần: sự sẵn sàng để trải qua cảm giác khó chịu.

Những Ví Dụ Về Sự Trì Hoãn

Sự trì hoãn thường rất phức tạp. Đôi lúc rất rõ ràng rằng chúng ta đang làm điều đó. Đôi lúc chúng ta lại không nhận ra điều đó (như khi tôi phải tưới cây ngay lúc đó thay vì viết bài blog này).

Dưới đây là một vài ví dụ: 

  • Lướt Instagram thay vì bắt tay vào làm những việc quan trọng.

  • Trì hoãn công việc được giao cho đến khi sắp hết hạn.

  • Muốn bắt đầu một thói quen tích cực mới (ăn kiêng, tập thể dục, hay tiết kiệm tiền), nhưng năm lần bảy lượt trì hoãn nó trong khi tự nhủ “Mình sẽ sớm bắt đầu.”

  • Muốn bắt đầu kinh doanh nhưng lại lãng phí thời gian cho “chế độ nghiên cứu” thay vì hành động.

  • Làm công việc dễ dàng, ít quan trọng hơn và “cần phải được hoàn thành” trước khi chính thức bắt đầu.

  • Chờ đợi cho đến khi bạn “có hứng” để thực hiện công việc đó.

5 Bước Để Ngừng Trì Hoãn

Giờ đây chúng ta đã biết nó là gì và tại sao chúng ta làm thế, hãy thử tham khảo cách chấm dứt nó.

  1. Động viên bản thân với sự tử tế thay vì chỉ trích.

Điều thực sự đang kìm hãm không cho chúng ta tiến về phía trước chính là thứ ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng khi nói chuyện với chính bản thân mình. 

Những suy nghĩ như:

  • Tôi không muốn.

  • Sẽ rất khó khăn.

  • Tôi không biết làm thế nào.

  • Có thể kết quả sẽ không tốt như tôi mong muốn.

  • Có lẽ tôi sẽ thất bại.

  • Việc này sẽ rất nhàm chán.

Chính những điều mà chúng ta nghĩ này khiến chúng ta trì hoãn. Ý của tôi là, thật đấy, khi bạn đọc những ý nghĩ đó, chúng có vẻ như rất chán chường, không phải sao?

Cuộc tự trò chuyện tiêu cực này có một mục đích tốt. Nó đang cố cứu vớt chúng ta khỏi cảm giác khó chịu.

Thật không may, nó lại đang đạt được điều ngược lại bởi vì nó làm tăng thêm sự căng thẳng bằng cách khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ. 

Nếu bạn tự nói với mình bằng một thái độ tử tế, cũng giống như với một người bạn, bạn sẽ cảm thấy có động lực hơn rất nhiều. 

Vậy nên hãy nghĩ về điều mà bạn sẽ nói với người bạn ấy. Nó có thể giống như: 

  • Tôi hiểu được, có thể việc này sẽ không thoải mái, nhưng bạn sẽ hoàn thành nó sớm thôi và sau đó bạn có thể thư giãn.

  • Một khi bạn đã bắt đầu, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

  • Bạn có thể làm được! 

  • Nếu kết quả không được hoàn hảo, ít nhất thì bạn sẽ được luyện tập nhiều hơn.

  • Nếu bạn thất bại, bạn sẽ học được rất nhiều điều.

  1.  Tạo ra một tác nhân phá vỡ khuôn mẫu

Cuộc độc thoại tiêu cực ấy đơn giản đã trở thành một phần thói quen trì hoãn của bạn. 

Bởi vì đó chính là thứ mà sự trì hoãn trở thành - một thói quen - và thói quen thì bao gồm một dấu hiệu, một quy trình, và một phần thưởng.

  • Dấu hiệu là khi nghĩ về một công việc cần phải hoàn thành.

  • Quy trình là việc thực hiện cuộc độc thoại tiêu cực dẫn đến trì hoãn.

  • Phần thưởng đạt được chính là ít căng thẳng hơn. (Không phải là không còn căng thẳng, bởi vì trốn tránh công việc ấy vẫn có phần căng thẳng vì chúng ta biết rằng cuối cùng thì nó cũng cần phải được hoàn thành.)

Để chấm dứt thói quen này và tạo một thói quen mới, bạn cần phải lập ra một tác nhân phá vỡ khuôn mẫu.

Mel Robbins cũng đã thiết lập một chế độ như thế mang tên Luật 5 Giây. Khi bạn nghĩ Tôi nên thực hiện điều này”, ngay trước khi cuộc độc thoại tiêu cực bắt đầu, hãy đếm ngược “5-4-3-2-1- BẮT ĐẦU” và hành động thôi.

Tôi thấy cách này rất hữu ích mỗi khi mình gặp khó khăn lúc rời giường mỗi sáng. 

Nếu tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm động lực để thực hiện một việc gì đó khó khăn, chẳng hạn như viết một bài về sự trì hoãn, tác nhân phá vỡ khuôn mẫu chính là “Tôi có thể làm được những việc khó khăn.” Tôi không chỉ phá vỡ khuôn mẫu, mà còn thúc đẩy bản thân một cách tích cực.

Nếu tôi gặp khó khăn khi thực hiện những công việc nhàm chán và tẻ nhạt, ví như trả tiền thuế của mình, tôi có thể nghĩ “Tôi sẵn sàng cảm thấy không thoải mái ngay bây giờ để Tôi của Tương Lai có thể được bình yên.”

  1. Chia nhỏ nhiệm vụ ra.

Một trong những tác nhân to lớn dẫn đến sự trì hoãn chính là tính choáng ngợp. Tình trạng choáng ngợp xảy ra khi chúng ta xem xét tổng thể một dự án, không biết phải bắt đầu từ đâu hoặc cảm thấy tất cả công việc phải làm sẽ là quá nhiều. 

Nếu công việc tiếp theo bạn đảm nhận quá đồ sộ, hoặc nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, vậy thì việc đầu tiên bạn phải làm thực sự nên là 1) lập ra một danh sách, hoặc 2) tìm ra việc nhỏ nhất bạn có thể làm trước.

Cả căn nhà đều bề bộn? Tôi cá là bạn biết chiếc tất đó nằm đâu mà.

Một ví dụ khác như khi tôi mắc chứng rối loạn lo âu xã hội và để có thể đi đến phòng gym là một điều gì đó khá quá sức với tôi. 

Vậy nên tôi chia nhỏ việc đó thành:

  • Tôi chỉ cần phải mang quần áo tập gym để vào xe mình, chỉ thế thôi.

  • Tôi chỉ cần lái xe đến đó thôi. Đến đó rồi tôi cũng có thể quay trở về nếu muốn.

  • Tôi chỉ cần bước qua cánh cửa đó thôi. Tôi có thể trở ra bất cứ lúc nào.

  • Tôi chỉ cần thay đồ trong phòng thay đồ thôi. Tôi chắc mình có thể làm được điều đó. 

Thành thật mà nói, tôi không bao giờ quay xe và về nhà. Bởi vì khi tôi đã thực hiện được một bước nhỏ và dễ dàng, vậy thì bước nhỏ và dễ dàng tiếp theo cũng là khả thi.

Và tôi cứ thế tiến tới bước tiếp theo…

  1. Sẵn lòng làm việc chỉ trong năm phút.

Nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu chúng ta chịu thực hiện một công việc chỉ trong năm phút, thì 80% trong số chúng ta có khả năng sẽ tiếp tục với công việc ấy.

Năm phút không là gì cả. Bạn có thể làm bất cứ thứ gì trong năm phút ấy.

Sẽ có 80% cơ hội bạn sẽ tiếp tục làm việc một khi bạn đã bắt tay vào làm trong năm phút đó, nhưng kể cả nếu bạn không tiếp tục, bạn cũng đã rút ngắn năm phút để chạm đến mục tiêu rồi.

Hơn nữa, bạn cũng đã tiến một bước trong hành trình chấm dứt thói quen không chịu bắt đầu của ngày xưa.

Dù là theo hướng nào thì bạn cũng đều có lợi!

  1. Tự khen thưởng bản thân hoặc khiến cho công việc trở nên thú vị hơn.

Một vấn đề khác của việc xem xét công việc trong toàn bộ phạm vi của nó thay vì xem xét năm phút tiếp theo chính là phần thưởng trở nên quá xa vời hoặc không đủ thỏa mãn.

Khi bạn đang cố gắng giảm cân, chỉ tiêu 20 pound chỉ cách vài tuần hay vài tháng nữa thôi.

Hoặc khi bạn đang chậm trễ việc nộp thuế, nếu bạn cũng không mong chờ phần tiền hoàn lại nào thì phần thưởng ở đây sẽ là “không bị bỏ tù.”

Vậy nên đặt ra nhiều phần thưởng sớm hơn sẽ thúc đẩy tiến độ tạo ra thói quen bắt đầu làm việc mới.

Ngoài ra, việc này còn khiến chính bản thân công việc ấy dễ chịu hơn nhiều chứ không còn chỉ là một công việc đơn điệu nữa.

  • Để viết được bài viết này, tôi đã mặc vào chiếc áo choàng tắm mềm mại nhất của mình, và lấy chiếc bồn tắm của con mình - được dùng lúc thằng bé vẫn còn sơ sinh, để ngâm chân bằng muối Epsom ngay phía dưới bàn trong lúc mình viết.

  • Tôi sẽ đóng thuế trong vài tuần tới, và tôi đã lên một kế hoạch uống một ly rượu vang cùng chút pho mát lạ mắt và bánh quy trong khi ngồi làm chúng.

  • Tôi để dành những bản nhạc siêu hoài cổ của những năm 90 cho thời điểm mình tập thể dục để biến lúc đó thành khoảng thời gian vô cùng đặc biệt và thú vị. 

Cánh Cửa Nào Sẽ Mở Ra Cho Bạn Khi Bạn Không Còn Thói Quen Trì Hoãn?

Chúng ta đổ dồn quá nhiều thời gian để trốn tránh cảm giác khó chịu của một công việc mang lại, hơn là để suy xét đến viễn cảnh khi hoàn thành được công việc ấy.

Nếu bạn có thể ngừng trì hoãn, điều gì sẽ mở ra trong cuộc sống của bạn?

  • Liệu bạn có bắt đầu việc kinh doanh của mình bởi vì bạn không còn sợ hãi phải trải qua cảm giác khó chịu khi “thất bại”?

  • Liệu bạn sẽ chỉ đơn giản là tận hưởng cuộc sống nhiều hơn nếu bạn không còn rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên gây ra bởi một danh sách những thứ bạn đang trễ nải?

  • Liệu cuối cùng bạn sẽ giảm cân hay lấy lại được vóc dáng và cảm thấy thoải mái khi mà bạn đã chinh phục được việc "bắt đầu"?

Tóm Lại

Sự trì hoãn là một quá trình chủ động để tạm thời trốn tránh cảm giác khó chịu (nó không phải sự lười biếng!)

Bằng việc vượt qua thói quen trì hoãn của mình, bạn cũng đang xây dựng sức bật cảm xúc của mình.

Hãy chú ý đến cuộc độc thoại tiêu cực, gây chán nản, và thúc đẩy bản thân với thái độ tử tế thay vì chỉ trích.

Hãy tạo ra một tác nhân phá vỡ khuôn mẫu trước khi cuộc độc thoại tiêu cực khiến bạn suy sụp.

Chấp nhận thực hiện công việc chỉ trong năm phút và bạn sẽ tiếp tục làm nhiều hơn, hoặc bạn sẽ ít nhất đến gần với “vạch đích” hơn năm phút.

Tự thưởng cho bản thân hoặc khiến cho công việc thú vị hơn, và rồi sẽ không còn nhiều cảm giác khó chịu để phải trốn tránh nữa.

----------                          

Tác giả: Sandy Woznicki

Link bài gốc:  How to Stop Procrastinating When Things Feel Hard or Scary

Dịch giả: Lê Hoàng Thảo Nguyên - ToMo - Learn Something New 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024