Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/10/2020 19:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Mất bao lâu để học được tiếng Anh?


Tóm tắt:

  • Chưa có định nghĩa thống nhất cho cái gọi là “học được tiếng Anh”. Thay vào đó, người học nên xem xét việc “đạt được mức năng lực tiếng Anh thực dụng mà mình mong muốn”.
  • Thời gian học tập phải được đo bằng số giờ học có hướng dẫn/định hướng và số giờ học tự định hướng. Một số người hiểu sai các con số về số giờ học có hướng dẫn và đưa ra các phát biểu sai lệch, khiến người khác tưởng rằng việc học tiếng Anh có thể ngắn gọn và không tốn quá nhiều thời gian (ví dụ như lầm tưởng rằng chỉ cần 1 năm là đạt trình độ tiếng Anh C1).
  •  
  • Việc ước lượng thời gian đạt trình độ tiếng Anh mà mình mong muốn đòi hỏi việc xem xét nhiều biến số, và đặt ra các kịch bản cụ thể. Các học giả ở Đại học Cambridge đã đưa ra 3 kịch bản khá hữu dụng. Nhìn chung một người trưởng thành sẽ cần khoảng 730 đến 1050 giờ học có hướng dẫn, cùng 70 đến 175 giờ học tự định hướng để đạt trình độ tiếng Anh đủ cho môi trường công việc (professional work).

Nếu ai đó nói với bạn rằng chỉ cần 530 – 750 giờ để đạt trình độ tiếng Anh B2, thì… có ít nhất 3 khả năng sau đây: người đó đang không hiểu những gì họ nói, người đó đang nói đến một thiên tài hiếm hoi nào đó, hoặc là người ta đang không nói cho bạn sự thật.

Sau một thời gian khá dài im hơi lặng tiếng trên blog, hôm nay Long D. Hoang* trở lại với một bài viết phần nào giải quyết được một chủ đề mà tôi đã hứa trên facebook từ lâu: giải ảo về chuyện học tiếng Anh. Câu chuyện chính hôm nay là: Mất bao lâu để một người học được tiếng Anh”. Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ nên bóc tách vấn đề một cách rõ ràng và đơn giản nhất có thể, bằng cách nhìn kỹ hơn vào từng phần mà mình vừa gạch chân: “học được tiếng Anh”, “bao lâu” và “một người”.**

1. Thế nào là “học được” một ngôn ngữ?

Theo một bài viết được công bố bởi Cambridge University Press năm 2018, đây là một câu hỏi vô cùng khó trả lời, vì các nhà nghiên cứu chưa hoàn toàn chấp nhận nhất trí về cái gọi là “định nghĩa năng lực”, mà dựa vào đó người ta có thể đánh giá xem một người “đã học được ngôn ngữ” hay chưa. Tác giả bài viết trên nhất trí với ý kiến của Vivian Cook (1999) rằng: quan niệm [chỉ có một định nghĩa duy nhất cho “người bản ngữ”] là một quan niệm sai lầm. Tóm lại, chưa có khái niệm khoa học thống nhất về “thế nào là đã học được một ngôn ngữ”.

Bên cạnh đó, khó có thể mô tả trình độ sử dụng ngôn ngữ của một người bằng một cụm từ thô và đơn sơ như “học được”. Việc “học được một ngôn ngữ” vẫn thường được chúng ta quy thành việc học 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, và viết. Vấn đề là: chúng ta học 4 kỹ năng này với tốc độ khác nhau. Ví dụ, một số người học nghe và đọc nhanh hơn học nói và viết, và vì thế họ có thể đạt trình độ C2 ở các kĩ năng nghe và đọc, nhưng chỉ đạt trình B2 ở các kĩ năng nói và viết. Ngay cả khi bạn đã thi IELTS và đạt điểm số tổng (overall) tương đương C1, điều này không có nghĩa là cả 4 kỹ năng của bạn đều đạt trình C1 chằn chặn như nhau.

Hiểu đơn giản, “học được một ngôn ngữ” thực chất là một khái niệm rất phức tạp, chưa được thống nhất, và sẽ rất ngớ ngẩn khi mô tả nó một cách thô sơ bằng một hai chữ “học được’.

Để xác định thế nào là “học được” ngôn ngữ, tôi cho rằng bất cứ người học nào cũng nên diễn giải khái niệm này một cách chi tiết và chính xác hơn, chẳng hạn như “đạt được mức năng lực ngôn ngữ thực dụng mà bạn muốn đạt”.Cách này sẽ giúp chúng ta tránh được những hành động vô bổ, chẳng hạn như việc một số người cứ lôi điểm IELTS hay thậm chí TOEIC ra để “khè” nhau trong khi không phân định rạch ròi được mức năng lực ngôn ngữ mà họ thực dụng được.

Bạn học tiếng Anh để làm gì?

Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp người học nhận ra mức năng lực tiếng Anh mà họ thực sự cần và/hoặc muốn đạt tới. Ví dụ: một người đặt mục tiêu làm tốt công việc đón khách ở một quầy lễ tân sẽ cần đạt mức B2 ở các kĩ năng nghe và nói, và chỉ cần đạt mức B1 (thậm chí A2) ở các kĩ năng đọc và viết. Một người đặt mục tiêu học tiếng Anh để sau này làm nhân sự cấp cao ở một công ty đa quốc gia sẽ phải đạt trình độ C1 ở tất cả các kỹ năng.

Khi đã xác định được mục tiêu khi học tiếng Anh, chúng ta có thể phần nào trả lời được câu hỏi: Thế nào là “đã học được tiếng Anh”? Như ta có thể thấy ở trên: “thế nào là học được” thực chất là mối tương quan giữa mức năng lực mà người học muốn đạt được và mức năng lực người ấy đang có – cái ta cần và cái ta đang có. Sẽ là ngớ ngẩn nếu chỉ nói bâng quơ một câu “tôi đã học được tiếng Anh” mà không xác định được rõ ra rằng “tôi dùng được tiếng Anh vào mục đích nào”.

2. Đo “bao lâu” bằng cái gì?

Để đo lường, chúng ta phải dùng đúng đơn vị. Bạn không thể đo chiều dài bằng đơn vị “mét khối” (m3). “Đo thời gian học bằng gì” là một câu hỏi rất nghiêm túc mà nhiều người bỏ qua, và điều đó dẫn đến những hệ quả đáng buồn. Một vài giáo viên nói với học trò rằng (theo Cambridge) người học chỉ cần 1000 giờ học để đạt trình độ C2, tức là khoảng 1 năm nếu học học 3 tiếng mỗi ngày. Đây là cách hiểu sai (hoặc cố tình nói sai) về đơn vị đó. Thực chất, cái gọi là “giờ học” mà Cambridge nói đến ở đây là “giờ học có hướng dẫn” (guided learning hour). “Giờ học có hướng dẫn” mới là cái mà Cambridge sử dụng để đo thời gian đạt đến một mức kỹ năng nhất định.

Học có hướng dẫn (Guided Learning – GL) là gì?

“Học có hướng dẫn” là việc một người học được dạy, hướng dẫn, hoặc tham gia vào chương trình giáo dục hoặc huấn luyện dưới sự hướng dẫn hoặc giám sát trực tiếp (immediate guidance or supervision) của giảng viên, giám sát viên, giáo viên riêng hoặc những người cung cấp dịch vụ giáo dục hoặc đào tạo khác. (Ofqual, 2016)

Hướng dẫn hoặc giám sát trực tiếp là gì?

Là sự hướng dẫn hoặc giám sát của giảng viên, giám sát viên, giáo viên riêng hoặc những người cung cấp dịch vụ giáo dục hoặc đào tạo khác:

(1) với sự hiện diện đồng thời “bằng xương bằng thịt” của người giám sát và người học.

hoặc

(2) từ xa, thông qua các phương tiện điện tử. (Ofqual, 2016)

Có những hình thức Học có hướng dẫn nào?

Những hoạt động dưới đây được tính là GL (SFEDI Awards, 2015)

  • Học trên lớp do giảng viên, giám sát viên, hoặc giáo viên riêng giám sát (bất kể lớp học dạng 1-1 hoặc theo nhóm)
  • Các kì thi/đánh giá có giám sát viên hoặc giám thị.
  • Buổi giới thiệu nhập học bắt buộc (induction) được yêu cầu trong chỉ định của bằng cấp đó (specifications)
  • Các buổi luyện tập kĩ năng trong điều kiện giả lập, và người học được giám sát và đánh giá ngay trong khi tiến hành giả lập.
  • Các buổi giảng dạy hoặc gặp mặt trực tiếp giữa người học và giáo viên, giảng viên trong thời gian thực (bao gồm cả giảng dạy trực tuyến)
  • Các buổi luyện tập qua công việc dưới sự giám sát của người có trình độ cao hơn học viên.
  • Đánh giá trực tuyến dưới sự giám sát của giảng viên, giám sát viên, hoặc giáo viên riêng trong thời gian thực.

Những hình thức học nào KHÔNG PHẢI là Học có hướng dẫn?

Theo SFEDI Awards, những hoạt động dưới đây không được tính là GL:

  • Dự án nghiên cứu mà người học thực hiện độc lập và viết báo cáo mà không có sự giám sát.
  • Các buổi luyện tập kĩ năng ở những nơi học tập hoặc làm việc mà trong đó người học phải tự chứng minh việc đã tập luyện (không có sự xác nhận của giảng viên, giáo viên hay giám sát viên)
  • Việc hoàn thành và đánh giá bài tập, trong đó người học thu thập các bằng chứng về kĩ năng và kiến thức của mình một cách độc lập, không có sự giám sát.
  • Đánh giá trực tuyến mà không có sự giám sát và người học có thể truy cập bài kiểm tra bất trực tuyến bất cứ lúc nào.
  • Xem các đọan video hoặc webinar đã được ghi hình từ trước.

Như vậy, các hình thức học không có sự giám sát của giáo viên, kể cả học trực tuyến qua video như các chương trình của Coursera, đều không được coi là Học có hướng dẫn.

Tóm lại: giờ học có hướng dẫn là giờ học được một giáo viên, giảng viên, hoặc giám sát viên hướng dẫn và giám sát trực tiếp. Chứ không phải cứ ngồi vào bàn học, làm vài bài tập nghe và đọc trong vòng 1 tiếng thì sẽ được gọi là “giờ học có hướng dẫn”.

Tuy nhiên và hiển nhiên, việc học tiếng Anh không chỉ bao gồm giờ học có hướng dẫn, mà nó còn bao gồm các hoạt động tự học, không do giáo viên định hướng hay giám sát. Vì thế, để đo thời gian đạt được mức kỹ năng tiếng Anh, các tác giả của báo cáo và bài nghiên cứu ở Cambridge chọn sử dụng các đơn vị đo “giờ học có hướng dẫn” và “giờ học bổ sung” (tức giờ học không có hướng dẫn).

3. “Một người” là ai?

Thời gian cần thiết để “học được” tiếng Anh phụ thuộc vào các yếu tố xoay quanh “một người” này. Các yếu tố này bao gồm yếu tố bên trong (người học đó là người thế nào) và yếu tố bên ngoài (môi trường học của người đó như thế nào). Trước khi trả lời câu hỏi tôi đã đặt ra ở đầu bài viết, người học cần xác định rõ “mình là người học nào và mình có môi trường học nào”. Rõ ràng, một người được làm việc trong môi trường cho phép họ liên tục tiếp xúc với tiếng Anh (một công ty đa quốc gia như PwC chẳng hạn) sẽ tốn ít thời gian hơn so với người suốt ngày chỉ cần dùng tiếng Việt trong công việc.

Các yếu tố bên trong

Trong một bài viết năm 2018, các tác giả thuộc Đại học Cambridge nhìn chung nhất trí với ý kiến của Lightbrown và Spada (2013) về những yếu tố bên trong người học. Các yếu tố này bao gồm:

  • Tuổi tác, bao gồm Tuổi bắt đầu học ngôn ngữ và ảnh hưởng của tuổi tác lên tốc độ học ngôn ngữ. Về vấn đề này, tôi đã có một bài viết dài ở đây: http://bit.ly/2MOJzpt
  • Giới tính (xem thêm Kissau, 2006)
  • Năng khiếu học ngôn ngữ (language learning aptitude), Phong cách (language learning style) và chiến lược học ngôn ngữ (language learning strategies), động lực và tính cách (xem thêm tổng quan của Dörnyei, 2006)
  • Niềm tin của cá nhân người học: người học tin vào hiệu quả của phương pháp dạy và học nào, chiến lược học tập nào, kiểu giáo viên nào, và vân vân. Ví dụ: một số người cho rằng việc học tập để luyện thi IELTS sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn lên tốc độ học của họ, thay vì học tập theo các giáo trình tiếng Anh cho mục đích công việc hoặc mục đích hàn lâm. Hoặc, một số người cho rằng có thể tăng trình độ từ A1 đến B2 trong chỉ 1 năm. Những niềm tin này ảnh hưởng đến lựa chọn phương pháp, chiến lược, học liệu, giáo viên, và vân vân, có thể dẫn đến việc tận dụng thời gian học tập một cách hợp lý, cũng có thể khiến người học tốn thời gian vô ích.
  • Cảm xúc (xem thêm Imai, 2010; P. D. MacIntyre, Gregersen, & Mercer, 2016; P. MacIntyre & Gregersen, 2012)
  • Mục tiêu học tập rõ ràng: nghiên cứu của Dörnyei (2009) và Dörnyei cùng Kubanyiova (2014) cho thấy người học cần chú ý vào không chỉ mục tiêu đã được họ vạch ra và trình bày bằng ngôn từ, mà còn vào cả trải nghiệm, cảm giác của họ về mục tiêu đó. Nếu người học có thể tưởng tượng và cảm nhận mục tiêu đó một cách sinh động và rõ ràng hơn, họ có thể dành thời gian học tiếng Anh một cách hào hứng hơn, có động lực dồi dào hơn. Ví dụ: nếu người học có thể tưởng tượng được mức độ trôi chảy mà họ đạt được sau 2 năm học tiếng Anh, người đó sẽ cảm thấy muốn bỏ thời gian học tập đều đặn hơn.
  • Ngôn ngữ thứ nhất: nhìn chung, những điểm khác biệt giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Anh nhiều và rộng bao nhiêu, việc học tiếng Anh sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn bấy nhiêu.***
  • Các thành tựu học tập trước đó: kĩ năng học tập (chẳng hạn như kỹ năng ghi nhớ và phân tích), nhận thức và kiến thức về âm và âm vị, kỹ năng học ngôn ngữ. (xem thêm Cárdenas-Hagan, 2006).

Các yếu tố bên ngoài

  • Bối cảnh học tập (learning context): lượng tiếng Anh “đầu vào” (input) mà một người được tiếp xúc thường xuyên hiển nhiên sẽ ảnh hưởng tới tốc độ học tập. (xem thêm Gass và cộng sự, 1998). Bên cạnh đó là thời lượng dành cho việc học tiếng Anh mỗi tuần, bao gồm thời lượng học có định hướng lẫn học tự định hướng.
  • Phương pháp dạy: mỗi phương pháp dạy phù hợp với một bộ mục tiêu khác nhau, và vì thế ảnh hưởng tới thời gian học viên đạt mục tiêu. Ví dụ: phương pháp dạy kiểu “truyền thống, tập trung vào ngữ pháp” (grammar translation) sẽ tập trung vào sự chính xác của ngôn từ mà học viên tạo ra, hơn là ngữ nghĩa; trong khi đó, các phương pháp dạy kiểu “giao tiếp” (communicative) đáp ứng cùng lúc nhiều khía cạnh khác nhau trong nhu cầu của học viên (theo Celce-Murcia và cộng sự, 1995) và tập trung vào việc truyền tải được thông điệp hơn là sự chính xác (theo Arnold và cộng sự, 2015). Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng ở những điểm như cách tiếp cận sư phạm của họ, cách tương tác và vấn đề của họ trong tương tác với học viên, khả năng tạo động lực và đưa ra nhận xét (feedback) cho học viên, vân vân.
  • Cường độ của chương trình học: các chương trình có ôn tập kỹ năng và kiến thức đều đặn sẽ giúp giải quyết được vấn đề người học quên kiến thức, trong khi các chương trình học “chỉ bao gồm 2 giờ học trên lớp, không có giờ tự học, và có thời gian nghỉ dài giữa các học kỳ” nhìn chung không hiệu quả bằng các chương trình kia.
  • Động lực nhóm (group dynamics) (xem thêm Ehrman và Dörnyei, 1998; Dörnyei và Murphey, 2003).
  • Khả năng tiếp cận tài nguyên học tập: tầm quan trọng của yếu tố này nằm ở việc nó quyết định chất và lượng dữ liệu “đầu vào” (input) để người đọc tiếp xúc với tiếng Anh, đồng thời có thể cho người học những động lực lẫn “phản động lực” cho việc học. Ví dụ: nếu một người học được đọc một cuốn sách phù hợp với mức năng lực đọc và thuộc chủ đề người ấy yêu thích, người học này sẽ học nhanh hơn và có động lực hơn cho việc học tiếng Anh thông qua việc đọc.

4. Mất bao lâu để học được tiếng Anh?

Qua các phần trên, ta có thể thấy việc xác định thời gian “học được” tiếng Anh phụ thuộc vào quá nhiều tham số. Tuy nhiên, chúng ta có thể đơn giản hóa vấn đề bằng các “thông điệp bỏ túi” (take-away messages) sau đây.

Tốc độ học tiếng Anh thay đổi theo trình độ tiếng Anh của người học

Ở trình độ càng cao về năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, người học càng cần dành nhiều thời gian, càng phải học nhiều để đạt đến mức trình độ tiếp theo. Ví dụ, một người ở trình độ A1 chỉ cần học được thêm 100 từ vựng mới là đã thấy trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh của mình thay đổi rõ rệt; trong khi đó, 100 từ vựng mới không tạo ra thay đổi nào đáng kể với một người đã đạt trình độ C1.

Tuy nhiên, ở trình độ càng cao về năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, người học càng tự tin và chủ động trong việc sử dụng tiếng Anh. Họ chủ động tiếp xúc với các nguồn hoặc bối cảnh đòi hỏi tiếng Anh, chẳng hạn như các cộng đồng xã hội và chuyên nghiệp gồm nhiều người nước ngoài và các sản phẩm truyền thông của nước ngoài. Vì thế họ có nhiều cơ hội để luyện tập và hấp thu các dữ liệu đầu vào hơn.

Ba kịch bản

Các học giả của Đại học Cambridge (2018) đã xây dựng ra 3 kịch bản để giúp người học dễ xác định tốc độ và thời gian học tập của họ hơn. Các kịch bản này được xây dựng dựa trên:

  • Kinh nghiệm của các học giả này trong việc xây dựng các khóa học cho các trường trên toàn thế giới.
  • Quan điểm của một số chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Giảng dạy tiếng Anh.
  • Các nguồn tham khảo khác như hướng dẫn của ALTE và nghiên cứu của Elder và O’Loughlin năm 2003.

Các kịch bản này chưa được kiểm chứng bởi nghiên cứu thực tiễn (empirical research) và không phản ánh được tất cả các kịch bản khác nhau của người học.

Thông tin trong các cột dưới đây lần lượt là:

  1. Trình độ: Trình độ của người học xét theo Khung Tham chiếu châu Âu (CEFR).
  2. GLH1 (Guided learning hours 1): Số giờ học có hướng dẫn để đạt đến trình độ đó, tính từ thời điểm đạt được trình độ trước.
  3. GLH2 (Guided learning hours 2): Số giờ học có hướng dẫn để đạt đến trình độ đó, tính từ thời điểm bắt đầu học tiếng Anh.
  4. GLW (Guided learning weeks): Số tuần học có hướng dẫn để đạt đến trình độ đó, tính từ thời điểm đạt được trình độ trước. Giả thiết là người học có 4 giờ học có hướng dẫn mỗi tuần, bao gồm 2 giờ trên lớp và 2 giờ làm bài tập ở nhà.
  5. ALH (Additional learning hours): Số giờ học tự định hướng (tự học thêm mà không có ai hướng dẫn) mỗi tuần để đạt đến trình độ đó, tính từ thời điểm đạt được trình độ trước. Giả thiết là người học muốn đạt được trình độ đó trong 35 tuần.

Để hiểu hơn về các định lượng này, hãy đọc phần Ví dụ ở Kịch bản 1.

Kịch bản 1: người trưởng thành học tiếng Anh, ngôn ngữ thứ nhất sử dụng bộ kí tự gần với bộ kí tự của tiếng Anh (tiếng Việt có bộ kí tự gần với bộ kí tự tiếng Anh), được tiếp xúc với nguồn dữ liệu tốt về ngôn ngữ và có các giáo viên được đào tạo rất tốt, có mức động lực tốt.

Trình độ GLH1 (giờ) GLH2 (giờ) GLW (tuần) ALH (giờ)
C2 300-400 1030-1450 75-100 5-7
C1 200-300 730-1050 50-75 2-5
B2 180-260 530-750 45-65 1-3
B1 160-240 350-490 40-60 1-3
A2 100-150 190-250 25-38 0
A1 90-100 90-100 23-25 0

Ví dụ: một người đang ở trình độ B1, muốn đạt trình độ B2, sẽ cần 180 đến 260 giờ học có hướng dẫn, tương đương với 45 đến 65 tuần nếu mỗi tuần chỉ học 4 tiếng có hướng dẫn. Nếu muốn đạt trình độ B2 trong 35 tuần, người này vẫn phải học 180 đến 260 giờ học có hướng dẫn, và mỗi tuần phải học tập tự định hướng từ 1 đến 3 giờ. Nếu người này không bắt đầu từ trình độ B1 mà bắt đầu từ trình độ của người mới bắt đầu, người ấy sẽ cần 530 đến 750 giờ học có hướng dẫn.

Kịch bản 2: một thanh niên/thiếu niên (12 – trước 18 tuổi), được tiếp xúc với nguồn tài nguyên học tập tốt và giáo viên tốt, mức động lực học tập thấp.

Trình độ GLH1 (giờ) GLH2 (giờ) GLW (tuần) ALH (giờ)
B2 220-270 750-950 44-54 1-3
B1 200-250 530-680 40-50 1-2
A2 180-230 330-430 36-46 0-2
A1 150-200 150-200 30-40 0-1

Kịch bản 3: một trẻ ở bậc tiểu học, học tiếng Anh trong môi trường mà ngôn ngữ này chỉ là ngoại ngữ và ít được sử dụng, nói một ngôn ngữ mẹ đẻ có bộ kí tự rất khác bộ kí tự của tiếng Anh (kí tự tiếng Hoa chẳng hạn), được tiếp xúc với nguồn tài nguyên học tập tốt nhưng giáo viên không phải là người được đào tạo chuyên về giảng dạy tiếng Anh.

Trình độ GLH1 (giờ) GLH2 (giờ) GLW (tuần) ALH (giờ)
B1 240-300 780-980 80-100 4-6
A2 200-240 540-680 67-80 3-4
A1 180-240 340-440 60-80 2-4
Pre-A1 160-200 160-200 53-67 2-3

Kết luận

Như các học giả ở Cambridge đã nói, “không có một câu trả lời duy nhất nào cho câu hỏi Mất bao lâu để học được một ngôn ngữ?”. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đánh giá các tham số quan trọng, bao gồm các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài cùng các mục tiêu học tập, chúng ta có thể đưa ra những ước tính hợp lý để trả lời câu hỏi này.

Và cuối cùng, “không có viên đạn bạc” – không có một cách giải quyết đơn giản và nhanh gọn nào cho vấn đề học tiếng Anh của các bạn đâu. Và những người thành công thường là những người bắt đầu ngay lập tức.

(*) Nhân tiện, tên tôi trên căn cước là Hoàng Đức Long, không phải Long Đức Hoàng, không phải Đỗ Hoàng Long, không phải Hoàng Long Đức, vân vân)

(**) Việc phân tích câu hỏi thành các phần khái niệm khác nhau để xem xét riêng là một cách vô cùng quan trọng và hữu hiệu để nhìn nhận vấn đề một cách rành mạch và logic hơn. Tôi vẫn thường xem xét các câu hỏi đôi khi mình tự nghĩ ra bằng cách này. Nhờ đó, tôi nhận ra được nhiều lỗ hổng kiến thức và ít đưa ra kết luận vội vàng hơn. Một số người cho rằng tôi đôi khi “rạch ròi một cách không cần thiết”. Tôi cho rằng đây là quan điểm của một người hoặc có tư duy không rành mạch, hoặc lười tư duy rành mạch, hoặc tệ hơn nữa: đây là quan điểm của một người chỉ dám nói bóng gió và thích trục lợi bằng sự mập mờ, muốn ngụy biện rằng “sự minh bạch và rạch ròi là không cần thiết”.

(***) Chính phủ Hoa Kỳ chia các ngôn ngữ thành 4 nhóm, dựa trên mức độ “gần gũi” của ngôn ngữ với tiếng Anh. Dựa trên cách chia này, Hoa Kỳ ước tính được số giờ học trên lớp mà một người cần trải qua để đạt trình độ “giao tiếp thành thục trong môi trường công việc” (Professional proficiency, gần với mức C1). Tiếng Việt thuộc nhóm 2, người nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ cần học 1100 giờ trên lớp để đạt trình độ “Professional proficiency”.

Tài liệu tham khảo

Arnold, J., Dörnyei, Z., Pugliese, C., & Thornbury, S. (2015). The principled communicative approach: Seven criteria for successhttps://doi.org/10.1093/elt/ccv057

Cambridge University Press. (2018). How long does it take to learn a foreign language? (pp. 1–15). pp. 1–15. Cambridge: Cambridge University Press.

Cárdenas-Hagan, E., Carlson, C. D., & Pollard-Durodola, S. D. (2007). The cross-linguistic transfer of early literacy skills: The role of initial L1 and L2 skills and language of instruction. Language, Speech, and Hearing Services in Schools38, 249–259. https://doi.org/10.1044/0161-1461(2007/026)

Celce-Murcia, M., Dörnyei, Z., & Thurrell, S. (1995). A pedagogically motivated model with content specifications. Issues in Applied Linguistics6(2), 5–35.

Christian, D. (1996). Two-Way Immersion Education: Students Learning through Two Languages. The Modern Language Journal80(1), 66–76. https://doi.org/10.2307/329058

Collier, V. P. (1989). How Long? A Synthesis of Research on Academic Achievement in a Second Language. TESOL Quarterly23(3), 509–531. https://doi.org/10.2307/3586923

Cook, V. (1999). Going beyond the Native Speaker in Language Teaching. TESOL Quarterly33(2), 185–209. https://doi.org/10.2307/3587717

Council of Europe. (2001). the Common European Framework of Reference for Languages : Learning, Teaching, Assessment. In Council of Europehttps://doi.org/10.1017/S0267190514000221

Dörnyei, Z. (2006). Individual differences in second language acquisition. AILA Review19, 42–68. https://doi.org/10.1075/aila.19.05dor

Dörnyei, Z. (2009). The L2 Motivational Self System. In Z. Dörnyei & E. Ushioda (Eds.), Motivation, Language Identity and the L2 Self (pp. 9–42). https://doi.org/10.21832/9781847691293-003

Dörnyei, Z., & Kubanyiova, M. (2014). Motivating Learners, Motivating Teachers: Building the Vision in the Language Classroomhttps://doi.org/10.14746/ssllt.2013.3.3.7

Dörnyei, Z., & Murphey, T. (2003). Group Dynamics in the Language Classroom. In Group Dynamics in the Language Classroomhttps://doi.org/10.1017/cbo9780511667138

Ehrman, M. E., & Dörnyei, Z. (1998). Interpersonal dynamics in second language education: The visible and invisible classroom. In Interpersonal dynamics in second language education: The visible and invisible classroom. Thousand Oaks, CA: Sage.

Elder, C., & O’Loughlin, K. (2003). Investigating the relationship between intensive language study and band score gain on IELTS. IELTS Research Reports. Canberra: IDP: IELTS Australia.

Gass, S. M., Mackey, A., & Pica, T. (1998). The Role of Input and Interaction in Second Language Acquisition Introduction to the Special Issue. The Modern Language Journal82(3), 299–307. https://doi.org/10.1111/j.1540-4781.1998.tb01206.x

Hakuta, K. (2000). How Long Does It Take English Learners to Attain Proficiency. Stanford, CA.

Imai, Y. (2010). Emotions in SLA: New insights from collaborative learning for an EFL classroom. The Modern Language Journal94(2), 278–292. https://doi.org/10.1111/j.1540-4781.2010.01021.x

Kissau, S. (2006). Gender differences in motivation to learn French. Canadian Modern Language Review62(3), 401–422. https://doi.org/10.3138/cmlr.62.3.401

Lasagabaster, D., & Sierra, J. M. (2009). Immersion and CLIL in English: More differences than similarities. ELT Journal64(4), 367–375. https://doi.org/10.1093/elt/ccp082

Lightbown, P. M., & Spada, N. (2013). How Languages Are Learned (4th ed.). https://doi.org/10.2307/3587819

MacIntyre, P. D., Gregersen, T., & Mercer, S. (2016). Positive psychology in SLA. In Positive Psychology in SLAhttps://doi.org/10.1075/aral.40.2.02mer

MacIntyre, P., & Gregersen, T. (2012). Affect: The role of language anxiety and other emotions in language learning. In S. Mercer, S. Ryan, & M. Williams (Eds.), Psychology for Language Learning: Insights from Research, Theory and Practice (pp. 103–118). https://doi.org/10.1057/9781137032829_8

Markus, H., & Nurius, P. (1986). Possible Selves. American Psychologist41(9), 954–969. https://doi.org/10.1037/0003-066X.41.9.954

Ofqual. (2016). General Conditions of Recognition.Retrieved from https://dera.ioe.ac.uk/26553/1/general-conditions-of-recognition-june-2016.pdf

SFEDI Awards. (2015). A Guide to Total Qualification Time (TQT). Retrieved from http://sfediawards.co.uk/media/A-Guide-to-Total-Qualification-Time-TQT-1.pdf

Nguồn: https://longdhoang.com/2020/01/05/mat-bao-lau-de-hoc-duoc-tieng-anh/




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024