Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/08/2020 22:08 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Hỏi đáp về nghề kế toán, kiểm toán và ACCA


Xin chào các bạn, lại là mình đây với Series về Kế toán - Kiểm toán - Tài chính
Hôm nay có 1 chút khác biệt khi trước khi vào bài, mình mới các bạn nghe 1 bản nhạc tươi mới này :D Sáng sớm mà nghe thấy không gian như tĩnh lặng lại.
Ở các bài viết trước mình có chia sẻ về ACCA, quá trình tự học của mình, về đi làm kiểm toán - kế toán - tài chính, trong đó cũng có nhận được một số thắc mắc của các bạn về việc học cũng như chuẩn bị cho quá trình đi làm. Mình nghĩ những thắc mắc này cũng là thắc mắc chung của nhiều người, vì thế bài viết sau sẽ dưới dạng Q&A nhé:
1. Q: Học ACCA có thể làm gì ngoài kế toán và kiểm toán.
A: Như mình đã nói trong bài viết về chứng chỉ ACCA, chương trình này bao gồm các môn học rất rộng từ Kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán, luật, thuế, quản trị tài chính. Vì được trang bị kiến thức rộng như này nên người học có thể làm đa dạng được ở các ngành khác ngoài kế toán, kiểm toán như quản trị tài chính, quỹ đầu tư, tư vấn...Tất cả những ngành này đều cần người làm có 1 kiến thức rộng và chắc liên quan tới bức tranh tài chính của 1 DN, và ACCA cung cấp được điều đó.
2. Q: Em có thể học ACCA được từ bao giờ
A: Ngày xưa ACCA yêu cầu phải 21 tuổi hoặc xong chứng chỉ FIA/CAT mới được học, còn lại hiện tại theo mình biết chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là có thể học được
3. Q: Em không có đủ trình độ tiếng Anh thì có học được ACCA không
A: Một số trung tâm có khóa học tiếng Anh chuyên ngành với mục đích chuẩn bị cho quá trình học ACCA, tuy nhiên theo mình không cần. Khi bắt đầu với ACCA bạn sẽ học các môn cơ bản như Kế toán tài chính (F3) và Kế toán quản trị (F2), các từ mới nếu có sẽ chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu sau đó lặp đi lặp lại, vì thế không cần thiết phải có lượng từ vựng hay IELTS 6.5, 7.0 mới học được ACCA. Tuy nhiên, bạn cũng cần có khả năng đọc hiểu nhất định, còn lại thì các từ mới sẽ theo dần lên trong quá trình học.
4. Q: Nên đi học trung tâm hay tự học.
A: Mỗi thứ có lợi riêng. Đi học trung tâm sẽ tiếp thu bài nhanh hơn, có thể mở rộng mạng lưới quan hệ của mình trong ngành này (có thể thôi vì cũng có nhiều bạn đi học cũng khá thu mình lại, nên cái này tùy thuộc vào tính cách của từng bạn). Tuy nhiên đi học trung tâm cũng khá đắt, khoảng 4-6tr/môn ở F level và 9-11tr/môn là P level. Ngược lại, tự học thì tiết kiệm hơn rồi nhưng cũng sẽ có những lúc rất nản vì không biết cách học như nào, liệu có đang đi đúng đường không, Mình hay gọi đó là dò đá sang sông. Hiện tại thì mình có lập 1 blog để chia sẻ cách thức tự học 1 số môn ACCA để giúp các bạn trong quá trình học để tiết kiệm thời gian hơn cho các bạn (blog của mình là https://dinhvuacca.wordpress.com/. Trong thời gian tới mình sẽ viết tập trung trên blog này.
5. Q: Em không học chuyên ngành về kiểm toán, liệu em có theo đuổi được nghề này không?
A: Trong thời gian mình làm EY, mình thấy ngoài các bạn học kế-kiểm thì còn các bạn khác học Tài chính ngân hàng, Kinh tế đối ngoại, đầu tư, QTKD...Thậm chí những bạn ấy còn nằm trong top những nhân viên đạt performance cao nhiều hơn cả các bạn học kế-kiểm. Mỗi công ty đều có 1 phương pháp kiểm toán (audit methodology) khác nhau trong quá trình kiểm toán, vì thế nếu bạn là "trang giấy trắng" thì việc học đôi khi lại dễ hơn.
6. Q: Sinh viên thiếu nhất điều gì khi đi làm trong ngành kế toán - kiểm toán - tài chính:
A: Qua quan sát, mình thấy quá trình học ở các trường ĐH ở VN và quá trình đi làm có nhiều khoảng cách, việc học không sát với các kiến thực tiễn, Đó là điều sinh viên thiếu nhất khi đi làm. Lấy ví dụ nhiều bạn học kiểm toán có được nghe khái niệm về Cơ sở dẫn liệu (assertions) nhưng không biết đi làm kiểm toán áp dụng điều đó như nào, từ đó dẫn đến trường hợp đi thực tập, được Senior yêu cầu thu thập cả sao kê ngân hàng lẫn gửi thư xác nhận mà không hiểu vì sao lại cần làm cả 2. Ngoài ra kỹ năng văn phòng cũng là cái các bạn tương đối yếu. Một số bạn có biết đến Excel nhưng để thành thục những hàm căn bản (sum, sumif, if, vlookup, left, right...) thì có rất ít bạn vững được điều đó. Mình cũng khá trăn trở về điều này và mình dự định sẽ có các video hướng dẫn cho các bạn. Đây là 1 dự định mình ấp ủ rất lâu và nếu bạn nào có hứng thú thì email cho mình nhé.
7. Q: Làm kiểm toán 1 thời gian có cơ hội gì khác không:
A: Có, bằng chứng là mình đang làm tài chính còn nhiều bạn bè mình đi làm ngân hàng, kiểm soát nội bộ, kế toán trưởng, thậm chí có bạn đi làm về Business Analyst...Mình thấy làm kiểm toán có cái hay là nhìn mọi thứ từ tổng thể đến chi tiết. Tư duy tổng thể rất quan trọng. Mình có đi phỏng vấn ở 1 ngân hàng, khi đó chị trưởng ban có nói tư duy tổng thể của em sẽ giúp em nhìn vấn đề bao quát hơn và sẽ làm được ở vị trí cao hơn.
8. Q: Ngoài Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới bao gồm: EY, PwC, Deloitte và KPMG) ra còn cơ hội nào khác không
A: Thực tế số lượng công ty kiểm toán ở VN lên đến gần 200. Vì thế nếu bạn có k đậu 4 công ty Big4 thì cũng còn rất nhiều công ty kiểm toán tốt như Grant Thornton, RSM, BDO...hoặc các công ty trong nước như AASC, A&C, An Việt...Cũng có nhiều trường hợp làm việc ở các công ty Non-Big4 1 thời gian sau đó lại vào Big4 và ngược lại. Còn về việc làm ở đâu giỏi hơn thì mình khẳng định luôn là ở đâu cũng có người giỏi, không chỉ Big4 hay NonBig4. Ngày trước Senior của mình là 1 chị làm ở Nexia rồi chuyển sang EY và quả thực là rất rất giỏi.
9. Q: Lương của kiểm toán thì sao
A: Phần này bí mật quá, nhưng theo mình thấy mức lương ra trường của kiểm toán viên không thấp. Sau đó 2-3 năm đầu cũng có mức tăng tương đối ổn định tùy vào performance của từng bạn. Sau đấy nếu được promote lên Managers thì mức lương cũng tăng đáng kể đấy. 
10. Q: Ngoài kiến thức, kỹ năng ra thì cần chuẩn bị gì cho nghề kiểm toán:
A: Theo mình có 2 cái. 
1 là sức khỏe, đừng để bị say xe, ăn uống cũng đừng kiêng khem gì quá. Có 1 đợt mình đi làm kiểm toán khách hàng ở 1 hòn đảo, tối ăn đói họ chỉ có đúng 1 cửa hàng bán đồ ăn thêm, tối nào cũng ra đó ăn mì tôm úp để có sức làm đêm. Đi làm kiểm toán thì khách ở đâu ăn ở đó, khách khu công nghiệp ăn suất cơm công nghiệp, khách miền Trung ăn cơm miền Trung cay xè, cơm miền Nam thì ngọt ngọt còn lại vùng Tây Bắc thì uống rượu rất nhiều.
2 là kỹ năng quản lý bản thân, cái này bao gồm cả quản lý thời gian, quản lý tâm trạng :D. Đi làm thường 1 tuần 1 khách hàng, khách hàng bé thì tuần có khi 2 khách, vì thế lượng công việc cần giải quyết trong thời gian đó là rất nhiều. Nếu không duy trì quản lý thời gian tốt thì rất dễ bị lụt, job này đè job kia. Ngoài ra, đôi khi khách hàng thì giục báo cáo, Senior thì cũng giục, lại làm đêm hôm, rất dễ rơi vào cảnh cáu kỉnh, ức chế. Vì thế giữ được tâm trạng vui vẻ, quản lý stress là điều rất quan trọng :D. ngày xưa mình suốt ngày để status "Be happy" để ngay trước bàn làm việc
Hiện tại bài viết cũng tương đối dài rồi (có 10 câu hỏi thôi nhưng mình viết trả lời khá dài). Mọi người còn câu hỏi nào cùng thảo luận bên dưới để mình cập nhật nhé. 
Ngoài ra như mình có nói ở trên, hiện tại mình có dự định lập 1 kênh youtube để chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng cần có để đi làm kiểm toán và kế toán. Bạn nào hứng thú có thể inbox mình nhé.
http://dinhvu.spiderum.com/bai-dang/Hoi-dap-ve-nghe-ke-toan-kiem-toan-va-ACCA-o7j



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024