Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/07/2020 20:07 # 1
nhathung
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 42/300 (14%)
Kĩ năng: 26/50 (52%)
Ngày gia nhập: 30/05/2015
Bài gởi: 4392
Được cảm ơn: 126
Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định


Nửa năm đã trôi qua kể từ ngày COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu. Các nhà nghiên cứu hiện đã đưa được 4 ứng cử viên vắc-xin bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên người. Điều đó có nghĩa là một nửa đầu của quãng đường phát triển vắc-xin COVID-19 đã hoàn thành.

Cho đến nay, dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II đều rất tích cực. Các ứng cử viên vắc-xin nhìn chung có độ an toàn cao và thúc đẩy được phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng liệu những phản ứng miễn dịch này có đủ để bảo vệ con người hay không, và chúng có hiệu lực trong bao lâu vẫn là một câu hỏi quan trọng cần giải đáp.

Tiến vào giai đoạn III của thử nghiệm lâm sàng, tất cả các ứng cử viên vắc-xin sẽ phải đối mặt với một thử thách mang tính mấu chốt. Trong khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II chỉ điều tra độ an toàn của vắc-xin trong cơ thể người và thu thập các phản ứng miễn dịch nếu có, giai đoạn III của thử nghiệm lâm sàng sẽ phải trả lời câu hỏi bản chất:

Liệu vắc-xin này có bảo vệ được con người khỏi COVID-19 để chấm dứt đại dịch đang diễn ra hay không?

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 1.

 

Các thách thức của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III

Chúng ta biết các thử nghiệm vắc-xin được chia làm 4 giai đoạn lâm sàng. Giai đoạn I và II chỉ cần sự tham gia của vài chục cho đến vài trăm tình nguyện viên. Trong khi đó, bắt đầu từ giai đoạn III con số phải được đẩy lên hàng ngàn người.

Lý tưởng nhất thì các nhà khoa học cần tuyển dụng tình nguyện viên đang sống ở khu vực có mật độ lưu hành SARS-CoV-2 cao. Mục tiêu là tiêm vắc-xin thử nghiệm cho các tình nguyện viên này, sau đó gửi họ về nhà.

Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, tình nguyện viên sẽ tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Nếu họ thực sự được bảo vệ khỏi virus, số người nhiễm bệnh trong nhóm được tiêm vắc-xin sẽ phải thấp hơn mặt bằng chung dân số, lý tưởng nhất thì không ai trong số những người tiêm vắc-xin thử nghiệm giai đoạn III nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 giai đoạn III ở Mỹ, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III có thể được thiết kế trong môi trường kiểm soát. Điều đó có nghĩa là thay vì tuyển dụng tình nguyện viên đại trà, các nhà khoa học có thể chọn một số tình nguyện viên trẻ, khỏe, có nguy cơ thấp từ COVID-19 và tiêm cho họ vắc-xin thử nghiệm.

Các tình nguyện viên này sau đó được phơi nhiễm chủ động với SARS-CoV-2 để xem họ có còn bị nhiễm virus nữa hay không. Thí nghiệm kiểm soát này sẽ cung cấp một câu trả lời rõ ràng hơn và nhanh hơn về hiệu quả của vắc-xin.

Trong tuần này, một nhóm vận động có tên là 1Day Sooner đã thu thập được chữ ký của hơn 30.000 người sẵn sàng tham gia vào một thử nghiệm kiểm soát như vậy. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng việc làm này là trái với đạo đức khoa học, bởi hiện họ không có bất kể một phương pháp điều trị COVID-19 nào hiệu quả.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 2.

 

Các tình nguyện viên sẵn sàng chấp nhận phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 có thể phải đối mặt với cái chết nếu vắc-xin không hoạt động. Mặc dù những người trẻ tuổi, khỏe mạnh có ít rủi ro hơn những người lớn tuổi mắc bệnh nền, tuy nhiên, họ vẫn có thể tử vong vì các nguyên nhân mà khoa học còn chưa rõ.

Vì tất cả những lý do này, 4 ứng cử viên vắc-xin COVID-19 có lẽ vẫn sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III theo cách truyền thống. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết họ đã có được đơn ứng tuyển của 138.600 người muốn tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19.

Đây là một con số đủ cho bất kể thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III nào. Nó thể hiện khát vọng và cả sự nôn nóng của chúng ta đối với đại dịch đang diễn ra. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ có thể thu thập được dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của họ vào cuối năm 2020.

Cùng với đó, 3 ứng cử viên vắc-xin COVID-19 đang được phát triển bởi các công ty công nghệ sinh học và viện nghiên cứu khác cũng đang tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng quan trọng này. Vậy cụ thể thì đó là những vắc-xin nào?

1. mRNA-1273 phát triển bởi Moderna và Viện Dị ứng Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ

Ứng cử viên vắc-xin mRNA-1273 được thiết kế dựa trên những RNA thông tin (mRNA). Đó là một sản phẩm đặt dưới sự hợp tác của công ty công nghệ sinh học Moderna và Viện Dị ứng Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), đơn vị trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

Ý tưởng đằng sau nền tảng vắc-xin mRN - một công nghệ vắc-xin cực kỳ mới là hãy cung cấp vào cơ thể và tế bào người những đoạn mã di truyền của virus mục tiêu. Trong trường hợp của mRNA-1273, các nhà khoa học đã đóng gói những mảnh mRNA của SARS-CoV-2 vào các phân tử chất béo ở kích thước nano.

Sau đó, các phân tử này được tiêm vào cơ thể, nơi các tế bào người sẽ dịch mã mRNA để tổng hợp ra protein của virus. Protein của virus không phải virus hoàn chỉnh, bởi vậy khi xuất hiện trong cơ thể người, nó không thể gây bệnh.

Nhưng những đoạn protein này lại vẫn có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, tạo ra các kháng thể để chống lại chúng. Một khi hệ miễn dịch đã được tập huấn với các protein này, chúng sẽ nhận diện được SARS-CoV-2 và tấn công virus khi chúng tổ chức cuộc xâm lược vào cơ thể người qua phổi.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 3.

 

Vào ngày 14 tháng 7, các nhà nghiên cứu tại Moderna đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I của vắc-xin mRNA-1273 trên người. Thử nghiệm này nhằm kiểm tra độ an toàn của vắc-xin khi được tiêm vào người khỏe mạnh.

Nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Y học New England cho biết có 45 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55 đã thử nghiệm 3 liều mRNA-1273. Các nhà khoa học chia họ ra làm 3 nhóm 15 người. Nhóm thứ nhất được tiêm liều thấp với chỉ 25 microgam vắc-xin. Nhóm thứ hai tiêm liều trung bình 100 microgam và nhóm cuối cùng tiêm liều cao 250 microgam.

Mỗi người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đều được tiêm hai liều mRNA-1273, mỗi liều cách nhau 28 ngày.

Kết quả cho thấy vắc-xin của Moderna nhìn chung là an toàn. Hơn một nửa số người tham gia gặp các tác dụng phụ trong mức nhẹ đến trung bình, chủ yếu bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và đau tại chỗ tiêm. Tác dụng phụ xảy ra phổ biến hơn sau khi tiêm liều thứ hai và hai nhóm tiêm liều cao hơn báo cáo tác dụng phụ nhiều hơn.

Có hai tình nguyện viên (một người trong nhóm tiêm 100 microgam và người còn lại thuộc nhóm 250 microgam) xuất hiện vết ban đỏ nghiêm trọng trên da tại vị trí tiêm. Hai người trong nhóm 250 microgam bị chóng mặt và ngất xỉu.

Tuy nhiên, toàn bộ các tình nguyện viên tham gia trong 3 nhóm đều cho thấy cơ thể họ đã sản xuất được kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể này tăng vọt sau mũi tiêm thứ hai. Trớ trêu thay, những người tiêm liều cao mRNA-1273 chỉ có mức độ kháng thể cao hơn một chút, không tương xứng với liều tăng vắc-xin họ nhận được.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh nồng độ kháng thể trong máu của tình nguyện viên được tiêm vắc-xin với 41 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Kết quả cho thấy các mũi tiêm mRNA-1273 tạo ra được mức kháng thể tương đương bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Còn hơn thế nữa, khả năng trung hòa của các kháng thể sau khi tình nguyện viên được tiêm vắc-xin còn cao hơn cả bệnh nhân nhiễm COVID-19. Khả năng trung hòa của kháng thể có nghĩa là chúng không chỉ có khả năng liên kết mà còn làm vô hiệu hóa được virus.

Nhóm tình nguyện viên nhận được 100 microgam mRNA-1273 có chuẩn độ kháng thể trung hòa trong khoảng từ 163 đến 329, cao hơn chuẩn độ của những bệnh nhân COVID-19 sau hồi phục ở khoảng 60 đến 200.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 4.

 

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã xem xét các phản ứng từ các tế bào T có thể tấn công các tế bào nhiễm virus và thấy rằng vắc-xin mRNA-1273 đã tạo ra một số loại phản ứng tế bào T chống lại SARS-CoV-2.

Nhìn chung, kết quả thử nghiệm cho tới nay rất đáng khích lệ. Các nhà nghiên cứu còn đang phải trả lời thêm một số câu hỏi, chẳng hạn như họ chưa biết những phản ứng miễn dịch hoặc mức độ kháng thể nào là đủ để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Và khi mà đại dịch COVID-19 mới xảy ra khoảng 6 tháng, chúng ta không rõ các phản ứng miễn dịch trên người bệnh sẽ bảo vệ họ trong khoảng thời gian bao lâu.

Để tiếp tục trả lời các câu hỏi này, Moderna và Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã lên kế hoặc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho mRNA-1273 vào ngày 27 tháng 7. Họ muốn thử nghiệm vắc-xin của mình trên một tập lớn 30.000 người để xem xét hiệu quả cũng như các dữ liệu đáp ứng miễn dịch sau đó. Tất nhiên, tính an toàn của mRNA-1273 cũng vẫn được theo dõi trong giai đoạn thử nghiệm này.

2. AZD1222 (ChAdOx1 nCoV-19) phát triển bởi Đại học Oxford và AstraZeneca

Vào ngày 20 tháng 7, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford hợp tác với công ty dược phẩm AstraZeneca đã công bố kết quả từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II của AZD1222, một ứng cử viên vắc-xin COVID-19 do họ phát triển.

AZD1222 (còn được gọi là ChAdOx1 nCoV-19) là một loại vắc-xin dựa trên vec-tơ. Trong nền tảng này, các nhà nghiên cứu sẽ cắt các virus nguy hiểm thành các mảnh nhỏ vô hại, rồi gói chúng lên thân của một loại virus lành tính.

Các virus lành tính mang theo gói bưu kiện được đưa vào cơ thể đến kích hoạt hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch sẽ nhìn vào các mảnh virus độc để sản xuất ra các kháng thể và tìm cách chống lại chúng.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 5.

 

Trong trường hợp vắc-xin AZD1222, các nhà khoa học đã đóng gói các protein gai của virus SARS-CoV-2 lên một loại adenovirus yếu lây nhiễm cho tinh tinh. Adenovirus là chủng virus lành tính thường chỉ gây cảm lạnh thông thường.

Thậm chí các chủng adenovirus lây nhiễm tinh tinh thì không gây bệnh cho người. Các nhà khoa học còn cẩn thận hơn khi sử dụng một kỹ thuật để chặn sự nhân lên của chúng trong tế bào người. Cho nên về cơ bản, adenovirus đã bị biến thành một virus vô hại.

Trong các thử nghiệm trên động vật trước đó, AZD1222 đã bảo vệ những con khỉ khỏi bị viêm phổi sau khi các nhà nghiên cứu tiêm vắc-xin rồi cho chúng phơi nhiễm dưới liều cao virus SARS-CoV-2.

Các kết quả thử nghiệm lâm sàng vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet cho thấy AZD1222 nói chung là an toàn và nó thực sự thúc đẩy được phản ứng miễn dịch ở người.

Thử nghiệm có sự tham gia của 1.077 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi, 543 người trong số đó được chỉ định ngẫu nhiên để tiêm AZD1222 và 534 người còn lại được tiêm vắc-xin não mô cầu để làm nhóm đối chứng.

Các nhà nghiên cứu đã chia những người tham gia thành 4 nhóm và thực hiện các loại xét nghiệm khác nhau về phản ứng miễn dịch của họ. Trong số những người được tiêm vắc-xin AZD1222, họ lại chọn ra 10 người để tiêm một mũi nhắc lại sau 28 ngày. Những người tham gia còn lại chỉ được tiêm một liều.

Trong quá trình theo dõi tác dụng phụ, các nhà khoa học nhận thấy ứng cử viên vắc-xin AZD1222 thường gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm đau, cảm thấy sốt, ớn lạnh, đau cơ, nhức đầu và khó chịu. Một số tình nguyện viên thậm chí cần paracetamol (acetaminophen / Tylenol) để giảm sốt. Mặc dù vậy, tin tốt là không ai gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

Về mặt hiệu quả, cả 127 người tham gia được tiêm vắc-xin AZD1222 đều đã sản xuất các kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể nằm trong mức ngang với những bệnh nhân COVID-19 sau hồi phục.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 6.

 

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành hai xét nghiệm riêng biệt để tìm kiếm các kháng thể trung hòa ở 35 người tham gia. Trong một thử nghiệm, 32 người (tương đương 91%) cho kết quả dương tính với kháng thể trung hòa ở thời điểm 28 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Xét nghiệm còn lại thậm chí cho tỷ lệ 100%.

Mười người tham gia được lựa chọn tiêm 2 mũi AZD1222 đều tạo ra các kháng thể trung hòa, và một trong số họ còn có mức kháng thể trung hòa cao hơn bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19. Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo rằng AZD1222 gây ra phản ứng tế bào T.

Dự tính, AstraZeneca sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng AZD1222 giai đoạn III ở Brazil, Anh và Nam Phi. Họ cũng sẽ có kế hoạch thử nghiệm vắc-xin này ở Mỹ. Để tối đa hóa các phản ứng miễn dịch, các nhà khoa học cho biết thử nghiệm giai đoạn III sẽ cho phép toàn bộ tình nguyện viên nhận 2 liều AZD1222.

3. AdV-vectored COVID-19 phát triển bởi CanSino và Quân đội Trung Quốc

Bên cạnh kết quả của AZD1222 được công bố vào ngày 20 tháng 7 trên tờ The Lancet, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn II cho một ứng cử viên vắc-xin được ký hiệu là Ad5-vectored COVID-19.

Vắc-xin này được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics dưới sự hợp tác với quân đội Trung Quốc. Giống với AZD1222, CanSino đặt hi vọng của họ vào nền tảng vắc-xin véc-tơ sử dụng adenovirus bị suy yếu.

Tuy nhiên, adenovirus trong vắc-xin này là Ad5, một chủng virus lưu hành trên người chứ không phải tinh tinh. Đây là một vấn đề vì sự phơi nhiễm trong quá khứ của một người với adenovirus dường như cũng ngăn chặn các phản ứng miễn dịch xảy ra đối với mảnh virus SARS-CoV-2 được gắn lên đó.

Trong giai đoạn I của thử nghiệm được công bố trước đó, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng những người từng tiếp xúc với adenovirus không tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ như những người chưa từng nhiễm nó.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 7.

 

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II dường như là một bước tiến khi kháng thể đã được tìm thấy ở 96% những người được tiêm Ad5-vectored COVID-19. Khoảng 89% những người này cũng phát triển các phản ứng của tế bào T chống lại virus.

Kháng thể trung hòa được phát hiện ở 47% nhóm tiêm Ad5-vectored COVID-19 ở liều thấp và 59% nhóm tình nguyện viên tiêm liều cao hơn.

Tác dụng phụ do vắc-xin Ad5-vectored COVID-19 gây ra được xác định ở mức nhẹ bao gồm sốt, mệt mỏi, đau đầu hoặc đau tại chỗ tiêm. Mặc dù 24 người tham gia trong nhóm liều cao và 1 người trong nhóm liều thấp đã gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, không có phản ứng quá nguy kịch nào được ghi nhận.

CanSino hiện đang lên kế hoạch thử nghiệm giai đoạn III vắc-xin Ad5-vectored COVID-19. Trong khi đó, ứng cử viên vắc-xin này đã được quân đội Trung Quốc chấp thuận cho sử dụng.

4. BNT162b1 phát triển bởi BioNTech và Pfizer

BNT162b1 là một loại vắc-xin dựa trên mRNA khác được sản xuất bởi công ty BioNTech của Đức và công ty dược phẩm khổng lồ Pfizer. Giống như vắc-xin Moderna, BNT162b1 sử dụng các hạt nano chất béo để bọc lấy một đoạn mã di truyền sản xuất protein gai của SARS-CoV-2. Sau đó, gói nano này được truyền vào tế bào người để kích hoạt hệ miễn dịch.

Vào ngày 1 tháng 7, các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I của vắc-xin BNT162b1. Nghiên cứu có sự tham gia của 45 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 19 đến 54. Họ được chia thành 3 nhóm 12 người. Một nhóm được tiêm hai liều BNT162b1 nồng độ thấp (10 microgam), mỗi liều cách nhau 20 ngày. 

Một nhóm thứ 2 được tiêm hai mũi liều trung bình (30 microgam), cũng cách nhau 20 ngày. Và nhóm thứ ba đã tiêm một liều cao (100 microgam). Chín người còn lại trong thử nghiệm chỉ được tiêm giả dược.

Hầu hết những người tham gia báo cáo tác dụng phụ, phần lớn là nhẹ đến trung bình. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ớn lạnh và đau cơ. Tác dụng phụ xuất hiện nhiều hơn khi độ mạnh của liều tăng lên đặc biệt là sau mũi tiêm thứ hai.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã quyết định hủy liều tiêm thứ hai trong nhóm 100 microgam. Ngoài ra, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo.

Trong nghiên cứu này, tất cả những người tham gia tiêm BNT162b1 đều đã phát triển kháng thể và kháng thể trung hòa chống lại SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sau mũi tiêm thứ hai ở liều thấp và trung bình, những người tham gia đã phát triển mức kháng thể và kháng thể trung hòa cao hơn so với mẫu máu của 38 người đã hồi phục COVID-19.

Ví dụ, những người được tiêm BNT162b1 liều thấp cũng đã có mức kháng thể trung hòa trung bình cao gấp 1,8 lần ở những người mắc COVID-19 hồi phục. Còn những người nhận được liều trung bình có kháng thể trung hòa cao gấp 2,8 lần.

 

Nửa năm sau đại dịch, đã có 4 ứng viên cho vắc-xin COVID-19, giờ là lúc phải đối mặt với câu hỏi quyết định - Ảnh 8.

 

Vào ngày 20 tháng 7, các nhà nghiên cứu đã phát hành một loạt dữ liệu thử nghiệm thứ hai từ 60 người tham gia. Dữ liệu mới khẳng định độ an toàn của vắc-xin và cả phản ứng kháng thể mạnh. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hơn 80% những người được tiêm vắc-xin có phản ứng tế bào T mạnh với virus SARS-CoV-2.

Giống như những ứng cử viên khác, Pfizer và BioNtech đang gấp rút đẩy vắc-xin của họ sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.

Đó chưa phải là tất cả

Cũng phải nói rằng 4 vắc-xin kể trên chỉ là 4 đại diện tiên phong trong cuộc chiến của con người với COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện đã có tới 20 loại vắc-xin chống lại SARS-CoV-2 đã tiến được tới thử nghiệm lâm sàng.

Bên cạnh đó, 142 loại vắc-xin nữa đang được phát triển ở giai đoạn tiền lâm sàng. Kinh nghiệm cho thấy các ứng cử viên vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng sớm hơn và lớn hơn chưa chắc đã về đích sớm hơn và cho hiệu quả hơn.

Do đó, hi vọng của chúng ta có thể còn lớn hơn những gì các thử nghiệm thực hiện được cho tới thời điểm này.

genk.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024