Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/04/2019 20:04 # 1
hotuanvu
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 35/110 (32%)
Kĩ năng: 38/40 (95%)
Ngày gia nhập: 25/09/2012
Bài gởi: 585
Được cảm ơn: 98
Trình bày báo cáo tài chính tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở huyện Gia lâm - Thành phố Hà Nội


Bài viết phân tích thực trạng trình bày báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dữ liệu phân tích được thu thập thông qua khảo sát doanh nghiệp nhỏ và vừa và khảo sát bên sử dụng báo cáo tài chính làm cơ sở ra quyết định đầu tư. Một số tồn tại liên quan đến trình bày báo cáo tài chính, yếu tố khách quan và chủ quan có ảnh hưởng đến trình bày báo cáo tài chính đã được chỉ ra làm cơ sở đề xuất các kiến nghị hoàn thiện trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

The paperanalyzes presenting financial statements of small and medium enterprises (SMEs). Analysis information was collected from the direct survey from SMEs and external users of financial statements as necessary documentsfor theirsinvestment decisions. Main weakness of presentating financial statements, affecting factors ofpresentating of financial statements have been shown to propose relevant recommendations for improvement ofpresenting financial statements of SMEs.


Mở đầu
Tính đến nay, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp (DN) đang tồn tại, tăng 50,6% so với năm 2010, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 98 % (Tổng cục Thống kê, 2018). DNNVV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của các địa phương. Báo cáo tài chính (BCTC) của DNNVV dùng để cung cấp thông tin tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của DN, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ DN, cơ quan nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Hiện nay, DNNVV ở Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán DN, ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2015, hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/08/2016, đồng thời áp dụng các chuẩn mực kế toán hiện hành. Theo quy định, BCTC phải trình bày đầy đủ, khách quan, không có sai sót để phản ảnh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của DN. Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI, 2016), phần lớn DNNVV ở Việt Nam BCTC chủ yếu đang được lập để phục vụ cho mục đích đối phó với các cơ quan nhà nước. 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn của các Ngân hàng thương mại (NHTM). Một trong những nguyên nhân là do, trình bày BCTC còn hạn chế và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng BCTC (Diệu Thiện, 2018). Huyện Gia Lâm thuộc thành phố Hà Nội, tính đến nay, số lượng DNNVV của huyện khoảng 2156 DN, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. DNNVV ở huyện Gia Lâm tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp hàng năm tăng lên cho ngân sách nhà nước. Trình bày BCTC là một trong những nội dung quan trọng ảnh hưởng đến cung cấp thông tin cho các bên liên quan. Cùng bối cảnh chung của các DNNVV, trình bày BCTC của các DNNVV ở huyện Gia Lâm cần thiết phải hoàn thiện. Mục tiêu của bài viết là phân tích thực trạng trình bày BCTC của một số DNNVV tại huyện Gia Lâm nhằm đề xuất các kiến nghị hoàn thiện trình bày BCTC của DN, góp phần nâng cao chất lượng BCTC và cải thiện tiếp cận tín dụng từ các NHTM. Trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên 30 DNNVV để thu thập các BCTC và phỏng vấn nhân viên kế toán và cán bộ quản lý. Đồng thời, phỏng vấn 10 nhân viên của một số ngân hàng mà các DNNVV nói trên có vay vốn để thu thập ý kiến đại diện cho NHTM có sử dụng thông tin BCTC. 

Kết quả nghiên cứu

Kết quả điều tra cho thấy, có 53,3 % DN thương mại, 16,6 % DN sản xuất, 13,3 % DN dịch vụ và 16,8 % DN tổng hợp (kết hợp sản xuất và thương mại). Các DN nói trên hiện không có hoạt động đầu tư chứng khoán. DN áp dụng Thông tư số 200/2014/TT-BTC chủ yếu là các DN sản xuất và một số DN tổng hợp, chiếm 26,6 %. DN áp dụng Thông tư 133/2016/TT-BTC chủ yếu là DN thương mại, chiếm 73,4%. Một số vấn đề cơ bản về trình bày BCTC và yếu tố ảnh hưởng đến trình bày BCTC của các DN được điều tra như sau:

1. Áp dụng các chính sách kế toán để đo lường các yếu tố trình bày trong BCTC
Đo lường hàng tồn kho: Tất cả các DN áp dụng phương pháp xác định giá nhập kho và giá xuất kho theo đúng chuẩn mực quy định, phương pháp xác định giá nhập kho được xác định trên cơ sở giá gốc. Đối với phương pháp xác định giá xuất kho có 70,1% số DN điều tra áp dụng phương pháp bình quân gia quyền, 23,3 % áp dụng phương pháp nhập trước xuất trước và 6,6% áp dụng phương pháp thực tế đích danh. Phần lớn các DN áp dụng phương pháp bình quân gia quyền, vì hầu hết các DN thương mại đang kinh doanh nhiều loại hàng. Các DN thương mại đang kinh doanh điện tử, điện lạnh áp dụng phương pháp nhập trước xuất trước đối với những mặt hàng có giá trị lớn (máy tính, tủ lạnh, điều hòa...) và phương pháp bình quân gia quyền đối với các mặt hàng có giá trị nhỏ (phụ kiện). Các thông tin đo lường hàng tồn kho được trình bày rõ ràng trong thuyết minh BCTC. 

Đo lường TSCĐ: Tất cả các DN tuân thủ nguyên tắc đo lường giá trị ban đầu của tài sản theo giá gốc. Các chi phí phát sinh sau khi ghi nhận được ghi tăng giá trị tài sản chủ yếu áp dụng đối với nhà cửa. Phương pháp khấu hao TSCĐ được áp dụng chủ yếu là phương pháp khấu hao tuyến tính. Các thông tin đo lường TSCĐ được trình bày rõ ràng trong thuyết minh BCTC. Tuy nhiên, TSCĐ có giá trị lớn, thời gian sử dụng dài, nguyên tắc giá gốc liên quan sẽ không thích hợp. Cơ sở đo lường theo giá gốc là cung cấp thông tin quá khứ, nên không thích hợp với các quyết định trong môi trường kinh doanh hiện tại theo nền kinh tế thị trường.

Đo lường doanh thu và thu nhập: Các DN được điều tra đã thể hiện tính tuân thủ nguyên tắc ghi nhận và đo lường doanh thu. Doanh thu chủ yếu từ các hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ là chủ yếu. Doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể, chủ yếu là doanh thu tiền lãi. 

2. Áp dụng nguyên tắc thận trọng đối với các khoản mục dự phòng tổn thất tài sản trình bày trong BCTC
Theo chuẩn mực kế toán 01, thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Một trong những đòi hỏi của nguyên tắc thận trọng là kế toán phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn. Các DNNVV được điều tra chủ yếu là các DN thương mại, giá trị hàng tồn kho và giá trị các khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị tài sản ngắn hạn. Tuy nhiên, có 76,6% các DNNVV không lập dự phòng các khoản giảm tổn thất tài sản. Thực tế tại các DN, quy trình quản lý nợ phải thu chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng khó đòi. Các nhân viên ngân hàng được phỏng vấn cho biết, khi cho vay vốn ngân hàng luôn luôn quan tâm đến rủi ro và xử lý nợ của DN. Vì vậy, khi các DNNVV không lập dự phòng thì trong quá trình thẩm định cho vay ngân hàng phải tự tính toán để loại trừ rủi ro... Thiếu thông tin về lập dự phòng tổn thất tài sản phần nào giảm niềm tin cho ngân hàng.

3. Tuân thủ yêu cầu trình bày đầy đủ, khách quan về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh trên BCTC
Kết quả điều tra cho thấy, có 76,6 % các DN điều tra hàng năm có chi các khoản phúc lợi cho công nhân viên, tuy nhiên chỉ có khoảng 50% trong số đó có trình bày thông tin quỹ khen thưởng và phúc lợi trên BCTC. Số DN còn lại cho biết, do chỉ tiêu lợi nhuận trên BCTC còn thấp và chưa tăng nhiều qua các năm, vì vậy họ không muốn công bố thông tin về quỹ khen thưởng và phúc lợi. Có 16,6% DN có hoạt động liên kết với các DN khác, nhưng chỉ có 6,6 % DN thể hiện trên chỉ tiêu doanh thu tài chính. Mặc dù, doanh thu liên kết được loại trừ khi chịu thuế. Theo ý kiến từ các nhân viên ngân hàng, thông qua các chỉ tiêu trình bày trên BCTC của các DN khi so sánh các chỉ tiêu phản ảnh hiệu quả kinh doanh của DN với chỉ số bình quân của ngành được Bộ Công thương công bố hàng năm, thì các chỉ tiêu này của các DN điều tra có nhu cầu vay vốn nhỏ hơn nhiều. Như vậy, có thể do áp lực từ thuế nên còn có hiện tượng các DN che dấu doanh thu và lợi nhuận. Điều này lại gây ra khó khăn cho DN, khi tiếp cận tín dụng từ các NHTM.

4. Trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ 
Theo quy định hiện hành, các DNNVV không bắt buộc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Vì vậy, trong số các DN được điều tra có 63,3 % các DN không lập, đa số thuộc DN tư nhân. Các DN có lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) chủ yếu trình bày báo cáo theo phương pháp trực tiếp. BCLCTT là một báo cáo quan trọng đối với các NHTM được sử dụng, để xem xét tình hình sử dụng tiền và luồng tiền tạo ra trong tương lai của DN. Nhiều DNNVV không lập BCLCTT chứng tỏ chưa quan tâm đến quản lý dòng tiền của DN.

5. Trình bày thuyết minh BCTC
Tại Việt Nam, không có tiêu chuẩn chung quy định về độ chính xác và rõ ràng của thông tin trên thuyết minh BCTC. Thuyết minh BCTC của các DNNVV được điều tra còn tương đối ngắn gọn, chưa cung cấp đầy đủ các thông tin về chiến lược kinh doanh, cơ hội kinh doanh cũng như rủi ro về biến động giá, rủi ro về đặc thù ngành, rủi ro về thiên tai, hỏa hoạn, chi phí xử lý môi trường,... có ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN cho các đối tượng sử dụng thông tin. Thông tin giải trình trên thuyết minh BCTC còn mang chủ quan của người làm kế toán và đội ngũ quản lý DN, vì vậy làm giảm tính đầy đủ, minh bạch của thông tin trình bày trên thuyết minh BCTC.

6. Yếu tố ảnh hưởng đến trình bày BCTC chính của DNNVV
Các yếu tố khách quan: (i) Khung pháp lý về trình bày BCTC: Yêu cầu hội nhập và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chỉ ra rằng, trong một tương lai không xa, giá trị hợp lý phải là cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam nói chung. Vì vậy, việc vận dụng mô hình đánh giá lại sau ghi nhận ban đầu đối với các khoản mục tài sản (bao gồm TSCĐ) là rất cần thiết đối với các DN nói chung; (ii) Động lực hoàn thiện trình bày BCTC và cải thiện chất lượng BCTC đối với DNNVV: Các DNNVV chủ yếu cung cấp thông tin qua BCTC cho cơ quan thuế. Các thông tin cung cấp phải tuân thủ quy định về biểu mẫu, thời gian công bố thông tin, chưa có yêu cầu cụ thể cho chất lượng BCTC. Đối với nhà đầu tư (chủ yếu là ngân hàng), thông tin kế toán thể hiện trên BCTC đang đóng vai trò thứ yếu trong việc ra quyết định. Vì vậy, các DNNVV chưa có nhu cầu thực sự đối với BCTC chất lượng cao.

Các yếu tố chủ quan: (i) Tổ chức quản lý DN: Hiện nay các DNNVV chưa chú trọng đến hệ thống kiểm soát nội bộ, do đó quy trình thu thập, xử lý và kiểm tra thông tin để trình bày BCTC chưa được kiểm soát chặt chẽ. So sánh lợi ích và chi phí trước mắt, 70 % DN cho rằng tăng cường quản trị DN làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của DN. Các DNVVN thường có sở hữu tư nhân, cơ cấu tổ chức dạng gia đình, chưa có thói quen kiểm toán BCTC để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, BCTC mà DNVVN nộp cho cơ quan thuế chưa hoàn toàn đã phản ánh đầy đủ quy mô hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh... Vì vậy, đây là một trong những yếu tố hạn chế đến tính đầy đủ và tính minh bạch của BCTC; (ii) Trình độ nhân viên kế toán: Hầu hết, các DN tiết kiệm chi phí nên có sử dụng hình thức thuê nhân viên kế toán. 83 % các DN điều tra áp dụng hình thức giảm tuyển dụng nhân viên kế toán, giảm chi phí đào tạo nhân viên kế toán để thuê dịch vụ kế toán. Tại các DN có thuê nhân viên kế toán, BCTC thông tin không thực sự cho ra quyết định. Chỉ có 36,6 % DN chỉ sử dụng nhân viên kế toán của DN. Tuy nhiên, nhân viên kế toán tại các DNNVV chủ yếu thực hiện những ghi chép sổ sách, kỹ năng phân tích kinh doanh phục vụ ra quyết định từ thông tin kế toán còn hạn chế. 

Kết luận
Một số đề xuất đối với nhà nước và các DNNVV để hoàn thiện trình bày BCTC của các DNNVV tại địa bàn nghiên cứu cũng như các DNNVV nói chung như sau:

Thứ nhất: Thúc đẩy quá trình hoàn thiện các quy định pháp lý về trình bày BCTC theo xu hướng hòa hợp chuẩn mực kế toán quốc tế.
IFRS 13 về giá trị hợp lý ra đời là bước tiến quan trọng, khẳng định ý nghĩa của giá trị hợp lý trong việc cải thiện tính nhất quán của thông tin tài chính toàn cầu. Giá trị hợp lý đang dần khẳng định những ưu thế của mình trong định giá. Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán, tạo ra sức ép đáng kể về việc nghiên cứu và sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam (Dương Thị Thanh Hiền, 2017).

Thứ hai: Tăng cường kiểm soát của nhà nước đối với chất lượng BCTC. Kiểm soát chất lượng BCTC của các DNNVV chủ yếu được thực hiện thông qua cơ quan thuế. Cơ quan thuế lại chịu chi phí của các văn bản pháp luật về thuế nên chủ yếu tập trung vào thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí của DN. Vì vậy, nhà nước cần quy định cụ thể yêu cầu kiểm soát BCTC của DNNVV thông qua các cơ quan chủ quản có liên quan, tương tự như kiểm soát BCTC của các DNNN và công ty niêm yết. Kiểm toán BCTC hàng năm đối với các DNNVV khó thực hiện do áp lực về chi phí, tuy nhiên vẫn cần quy định bắt buộc đánh giá tính trung thực, hợp lý của BCTC. Cần có quy định về phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng trong kiểm soát chất lượng BCTC, giảm hiện tượng che dấu doanh thu và lợi nhuận. 

Thứ ba: Thay đổi tư duy của chủ DNNVV, tăng cường kiểm soát nội bộ trong DN và đào tạo nâng cao năng lực nhân viên kế toán. Thay đổi nhận thức của chủ DN về vai trò của thông tin kế toán để có thể tác động đến áp dụng đầy đủ các nguyên tắc, các chuẩn mực kế toán vào trình bày BCTC. Mặc dù, các chủ DN có xu hướng quan tâm đến nội dung trình bày BCTC. Tuy nhiên, các chủ DN cần phải thay đổi tư duy nhận thức là BCTC ngoài phục vụ nhu cầu quản lý của chính các chủ sở hữu của DN, của cơ quan thuế thì trình bày đủ các BCTC (kể cả không bắt buộc), trình bày đầy đủ và minh bạch thông tin trên BCTC, sẽ giảm được thời gian và thủ tục thẩm định cho vay vốn của các ngân hàng, tạo niềm tin cho ngân hàng cũng như các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, DN cần chú ý đến đào tạo nâng cao năng lực của nhân viên kế toán để ngoài các công việc ghi sổ kế toán, họ còn thực hiện tốt phân tích tài chính của DN, tư vấn tài chính cho chủ DN. DN cũng cần tạo động lực làm việc cho nhân viên kế toán./.

Tài liệu tham khảo
APFC(Asia Pacific Foundation of Canada). 2017. Survey of entrepreneurs and small and medium enterprises in Vietnam. http://www.asiapacific.ca.
Dương Thị Thanh Hiên. 2017. Giá trị hợp lý và giá gốc trong kế toán: Định hướng áp dụng để phù hợp với thông lệ quốc tế.
http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/gia-tri-hop-ly-va-gia-goc-trong-ke-toan-dinh-huong-ap-dung-de-phu-hop-voi-thong-le-quoc-te-133897.html
Diệu Thiện. 2018. DNNVV chưa coi trọng minh bạch tài chính
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-11-06/doanh-nghiep-nho-va-vua-chua-coi-trong-minh-bach-tai-chinh-64000.aspx
VCCI. 2016. Báo cáo thường niên DNNVV ở Việt Nam. 2016.
Tổng cục Thống kê, 2018.Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017. NXB Thống kê.

 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024