Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/03/2019 20:03 # 1
hotuanvu
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 35/110 (32%)
Kĩ năng: 38/40 (95%)
Ngày gia nhập: 25/09/2012
Bài gởi: 585
Được cảm ơn: 98
Công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Cơ sở lý thuyết và phương pháp đo lường


Thực hiện trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững đang là một trong những mục tiêu quan trọng được các doanh nghiệp quan tâm và hướng đến. Trong đó, các vấn đề thể hiện trách nhiệm xã hội như bảo vệ môi trường, hoạt động cộng đồng, chế độ cho nhân viên… luôn được các nhà quản lý chú trọng. Vì vậy, việc công bố thông tin trên các báo cáo phát triển bền vững nói chung hay công bố thông tin về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản lý cũng như các nhà kinh tế học. Bài nghiên cứu này, trình bày cơ sở lý thuyết đặt nền tảng cho việc cần thiết phải công bố thông tin trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Qua đó, thực trạng chung về việc công bố thông tin liên quan đến các hoạt động môi trường, xã hội trên các báo cáo phát triển bền vững trên thế giới và ở Việt Nam. 
Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Công bố thông tin trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, Lý thuyết những người liên quan.
Abstract: 
Corporate social responsibility toward sustainable development has become one of the most important objectives in business operation. Social responsibility relates to environment protection, community activities, employees, etc. Business, thus, have payed attention to corporate social responsibility disclosure for increasing competitive advantage, reputation and customer royalty. This paper presents explanatory theories and conceptual framework on corporate social responsibility disclosure. In addition, the situation of this issue among various countries as well as Vietnam will be indicated in this paper. 
Keywords: Corporate social responsibility, corporate social responsibility disclosure, Stakeholders Theory.


1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, úc… các doanh nghiệp (DN) đã quan tâm nhiều đến vấn đề công bố thông tin về trách nhiệm xã hội (TNXH) DN. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các DN đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động thể hiện TNXH trong hoạt động kinh doanh. Các hoạt động gắn liền với xã hội có thể kể đến như chú ý đến an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, hoặc các vấn đề liên quan đến nhân quyền. Việc thực hiện những hoạt động này không chỉ góp phần giải quyết một số vấn đề kinh tế xã hội mang tính cấp bách, mà còn giúp DN gia xây dựng hình ảnh và gia tăng danh tiếng. Vì vậy, DN nhận thức được tầm quan trọng của việc công bố thông tin TNXH.
Những công bố liên quan đến TNXH tại Việt Nam hiện nay vẫn dựa trên cơ sở công bố tự nguyện, đa số tập trung ở các DN lớn. Để có cơ sở chặt chẽ cho việc xây dựng nội dung và cách trình bày các báo cáo công bố thông tin TNXH, việc xây dựng cơ sở lý thuyết, phương pháp đo lường hiệu quả thực hiện TNXH là điều cần thiết. 

2. Những vấn đề chung về công bố TNXH
2.1 Trách nhiệm xã hội
Các công ty ngày càng nhận thức được rằng, thành công trong hoạt động kinh doanh không chỉ xuất phát từ việc tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn, mà thay vào đó cần thêm những yêu cầu về việc củng cố TNXH.

Những nghiên cứu về chủ đề TNXH tập trung giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến hành vi DN, thông qua thông tin mà họ công bố. Như vậy, báo cáo TNXH của DN đã trở thành chủ đề nghiên cứu có liên quan để tìm hiểu các hoạt động xã hội, tuy nhiên các báo cáo chủ yếu liên quan đến kế toán tài chính. Bởi vì, các báo cáo tài chính nhằm mục đích trình bày những thông tin tài chính của DN nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho những đối tượng sử dụng khác nhau (Gray và cộng sự, 1997). Do đó, các báo cáo tài chính thường hạn chế việc cung cấp thông tin về sự tương tác giữa tổ chức và xã hội.

Đứng ở góc độ này, báo cáo TNXH được xác định dựa theo các yếu tố chi phối các mối quan hệ trong kinh doanh của DN, các sáng kiến về xã hội quốc tế quan trọng, các quy tắc ứng xử, luật pháp trong nước và quốc tế, quản trị DN, áp lực của công chúng, uy tín, rủi ro và áp lực của nhà đầu tư. Những cấp bậc về trách nhiệm mà DN thực hiện, được thể hiện trong mô hình về TNXH của DN như Hình 1. 


                          Hình 1. Mô hình thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

2.2. Công bố thông tin TNXH
Công bố xã hội có thể được định nghĩa là những công bố thông tin tài chính và phi tài chính liên quan những hoạt động của công ty trong những vấn đề liên quan đến xã hội. Nó có thể thường được coi là cách thức để DN thể hiện hình ảnh của mình trước công chúng liên quan đến các hoạt động về môi trường, cộng đồng, nhân viên và vấn đề người tiêu dùng. Trong bối cảnh này, Haron và cộng sự (2004) chỉ ra rằng, xã hội công bố thông tin cung cấp thông tin tích cực xác nhận rằng hoạt động của công ty là hài hoà với môi trường. Một mặt, tiết lộ này cho thấy là DN đã tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên và các chính sách về quản lý chất thải có hiệu quả. Mặt khác, công khai xã hội có thể là tiêu cực khi phản ảnh rằng hoạt động của công ty gây tổn hại cho môi trường, chẳng hạn như không có khả năng kiểm soát, giảm ô nhiễm hoặc không giải quyết được vấn đề xã hội.

Hope (2003) giải thích rằng, cam kết về các hoạt động TNXH được dựa trên năm yếu tố ở cấp quốc gia: Chi phí kiểm toán, luật pháp, hiệu quả của hệ thống pháp luật, quyền lực của luật pháp và bảo vệ cổ đông. Aerts và cộng sự (2006) phân tích các yếu tố quyết định để giải thích sự khác biệt, trong việc thực hiện công bố thông tin môi trường trên một số quốc gia. Nghiên cứu cho thấy rằng, các công ty ở Hoa Kỳ mức độ công bố cao nhất, tiếp theo là Canada, Hà Lan, Pháp, Bỉ và Đức. Thật vậy, đối với các quốc gia thực hiện nhiều hoạt động xã hội, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc cung cấp thông tin bắt buộc được quy định rất nhiều, dẫn đến mức độ công bố cao hơn. Kết quả là, các công ty ở Bắc Mỹ hoạt động trong môi trường pháp lý chặt chẽ hơn so với các công ty trong châu Âu lục địa, họ tiết lộ nhiều thông tin chi tiêu về môi trường liên quan đến rủi ro môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và vệ sinh môi trường.

3. Cơ sở lý thuyết 
Việc sử dụng một cơ sở lý thuyết phù hợp làm rõ việc công bố thông tin về TNXH DN là cần thiết, để giải thích tại sao chính phủ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các vấn đề không mang tính kinh tế. Thật vậy, khung lý thuyết này có hai cấp độ ở cấp quốc gia và ở cấp DN. ở cấp quốc gia, chúng ta tìm ra các yếu tố xác định sự nhạy cảm của cộng đồng đối với tầm quan trọng của TNXH, do đó gây áp lực đến các DN. Đối với cấp độ DN bao gồm việc xác định các yếu tố phản ứng lại áp lực xã hội và mức độ công bố. Bên cạnh đó, ở cấp độ này cũng xác định lợi ích của việc công bố thông tin cho các công ty. Hai cấp độ được liên kết theo cách mà các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ trong các công ty là như nhau ở các nước.

Việc công bố thông tin TNXH được nghiên cứu trên cơ sở bốn lý thuyết chính: Lý thuyết đại diện (Agency Theory), Lý thuyết những người liên quan (Stakeholders Theory).

3.1. Lý thuyết đại diện (Agency Theory)
Lý thuyết đại diện xem xét các công ty như là một hư cấu pháp lýL, một tập hợp các hợp đồng (chính thức và không chính thức) hoặc mối quan hệ với các đối tác (các bên liên quan). Watts và Zimmerman (1978) dựa trên nguyên tắc các bên liên quan thực hiện các hoạt động trong mối quan hệ để tối đa hóa tiện ích cá nhân của họ. Hệ thống điều phối các hành động cá nhân dựa trên các đại diện và các mối quan hệ (rõ ràng hoặc tiềm ẩn). Như vậy, việc bất đối xứng thông tin của những người tham gia trong các mối quan hệ này, giới hạn và điều khoản khuyến khích là cần thiết để giảm chênh lệch lợi ích giữa các chủ thể.

Lý thuyết đại diện được phát triển bởi Jensen & Meckling (1976), lý thuyết này nghiên cứu mối quan hệ giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
Quan hệ nhà quản lý và cổ đông: Các giải pháp để giảm chi phí là thông qua hợp đồng giữa các cổ đông và nhà quản lý theo hướng khuyến khích nhà quản lý tối đa hóa giá trị thị trường của công ty và tối đa hóa lợi nhuận công ty. Phần lớn các kế hoạch khen thưởng này dựa trên các con số kế toán, do đó nhà quản lý sẽ tìm cách tác động vào báo cáo tài chính thông qua vận dụng chính sách kế toán để đạt được mục đích được hưởng lợi cá nhân của mình.

Quan hệ cổ đông và chủ nợ: Để giảm chi phí ủy quyền, chủ nợ có thể đưa vào hợp đồng các điều khoản hạn chế như: Kiểm soát việc chia cổ tức, kiểm soát hoạt động đầu tư, yêu cầu thông tin để giám sát tình hình hoạt động DN. Việc sử dụng các điều khoản hạn chế nói trên, phải dựa trên số liệu kế toán của DN.

Lý thuyết đại diện cho rằng, xung đột sẽ phát sinh khi có thông tin không đầy đủ và bất cân xứng giữa chủ thể và đại diện trong công ty. Cả hai bên có lợi ích khác nhau và vấn đề này được giảm thiểu bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa cổ đông và người quản lý công ty, thông qua thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản trị, và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý công ty.

Vì vậy, công bố thông tin xã hội là một công cụ quan trọng trong bối cảnh hợp đồng quản lý cổ đông - người quản lý. Các cổ đông chịu chi phí giám sát để tăng cường thông tin của họ trên hoạt động của các nhà lãnh đạo. Như vậy, họ sẽ cố gắng sử dụng thông tin kế toán được công bố để bảo vệ lợi ích riêng của họ, và chứng minh với cổ đông rằng sự quản lý là có hiệu quả Watts & Zimmerman (1978).

3.2. Lý thuyết các bên có liên quan (Stakeholders Theory)
Lý thuyết các bên liên quan giải thích mối quan hệ giữa hoạt động công ty và các bên liên quan được xây dựng bởi tác giả Friedman từ những năm 1970s. Theo lý thuyết này, DN được xem xét như một chủ thể trong một tập thể lớn với nhiều thành phần. Các tác giả đã cho rằng, công ty hoạt động không chỉ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông mà còn cần phải quan tâm, xem xét đến các bên có liên quan đến hoạt động của DN. Các bên liên quan của DN, gồm:
Trong nội bộ DN: Người lao động, Hội đồng quản trị, Ban quản lý,…
Các bên liên quan có quan hệ trực tiếp (đối tác): Cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, nhà tài trợ, chủ nợ,...
Các tổ chức, cá nhân bên ngoài DN: Chính phủ, các hiệp hội, cộng đồng, các tổ chức quan trọng khác,…
Các bên liên quan có nhu cầu và lợi ích khác nhau, thể hiện ở 03 thuộc tính chính: Tính hợp pháp (Legitimacy), tính quyền lực (Power) và tính khẩn cấp (Urgency) (Agle và Mitchel, 2008) (Hình 2).


                                 Hình 2. Phân loại các bên có liên quan

Quyền lực liên quan đến khả năng mang lại kết quả như mong muốn hoặc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Sức mạnh của các bên liên quan có thể phát sinh từ khả năng huy động các lực lượng xã hội - chính trị, cũng như khả năng của họ trong việc lấy lại những nguồn lực từ công ty.
Tính hợp pháp là nhận thức hay niềm tin rằng, các bên có liên quan “là đúng hoặc thích hợp” (Thorne và cộng sự, 1993).
Tính khẩn cấp liên quan đến việc gây áp lực từ phía các đơn vị quản lý. Tính khẩn cấp bao gồm hai yếu tố là thời gian nhạy cảm và tầm quan trọng của yêu cầu bồi thường cho các bên liên quan (Thorne và cộng sự, 1993). 
Khi DN đang theo đổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thì việc thực hiện TNXH DN khó thực hiện, nếu công ty chấp nhận thực hiện TNXH thì lợi nhuận sẽ không còn là mục tiêu chính, và sẽ có sự can thiệp của cơ chế chính trị và kinh tế.

4. Đo lường công bố thông tin TNXH 
Để đánh giá hiệu quả của TNXH DN, việc đo lường chỉ số công bố thông tin TNXH được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trong đó cần chú trọng đến đo lường số lượng công bố và chất lượng công bố. 

4.1. Đo lường số lượng công bố thông tin TNXH
Để đo lường số lượng công bố thông tin TNXH, ngoài việc xác định tài liệu dùng để phân tích, phương pháp định lượng cũng ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Qua các nghiên cứu trước đây, các tác giả đã sử dụng các cách thức khác nhau để xác định số lượng phân tích như là số lượng ký tự, số từ ngữ, số câu, số trang, phần trăm số trang chứa đựng các nội dung liên quan đến TNXH được công bố trên các tài liệu phân tích, hoặc phần trăm số lượng công bố TNXH trên tổng số lượng công bố. Một giả thuyết cơ bản trong các nghiên cứu này là, số lượng liên quan đến công bố TNXH phản ánh tầm quan trọng của nội dung được công bố (Deegan và Rankin, 1996; Gray và cộng sự, 1995a; Krippendorff, 1980; Neu và cộng sự, 1998). Kỹ thuật đo lường khác nhau dẫn đến những kết quả phân tích khác nhau. Một phương pháp đảm bảo tính đồng nhất càng cao thì khả năng so sánh với các nghiên cứu khác càng tốt. 

Đối với phương pháp đo lường bằng số từ ngữ có thể đảm bảo tính chi tiết cao nhất. Trong khi đó, phương pháp đo lường bằng số câu có thể được tính toán chính xác hơn (Hackston và Milne, 1996; Tsang, 1998) và câu thể hiện ngữ nghĩa của nội dung được chính xác hơn so với trường hợp tách riêng biệt từng từ ngữ. Milne và Adler (1999) đã giải thích rằng, độ tin cậy của phương pháp định lượng phụ thuộc vào hiểu biết ý nghĩa của nội dung công bố. Đây là bước quan trọng, trong việc mã hóa và xác định các nội dung công bố. Câu giải thích được ý nghĩa sâu sắc hơn từ ngữ. Vì vậy, câu được lựa chọn như là cách thức đáng tin cậy cho cả trường hợp xác định, mã hóa và định lượng trong phân tích nội dung công bố thông tin TNXH (Milne và Adler, 1999). Tuy nhiên, việc sử dụng câu như một đơn vị đo lường có thể không phù hợp đối với những trường hợp có sự khác nhau về ngữ pháp. Ví dụ, hai nội dung cùng chứa đựng số lượng từ ngữ như nhau, ngữ nghĩa như nhau nhưng được viết theo hai cách khác nhau: có thể là một câu, hoặc tách ra thành hai câu, dẫn đến kết quả đếm số lượng câu ở hai báo cáo sẽ khác nhau. Kết quả là, số lượng câu của hai báo cáo sẽ khác nhau nhưng thực chất không khác nhau về mặt nội dung. Ngoài ra, số từ ngữ, số câu chỉ có thể dùng trong trường hợp các báo cáo ở dạng tường thuật, khó có thể sử dụng đối với những báo cáo cung cấp thông tin về số liệu, biểu đồ, hình ảnh. Trong khi đó, những thông tin này được xem là cách thức truyền thông rất hữu hiệu đối với trường hợp nhiều người đọc không có thời gian để đọc hết nội dung báo cáo nhưng chỉ cần xem xét con số, hình ảnh đã hiểu nội dung của báo cáo. Đối với trường hợp này, đếm số lượng từ ngữ hoặc câu là không phù hợp để phản ánh hết nội dung thông tin được công bố (Bảng 1). 


               Bảng 1. Tóm tắt đo lường số lượng công bố thông tin trách nhiệm xã hội

4.2. Đo lường chất lượng thông tin công bố
Phân tích công bố thông tin TNXH không chỉ dựa trên việc công bố cái gì mà cần đánh giá nội dung được công bố như thế nào (Guthrie và Parker, 1990). Trong các nghiên cứu về công bố thông tin TNXH, các tác giả còn quan tâm đến chất lượng thông tin được công bố thông qua đánh giá chất lượng từng nội dung được công bố và chất lượng hình thức công bố.

TNXH là một khái niệm đa chiều bao gồm nhiều nội dung khác nhau, tùy theo nội dung và mục đích phân tích, các nhà nghiên cứu có thể lựa chọn những nội dung khác nhau để đánh giá TNXH của DN. Một số tác giả đánh giá các nội dung của TNXH có giá trị như nhau trong việc phân tích như các nghiên cứu của Haniffa và Cooke (2005), Mohd Ghazali (2007), Said và cộng sự (2009), Esa và Mohd Ghazali (2012). Trái lại, những quan điểm không ủng hộ việc xem xét các khía cạnh của TNXH là không giống nhau và có mức độ quan trọng, tác động khác nhau đến hoạt động của DN và có ảnh hưởng khác nhau đến các bên có liên quan. Vì vậy, khi phân tích công bố thông tin TNXH, các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến mức độ quan trọng hoặc chất lượng của các khía cạnh khác nhau trong nội dung của TNXH. Theo Lu và cộng sự (2014) đã đánh giá chất lượng của thông tin công bố liên quan đến từng nội dung của TNXH, được công bố trên báo cáo thường niên của các DN Trung Quốc. Thông qua bảng câu hỏi đến 12 nhóm đối tượng khác nhau nhằm đánh giá 121 nội dung thuộc khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của TNXH theo tiêu chuẩn GRI. Trong khi đó, Trang và cộng sự (2016), khi phân tích ở một khía cạnh xã hội dựa theo tiêu chuẩn của GRI, các tác giả đã đánh giá mức độ quan trọng liên quan đến các nội dung người lao động, sản phẩm, hoạt động cộng đồng, quyền con người. Việc đánh giá tầm quan trọng của các nội dung này, nhóm nghiên cứu đã lấy ý kiến của các bên có liên quan như nhân viên, khách hàng, tổ chức tình nguyện, các luật sư.

Bên cạnh chất lượng của từng nội dung được phân tích, các nghiên cứu còn quan tâm đến chất lượng của hình thức nội dung được công bố. Trong khi có một số quan điểm đánh giá cao những hình thức công bố có bao gồm những thông tin mô tả chi tiết, các số liệu và các con số thể hiện giá trị tiền tệ thể hiện thông tin chi tiết và phản ánh rõ TNXH của DN (Trang và cộng sự, 2016). Các nghiên cứu khác lại tranh luận hình thức công bố ứng với những nội dung khác nhau sẽ có mức độ quan trọng khác nhau, dựa trên quan điểm của các bên có liên quan. Vì vậy, có nhiều tác giả đã kết hợp việc đánh giá chất lượng hình thức công bố thông tin để đánh giá công bố thông tin TNXH như các nghiên cứu của Toms (2002), Clarkson và cộng sự (2008). Đánh giá kết hợp giữa đo lường số lượng, chất lượng nội dung và chất lượng thông tin công bố được xem là toàn diện hơn những phương pháp đo lường chỉ dựa trên số lượng thông tin. 

5. Kết luận 
Công bố thông tin về TNXH được xem như một trong những công cụ để đo lường, ghi nhận và công bố các mục tiêu, trách nhiệm của DN hướng tới phát triển bền vững. Bởi bên cạnh những thông tin về tài chính, thông tin về hoạt động của DN xét trên khía cạnh môi trường, xã hội ngày càng được quan tâm. Báo cáo phát triển bền vững là một công cụ mới, giúp DN tổ chức và công bố thông tin về hoạt động mang tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính.
Các cơ sở lý thuyết đặt nền tảng cho nghiên cứu liên quan đến công bố TNXH như: Lý thuyết người đại diện, Lý thuyết những bên có liên quan, … đã tạo ra cơ sở lý luận chặt chẽ, tạo cơ sở để các nhà quản lý đặt nhiều quyết tâm cho việc thực hiện các hoạt động đóng góp cho môi trường, cộng đồng, xã hội. Điều này được thể hiện qua nhiều thông tin được các DN công bố trên các báo cáo phát triển bền vững.

Hiện nay, việc công bố thông tin TNXH đang trở thành thông lệ quốc tế. Báo cáo phát triển bền vững không chỉ giúp các DN củng cố tăng cường mối hợp tác với các bên liên quan, với nhà đầu tư và cộng đồng mà còn giúp các DN tăng cường quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy, đã có minh chứng xác thực về mối tương quan giữa phát triển bền vững và hiệu quả hoạt động và mức lợi nhuận thu được của DN. Việc thiếu thông tin về phát triển bền vững có thể làm mất cơ hội hợp tác kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư có trách nhiệm với phát triển bền vững. Báo cáo bền vững là một điều kiện cần để các DN tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng trong đề tài mã số B2016 -DNA-19-TT./.


Tài liệu tham khảo
1. Aerts, W. Ledoux ; M. Magnan. & Cormier, D. W. Attributes of social and human capital disclosure and information asymmetry between managers and investors. Canadian Journal of Administrative Sciences, 2, 71-87, (2006).
2. Agle B. and Mitchell R. Introduction: Recent Research and New Questions, Business Ethics Quarterly 18(2), 153-90 (2008).
3. Buhr, N. Environmental performance, legislation and annual report disclosure: the case of acid rain and Falconbridge. Accounting, Auditing & Accountability Journal (Vol. 11) (1998).
4. Dierkes, M. & Peterson, A. B. The Usefulness and Use of Social Reporting Information Accounting Organizations and Society, 10(1), 29-34 (1997).
5. Esa, E., & Anum Mohd Ghazali, N. Corporate social responsibility and corporate governance in Malaysian government#linked companies. Corporate Governance: The International Journal of Business in Society, 12(3), 292–305 (2012).
6. Freedman, M. & Patten, D. M. Evidence on the pernicious effect of financial report environmental disclosure. Accounting Forum, 28(1), 27-41 (2004).
7. Gray, R., Kouhy, R., & Lavers, S. Corporate social and environmental reporting: a review of the literature and a longitudinal study of UK disclosure. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 8(2), 47–77, (1995).
8. Hackston, D., & Milne, M. J. and environmental disclosures in New Zealand companies. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 9(1), 77–108, (1996).
9. Haniffa, R. M., & Cooke, T. E. The impact of culture and governance on corporate social reporting. Journal of Accounting and Public Policy, 24(5), 391–430 (2005).
10 Harte, G. & Owen, D. Environmental Disclosure in the Annual Reports of British Companies: A Research Note. Accounting, Auditing and Accountability Journal, 4 (3), 13-20 (1991).
11. Hasseldine, J., Salama, A. I. & Toms, J. S. Quantity versus quality: the impact of environmental disclosures on the reputations of UK Plcs. The British Accounting Review, 37(2), 231-248 (2005).
12. Haron, H., Yahya, S. Chambers, A., Manasseh, S., & Ismail, I. Level of Corporate Social Disclosure in Malaysia. Fourth Asia Pacific Interdisciplinary Research in Accounting Conference, 4-6, July, Singapore, (2004).
13. Hope, O.K. Disclosure Practices, Enforcement of Accounting Standards, and Analysts Forecast Accuracy: An International Study. Journal of Accounting Research, 41(2), 235-272. (2003).
14. Guidry, R. P. & Patten, D. M., Voluntary disclosure theory and financial control variables: An assessment of recent environmental disclosure research. Accounting Forum, 36(2), pp. 81-90 (2012).
15. Hoang, T. C., Abeysekera, I., & Ma, S. Board Diversity and Corporate Social Disclosure: Evidence from Vietnam. Journal of Business Ethics, 1–20. (2016).
16. Khan, A., Muttakin, M. B., & Siddiqui, J. Corporate Governance and Corporate Social Responsibility Disclosures: Evidence from an Emerging Economy. Journal of Business Ethics, 114(2), 207–223 (2013).
17. Lu, Y., & Abeysekera, I. Stakeholders power, corporate characteristics, and social and environmental disclosure: Evidence from China. Journal of Cleaner Production, 64, 426–436 (2014).
18. Milne, M. J., & Adler, R. W. Exploring the reliability of social and environmental disclosures content analysis. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 12(2), 237–256 (1999).
19. Neu, D., Warsame, H., & Pedwell, K. Managing Public Impressions: Environmental Disclosures in Annual Reports. Accounting, Organizations and Society, 23(3), 265–282 (1998).
20. Said, R., Hj Zainuddin, Y., & Haron, H. The relationship between corporate social responsibility disclosure and corporate governance characteristics in Malaysian public listed companies. Social Responsibility Journal, 5(2), 212–226 (2009).
v.v……




 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024