Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/05/2010 08:05 # 1
vamikool
Cấp độ: 9 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 75/90 (83%)
Kĩ năng: 27/80 (34%)
Ngày gia nhập: 04/01/2010
Bài gởi: 435
Được cảm ơn: 307
Truy tìm chiếc Vespa Pháp độc nhất Việt Nam



Truy tìm chiếc Vespa Pháp độc nhất Việt Nam

Dòng xe Vespa vẫn còn khá nhiều ở Việt Nam, nhưng Vespa Pháp dòng ACMA 1953 tuyệt mỹ với giá trị lịch sử của mình, chỉ còn độc một chiếc ở Sài Gòn.

Lần lại lịch sử Vespa ACMA

Mùa xuân năm 1950, những chiếc Vespa của Italia ồ ạt đổ bộ vào đất Pháp vì những đường cong tuyệt đẹp và động cơ đơn giản rất dễ sử dụng. Đặc biệt, dòng xe này có sức hút kỳ lạ với nữ giới.

Ngửi thấy mùi tiền béo bở, hãng ACMA (Aterliers de Constructions de Motocycle et Accessoires) có trụ sở tại Paris đã quyết định mua lại nhà máy Fourchambault để lắp ráp Vespa động cơ 125cc dành cho người Pháp, với các chi tiết phụ tùng máy móc đều được nhập cảng từ Italia. Vậy là những chiếc Vespa gắn nhãn ACMA bắt đầu rong ruổi trên đất Pháp.

Những chiếc Vespa trong bộ sưu tập của một tay chơi xe cổ.


Đầu năm 1952, ACMA tổ chức sự kiện đặc biệt chào mừng chiếc Vespa thứ 10.000. Vespa ACMA bắt đầu vươn "vòi" ra khắp đất Pháp thông qua mạng lưới phân phối đến 150 đại lý. Những năm sau, Vespa Pháp phát triển rất mạnh, gần như thống trị trong dòng xe hai bánh. Năm 1957 xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez và luật mới về giấy phép lái xe đã dẫn đến việc ACMA tạm ngưng sản xuất Vespa một năm sau đó.

Năm 1953 người Pháp đưa những chiếc Vespa vào Việt Nam, bắt đầu một cuộc chinh phục mới. Vespa ACMA ngay lập tức hút hồn những tay chơi xe lúc bấy giờ bởi dáng vẻ tuyệt mỹ tựa gái xuân thì. Khách hàng của những phân khúc xe hai bánh sinh sau đẻ muộn vẫn phải trầm trồ, thán phục trước vẻ kiêu sa, kiều diễm của những chiếc Vespa thế hệ này.

Sự khác biệt tuyệt mỹ

Về hình dáng, Vespa Pháp gần như là bản sao của Vespa Italia, trừ điểm khác biệt là đèn trước được dời lên ghi đông (xe Italia đèn trước nằm trên vè). Đèn trước có đường kính 115mm, nổi bật chữ A ở tâm. Curon to bản. Bộ dây ga, số không luồn vào trong ghi đông mà bắt bên ngoài. Cặp cốp, vè, chụp vô lăng bằng nhôm.

Vepsa 1953 chưa hẳn sản xuất năm 1953, nó có thể được ra lò một - hai năm trước đó. Cánh thợ máy Sài Gòn lấy mốc năm mà chiếc Vespa Pháp xuất hiện làm chuẩn. Họ gọi chung là Vespa 53, số máy đời xe này chỉ có năm chữ số, còn loại sáu chữ số là các đời Vespa sau đó.



Khác biệt của ACMA Pháp: đèn trên ghi đông


Logo ghi dung tích, số sườn


Lỗ mũi và kèn

Dấu ấn người chủ cũ


Xét về động cơ, Vespa 53 rất yếu vì piston 125cc, đường kính 54mm, tay biên (dên) 54mm, xi lanh chỉ một lỗ hút. Lỗ hút xăng nằm sát bên lỗ xả. Đặc biệt giò đạp (cần khởi động máy) cong. Mobin gắn trong mâm lửa.

Nửa thế kỷ sau khi dòng xe này xuất hiện, sở hữu được chiếc Vespa 1953 là mơ ước của các tay chơi xe cổ vì giá trị lịch sử đặc biệt của nó. Dòng xe này hiện gần như tuyệt chủng, có lẽ do căn bệnh kinh niên máy móc hay hỏng và rất khó tìm được phụ tùng thay thế. Hoặc trên thân thể mỹ miều của nó có khá nhiều đồ nhôm, nên thiên hạ đem đi cân đồng nát hết chăng?

Chiếc Vespa Pháp độc nhất ở Việt Nam

May mắn thay, vẫn còn lại một chiếc Vespa ACMA 1953 hiện thuộc sở hữu một tay chơi xe tại Sài Gòn. Tiếc khi một số bộ phận của xe không còn nguyên bản, nhưng có còn hơn không. Tay chơi xe tên L. (đề nghị giấu tên) còn khá trẻ nhưng có tiếng trong giới chơi xe cổ khi sở hữu những chiếc xe vô cùng quý hiếm. Dân chơi xe cổ phải nuốt nước bọt khi nhìn những chiếc xe cổ của anh này, trong đó có chiếc ACMA.

Chiếc Vespa ACMA 1953 độc nhất Sài Gòn.


Anh L. cho biết chiếc Vespa 1953 anh đã mua lại của một tay chuyên sưu tầm đồ "độc địa" ở Sài Gòn cách đây vài năm với giá không hề rẻ, 2.800USD. Xe bị "lai" vài món, nếu còn nguyên bản không biết giá sẽ đội lên bao nhiêu? Gần đây, có người trả chiếc xe của anh L. với giá 8.000USD nhưng chỉ nhận được ở anh cái lắc đầu. Có những thứ không thể mua bằng tiền.

Giới chơi xe khẳng định chiếc Vespa 1953 này có thể là độc nhất ở Việt Nam hiện nay. L. cho biết, anh sẽ giữ nó lại "bằng mọi giá". Anh không thường xuyên sử dụng chiếc xe này, chỉ thi thoảng dùng vào những ngày cuối tuần hay những dịp đặc biệt. Với dân thực sự đam mê xe cổ, họ có một thứ tình cảm đặc biệt dành cho những chiếc xe của mình. Mỗi sáng được ngắm nghía chiếc xe cổ thân thương của mình là một cảm giác khó tả, mọi muộn phiền như tan biến, yêu đời và công việc của mình hơn.

Những người Pháp am hiểu, đam mê Vespa hẳn sẽ ngậm ngùi nếu tình cờ gặp lại "cố nhân" Vespa 1953 ở Sài Gòn, trong cảm giác cay cay nơi sóng mũi...

Nhật Hạ - Việt Báo



 
Các thành viên đã Thank vamikool vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024