Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/12/2018 13:12 # 1
hotuanvu
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 35/110 (32%)
Kĩ năng: 38/40 (95%)
Ngày gia nhập: 25/09/2012
Bài gởi: 585
Được cảm ơn: 98
Bằng chứng thực nghiệm về tác động của công bố thông tin trách nhiệm xã hội tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp


(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T5/2017)

Bài viết tìm hiểu tác động của công bố thông tin (CBTT) trách nhiệm xã hội (TNXH) tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp (TCDN) thông qua việc khảo sát các nghiên cứu trong quá khứ. Phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, CBTT trách nhiệm xã hội có tác động tích cực đến hiệu quả TCDN. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả TCDN giảm và trong một số trường hợp, thì không thấy mối liên hệ giữa hai biến số này. Điều này được lý giải, bởi một số nguyên nhân như: Thời gian nghiên cứu, môi trường pháp luật, quy mô doanh nghiệp (DN), ngành nghề kinh doanh của DN, đòn bẩy TCDN.
Dựa vào kết quả khảo sát, bài viết đề xuất một mô hình nghiên cứu, nhằm đo lường tác động của CBTT TNXH đối với hiệu quả tài chính cho các DN Việt Nam.

Abstract: The paper studies how corporate social responsibility disclosure impacts financial performance through previous surveying research. Most experimental studies show that the disclosure of social responsibility has positive impacts on enterprise financial performance; however, some studies indicate that enterprise financial performance reduces or there is no tie between these two figures. This could be explained by several factors such as research conducting time, law context, enterprise scale, business line, and degree of financial leverage. 
Based on the survey results, the current research model is proposed to measure how corporate social responsibility disclosure impacts financial performance for Vietnamese enterprises.

TNXH DN đã trở thành chiến lược kinh doanh của nhiều DN trên thế giới. Một số DN tên tuổi đã có được những lợi ích thông qua thực hành TNXH như Google với trụ sở làm việc dành cho người lao động giá trị nhất thế giới, Nike thoát khỏi nguy cơ tuột dốc doanh số với những cam kết chỉ hợp tác với những nhà cung cấp thực hiện những tiêu chuẩn TNXH, hãng điện tử dân dụng Best Buy xây dựng thương hiệu, thông qua chương trình tái chế sản phẩm điện tử,... Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, chiến lược TNXH không chỉ giúp cải thiện hình ảnh DN mà nó còn giúp DN thực hiện các thủ tục đầu tư thuận lợi hơn, tăng năng suất lao động, doanh thu bán hàng, nâng cao uy tín và thương hiệu, thu hút nhiều lao động giỏi. Từ chiến lược đến thực hiện, với mong muốn đánh bóng tên tuổi, truyền bá hình ảnh tới các đối tác và các bên liên quan, các DN có xu hướng ngày càng tăng nhu cầu CBTT về các hoạt động TNXH về các hoạt động bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, chất lượng sản phẩm, phát triển cộng đồng,... của họ. Theo nghiên cứu của KPMG năm 2013, CBTT TNXH đã trở thành xu thế hiện đại của các DN trên toàn cầu, với sự gia tăng mạnh trong những năm gần đây với kết quả khảo sát 4.100 DN, cho thấy hơn 70% trong số đó đưa thông tin về TNXH vào báo cáo hoạt động DN.

Như vậy, các nhà quản trị DN và các học giả tin rằng, CBTT TNXH có thể làm tăng hiệu quả TCDN. Để kiểm chứng cho niềm tin này, tác giả đưa ra các khái niệm liên quan đến chủ đề thảo luận, đồng thời tiến hành khảo sát một số nghiên cứu trong quá khứ tại các quốc gia khác nhau, từ đó lý giải giữa lý thuyết và thực nghiệm. Dựa trên kết quả khảo sát, tác giả đề xuất mô hình đo lường sự tác động của CBTT tới hiệu quả TCDN, nhằm áp dụng cho các DN Việt Nam.

Các khái niệm liên quan
Một là, Trách nhiệm xã hội
TNXH được tiếp cận theo nhiều cách hiểu khác nhau. Khái niệm TNXH được hình thành trong những năm 50, của thế kỷ trước, được đề cập trong cuốn sách Social Responsibilities of the Businessmen của Howard Rothmann Bowen (1953) TNXH DN lòng từ thiện của DN, để bù đắp những thiệt hại do DN gây ra làm tổn hại cho xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội thì ngày nay, quan niệm về TNXH DN cũng thay đổi và nó ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng DN trong phạm vi toàn cầu với rất nhiều bộ quy tắc ứng xử về TNXH DN được đưa ra bởi các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ như Ngân hàng thế giới - WB, Hội đồng DN thế giới về phát triển bền vững - WBCSD, 10 nguyên tắc của Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc - UNGC, hướng dẫn của tổ chức hợp tác và phát triển thế giới - OECD cho DN đa quốc gia, Sáng kiến báo cáo toàn cầu GR,...

Theo định nghĩa của WordBank “TNXH DN là những cam kết của DN đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác với người lao động, gia đình, cộng đồng địa phương và xã hội, để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ sao cho vừa có lợi ích cho DN vừa có ích cho sự phát triển”.

Hai là, CBTT trách nhiệm xã hội
CBTT TNXH bắt nguồn từ TNXH DN cùng với sự thay đổi trong cách tiếp cận từ tiếp cận theo lý thuyết cổ đông (Shareholders Theory) sang cách tiếp cận thông tin theo lý thuyết người có liên quan (Stakeholders Theory) đã thúc đẩy DN cần có trách nhiệm, thông báo những thông tin tới các bên liên quan mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh và môi trường xã hội. Theo Gray và cộng sự (1996) “CBTT TNXH là quá trình truyền đạt những hoạt động kinh doanh của tổ chức có ảnh hưởng đến môi trường và xã hội tới các cá thể trong xã hội nói riêng và tổng thể xã hội nói chung”. DN có thể truyền báo tới các bên liên quan mức độ quan tâm của DN đến mối trường và xã hội, thông qua CBTT bằng các phương tiện như: Báo cáo thường niên, quảng cáo, bài báo cáo hoạt động TNXH DN, báo cáo phát triển cộng đồng, báo cáo môi trường, thông cáo báo chí, băng video và các trang web.

Quan điểm liên quan đến lợi ích của CBTT TNXH hai luồng ý kiến trái ngược nhau giữa các nhà khoa học. Quan điểm thứ nhất cho rằng, thực hành và CBTT về TNXH làm DN phải chịu thêm gánh nặng về chi phí (Friedman, 1970). Ngược lại, với quan điểm trên, các nhà khoa học cho rằng, thực hành và CBTT TNXH có kết nối với các lợi ích tài chính. KPMG (2011) thực hiện khảo sát toàn cầu về báo cáo bền vững kết luận rằng, thực hiện và CBTT TNXH làm tăng giá trị tài chính và thúc đẩy DN đổi mới. Các DN tìm thấy cơ hội cải thiện hoạt động, bằng cách phân tích các hoạt động của họ và tiến hành các chương trình cải tiến. Lợi ích tài chính có thể đạt được từ hai nguồn: Tiết kiệm trực tiếp và cải thiện danh tiếng trên thương trường. 

Ba là, Hiệu quả TCDN
Hiệu quả tài chính là một biện pháp đo lường hoạt động kinh tế của DN. Hiệu quả thể hiện mối tương quan giữa các biến số đầu ra thu được so với các biến số đầu vào đã được sử dụng, để tạo ra những kết quả đầu ra đó. Hiện tại có hai quan niệm khác nhau về hiệu quả TCDN. Quan niệm thứ nhất cho rằng, hiệu quả tài chính là hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng vốn trong quá trình kinh doanh và quan niệm thứ hai cho rằng, hiệu quả tài chính là hiệu quả của việc huy động vốn, còn hiệu quả và sử dụng vốn là hiệu quả kinh doanh.Với quan điểm thứ nhất, đại diện cho hiệu quả tài chính có hai nhóm chỉ tiêu được các nhà nghiên cứu sử dụng. Nhóm thứ nhất thể hiện qua giá trị thị trường, gồm các chỉ tiêu: TobinQ, tỷ lệ tăng giá của cổ phiếu, tỷ lệ giá thị trường so với giá trị sổ sách. Nhóm thứ hai, thể hiện qua số liệu kế toán, gồm các chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS), Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE), ...

Mối quan hệ CBTT TNXH và hiệu quả TCDN

Nền tảng lý thuyết cho thấy rằngN, động cơ DN thực hiện CBTT TNXH xuất phát từ lý do DN tìm cách tồn tại và phát triển hoạt động kinh doanh. Thông qua CBTT TNXH, DN có thể đạt được những lợi ích nhất định.

Đầu tiên, một DN muốn sản phẩm của mình được khách hàng biết đến và tin dùng, thì DN cần có một chính sách thông tin TNXH về tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng đến cộng đồng có thể coi như là một dấu hiệu về chất lượng sản phẩm. Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để mua những sản phẩm có cam kết TNXH (môi trường, bao bì, giá sản phẩm, tiếp thị và các yếu tố liên quan đến hữu cơ, sức khỏe) mà nhà sản xuất cam kết khi tung sản phẩm của họ ra thị trường. Do đó, CBTT TNXH rõ ràng và minh bạch, có thể giúp DN tăng trưởng doanh thu thông qua tăng số lượng khách hàng được cung cấp đầy đủ doanh thu.

Thứ hai, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế các tiêu chuẩn TNXH đang trở thành một trong những điều kiện trong buôn bán thương mại. Việc các DN CBTT đầy đủ, đặc biệt là những thông tin phi tài chính về TNXH của DN như môi trường, xã hội, quản trị sẽ giúp các DN tiếp cận được nhiều hơn với những thị trường mới, với các nhà đầu tư trên toàn cầu mở ra cho DN những cơ hội kinh doanh mới, từ đó có thể góp phần tăng doanh thu cho DN.

Thứ ba, đạo đức kinh doanh và TNXH trở thành nền tảng, cho việc xây dựng một thương hiệu mạnh. Haniffa và Cooke (2005) cho rằng, các DN công bố thông về các hoạt động xã hội và môi trường làm nổi bật vai trò của họ đối với xã hội, giúp DN tạo dựng niềm tin của các bên liên quan đối với DN, từ đó nâng cao uy tín của DN. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã tuyên bố rằng "Thế giới đang cạnh tranh ngày càng cao, các DN cần phải chứng minh nhận thức của mình đối với môi trường, theo yêu cầu người tiêu dùng và các bên liên quan”. Chính vì vậy, việc thực hiện và CBTT TNXH DN rộng rãi, có thể giúp DN gia tăng giá trị thương hiệu và uy tín đáng kể. Nhờ có uy tín và thương hiệu nên các sản phẩm dịch vụ của DN được người tiêu dùng biết đến nhiều với cái nhìn thiện cảm, DN có thể đưa ra sản phẩm và dịch vụ mới hay tiếp cận thị trường mới một cách dễ dàng hơn.

Thứ tư, việc gia tăng CBTT TNXH có thể làm gia tăng chi phí thực hiện báo cáo, tuy nhiên điều này lại giúp DN tiêu hao ít hơn các hoạt động tiếp thị, bằng cách thiết lập vững chắc mối quan hệ với các nhà phân phối, thông qua chủ động cung cấp thông tin, mang hình ảnh của DN đến các bên liên quan rõ ràng hơn. Giúp DN có thể tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn, khi trở thành đối tượng ít rủi ro trên thị trường. Các nhà đầu tư chấp nhận tỷ suất lợi tức đầu tư hay tỷ lệ chi trả cổ tức thấp hơn, trong những DN có những hỗ trợ xã hội phù hợp với mối quan hệ và mong đợi của họ. Ví dụ, sự xuất hiện của những Quỹ đầu tư Xanh, chuyên đầu tư vào các DN tư nhân, những DN mà giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội, trong khi tạo ra thu nhập và việc làm ổn định lâu dài. Do đó, các DN có uy tín về các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường, sẽ có cơ hội huy động vốn chủ sở hữu với chi phí thấp hơn do các nhà đầu tư bị thu hút bởi các DN như vậy. Về vấn đề này, Dhaliwal & cộng sự (2011) đã cung cấp bằng chứng cho thấy, việc CBTT xã hội và môi trường làm giảm chi phí vốn cổ phần. Đối với chi phí đi vay, các công ty cũng có thể nhận được tiền từ các chủ nợ với chi phí đi vay thấp hơn. Chẳng hạn, ngân hàng xác định lãi suất cho DN vay gắn với những rủi ro trong tương lai gồm những chi phí có thể phát sinh bất lợi trong tương lai, do Chính phủ và các bên liên quan khác áp đặt. Nếu DN tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội và môi trường và tiết lộ thông tin liên quan đến những vấn đề này, các chủ nợ sẽ coi đây là một cơ chế tự điều hành, do DN thực hiện để giảm những tác động của những chi phí có thể phát sinh, ảnh hưởng đến luồng tiền trong tương lai của DN. Trong trường hợp này, các chủ nợ sẽ đánh giá thấp rủi ro mặc định và do vậy đòi hỏi chi phí cho vay thấp hơn. Orens & cộng sự (2010) cũng đã kiểm tra mối quan hệ giữa thông tin xã hội và môi trường tiết lộ và chi phí đi vay và xác nhận sự liên kết thực nghiệm tiêu cực giữa cả hai biến số.

Bên cạnh thước đo bằng các hệ số giá trị kế toán, thì hiệu quả tài chính của DN còn có thể đo lường thông qua các hệ số giá trị thị trường. Hệ số giá trị thị trường của DN bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá cổ phiếu của DN. Các nhà khoa học cho rằng, có hai trường phái trong nghiên cứu tài chính về việc xác định giá cổ phiếu của một công ty (Trịnh Hiệp Thiện, 2016). Một trường phái giả định rằng, thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả và bất kỳ thông tin nào, cũng sẽ được phán ánh gần như ngay lập tức đến giá cổ phiếu của DN. Theo trường phái này, thì những thông tin phi tài chính (bao gồm cả thông tin TNXH) sẽ có tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu ngay lập tức. Trường phái còn lại cho rằng, thị trường hoạt động không hiệu quả và giá chứng khoán bị tác động bởi cả các yếu tố tài chính, như doanh thu, chi phí,... của DN theo kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo quan điểm này, thì giá cổ phiếu của một DN cụ thể sẽ phụ thuộc vào cung cầu thị trường mà cung cầu thị trường lại bị ảnh hưởng bởi nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư lại có xu hướng đầu tư vào những DN có uy tín về thực hiện tốt các vấn đề về xã hội và môi trường.

Bằng chứng thực nghiệm về tác động của CBTT TNXH đến hiệu quả TCDN

Nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề CBTT TNXH tới hiệu quả tài chính xuất hiện tương đối muộn, do những vấn đề TNXH còn mới mẻ đối với nhiều quốc gia và những hoạt động CBTT TNXH vẫn còn là tự nguyện. Các nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện ở các khía cạnh khác nhau. Các nhà nghiên cứu đi tìm hiểu mức độ CBTT TNXH nói chung tác động đến hiệu quả tài chính. Cách làm này, đã được thực hiện bởi Perkins Cheung &Wilson Mak (2010), Mustaruddin Saleh & Cộng sự (2011),Yuhei Inoue & Seoki Lee (2011); Olivia Tjia & Lulu Setiawati Nina karina (2012), Nagib Salem Bayoud (2012); Karim & céng sù (2013), Marna De Klerk &Charl de Villiers (2014); Hichem Khlif (2015), Elena Platonova & cộng sự (2016), Suzanne Bowerman & Umesh Sharma (2016);... Ngoài ra, có một số các nghiên cứu thực hiện nghiên cứu sâu hơn tìm hiểu ảnh hưởng của từng chuyên mục thông tin TNXH đến hiệu quả TCDN (Perkins Cheung &Wilson Mak, 2010; Mustaruddin Saleh & cộng sự, 2011; Wisuttorn Jitaree, 2015, Nma Ahmed Mohammed & cộng sự, 2016;...).

Kết quả nghiên cứu được các nhà nghiên cứu chỉ ra hoàn toàn không đồng nhất. Đa số các nghiên cứu cho kết quả CBTT TNXH có tác động tích cực tới hiệu quả DN, một số cho kết quả tiêu cực và trong một số trường hợp, thì không có ý nghĩa thống kê để kết luận về mối quan hệ này. 

Mustaruddin Saleh & cộng sự (2011) thực hiện nghiên cứu tác động của CBTT đến hiệu quả TCDN, với quy mô mẫu 200 DN có giá trị vốn hóa cao nhất, trong tổng số 499 DN niêm yết trên thị trường Bursa Malaysia, với dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo thường niên, từ website DN từ năm 1999 - 2005. Bằng phân tích hồi quy dữ liệu bảng, tác giả thấy rằng, CBTT TNXH ảnh hưởng tích cực đến ROA và tỷ lệ tăng cổ phiếu của DN. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ rõ thông tin công bố về lao động, cộng đồng có ảnh hưởng tích cực đến ROA. Tuy nhiên, thông tin về sản phẩm và môi trường lại có ảnh hưởng ngược chiều với TobinQ. Lý giải cho điều này, tác giả cho rằng, chi phí cho đầu tư về môi trường và phát triển sản phẩm là tốn kém, làm tăng chi phí vốn của DN, trong khi điều này không làm thay đổi hình ảnh và uy tín của DN.

Thực hiện ở bối cảnh khác, Hichem Khlif & cộng sự (2015) nghiên cứu mối quan hệ này với mẫu 14 DN niêm yết Nam Phi và 14 DN niêm yết ở Maroc. Nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo thường niên của các DN đó, trong 6 năm từ 2004 đến 2009. Kết quả từ phân tích hồi quy cho thấy, xét tổng thể toàn bộ 28 DN trong cả hai quốc gia thì CBTT TNXH không có mối quan hệ với TobinQ. Tuy nhiên, xét từng thị trường lại thấy, ở Nam Phi CBTT TNXH có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả, còn ở Maroc thì lại có kết quả ngược lại. Lý giải cho kết quả này tác giả cho rằng, do có sự khác biệt giữa hai hệ thống luật pháp mà hai quốc gia đang áp dụng là khác nhau: Nam Phi với hệ thống luật thông thường (Conmon law) và Maroc với hệ thống luật dân sự (Civil Law), sự khác biệt về hai hệ thống luật này, dẫn đến những đặc tính về khác biệt về hệ thống thông tin kế toán, ở Nam Phi tính chuyên nghiệp, minh bạch và thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn ở Maroc.

Với mục đích tìm hiểu về mối quan hệ này trong các DN tài chính - ngân hàng, một số các nhà nghiên cứu đã lựa chọn mẫu là các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Perkins Cheung &Wilson Mak (2010), nghiên cứu ảnh hưởng của CBTT TNXH đến hiệu qủả tài chính của 57 ngân hàng, từ các nước Châu Âu và Bắc Mỹ với nguồn dữ liệu sơ cấp từ cơ sở dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội, quản trị DN) của Blomberg năm 2006 - 2009. Thực hiện phương pháp phân tích hồi quy dữ liệu chéo tác giả tìm hiểu mối quan hệ giữa các biến. Tác giả không thấy có mối tương quan giữa ROA, ROE và tỷ lệ tăng của giá cổ phiếu với CBTT TNXH trong từng năm. Nhưng khi xét từng chuyên mục thông tin TNXH thì tác giả lại thấy mối tương quan riêng lẻ của các chuyên mục môi trường, xã hội, quản trị DN thay đổi theo thời gian lúc thì tương quan dương, lúc thì tương quan âm. Lý giải điều này tác giả cho rằng, sự tác động môi trường, xã hội, quản trị DN đến hiệu quả tài chính thay đổi, do điều kiện kinh tế và các yếu tố vĩ mô khác. Cũng nghiên cứu về các tổ chức tài chính, Olivia Tjia & Lulu Setiawati (2012) thực hiện nghiên cứu 21 tổ chức tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán INdonesia, với số liệu thu thập từ báo cáo thường niên 2008 - 2010. Tác giả thực hiện phương pháp phân tích hồi quy dữ liệu bảng thiết lập 2 mô hình FE (fix effect) và RE (radom effect). Kết quả nghiên cứu cho thấy, CBTT TNXH không ảnh hưởng đến Tobin'Q. Giải thích cho kết quả này, tác giả cho rằng với ngành ngân hàng thì những thông tin công bố liên quan đến cộng đồng và lao động là quá nhỏ trong chỉ số CBTT TNXH do ngành tài chính ngân hàng tiết lộ về môi trường là thấp nhất, do các hoạt động của ngân hàng không liên quan trực tiếp đến môi trường. Kết quả ngược hẳn với hai nghiên cứu trên, Elena Platonova & cộng sự (2016) thực hiện nghiên cứu 24 ngân hàng mang tính chất hồi giáo ở các quốc gia vùng vịnh, với 6 chuyên mục TNXH được tác giả quan tâm: Sứ mệnh và tầm nhìn, sản phẩm dịch vụ, cam kết với người lao động, cam kết với chủ nợ, cam kết với xã hội, từ thiện và nguồn tài trợ từ thiện. Nguồn dữ liệu thứ cấp được tác giả sử dụng từ báo cáo thường niên của các ngân hàng này, từ năm 2000 - 2015. Bằng việc thực hiện hồi quy dữ liệu bảng, kết quả được tác giả chỉ ra đó là CBTT TNXH tác động tích cực đến ROA hiện tại và tương lai của DN. Giải thích cho kết quả này, tác giả cho rằng, hoạt động TNXH làm tăng lòng trung thành của khách hàng, nhận được sự ủng hộ của các bên liên quan, cải thiện hiệu quả tài chính. TNXH cung cấp tính hợp pháp cho các ngân hàng theo yêu cầu chuẩn mực đạo đức hồi giáo. Bằng cách có trách nhiệm hơn, các ngân hàng có thể tận dụng được các khách hàng mới, nhiều tài khoản tiền gửi hơn, tác động tích cực đến kết quả tài chính của họ về lâu dài.

Thực hiện nghiên cứu ở loại hình DN sản xuất nhạy cảm với môi trường, Kartika Dewi& Monalisa (2016) chọn mẫu có chủ đích 26 DN trong ngành khai thác mỏ niêm yết trên thị trường chứng khoán Indonesia, với nguồn dữ liệu thứ cấp từ báo cáo thường niên của các DN này, năm 2010- 2012. Kết quả chỉ ra rằng, CBTT TNXH ảnh hưởng tích cực đến ROA. Lý giải cho kết quả tác giả cho rằng, việc DN CBTT TNXH khiến cho cộng đồng xã hội tôn trọng và tin tưởng DN từ đó cải thiện hiệu quả DN. Trong một bối cảnh khác, cũng nghiên cứu về DN sản xuất Nma AhmedMohammed & cộng sự (2016) thực hiện nghiên cứu 10 DN sản xuất từ 7 tiểu ngành công nghiệp ở Nigenia với nguồn dữ liệu thứ cấp từ báo cáo thường niên của các DN này, trong thời gian 12 năm (2001 - 2012). Thực hiện phân tích hồi quy bội tác giả cho thấy rằng, CBTT trách nghiệm xã hội ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả TCDN thông qua chỉ tiêu EPS, trong đó tác giả chỉ rất rõ cả 4 nhóm chuyên mục thông tin TNXH: Nguồn nhân lực, môi trường, cộng đồng, sản phẩm đều có ảnh hưởng tích cực đến EPS.

Thực hiện nghiên cứu với những DN phi sản xuất, Nina karina Karim & cộng sự (2013) đã đi tìm hiểu liệu chất lượng thông tin TNXH có ảnh hưởng đến hiệu quả DN không, bằng việc khảo sát 40 DN hoạt động trong ngành dịch vụ của thị trường chứng khoán donesian với nguồn dữ liệu thứ cấp, từ năm 2008 - 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng CBTT TNXH ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả DN. Tác giả chỉ ra rằng, có sự khác biệt về hiệu quả DN của DN, có thông tin chất lượng thông tin TNXH thấp so với những DN có chất lượng thông tin TNXH trung bình và những DN có chất lượng thông tin TNXH cao.

Như vậy, những phát hiện từ những nghiên cứu cho thấy, đa số kết quả chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa CBTT TNXH với hiệu quả TCDN. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho kết quả ảnh hưởng tiêu cực hoặc không có mối liên hệ về mối quan hệ này. Điều này được lý giải bởi một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Quy mô DN: 
Có khá nhiều bằng chứng các DN lớn thường CBTT TNXH nhiều hơn so với các DN nhỏ (Mustaruddin Saleh & cộng sự (2011), Nagib Salem Bayoud (2012), Wisuttorn Jitaree (2015), Elena Platonova & cộng sự (2016). Lý do đằng sau kết luận này là, các công ty lớn đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng, vì các công ty này có nhiều khả năng phải đa dạng hóa khu vực địa lý và đa dạng hóa sản phẩm và do đó, các công ty này có thể có các nhóm người liên quan liên quan lớn hơn và đa dạng hơn.

Thứ hai, Ngành nghề kinh doanh: 
Ngành nghề kinh doanh được tìm thấy là một biến quan trọng, trong việc giải thích cho sự đa dạng của mức độ thực hiện và CBTT TNXH trong nhiều nghiên cứu (ví dụ, Nagib Salem Bayoud, 2012), Wisuttorn Jitaree, 2015; Hichem Khlif & cộng sự, 2015)...). Kết quả nghiên cứu của Oliva Tjia và Lulu Setiawati (2012) khẳng định rằng, CBTT TNXH không ảnh hưởng đến Tobin'Q, giải thích cho kết quả này tác giả cho rằng, với ngành ngân hàng thì những thông tin công bố liên quan đến cộng đồng và lao động là quá nhỏ trong chỉ số CBTT. WisuttornJitaree (2015) lập luận rằng, thông tin TNXH được công bố nhiều hơn trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (công nghiệp sản xuất) so với ngành công nghiệp khác. Theo Deegan và Gordon (1996), một số ngành công nghiệp có thể có tác động mạnh tới mối quan hệ giữa CBTT và hiệu quả tài chính. Ví dụ như, các ngành công nghiệp khai thác mỏ, dầu khí có nhiều khả năng công bố những thông tin về xã hội và môi trường hơn các ngành nghề khác. 

Thứ ba, đòn bẩy tài chính (nợ vay /vốn chủ): 
Đòn bẩy tài chính cũng được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng là biến kiểm soát để kiểm tra mối quan hệ giữa CBTT TNXH và hiệu quả TCDN (Elena Platonova & cộng sự, 2016; Nma Ahmed Mohammed, 2016; Perkins Cheung &Wilson Mak, 2010; Hichem Khlif & cộng sự, 2015; Mustaruddin Saleh & cộng sự, 2011...) Các nhà khoa học cho rằng, DN có tỷ lệ nợ cao thì có xu hướng CBTT tự nguyện nhiều hơn. Perkins Cheung & Wilson Mak, 2010 cho rằng, tỷ lệ nợ vay thấp thì các nhà đầu tư gây ít áp lực hơn đến những hoạt động TNXH. Hơn nữa, Elena Platonova & cộng sự (2016) cũng cho rằng, các DN có tỷ lệ nợ vay cao có thể có mối quan hệ gần hơn với các chủ nợ, và vì vậy những DN này phải CBTT nhiều hơn trong báo cáo thường niên.

Đề xuất mô hình đo lường tác động CBTT TNXH tới hiệu quả tài chính cho các DN niêm yết Việt Nam. 
Dựa trên các bằng thực nghiệm trên, tác giả đề xuất mô hình đánh giá tác động của CBTT TNXH đến hiệu quả TCDN niêm yết Việt Nam như sau:

Yt = β0 + β1Xt-1 + β2 SIZEt + β3 INDUSt + β4 LEVt + ε
Các biến được giải thích như sau:

Y : biến phụ thuộc – hiệu quả tài chính. Chỉ tiêu ROA, ROE, TOBIN”Q là được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng nhất để đo lường hiệu quả tài chính.
Cách tính toán các chỉ tiêu này như sau 
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) = Lợi nhuận/Tổng tài sản 
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = Lợi nhuận/Tổng vốn chủ sở hữu 
Giá thị trường VCSH + Giá sổ sách nợ phải trả
Chỉ số Tobin’s Q = (Giá thị trường VCSH + Giá sổ sách nợ phải trả)/Giá sổ sách tổng tài sản
X: Biến phụ thuộc - CBTT trách nhiệm xã hội.

Việc tính toán đo lường mức độ CBTT TNXH là một thử thách đối với các nhà nghiên cứu. Để đo lường chỉ tiêu này, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát bảng hỏi, sử dụng chỉ số đánh giá CBTT của bên thứ ba, thông qua phân tích nội dung của các báo cáo do DN phát hành. Tác giả tổng hợp các nghiên cứu và thấy rằng, đa số các nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nội dung để đánh giá mức độ CBTT TNXH DN. Tại Việt Nam, để có thể đo lường chỉ tiêu này cho các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể sử dụng phương pháp phân tích nội dung dựa trên cơ sở báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững do các DN phát hành bởi đó là những tài liệu có sẵn, dễ dàng thu thập và chi phí ít tốn kém nhất. 

Để tính toán chỉ tiêu này, cần đề xuất một bảng danh sách các chỉ mục thông tin TNXH. Sau đó, tiến hành đọc các báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững của DN và đánh giá chỉ số CBTT TNXH. Nếu một công ty mà chỉ mục thứ i không công bố thì chấm là “0”, chỉ mục đó có công bố nhưng dưới dạng tường thuật chung chung thì chấm là “1”, chỉ mục đó có công bố dưới dạng tường thuật có báo cáo hoạt động cụ thể thì chấm là “2”, chỉ mục đó có công bố dưới dạng tường thuật có báo cáo hoạt động cụ thể có thông tin định lượng thì chấm là “3”. 
Sau khi có điểm số cho từng chỉ tiêu, tính toán tổng số điểm mà DN đạt được cho chỉ số CBTT TNXH.
SIZE, INDUS, LEV: biến kiểm soát – lần lượt là quy mô DN, ngành nghề kinh doanh, đòn bẩy tài chính
Các biến này được đo lường: 
SIZE: biến kiểm soát – Quy mô DN. Biến này có thể đo bằng việc logarit của tổng tài sản của DN
INDUS: biến kiểm soát – Ngành nghề kinh doanh. Biến này được gán biến giả, biến này được gán là "1" và một công ty không thuộc các ngành sản xuất, các biến này được gán là "0".
LEV: biến kiểm soát – Đòn bẩy tài chính. Biến này được tính toán bằng cách lấy giá trị sổ sách của các khoản nợ chia cho giá trị sổ sách của vốn chủ.

Kết luận 
Các nghiên cứu về CBTT TNXH được thực hiện ở khá nhiều nước trên thế giới. Về mặt lý thuyết, các tác giả đều đưa ra những thuyết để giải thích cho động cơ và lợi ích của CBTT TNXH. Thực tiễn có một số ít các nghiên cứu không đưa ra được kết luận tích cực về mối quan hệ giữa CBTT TNXH với hiệu quả TCDN. Điều này được giải thích bằng một số nguyên nhân như sự khác nhau về quy mô, ngành nghề kinh doanh, đòn bẩy tài chính. Các yếu tố này, đã được tính đến trong mô hình đề xuất đánh giá tác động của CBTT TNXH đến hiệu quả TCDN.

Tài liệu tham khảo
1. Elena Platonova & cộng sự, 2016 “The Impact of Corporate Social Responsibility Disclosure on Financial Performance: Evidence from the GCC Islamic Banking Sector”,J Bus Ethics (2016). Doi:10.1007/s10551-016-3229-0
2. Mustaruddin Saleh & cộng sự, 2011 “An Empirical Examination of the Relationship between Corporate Social Responsibility Disclosure and Financial Performance in an Emerging Market”, Asia-Pacific Journal of Business Administration, Vol. 3 Iss: 2 pp. 165 - 190
3. Nagib Salem Bayoud, 2012 “An empirical study or the relationship between corporate responsibility disclouse and organizational performance: envidece fron Libya”, Gobal Conference on Business and Finance Proceedings, Vol. 7, No. 2, 2012
4. Nma Ahmed Mohammed & cộng sự, 2016 “Corporate Social Responsibility Disclosure and Financial Performance of Listed Manufacturing Firms in Nigeria”, Research Journal of Finance and Accounting ISSN 2222-2847 (Online),Vol.7, No.4, 2016
5. Kartika Dewi& Monalisa, 2016 “ effect of corporate social responsibility disclosure on financial performance with audit quality as a moderating variable” Binus Business review, 7(2), August 2016, 149-155
6. Trịnh Hiệp Thiện, 2016 “ Phân tích mối quan hệ giữa chất lượng thông tin báo cáo cáo tài chính và chất lượng thông tin phát triển bền vững để định hướng tiếp cận báo cáo tích hợp tại các công ty niêm yết Việt Nam”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh
7. Perkins Cheung &Wilson Mak, 2010 “ The relation between corporate social responsibility disclosure and financial performance: evidence from commercial banking industry”, project submitted in partial fulfillment of the requirements for the degree of master of financial risk management, 2010
8. Yingjun Lu &Indra Abeysekera &Corinne Cortese (2015) “Corporate social responsibility reporting quality, board characteristics and corporate social reputation Evidence from China”, Pacific Accounting Review, Vol. 27 No. 1, 2015,pp. 95-118
9. Wisuttorn Jitaree, 2015“Corporate social responsibility disclosure and financial performance: evidence from Thailand” Doctor of Philosophy thesis, School of Accounting, Economics and Finance, University of Wollongong, 2015
KPMG International Survey of Environmental Reporting, 2011, 2013.


 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024