Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/05/2018 17:05 # 1
xuannhandtu
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 9/10 (90%)
Kĩ năng: 0/10 (0%)
Ngày gia nhập: 07/05/2018
Bài gởi: 9
Được cảm ơn: 0
Anh chồng ở vùng cao 'giả gái' để học cách chăm vợ bầu


Vợ chồng rất khó mới có thai, nên anh Quảng lập một tài khoản Facebook nữ để vào các hội chị em, học kinh nghiệm chăm vợ.

8 năm hôn nhân và có con sinh đôi gần 3 tuổi, so với nhiều người, quãng thời gian hiếm muộn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quảng (33 tuổi) và chị Trần Thị Dung (30 tuổi) không phải là dài. Tuy nhiên, những khó khăn trong hành trình tìm con của anh chị đã trở thành kỳ tích, mà đến giờ bản Mông thuộc huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) - nơi hai vợ chồng công tác - vẫn nhắc. Ở nơi rừng núi xa xôi ấy, bao đời nay đồng bào nghĩ không có con cái là do con ma rừng nó ám, chứ chẳng biết thụ tinh ống nghiệm là gì. 

Năm 2007, anh Quảng (quê Hải Dương) được phân làm kế toán trường học tại xã Nậm Hàng cách trung tâm huyện Mường Tè hơn 70 km. Trong một lần vào huyện công tác, anh gặp một cô giáo trẻ vừa mới ra trường đến nộp đơn tình nguyện gieo chữ cho trẻ em vùng cao. Người con gái ấy là chị Dung, quê Yên Bái. Một năm sau chị được phân công giảng dạy tại điểm trường Huổi Héo, thuộc xã Nậm Manh bên kia sông Đà. Cùng cảnh xa quê, chung lòng nhiệt huyết, hai người đồng cảm và đem lòng yêu thương.  

Anh chồng giả gái học kinh nghiệm để chăm vợ bầu hiếm muộn

Vợ chồng anh Quảng với hai con sinh đôi chụp ảnh với kỵ ngoại 102 tuổi ngày đầu xuân 2018. Ảnh: NVCC.

Ngày đó, chưa có cầu nên mỗi lần qua sông để gặp người yêu anh Quảng phải chèo bè nứa. Nhiều ngày mưa lũ, vượt qua sông là một nỗi sợ. "Vượt sông đã khó, xong rồi phải đi bộ leo dốc hơn mười cây số mới gặp được nhau", anh Quảng nhớ lại. 

Tết năm 2010, hai người làm đám cưới tại phòng hội đồng của trường. Cưới gần hai năm mà không thấy động tình gì, đôi vợ chồng lặn lội xuống Viện phôi 103 khám, nhưng kết quả ghi bằng tiếng Anh với một loạt các thông số họ chẳng hiểu gì, đành lủi thủi ra về. Đến tháng 3/2012, họ lại xin phép cơ quan 3 ngày đi khám. 

"Từ trên núi xuống cứ lơ nga, lơ ngơ. Đến từ sớm xếp hàng mà chẳng hiểu tại sao hết giờ hành chính vẫn không mua nổi cuốn sổ khám, lại phải sang buổi chiều. Xin nghỉ phép được có 3 ngày, mất một ngày đi đường, một ngày xếp hàng, ngày còn lại được xét nghiệm thì biết không có tinh trùng trong tinh dịch. Nguyên nhân vì sao thì 'tuần sau đến khám'. Nhưng phép đã hết, đường xá lại xa, vậy là khám xong chẳng biết mình bị cái bệnh gì", anh Quảng kể.

Anh chồng giả gái học kinh nghiệm để chăm vợ bầu hiếm muộn - 1

Cặp sinh đôi Mai Chi và Lan Chi có tuổi thơ nhiều trải nghiệm nơi vùng cao Tây Bắc. Ảnh: NVCC.

Trở về bản, căn phòng tập thể chỉ đông vui khi lũ học trò đến chơi. Lúc chúng ra về, phòng tuy chật hẹp mà sao trống rỗng đến lạ. "Nhiều đêm nghe tiếng hát ru của hàng xóm lại thấy chạnh lòng. Tôi thuộc nhiều bài ru con lắm, cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ được hát cho con nghe cả", anh tâm sự.

Thời điểm ấy, cuộc hôn nhân của anh chị xuất hiện những vết rạn. Anh Quảng thường trải lòng trong những vần thơ cho khuây khoả.

Không có con, nghe miệng đời chua chát
Giống chẩm, tịt vòi, không biết đẻ hay sao?
Những gièm pha, đàm tiếu, xì xào
Người ta nói lẽ nào không đụng chạm
Năm năm mặn nồng, nào phải đâu sống tạm
Ấy vậy mà chẳng có nổi mụn con
Nhà người ta kế hoạch cứ sòn sòn
Còn nhà mình thì héo hon trống trải (giống chẩm là lúa không nảy mầm)...

Đến năm 2014, một phóng sự trên truyền hình đã thắp hi vọng trong anh. Một lần nữa, vợ chồng Quảng "xuống núi tìm con". Chuyến đi đó khá vất vả, bởi đúng vào dịp đang làm thủy điện nên đường lầy lội. Họ phải đi từ Mường Tè (Lai Châu) ra TP Lào Cai, rồi nhảy tàu xuống Hà Nội, mất cả thảy một ngày, một đêm.

Tại đây, anh Quảng biết được mình không có ống dẫn tinh bẩm sinh, nhưng vẫn có tinh trùng nên làm được IVF. May mắn ngay lần thực hiện đầu tiên họ đã thành công. Để vợ có thai kỳ an toàn và tiện đường thăm khám, anh Quảng bàn cho chị tạm nghỉ việc, về dưỡng thai ở quê Hải Dương,

Sau khi vợ chuyển phôi, anh đã lập một tài khoản Facebook nữ và tham gia vào các hội dành cho các chị em để tiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, kiêng cữ. Biết được thông tin nào hay là anh gọi ngay về nói với vợ.

"Nghĩ mà buồn cười các mom ạ. Chiều nay em đi siêu âm về bác sĩ kêu trứng đạt rồi. Em bảo chồng trứng đạt rồi cẩn thận không rụng trứng. Vậy là đi đường cứ qua chỗ xóc, đến đèn đỏ, anh lại hỏi: 'Vợ ơi, đi nhanh vậy liệu trứng nó có rụng không? Lỡ may nó rụng hết". Người đi đường nhìn vợ chồng em cười. Em ngại chín đỏ mặt", một lần anh chồng "giả gái" kể chuyện ngọt lịm trên các hội nhóm chị em.

Nhiều chia sẻ kể chồng vô tâm, xích mích mẹ chồng nàng dâu, nhờ đọc được mà anh Quảng thêm thương vợ và nhận thấy cần quan tâm vợ nhiều hơn.

Anh chồng giả gái học kinh nghiệm để chăm vợ bầu hiếm muộn - 2

Hai con gái hồng hào, xinh đẹp được bố đặt tên theo loài hoa yêu thích là Mai Chi và Lan Chi. Giờ đây, các con đã được gần 3 tuổi và đã đi nhà trẻ. Vợ chồng anh Quảng cũng vừa làm nhà ở trung tâm xã, chứ không còn trong căn tập thể chật hẹp nữa. Ảnh: NVCC.

Chị Dung, vợ anh Quảng tâm sự, quãng thời gian hơn 9 tháng chờ đẻ chị rất thương chồng. Anh vừa công tác, vừa phải đi hơn 100 km xuống Điện Biên học lên đại học. Thi thoảng có thời gian lại vượt 700 km về thăm vợ. "Gần như ngày nào anh ấy cũng thu thập được một 'sàng khôn', rồi gọi điện chia sẻ mình", chị Dung cho hay. Vì đã có thai rồi nên tư tưởng hai vợ chồng rất tích cực, lúc nào cũng dành cho nhau những lời động viên.

Ngày 16/7/2015, hai công chúa chào đời khỏe mạnh. Hôm đó, ông bố này đang lao động ở trường thì nhận được tin báo vợ sinh. Quá đỗi vui mừng, anh chỉ kịp lấy điện thoại, ví tiền rồi vội vàng phóng xe máy vượt 300 cây số từ Mường Tè (Lai Châu) ra Lào Cai để kịp chuyến tàu về quê. "Ra tới nơi nhìn xuống mới thấy mình vẫn đang mặc quần soóc, chân lấm lem bùn đất", anh hạnh phúc kể.

Về đến nhà, anh ôm hai con, mỗi tay một bé. Cảm giác đó hạnh phúc quá đỗi khiến anh vừa cười, vừa khóc... 

Qua câu chuyện của mình, anh Quảng nhận thấy số đông những người hiếm muộn thường e dè, ngại giao tiếp, không thích bị hỏi chuyện con cái. Nhưng đó là một sai lầm. "Hãy công khai cho mọi người biết bệnh của mình. Biết đâu ở một nơi nào đó có người mách bảo cho bài thuốc hay, gặp được thầy giỏi giúp mình có được niềm hạnh phúc trọn vẹn", anh Quảng khuyên.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024