Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/10/2017 11:10 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
Bạch hổ sơn quân


Võ phái này được cho là do tổ sư Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tạo lập nên theo dòng chảy của lịch sử, vốn từ cung đình nay được bảo lưu và truyền lại trong dân gian...

 

Võ phái trên đường mở cõi

Nằm sâu trong con hẻm của QL 49 thuộc thôn Trung Đồng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) là tổ đường Bạch hổ sơn quân. Chỗ thờ tự chiếm trọn gian trên của căn nhà xây nho nhỏ, nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm của võ phái lừng lẫy của vùng đất Đàng Trong một thời.

Phía dưới bức hình cố võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn đang đứng thế bài Ngũ môn côn pháp là thập bát ban (18 loại binh khí) được bày biện khá đẹp mắt.

Nơi đây còn lưu giữ cuốn võ kinh nhất thư ghi chép gần như đầy đủ các bài về binh pháp, quyền côn, đao, kiếm, thương... bằng chữ Hán.

Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến bài ngọc trản, mai hoa thảo pháp. Người lo hương khói cho tổ đường Bạch hổ sơn quân hiện là cháu ngoại cụ Cẩn - võ sư Lê Hữu Ngọc Thạch.

Thắp nén nhang trên bàn cố võ sư Nguyễn Hữu Cẩn, những người con, người cháu của cụ (đều là võ sư) lật giở trang sử về võ phái Bạch hổ sơn quân.

Theo võ sư chưởng môn Trần Văn Lộc, võ phái Bạch hổ sơn quân được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII. Tổ sư chính là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh đã huân tập được võ công và hình thành Bạch hổ sơn quân phái, được lưu truyền trong quân đội chúa Nguyễn và phát huy sức mạnh thực thụ trong cuộc chiến đấu với quân Trịnh.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh của chúa Nguyễn đi mở mang vùng Đồng Nai, Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long... Võ phái Bạch hổ sơn quân đã góp phần cho những chiến công mở cõi đó.

Sau khi cụ Nguyễn Hữu Cảnh mất, đất Phú Vang có cơ duyên được đón các hậu duệ của người về đây cư ngụ, trong đó có đội trưởng nội hầu Nguyễn Hữu Hóa (là cố của võ sư Nguyễn Hữu Cẩn) của triều đình nhà Nguyễn thời vua Thiệu Trị.

Khi trung quân đô thống Tạ Quang Cự (người làng Dưỡng Mong, Phú Mỹ, Phú Vang) xây dựng một điền trang ở đó đã cho vời đội trưởng nội hầu Nguyễn Hữu Hóa về trông coi. Từ đây, con cháu là Nguyễn Hữu Cẩn khai khẩn vùng đất, cư trú ngày một đông đúc hơn...

Ở thời sơ khai, võ phái Bạch hổ sơn quân dù có rất nhiều người đến xin được bái sư, tầm đạo nhưng hầu như đều bị từ chối nhận, bởi đây là môn võ gia truyền.

Mãi đến đời trưởng môn thứ 19 - cụ Nguyễn Hữu Khánh, môn võ này mới bắt đầu len lỏi truyền ra ngoài. Đến đời của con cụ Khánh là võ sư Nguyễn Hữu Cẩn thì môn võ này mới phát huy rộng rãi.

Theo võ sư Trần Văn Lộc, vào giai đoạn này phong trào kháng Pháp nổi lên mạnh mẽ trong thanh niên Huế. Khi các chiến sĩ Việt Minh về nằm vùng ở Phú Vang thì võ sư Nguyễn Hữu Cẩn trở thành người huấn luyện võ bị cho họ.

Bà Nguyễn Thị Thúy (70 tuổi, con gái cụ Cẩn) nhớ lại: “Ban ngày cụ chăn vịt, làm lụng trên đồng ruộng nên chẳng ai nghĩ đó là võ sư.

Nhưng đêm đến cụ băng qua làng mạc, lội ruộng về miệt biển Phú Vang để truyền dạy võ cho cán bộ Việt minh. Lúc này Pháp không cho truyền dạy võ nên cụ phải lén đi khuya về sớm”.

Khi dạy võ, cụ Cẩn phải kêu con ra ngõ đứng canh quân Pháp, nếu lính đến cụ lại kêu đệ tử ngồi bệt xuống đất để đọc lời thiệu của võ. Lính Pháp thấy cụ cùng các thanh niên ê a đọc: “Chấp thủ long âm bái tầm long thế/Hoành khai hồ khẩu phục địa lôi” (lời thiệu bài quyền Ngũ môn thương côn pháp) thì chúng bỏ đi.

“Kỳ thực Pháp không biết rằng thầy trò đọc thiệu cũng là học võ, mỗi câu, mỗi chữ hiện lên trong đầu từng thế đánh, dễ nhớ, dễ thuộc” - bà Thúy chia sẻ.

Cố võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn đứng thế bài Ngũ môn côn pháp - Ảnh: Đoàn Cường chụp lại
Cố võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn đứng thế bài Ngũ môn côn pháp - Ảnh: Đoàn Cường chụp lại

Dạy võ phải coi tâm tính

Bạch hổ sơn quân vốn là võ của quan trong triều Nguyễn nhưng khi được truyền ra với đời thì trở nên bình dị như chính cuộc sống những võ sư cao thủ của võ phái.

Lúc sinh thời, võ sư Nguyễn Hữu Cẩn chủ yếu gắn với ruộng đồng để nuôi năm người con. Bà Nguyễn Thị Thúy nhìn lên bức hình cụ trầm ngâm nói cụ cao 1,7m, dáng người roi roi nhưng rắn chắc như đá, mềm mại như tre và có thể uốn người nằm trong một chiếc thúng đựng lúa.

Khi võ sư Cẩn bắt đầu truyền thụ võ học ra ngoài dù không quảng bá, bành trướng nhưng hàng trăm môn sinh từ khắp nơi đến xin được làm đệ tử. Nhưng để võ sư nhận làm đệ tử không phải là nhiều.

Theo bà Thúy, môn quy mà cụ Cẩn đề ra rất nghiêm ngặt, chú trọng vào lễ nghi, đạo võ. “Cụ thường răn dạy kẻ học võ hơn người ta ở chỗ khi kẻ thù của mình vấp ngã, dang tay mà dựng họ đứng dậy chứ đừng vì thế mà đánh lén” - bà Thúy nhớ lại.

Nếu môn đồ tập không có tâm đạo, lão võ sư sẽ cho “đứng” - tập đến đó và không cho tập thêm quyền, cước gì nữa.

Võ sư Đoàn Đại Hùng (đệ tử võ sư Cẩn) chia sẻ thêm: “Sư phụ thường nói võ phái vẫn mang tính gia truyền, chân truyền tùy theo căn cơ của từng đệ tử mà huấn dạy. Những đệ tử có võ đức, tâm thiện, người mới chỉ những miếng võ chân truyền bởi đây là những đòn trí mạng, đánh vào tử huyệt, lấy mạng người khác chỉ trong một đòn ra tay”.

Bài học vỡ lòng từ ngày nhập môn vẫn được võ sư Hùng giáo huấn đệ tử đến nay. Đơn cử như bài quyền ngọc trản, võ sư Hùng minh họa với người mới nhập môn 3-6 tháng chỉ học những phần sơ đẳng trong ba bài.

Để học phần cuối của ngọc trản, sư phụ phải coi tâm tính của đệ tử và sau năm năm trở đi mới truyền thụ những đòn thế hiểm yếu.

Cuộc đời của lão võ sư Nguyễn Hữu Cẩn khá thanh bần cho đến khi ông qua đời năm 1995. Mỗi bữa cơm 5 - 6 người ăn chỉ nấu hai lon gạo. Học trò đến tầm đạo cũng đói ăn, thiếu mặc nhưng ai cũng cần mẫn trên sân tập.

“Nhiều bữa tập nặng, cả đám võ sinh kêu đói, cụ liền bê cả nồi cơm ra múc cho mỗi đứa xét chén cơm dằn bụng để tập tiếp” - bà Thúy nhớ lại.

Mãi đến năm 2000, căn nhà tranh của ông mới được thay bằng căn nhà cấp 4. Con cháu của ông hiện cuộc sống cũng khá khó khăn nhưng không vì thế mà niềm đam mê võ thuật bị quên lãng.

Người con trai của cụ là Nguyễn Hữu Trung đưa Bạch hổ sơn quân vào Đồng Nai, trở thành một võ đường nổi tiếng, lớn nhất trong võ phái. Các cháu của ông như Nguyễn Hữu Hoàng, Lê Hữu Ngọc Thạch... cũng miệt mài trau dồi võ thuật.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024