Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/07/2017 09:07 # 1
karateboy
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 5/130 (4%)
Kĩ năng: 25/80 (31%)
Ngày gia nhập: 11/10/2014
Bài gởi: 785
Được cảm ơn: 305
CÁM ƠN EM - Nghĩa Dũng Không Thủ


CÁM ƠN EM.

Nguồn: NGHĨA DŨNG KHÔNG THỦ.

Dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, tôi nhận được nhiều quà từ bạn bè và môn sinh, trong đó có món quà của vợ chồng nhà báo Minh Tự. Món quà gồm cuốn sách và bức tượng hình một ông già cõng một bà già (xem chừng hạnh phúc lắm). Tôi đùa với Tự, “Ông già thì rất giống thầy, nhưng bà già thì không, vì bên ngoài cô Thảo trẻ và đẹp hơn nhiều”. Ngoài ra, còn có một bài viết của vợ Minh Tự. Thú thật, đọc bài viết tôi không cầm được nước mắt. Nay xin được chia sẻ với các bạn.

ÂN SƯ.

Tôi gọi thầy là ân sư dẫu chưa một lần được làm học trò của thầy. Trong cuộc đời mình, có lẽ khó có thể thống kê được thầy có bao nhiêu học trò. Về cả nghề văn lẫn nghiệp võ, thầy đều “đào lý mãn thiên hạ”. Nhưng trong số đó, vẫn không có tôi.

Thuở nhỏ cho đến bây giờ - gần năm mươi tuổi đầu - tôi chưa bao giờ nguôi khát vọng được làm học trò của thầy. Nhưng khát vọng đó vẫn luôn chỉ là khát vọng. Thầy dạy ở trường Quốc Học, tôi học ở trường Nguyễn Huệ. Thập niên 1980, học sinh được thi vào trung học theo tuyến. Nhà tôi ở Thành Nội, học trường Nguyễn Huệ là bắt buộc. Vì vậy, những lời dạy văn của thầy, tôi chỉ được học lại từ những lời lẽ thán phục của bạn bè, và sau này là của chồng tôi - nhà báo Minh Tự.

Tôi là người thích võ hiệp. Thích từ văn chương, điện ảnh cho đến đời thường. Tôi thích phong cách sống và lối ứng xử “lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ” của các hiệp khách. Tôi ngưỡng mộ phong thái “giúp người xong vội bỏ đi, lấy việc để người khác biết họ tên làm điều hổ thẹn”. Tôi kính trọng cái đạo thầy trò “nhất nhật vi sư chung thân vi phụ” của các sư phụ, sư huynh, sư đệ, sư tỷ, sư muội con nhà võ. Tôi ước ao một ngày nào đó, mình được mặc bộ võ phục màu trắng, đứng trong hàng ngũ võ sinh của Nghĩa Dũng Đường. Nhưng, tuổi thơ tôi cơ cực và thiếu thốn. Nghèo từ cơm áo đến cả cách nghĩ. Vì thế, đi học võ, đối với chúng tôi là mơ ước cao sang, là “con nhà lính tính chuyện nhà quan”, là điều ích kỷ đối với mẹ cha chị em đang cực khổ sớm hôm. Được đến trường học chữ đã là may mắn so với chúng bạn phải bỏ học đi làm lụng kiếm sống rồi, tôi không dám “được voi đòi tiên”. Hơn nữa, ngoài giờ đi học, phải cắm lưng cắm cổ vào những việc phụ khác để kiếm thêm tiền, thời gian đâu mà đi bộ qua tận bờ nam sông Hương để học võ. Dù khát khao, tôi vẫn không dám mở lời xin cha mẹ cho đi học võ. Ước mơ lớn nhất đời mình, tôi chỉ có thể tâm sự với đứa bạn gái thân nhất mà thôi. Tâm sự thiết tha đến mức mà bây giờ đầu hai thứ tóc, gặp lại tôi, nó vẫn luôn hỏi: “Có còn muốn đi học võ nữa không?”.

Tình yêu và khát khao như một lý tưởng đó, tôi truyền lại cho con mình. Tôi muốn con tôi được học võ, không phải để thủ thế phòng thân hay thi thố này nọ, mà để con được hướng thượng, được hình thành một nhân cách trọng nghĩa khinh tài, trọng tiết tháo và danh dự, xả kỷ vị tha... Con gái tôi học võ trước cả học chữ. Năm tuổi, một cô bé mặc võ phục, thắt đai trắng, cột hai bím tóc xinh xắn chạy lon ton vào xếp hàng trong lớp võ của thầy Hùng ở sân trường Nguyễn Huệ. Đối với tôi, đó là hình ảnh đẹp nhất, khiến tôi mãn nguyện. Hình ảnh đó là sự bù đắp cho thiệt thòi của tuổi thơ tôi, là hiện thực được dệt nên từ ước mơ nén chặt trong lòng mấy mươi năm. Mỗi khi đón con về từ lớp học, lòng tôi nao nao một niềm hạnh phúc khó tả. Tôi tự hào giới thiệu với bạn bè, với người thân con tôi là võ sinh của Nghĩa Dũng Đường. Cũng thật hay, con rất yêu võ thuật, yêu lớp karatedo của mình. Tôi cho con tham dự tất cả các hoạt động ngoại khóa của lớp mà không hề lo ngại. Vì tôi biết, ở đó con tôi sẽ được bảo bọc, sẽ được an toàn, sẽ thấy hạnh phúc. Mỗi khi nghe con thủ thỉ kể rằng, hôm nay không tập võ mà được học đạo đức, tôi cảm thấy rất hài lòng. Mỗi tháng, con xin một lon gạo để góp vào quỹ tình thương của lớp, tôi nhiệt tình ủng hộ. Tôi thường bảo con tự xuống bếp đong gạo, và nếu con cảm thấy rằng chia sẻ với người khó khăn hơn mình là cần thiết, nếu con thấy gạo nhà mình rất nhiều mà người khác thì không có, con cứ lấy nhiều lon cũng được. Tôi âm thầm quan sát và thấy lòng nhẹ nhõm khi con lấy nhiều hơn một lon.

Con bé học võ rất chuyên cần. Gió mưa lạnh lẽo gì cháu cũng tới lớp, không phải vì cháu háo hức với những gì sẽ được học, mà có lẽ cháu đã thực sự cảm thấy gắn bó thân thiết với lớp với thầy với các anh chị. Rồi chiếc đai lưng cũng dần đổi từ màu trắng sang màu xanh rồi màu nâu... Đối với tôi, cấp bậc và màu đai không mấy quan trọng, điều quan trọng nhất là con trưởng thành hơn từ Nghĩa Dũng Đường. Con biết thế nào là thương người, là hiếu nghĩa, là đạo đức; con sống có kỷ luật, trách nhiệm hơn. Và điều lớn lao nhất là con đã từng ngày trút dần được món nợ lòng của mẹ đối với võ thuật. Mỗi khi đến võ đường, con không biết được rằng trong bước chân con có tâm hồn của mẹ, mẹ gửi gắm vào đó, nhờ cậy ở đó mà nguôi ngoai khát vọng của đời mình.

Ngẫm ra, gia đình tôi rất có duyên với Nghĩa Dũng Đường. Trước hết là tình yêu không với tới được của tôi, sau đó là danh hiệu võ sinh của con tôi, và thêm nữa là mối quan hệ của chồng tôi. Nghề làm báo đã cho anh gặp võ sư Lê Thanh Phong - đệ tử của thầy ở thành phố Đà Lạt, mối thâm tình giữa hai anh em ngày càng sâu nặng theo năm tháng. Trong số những người bạn lớn tuổi, anh Phong là người rất hiểu và thương yêu chồng tôi. Hiểu và yêu thương, chở che, la mắng, uốn nắn... Đó là những gì chúng tôi thực sự cần ở một người bạn, người anh. Nghề báo cũng đưa anh gặp lại thầy khi trở về Huế sau gần mười năm sống ở Đà Lạt. Từ đó về sau, từ thầy và anh Phong, anh gắn bó với Nghĩa Dũng Đường như một môn sinh. Nhìn vào quan hệ đó, chắc nhiều người sẽ nghĩ anh là con nhà võ!

Tám năm trước, có một sự cố gây chấn động gia đình tôi. Con trai tôi bị bệnh nặng. Phát hiện đó là một cú sốc đối với tất cả. Chúng tôi phải đối mặt với đau đớn, âu lo khủng khiếp nhất đời mình. Chúng tôi đưa cháu vào bệnh viện Chợ Rẫy. Trong những ngày bão táp đó, giữa chốn địa ngục trần gian với hàng trăm cái đầu bịt kín băng màu trắng nằm la liệt, và dao kéo, và thuốc men..., vợ chồng tôi đã không ngã quỵ nhờ có người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Chúng tôi vịn vào tấm lòng, vào ánh mắt, vào từng cái chặc lưỡi xuýt xoa, vào từng cái quay đầu giấu nỗi lo âu của họ, mà đứng dậy. Và chúng tôi luôn chờ đợi một người, có người đó, chúng tôi như được tựa lưng vào núi, đó là anh cả Lê Thanh Phong.

Anh biết tin khi bệnh viện đã sắp xếp lịch mổ và bác sĩ phẫu thuật cho cháu. Anh lao đến bệnh viện, cùng chồng tôi cân nhắc, bàn thảo rất nhiều. Anh gọi điện cho thầy ở Huế, anh tìm gặp bác sĩ Phan Trung Đông, cũng là môn sinh karatedo của thầy đang công tác ở chuyên khoa mà con tôi chữa trị. Anh Phong và bác sĩ Đông bàn bạc mọi điều. Anh truyền đạt lại với chồng tôi. Qua câu chuyện, tôi biết anh đã sắp xếp mọi việc nhanh chóng, kỹ càng, chặt chẽ. Bác sĩ Đông không trực tiếp mổ nhưng sẽ có mặt trong phòng mổ để theo dõi cháu, có bất cứ sự cố gì, anh Đông sẽ điện ra ngoài cho anh Phong... Khi đứng dậy để ra về, anh khẳng khái nhưng nhỏ giọng nói một câu mà sau này dù có bị đốt thành tro, tôi cũng không thể nào quên: “Mọi việc mà con người có thể làm, mình đã lo liệu đủ. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào ông Trời... Mình nghĩ ông Trời sẽ công bằng với Tự!”. Tôi chảy nước mắt. Vì tôi hiểu, câu nói đó thể hiện sự chu đáo, tận tâm, nỗi thương cảm của anh đối với chúng tôi. Câu nói đó cũng thể hiện sự âu lo, khẩn cầu và cúi đầu trước đấng cao xanh vì bạn bè của một con người vốn mạnh mẽ ngang tàng. Câu nói đó còn vực dậy ở chồng tôi một niềm tin vào chính mình, như anh đã từng tin chồng tôi.

Sáng hôm sau con tôi sẽ lên bàn mổ, tối hôm đó, thầy điện vào cho bác sĩ Phan Trung Đông: “Con hãy tìm anh Minh Tự, giải thích và trấn an cho anh ấy vững tinh thần. Và với tất cả những gì có thể, con hãy lo cho thằng bé như lo cho cháu nội của thầy!”. Mười giờ đêm, bác sĩ Đông xuất hiện, anh gọi chồng tôi vào phòng, chiếu phim lên, giải thích cặn kẽ mọi điều, và động viên nhà tôi yên tâm trước những giờ phút cam go. Rời khỏi phòng bác sĩ, chồng tôi thuật lại cho tôi lời của thầy. Tôi nuốt vào lòng từng chữ: “Hãy lo cho thằng bé như lo cho cháu nội của thầy!” ... Cháu nội của thầy!.... Cháu nội của thầy! Đó là gì đối với chúng tôi? Là hạnh phúc trong kiệt cùng đau khổ!

Sau mấy tiếng đồng hồ căng thẳng đợi chờ trong nước mắt, bác sĩ Đông xuất hiện. Tôi nhìn nụ cười hiền hậu trên môi anh, và nghe câu nói ca mổ thành công. Anh đưa tôi vào phòng hậu phẫu. Nghe tiếng con trai gọi “Mẹ”, lòng tôi tan chảy. Đó là âm thanh mà tôi muốn nghe nhất trong những tháng ngày này, trong giây phút này và trong suốt cuộc đời này.

Cả tuần sau, chúng tôi mới biết một kế hoạch mà anh Phong không nói lúc đó vì sợ chúng tôi lo lắng. Bác sĩ Đông ở trong phòng mổ, nếu có sự cố gì thì lập tức điện ra cho anh Phong. Vì sao không điện ra cho chồng tôi? Vì anh Phong đã âm thầm dự phòng một phương án khác. Bằng các mối quan hệ với bạn bè, anh đã giao ước với công ty dịch vụ bay ở TP.HCM, trong trường họp cháu bị nguy hiểm như dự tính của bác sĩ Đông, thì sẽ đưa cháu đi Singapore gấp. Lúc đó, vấn đề là tiền đâu ra, anh Phong nói, chỉ cần anh gọi điện cho tất cả bạn bè, nói cứu con của Minh Tự, mọi người sẽ không từ chối, cứ có tiền cho đủ, mọi việc tính sau. Quả thật tôi không còn lời nào để nói trước tấm lòng của anh. Thầy đã coi con tôi như cháu nội, anh thì đã lo cho con tôi như con của chính anh. Bảy năm sau, tình cờ chồng tôi mới nghe người ta kể lại khi nhắc tới anh Phong. Chúng tôi biết, việc đó chính là dành cho con tôi. Và biết rằng anh đã vì chúng tôi mà hành động, và không cần kể lể. Hơn cả biết ơn và thán phục, chỉ mong trong hành trình của đời mình, chúng tôi luôn có anh

Phải đến hai tháng sau con tôi mới được xuất viện. Có vài trục trặc, phức tạp nữa phải nhờ anh Phong, bác sĩ Đông và các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện giúp đỡ. Cuối cùng chúng tôi được trở về nhà.

Nếu có ai hỏi tôi đã từng chết lần nào chưa? Tôi trả lời rồi. Đó là những tháng ngày âu lo tuyệt vọng đến trơ người khi con lâm bệnh. Nếu có ai hỏi tôi đã từng xuống địa ngục chưa? Tôi trả lời rồi. Đó là khoảng không gian kinh hoàng nơi khu nhà con tôi nằm viện mà tôi phải lây lất trong tận cùng mệt mỏi. Nhưng nếu có ai hỏi tôi đã biết thiên đường chưa? Câu trả lời là đã biết. Đó là võ đường của Nghĩa Dũng Đường, nơi có một bậc ân sư đã đào luyện ra những ân nhân của tôi. Chính thầy đã trực tiếp giúp đỡ chúng tôi trong cơn hoạn nạn. Chính thầy đã cho chúng tôi có những người anh, người bạn trượng nghĩa thương người, đã giúp ai là giúp hết lòng mà không để người ta vướng bận ân nghĩa.

Có hai màu áo trắng ra đi từ Nghĩa Dũng Đường mà tôi mắc nợ, hàm ơn. Đó là màu võ phục trắng vướng bụi bặm và mồ hôi tập luyện của võ sinh, tạo cho tôi cảm giác về sự mạnh mẽ, quyết liệt, tương trợ và kiên nhẫn. Đó là màu trắng tinh khôi của chiếc áo blouse trong bệnh viện, cho tôi niềm tin về đức hạnh của người thầy thuốc.

Trong các cuộc tiếp xúc thân tình của chồng tôi với thầy, với anh Phong và Nghĩa Dũng Đường, tôi không có mặt. Bởi theo phận nữ nhi, tôi ít khi tham dự những sự kiện ngoài phạm vi gia đình và nghề nghiệp. Nhưng diễn biến các cuộc tiếp xúc đó như thế nào, tôi đều tường tận. Vì tôi muốn nghe chồng tôi kể về những ân nhân của mình. Tôi dõi theo họ bằng cả tấm lòng, dù họ không hề biết điều đó. Mỗi lời nói của thầy, của anh Phong; mỗi góc nhà, sàn tập của Nghĩa Dũng Đường; mỗi buổi võ sinh trưởng thành trên núi Bạch Mã; mỗi cuốn sách của thầy và môn sinh... tôi đều tường tận dù tôi không có mặt. Trong trái tim tôi, có một chỗ rất lớn dành cho những con người ấy, nơi chốn ấy. Bài viết này đã tuôn chảy trong tâm trí tôi từ lâu và được lặp lại hầu như mỗi ngày. Nó gần như là tâm kinh của riêng tôi, mà mỗi khi thầm đọc nó, nước mắt lại tuôn trào. Bây giờ ngồi viết ra, tôi viết một mạch, vì bản thảo này đã được “phúc cảo” lâu lắm rồi và rất thường xuyên. Tôi luyện nó như võ sinh luyện quyền mỗi ngày. Bây giờ, tôi đang vừa vuốt những giọt nước mắt hạnh phúc vừa gõ bàn phím. Xin một lần để những người mà tôi yêu quý và kính phục hiểu thấu lòng tôi. Tôi đang viết cho ân sư, ân nhân, cho con cái tôi, cho cả chính mình.

Tôi nhiều lần hỏi chồng con: “Mẹ có thể đi học võ bây giờ không?” Mọi người, đặc biệt là cậu bé mà thầy coi như cháu nội của thầy, cười trêu chọc: “Gần năm mươi tuổi, tới học võ với bọn con nít, chắc phóng viên tới chụp ảnh phỏng vấn rần rần”. Tôi cũng không vừa: “Họ sẽ tới đưa tin về một người kiên trì với ước mơ của mình, chung thủy với tình yêu và khát vọng của mình!”. Và kết thúc những câu nói vui đó, trong tâm trí tôi hiện rõ hình ảnh tôi mặc bộ kimono nhà võ, thắt đai trắng, cúi đầu trước thầy, không gọi thầy là “Sư phụ” như người khác, mà sẽ gọi là “Ân sư!”

Hôm nay, thầy cô tôi tổ chức lễ kỷ niệm đám cưới vàng. Lòng vui khôn tả, tôi thành tâm kính chúc ân sư và sư mẫu vạn thọ vô cương, bách niên giai lão!

Huế, ngày 16 tháng 7 năm 2017
Nguyễn Thị Tịnh Thy



Văn không Võ là Văn nhu nhược

Võ không Văn là Võ bạo tàn

Bản lĩnh tài năng làm nên nghiệp

Nhân hòa đức độ tạo thành công

FACEBOOK:  TI ẾN

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024