Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/04/2015 14:04 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
Hội chứng tiêu cơ vân


Tiêu cơ vân là một hội chứng do sự phá huỷ các tế bào cơ vân dẫn đến giải phóng các thành phần của tế bào cơ vân vào trong máu như CPK, myoglobin, phospho.... Những protein này có thể đo được ở trong máu và theo dõi mức độ phá huỷ cơ ở tiêu cơ vân. Myoglobin cũng có thể định lượng được trong nước tiểu. Bệnh nhân tiêu cơ vân nặng có thể gây suy thận cấp, toan chuyển hoá, tăng kali, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong.

Ban đầu hội chứng này được Bywater và Beal mô tả ở bệnh nhân bị bom vùi với tên gọi là “hội chứng vùi lấp”. Tuy nhiên, sau này có nhiều bệnh nhân được phát hiện có triệu chứng tương tự nhưng không phải do chấn thương.            

Ngày nay hội chứng tiêu cơ vân gặp cả những bệnh nhân nội và ngoại khoa, việc phát hiện và chẩn đoán sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của tiêu cơ vân.

Nhận biết dấu hiệu bệnh tiêu cơ vân (triệu chứng lâm sàng, một số cận lâm sàng cần thiết, biến chứng/nguy cơ).

Triệu chứng lâm sàng

Do chấn thương: bệnh nhân có tiền sử chấn thương, thấy các tổn thương, sau đó có thể thấy sưng nề, phù cứng, giảm vận động vùng cơ thể bị tổn thương.

Không do chấn thương: Tiêu cơ vân có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Trong trường hợp điển hình có tam chứng: đau cơ, yếu cơ và nước tiểu đỏ sẫm. Nước tiểu đỏ do myoglobin được giải phóng từ cơ và bị giáng hoá bài tiết vào nước tiểu gây ra nước tiểu màu đỏ hoặc màu coca.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng của nguyên nhân gây ra tiêu cơ vân.

Triệu chứng xét nghiệm

CK, GOT, GPT và LDH. Mức độ tăng các men này cũng phản ánh mức độ phá huỷ cơ. Bệnh nhân tiêu cơ vân nặng  xét nghiệm urê, cretinin máu có thể tăng, tăng kali máu, toan chuyển hoá do suy thận.

Xét nghiệm: myoglobin tăng trong máu và nước tiểu.

Các xét nghiệm để tìm nguyên nhân.                                                                      

Các biến chứng của bệnh tiêu cơ vân

Một trong những biến chứng nguy hiểm của tiêu cơ vân là suy thận.  Suy thận do ống thận bị tắc bởi các protein của cơ giải phóng vào máu và bài tiết qua ống thận.

Biến chứng khác của tiêu cơ vân gây ra hội chứng khoang do tế bào cơ tổn thương dẫn đến sưng nề và gây tăng áp lực ở giữa các khoang của cơ. Điều này ảnh hưởng đến tuần hoàn, tưới máu vùng cơ đó và làm cho vùng cơ đó bị tổn thương. Hội chứng khoang thường gặp nhất sau có tổn thương, chấn thương cẳng chân, thành bụng và có thể cần phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu.

Tiêu cơ vân cũng gây ra các rối loạn điện giải, gây tăng kali máu và phospho máu.

Nguyên nhân bệnh tiêu cơ vân

Nguyên nhân do chấn thương hoặc chèn ép

Do tai nạn, hội chứng vùi lấp sập hầm, sập nhà, ngã va đập từ độ cao, chèn ép do chấn thương dưới áp lực.

Nằm bất động kéo dài: hôn mê các loại, an thần gây ngủ chủ động đặc biệt dễ xảy ra với các bệnh nhân béo phì.

Không do chấn thương

Do gắng sức quá mức: co giật, rung giật cơ do lạnh, ngộ độc, sảng rượu, tăng thân nhiệt ác tính, sau nóng, say nắng...

Không do gắng sức: nghiện rượu, do thuốc (như  nhóm statin và fibrat), ong đốt, do nhiễm trùng...

Chẩn đoán bệnh tiêu cơ vân

Chẩn đoán xác định

Khai thác tiền sử và khám lâm sàng. Kiểm tra bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu.

Nguyên nhân do chấn thương hoặc đè ép

Chẩn đoán thường dễ dàng, lâm sàng có các tổn thương. Xét nghiệm CK tăng cao ít nhất gấp 5 lần (> 1500UI/l) , myoglobin máu niệu tăng. LDH, AST, ALT tăng cao, kali máu tăng, suy thận cấp.

Nguyên nhân không do chấn thương

Có thể không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng điển hình đau cơ, yếu cơ và tiểu đỏ sẫm. Ngoài ra, còn có triệu chứng của căn nguyên gây bệnh. CK tăng cao ít nhất gấp 5 lần (UI/l).

- Myoglobin tăng trong máu và nước tiểu.

- Các bất thường sinh hóa khác như trên đã nêu. 

Chẩn đoán phân biệt

Nhồi máu cơ tim cấp: bệnh nhân nhồi máu cơ tim cũng gây tăng CK, myoglobin máu tăng, nhưng chúng ta có thể phân biệt hỏi tiền sử bệnh, tính chất  đau ngực, xét nghiệm CK-MB tăng, men troponin T tăng, điện tim có biến đổi.

Đái máu hoặc hemoglobin niệu (do tan máu): bệnh nhân đái máu  có thể có sốt, tiểu buốt, tiểu dắt, xét nghiệm hồng cầu trong nước tiểu. Bệnh nhân tan máu có có sốt, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có thể thấy có bằng chứng khác của tan máu như có mảnh vỡ HC trong máu .

Bệnh lý viêm của cơ như viêm da cơ: khác với tiêu cơ vân , viêm da cơ  là bệnh lý mạn tính, lâm sàng có thể có đau cơ, yếu cơ (thường yếu cơ gốc chi, diễn biến từ vài tuần đến vài tháng) và tăng CK. Chẩn đoán phân biệt sinh thiết cơ.

Điều trị bệnh tiêu cơ vân

Tìm nguyên nhân gây tiêu cơ vân để điều trị.

Trong trường hợp tiêu cơ vân nhẹ không có bất cứ biến chứng nào,  bệnh nhân cần được uống nhiều nước,  theo dõi các biến chứng.

Những trường hợp tiêu cơ vân nặng có biến chứng suy thận cấp, mất nước, toan hoá bắt buộc phải nhập viện. Bù dịch đường tĩnh mạch để bài niệu cưỡng bức. Theo dõi chức năng thận, điện giải , theo dõi CK, GOT, GPT, LDH để đánh giá hiệu quả và tiến triển của quá trình điều trị tiêu cơ vân. Nếu bệnh nhân tiến triển suy thận nặng, tăng kali máu, toan chuyển hoá không đáp ứng với điều trị bằng truyền dịch và thuốc cần phải xem xét lọc máu.

Chú ý điều trị  các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như suy thận cấp, vô niệu, tăng kali máu, toan hoá máu, rối loạn nước điện giải...

Phòng chống bệnh tiêu cơ vân

Tập thể dục đều đặn, thích hợp để ngăn ngừa tiêu cơ vân.

Tránh lao động quá sức trong môi trường nắng nóng và cần phải uống nước đầy đủ thích hợp bởi vì những tình trạng trên gây mất nước làm tăng nguy cơ mắc hội chứng tiêu cơ vân cấp.

Những bệnh nhân có nguy cơ tiêu cơ vân như hoạt động gắng sức, uống thuốc statin và fibrat để giảm mỡ máu cần được tư vấn để nhận biết được các triệu chứng của tiêu cơ vân như đau cơ, yếu cơ và tiểu sẫm màu. Bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng  của tiêu cơ vân.

nguồn sưu tầm




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024