Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
28/02/2015 11:02 # 1
homychau
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 32/60 (53%)
Kĩ năng: 16/50 (32%)
Ngày gia nhập: 29/09/2014
Bài gởi: 182
Được cảm ơn: 116
Nghề bác sĩ: đừng hiểu lầm những lương y!


Nghề bác sĩ: đừng hiểu lầm những lương y! 

Một trong những bác sĩ của tôi đã nói “Hãy xem mỗi bệnh nhân là một người thầy của mình.”

Nhiều lần đọc báo, xem truyền hình, lướt facebook hay cả lúc nói chuyện với ai đó tôi phải nhận rất nhiều lời lên án, ném đá về những người làm nghề Y. Dĩ nhiên tôi cũng quan tâm và thường kiểm chứng những thông tin đó, có tin đúng, có cái sai, còn chuyện người ta lên án, ném đá, thậm chí tẩy chay người nào đó trong ngành Y, cái ngành liên quan đến sinh mệnh con người là việc bất thành văn của dư luận rồi. Cái gì thuộc về dư luận, có muốn chữa cũng chịu, như căn nhà bắt lửa được đổ thêm dầu mà thôi.

Thế nhưng, cuộc đời tôi lại là minh chứng của một góc độ nào đó liên quan đến những người thầy thuốc. Một bộ phận nhỏ trong ngành Y mà tôi được gặp, từng và đang là bệnh nhân của họ. Từ tấm bé, nghĩa là khi lọt lòng, tôi đã là một người sẽ phải phụ thuộc vào người khác, mà điển hình là tình thương của những người sẽ phải giành giật sự sống cho tôi: gia đình tôi và bác sĩ của tôi. Vào năm tôi 13 tuổi, một bác sĩ trẻ mà bây giờ đã là trưởng khoa Tim mạch của một bệnh viện lớn nói với tôi “trái tim con có hình thù của trái tim loài cá sấu đó Nam” rồi bác sĩ cắt nghĩa cho tôi biết về trái tim cá sấu, khi ấy tôi chỉ hình dung được rằng, nó là một trái tim có vết thủng và dần dần vết thủng đó lan rộng đến độ tâm thất đã không còn vách ngăn. Hai màu đỏ đen lẫn lộn trong một dòng máu nuôi cơ thể. Cái cơ thể vỏn vẹn 19 ký lô.

Cái năm bạn bè tôi bước vào lớp Một, thì tôi được đưa vào một phòng mổ hiện đại với ê-kíp gồm những bác sĩ chính là người Pháp, trước khi tiến hành bảng cam kết của nhân thân, họ nói với ba tôi: “Sự sống của con anh sẽ được kéo dài thêm nếu ca mổ thành công”. Để rồi sau đó, một bác sĩ khác nói với ba mẹ tôi: “Hy vọng thằng bé sẽ sống thêm 15 năm”. Phải, mẹ tôi đã nói như vậy khi tôi 21 tuổi, vào lúc tôi đang chiến đấu với chính trái tim của mình trên giường bệnh.

Còn năm 12 tuổi, trong đợt điều trị kéo dài 3 năm, tôi bắt đầu làm quen mọi ngóc ngách trong bệnh viện Nhi Đồng. Từ những mảng tường rêu ảm đạm đến chiếc bình dưỡng khí hoen gỉ, từ chiếc cầu thang đến những hành lang nối nhau chật kín người. Tôi biết tên hầu hết các bác sĩ thuộc khối nội khoa, tôi chơi với những bệnh nhân cùng tuổi có “thâm niên” trong bệnh viện và những em bé bị tim bẩm sinh như mình, thỉnh thoảng tôi được các bác sĩ và điều dưỡng trong khoa chở đi đây đó. Dĩ nhiên, với 3 năm ở bệnh viện, thứ quen thuộc nhất với tôi là đường dây ô-xy, những xilanh máu, chiếc máy đo nhịp tim, và những lọ thuốc cùng những đau đớn về thể xác. Có những lúc tôi chìm vào tuyệt vọng, tôi nhớ trường lớp, nhớ bạn bè, nhớ đồi thông xanh ngắt phía trước nhà. Nhà tôi ở Đà Lạt, tôi sinh ra ở Đà Lạt. Bác sĩ thủ thỉ với tôi: “Trái tim của con, nó không thích hợp với không khí của Đà Lạt. Con hãy ở lại đây để các bác chữa cho con.” Từ đó tôi biết, con đường học hành của mình cũng sẽ đóng lại. Nhưng tôi bắt đầu đọc những cuốn sách các bác sĩ mua cho mình. Nhiều lần tôi mệt, tôi nằm đó trong căn phòng cấp cứu đầy dây nhợ, máy móc, tôi nghĩ về những tháng ngày phía trước với tâm trạng hoang mang. Có một tối, sau cử penicillin, tôi đột nhiên lâm vào trạng thái không nhận thức, tiến đến hôn mê, bác sĩ trực hôm đó đã nói với mẹ tôi khi liên tục cấp cứu cho tôi “Gọi cho ba thằng bé đi, chắc nó không qua được đâu”. Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy ba mẹ tôi và bác sĩ của tôi, tôi đã có thể cất lời cảm ơn bác sĩ, rồi tôi nghe: “Bác cảm ơn con!” cùng với nụ cười.  
 
Năm 26 tuổi, tôi bẽn lẽn cầm tấm thiệp cưới vào gặp những thiên thần áo trắng của mình và họ bắt đầu hỏi về người con gái của tôi cùng với nụ cười mãn nguyện. Ngày diễn ra lễ cưới, họ có mặt gần như đông đủ, từ cô hộ lý ưu tiên cho tôi những chiếc grap trải giường sạch nhất, những cô điều dưỡng luôn xem tôi như con đến bác sĩ trưởng khoa cả đời dành trọn tình yêu thương cho bệnh nhân mình. Họ chúc phúc cho chúng tôi. Rồi đúng ngày Giáng sinh năm đó vợ tôi sinh cho tôi cậu con trai, người bác sĩ duy nhất còn chữa trị cho tôi sau hơn 20 năm nói đó chính là Ý Chúa.
 
Và hôm nay, khi gần bước sang tuổi 30, tôi ngồi viết những dòng này với trái tim của cậu bé bệnh nhi ngày nào, tôi luôn lấy làm biết ơn và cảm thấy tự hào về họ. Những người phần lớn đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi, đến nhận thức và cả tri thức của tôi. Vì vậy tôi sẽ gọi họ là thiên thần của đời mình. Với sự hiện diện của họ, tôi hiểu thêm những quy luật về sự sống cũng như các mối ràng buộc tuyệt vời từ cuộc đời này. Nó vượt ra ngoài những luồng dư luận thường nhật và chạm vào trái tim của mỗi người.
Nguồn: http://www.thatmah.com/bai-viet/nghe-bac-si-dung-hieu-lam-nhung-luong-y-281


Hồ Thị Mỹ Châu - LIBRA1910

Email: hothimychau1910@gmail.com

^_^ Mychau Ho *_*

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024