Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/06/2014 08:06 # 1
quynhdtu
Cấp độ: 17 - Kỹ năng: 12

Kinh nghiệm: 120/170 (71%)
Kĩ năng: 34/120 (28%)
Ngày gia nhập: 01/04/2011
Bài gởi: 1480
Được cảm ơn: 694
Đừng coi thử thách của cuộc đời là “bản án tử hình”


Có 1001 cách cuộc đời có thể cản trở con đường nghề nghiệp hoặc làm trật kế hoạch trở thành doanh nhân của bạn. Bạn sẽ hồi phục và bước tiếp như thế nào? Hãy cùng xem những anh hùng đời thường, những người đã biến khó khăn trong cuộc sống riêng thành động lực thúc đẩy để tạo nên những doanh nghiệp tuyệt vời và những sáng kiến từ thiện không chỉ giúp họ mà còn soi đường chỉ lối cho người khác.

 

Từ nỗi đau mất con đến chương trình cứu mạng dành cho sinh viên

Năm 2005, khi đang theo học chương trình thạc sỹ về công tác xã hội, Mary Beth Schewitz đã vô cùng đau khổ khi bị mất đi cậu con trai 20 tuổi tên là Max. Cậu là nạn nhân của chứng bệnh tim chưa chẩn đoán được và căn bệnh này có thể sớm phát hiện với một cuộc kiểm tra EKG đơn giản.

Schewitz cho hay: "Tôi đã đau buồn không biết bao nhiêu ngày sau khi con trai mất. Tôi chỉ bước ra khỏi nhà khi màn đêm xuống, rồi sau đó ngồi khóc một mình cho tới khi thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi, một giấc ngủ khó nhọc với những giấc mơ đầy hối tiếc và ước ao”.

Tuy nhiên, cuộc đời đã sắp sẵn cho bà một kế hoạch khác. Bà đã gặp Tiến sỹ Joseph Marek, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch ở Chicago, người vừa mới thử nghiệm chương trình sàng lọc EKG tại các trường học để tìm ra những người trẻ có nguy cơ đột tử vì bệnh tim trong các trường hợp bí ẩn và không thể chẩn đoán được.

Schewitz chia sẻ: "Mặc dù điều này đã quá trễ với con trai của chúng tôi, nhưng chúng tôi biết còn nhiều người khác giống như nó, đang sống mà không biết rằng họ đang bị một chứng bệnh tim có thể giết chết họ bất cứ lúc nào”.

Chỉ một năm sau khi con trai qua đời, Schewitz đã tạo ra Tổ chức Max Schewitz, chuyên cung cấp các cuộc khám sàng lọc EKG cho các sinh viên đại học và học sinh trung học. Hiện giờ họ đã khám được cho hơn 43 ngàn sinh viên, trong đó phát hiện ra 828 sinh viên có những dấu hiệu bất thường cần đánh giá tiếp theo về mặt y khoa và có 438 sinh viên đã được Tổ chức này siêu âm tim miễn phí.

Vậy Schewitz muốn những người đang gặp khó khăn và đau khổ biết điều gì? "Vào lúc cần nhất, bạn sẽ may mắn tìm được khả năng phục hồi mạnh mẽ”.

Tai nạn thảm thương đã giúp một chàng trai tìm thấy mục đích của mình

Khi mới bảy tuổi, khi đang chơi bóng chày, Kevin MacGuire bị một người lái xe say xỉn đâm ngã xuống đường. Cậu bé bị liệt phần thân dưới.

Kevin kể với tôi rằng: "Bố mẹ tôi không bao giờ cho phép tôi coi sự tàn tật của mình như một cái nạng. Tôi không được phép đắm mình trong sự thương hại. Tôi chưa bao giờ đưa sự tàn tật của mình làm lý do bào chữa”.

Thực tế là, bố mẹ của Kevin đã phải mất nhiều công sức và thời gian để giúp cậu đi lại được, kể cả việc gửi cậu tới Lourdes, Pháp khi cậu 12 tuổi để thăm một miếu thờ có thứ nước giúp chữa lành bệnh.

Kevin chia sẻ: "Tôi đã tới đó để được chữa trị, tuy nhiên khi tới nơi tôi đã thấy nhiều người khác từ khắp nơi trên thế giới còn phải chịu đựng tình trạng bệnh tật tồi tệ hơn tôi. Điều này đã thay đổi quan điểm của tôi về tình trạng của mình”.

Kevin đã tốt nghiệp Trung tâm luật Georgetown và lập nên công ty riêng vào năm 1992 chuyên tư vấn luật cho những người Mỹ bị tàn tật. Anh đã tư vấn cho các đội bóng chày và sân vận động của giải bóng chày nhà nghề Mỹ - NFL, các địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc trực tiếp cấp quốc gia và Trung tâm đón tiếp khách thăm Nhà Trắng về việc tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có thể ra vào được những nơi này.

Anh cũng là người sáng lập nên AbleRoad, một trang web và là một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động thông minh cho phép những người khuyết tật tìm thấy và xem xét những địa điểm công cộng hoặc địa điểm kinh doanh có thể tiếp cận được. Anh hi vọng ứng dụng AbleRoad sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rằng việc tiếp cận với trụ sở của họ có thể khó khăn với những người khuyết tật và thuyết phục họ tạo ra những thay đổi.

Điều gì đã thúc đẩy Kevin giúp đỡ những người khác? Anh cho biết: "Tôi đã thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp là ép bản thân phải làm những việc mà những người khác có thể bỏ cuộc và chạy trốn. Đó không phải là cách làm của tôi".

Từ bệnh nhân ung thư vú trở thành doanh nhân

Wendy Kuhn chỉ mới 42 tuổi khi cô bị chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 3. Sau một số cuộc phẫu thuật, và vài đợt hóa trị liệu, Kuhn chỉ suy nghĩ một điều trong đầu: làm thế nào để bệnh ung thư không quay trở lại.

Cô đã mô tả khoảnh khắc cô nhận ra tình hình của mình đang thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn: "Sau đợt phẫu thuật lần thứ nhất, tôi đã hiểu ra rằng bệnh ung thư đã di căn sang những bộ phận khác, nhưng cũng phát hiện ra rằng não tôi chưa bị ảnh hưởng, tôi đã dừng lại và suy nghĩ, tôi muốn vượt qua hành trình này vì ai?” Đó là thời điểm cô nhận  ra đây là một cuộc hành trình chứ không phải là một bản án tử hình.

Kuhn chia sẻ: "Tôi đã quyết định ưu tiên hàng đầu của tôi là phải trở thành tấm gương cho các cháu gái, con dâu và em gái của mình. Tôi muốn họ thấy rằng việc này có thể giải quyết một cách uyển chuyển, chững chạc và hài hước”.

Căn bệnh đã truyền cảm hứng cho Kuhn theo đuổi giấc mơ trở thành huấn luyện viên sức khỏe toàn diện, chuyên về phòng chống và nhận biết căn bệnh ung thư.

Cô đã xây dựng một công ty chăm sóc sức khỏe và giờ cung cấp các buổi thuyết trình và hội thảo miễn phí tại trung tâm hỗ trợ bệnh nhân ung thư và nơi trú ẩn cho phụ nữ tại địa phương. Thông qua doanh nghiệp và sáng kiến tình nguyện của mình, Kuhn giúp những người khác đưa ra những sự lựa chọn để có cuộc sống khỏe mạnh hơn và ý thức hơn về nguy cơ và các triệu chứng của bệnh ung thư bất chấp các rào cản về kinh tế và xã hội có thể khiến họ khó tiếp cận những kiến thức này.

Tìm thấy sự can đảm sau vụ tấn công tàn bạo

Jenny Lynn Anderson là một nhà báo kỳ cựu đã có 25 năm trong nghề. Trong một hội nghị về kinh doanh, bà trở thành nạn nhân của một vụ đột nhập khách sạn, cướp và tấn công tình dục tàn bạo.

Anderson đã kể với tôi rằng: "Sau vụ tấn công tình dục đó, mỗi ngày tôi đều phải lấy hết can đảm để tồn tại”.

Anderson cho biết 3 điều đã có tác động mạnh mẽ tới sự hồi phục của bà là: tha thứ cho kẻ đã tấn công tình dục bà; tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lý, và viết cuốn sách Room 939: 15 Minutes of Horror, 20 Years of Healing (Tạm dịch là Phòng số 939: 15 phút kinh hoàng, 20 năm chữa lành).

Anderson đã quyết định chia sẻ sự kiện kinh hoàng này để giúp đỡ và truyền cảm hứng cho những người sống sót khác bằng cách chia sẻ cởi mở về nó. Bà đã thay đổi nghề nghiệp và tạo dựng một công việc kinh doanh bán thời gian ngoài việc nói chuyện tạo cảm hứng.

Bà kể rằng: "Tôi đã nhớ lại một cách sống động - kể cả bộ quần áo mà tôi đang mặc, chiếc quần skinny jeans và áo sơ mi trắng - đứng ở bãi cỏ của trường đại học bang Valdosta trước 300 sinh viên, chia sẻ thông điệp của tôi về việc sống sót sau vụ tấn công tình dục. Tôi nhìn vào những khuôn mặt của những sinh viên ngây thơ và biết rằng những gì tôi nói sẽ có tác động vì họ đứng trong yên lặng. Tôi đã tự nghĩ rằng: “Tôi đang thay đổi các cuộc đời và truyền can đảm cho những người khác phá vỡ sự câm lặng”. Click vào đây để xem các bài nói chuyện của Jenny Lynn Anderson trên Youtube.

Lan tỏa hy vọng bất chấp bệnh tật và chấn thương

Năm 2006, Michelle Eberwein bị một chấn thương và nó đã thay đổi cuộc đời cô mãi mãi - cô bị gãy xương sống. Sau cuộc phẫu thuật nối liền xương sống, cô đã không hồi phục một cách diệu kỳ như mong đợi; thất bại đã khiến cho việc hồi phục của cô kéo dài thêm 1 năm nữa.

 

 

 

Sáu tháng sau, Michelle lại bị chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Bốn tháng sau, các bác sỹ lại phát hiện ra cô bị bệnh đau xơ cơ. Để có thể chống đỡ được, cô phải phẫu thuật xương sống lần nữa. Chứng trầm cảm đã biến cô từ một phụ nữ sôi nổi trở nên nghiện các loại thuốc giảm đau.

Trong khi tìm kiếm thông tin về các căn bệnh mới được chẩn đoán của mình, Michelle đã chán nản vì thông tin quá ít ỏi. Cô cảm thấy mình phải làm điều gì đó - bất cứ điều gì - để chặn tình trạng rơi tự do của cơn khủng hoảng về sức khỏe của cô.

Cô kể rằng: "Tôi đã quyết định tôi không muốn tiếp tục là nạn nhân của tình trạng sức khỏe tồi tệ này nữa. Tôi đã quyết định phải trở nên khỏe mạnh. Tôi đã quyết định cảm ơn mỗi ngày mới để tạo ra sự khác biệt. Và tôi đã quyết định thực sự tạo ra một sự khác biệt”. Michelle đã quyết định vai trò mới của cô là lan tỏa nhận thức về những căn bệnh không thể chữa trị và các tình trạng y tế; đem lại hy vọng cho những người phải chống chọi với các căn bệnh mà không có hy vọng chữa trị.

Michelle đã khai trương doanh nghiệp của cô, Hope in Bracelets, với mục đích biến thú vui làm vòng đeo tay của cô thành một chương trình nâng cao nhận thức cho những bệnh nhân mắc những chứng bệnh kinh niên, không thể chữa trị. "Tôi đang cố gắng đưa công ty lên một tầm mới, bạn sẽ thấy những người mẫu trong các tạp chí đeo những chiếc vòng đeo tay mang nhãn hiệu Hope in Bracelets ở cổ tay. Mọi người biết ai đó đang phải chiến đấu trong một trận chiến bệnh tật”, cô giải thích.

Bạn thấy ấn tượng với nhân vật nào trong bài viết này, hãy để lại ý kiến của bạn trong ô comment bên dưới nhé.


(Dịch từ Inc)



You can if you think you can

Smod "Góc Học Tập"

Skype: mocmummim

Email: phanthiquynh.qnh3@gmail.com

FB: facebook.com/phan.quynh.96


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024