Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/02/2014 17:02 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu là một trong những công trình xây dựng thường gặp. Cho đến nay ở nước ta, việc xây dựng nền đắp trên đất yếu vẫn là một vấn đề tồn tại và là một bài toán khó đối với người xây dựng, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần được nghiên cứu xử lý nghiêm túc, đảm bảo sự ổn định và độ lún cho phép của công trình.
Nền đất yếu là nền đất không đủ sức chịu tải, không đủ độ bền và biến dạng nhiều, do vậy không thể xây dựng các công trình. Đất yếu là một loại đất không có khả năng chống đỡ kết cấu bên trên, vì thế nó bị lún tuỳ thuộc vào quy mô tải trọng bên trên.
Khi thi công các công trình xây dựng gặp các loại nền đất yếu, tùy thuộc vào tính chất của lớp đất yếu, đặc điểm cấu tạo của công trình mà ngư­ời ta dùng phương pháp xử lý nền móng cho phù hợp để tăng sức chịu tải của nền đất, giảm độ lún, đảm bảo điều kiện khai thác bình th­ường cho công trình.
Trong thực tế xây dựng, có rất nhiều công trình bị lún, sập khi xây dựng trên nền đất yếu do không có những biện pháp xử lý hiệu quả, không đánh giá chính xác được các tính chất cơ lý của nền đất để làm cơ sở và đề ra các giải pháp xử lý nền móng phù hợp. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tế để giải quyết, giảm được tối đa các sự cố, hư hỏng của công trình khi xây dựng trên nền đất yếu.
Một số đặc điểm của nền đất yếu
Thuộc loại nền đất yếu thường là đất sét có lẫn nhiều hữu cơ; Sức chịu tải bé (0,5 - 1kg/cm2); Đất có tính nén lún lớn (a>0,1 cm2/kg); Hệ số rỗng e lớn (e > 1,0); Độ sệt lớn (B>1); Mô đun biến dạng bé (E<50kg/cm2); Khả năng chống cắt (C) bé, khả năng thấm nư­ớc bé; Hàm l­ượng n­ước trong đất cao, độ bão hòa nước G>0,8, dung trọng bé
Các loại nền đất yếu chủ yếu và thường gặp
- Đất sét mềm: Gồm các loại đất sét hoặc á sét t­ương đối chặt, ở trạng thái bão hòa nước, có cường độ thấp;
- Đất bùn: Các loại đất tạo thành trong môi trư­ờng nư­ớc, thành phần hạt rất mịn, ở trạng thái luôn no nước, hệ số rỗng rất lớn, rất yếu về mặt chịu lực;
- Đất than bùn: Là loại đất yếu có nguồn gốc hữu cơ, đ­ược hình thành do kết quả phân hủy các chất hữu cơ có ở các đầm lầy (hàm lượng hữu cơ từ 20 -80%);
- Cát chảy: Gồm các loại cát mịn, kết cấu hạt rời rạc, có thể bị nén chặt hoặc pha loãng đáng kể. Loại đất này khi chịu tải trọng động thì chuyển sang trạng thái chảy gọi là cát chảy;
- Đất bazan: là loại đất yếu có độ rỗng lớn, dung trọng khô bé, khả năng thấm nước cao, dễ bị lún sụt.
Các biện pháp xử lý nền đất yếu
Kỹ thuật cải tạo đất yếu thuộc lĩnh vực địa kỹ thuật, nhằm đư­a ra các cơ sở lý thuyết và phư­ơng pháp thực tế để cải thiện khả năng tải của đất sao cho phù hợp với yêu cầu của từng loại công trình khác nhau.
Với các đặc điểm của đất yếu như­ trên, muốn đặt móng công trình xây dựng trên nền đất này thì phải có các biện pháp kỹ thuật để cải tạo tính năng chịu lực của nó. Nền đất sau khi xử lý gọi là nền nhân tạo.
Việc xử lý khi xây dựng công trình trên nền đất yếu phụ thuộc vào điều kiện như­: Đặc điểm công trình, đặc điểm của nền đất... Với từng điều kiện cụ thể mà người thiết kế đư­a ra các biện pháp xử lý hợp lý. Có nhiều biện pháp xử lý cụ thể khi gặp nền đất yếu nh­ư:
- Các biện pháp xử lý về kết cấu công trình
- Các biện pháp xử lý về móng
- Các biện pháp xử lý nền
1- Các biện pháp xử lý về kết cấu công trình
Kết cấu công trình có thể bị phá hỏng cục bộ hoặc hoàn toàn do các điều kiện biến dạng không thỏa mãn: Lún hoặc lún lệch quá lớn do nền đất yếu, sức chịu tải bé.
Các biện pháp về kết cấu công trình nhằm giảm áp lực tác dụng lên mặt nền hoặc làm tăng khả năng chịu lực của kết cấu công trình. Ngư­ời ta thư­ờng dùng các biện pháp sau:
- Dùng vật liệu nhẹ và kết cấu nhẹ, thanh mảnh, nhưng phải đảm bảo khả năng chịu lực của công trình nhằm mục đích làm giảm trọng lượng bản thân công trình, tức là giảm được tĩnh tải tác dụng lên móng.
- Làm tăng sự linh hoạt của kết cấu công trình kể cả móng bằng cách dùng kết cấu tĩnh định hoặc phân cắt các bộ phận của công trình bằng các khe lún để khử được ứng suất phụ phát sinh trong kết cấu khi xảy ra lún lệch hoặc lún không đều.
- Làm tăng khả năng chịu lực cho kết cấu công trình để đủ sức chịu các ứng lực sinh ra do lún lệch và lún không đều bằng các đai bê tông cốt thép để tăng khả năng chịu ứng suất kéo khi chịu uốn, đồng thời có thể gia cố tại các vị trí dự đoán xuất hiện ứng suất cục bộ lớn.
2- Các biện pháp xử lý về móng
Khi xây dựng công trình trên nền đất yếu, ta có thể sử dụng một số ph­ương pháp xử lý về móng thư­ờng dùng như­:
- Thay đổi chiều sâu chôn móng nhằm giải quyết sự lún và khả năng chịu tải của nền; Khi tăng chiều sâu chôn móng sẽ làm tăng trị số sức chịu tải của nền đồng thời làm giảm ứng suất gây lún cho móng nên giảm được độ lún của móng; Đồng thời tăng độ sâu chôn móng, có thể đặt móng xuống các tầng đất phía dưới chặt hơn, ổn định hơn. Tuy nhiên việc tăng chiều sâu chôn móng phải cân nhắc giữa 2 yếu tố kinh tế và kỹ thuật.
- Thay đổi kích th­ước và hình dáng móng sẽ có tác dụng thay đổi trực tiếp áp lực tác dụng lên mặt nền, và do đó cũng cải thiện được điều kiện chịu tải cũng như điều kiện biến dạng của nền. Khi tăng diện tích đáy móng thường làm giảm được áp lực tác dụng lên mặt nền và làm giảm độ lún của công trình. Tuy nhiên đất có tính nén lún tăng dần theo chiều sâu thì biện pháp này không hoàn toàn phù hợp.
- Thay đổi loại móng và độ cứng của móng cho phù hợp với điều kiện địa chất công trình: Có thể thay móng đơn bằng móng băng, móng băng giao thoa, móng bè hoặc móng hộp; trường hợp sử dụng móng băng mà biến dạng vẫn lớn thì cần tăng thêm khả năng chịu lực cho móng; Độ cứng của móng bản, móng băng càng lớn thì biến dạng bé và độ lún sẽ bé. Có thể sử dụng biện pháp tăng chiều dày móng, tăng cốt thép dọc chịu lực, tăng độ cứng kết cấu bên trên, bố trí các sườn tăng cường khi móng bản có kích thước lớn.
3- Các biện pháp xử lý nền đất yếu
Xử lý nền đất yếu nhằm mục đích làm tăng sức chịu tải của nền đất, cải thiện một số tính chất cơ lý của nền đất yếu như: Giảm hệ số rỗng, giảm tính nén lún, tăng độ chặt, tăng trị số modun biến dạng, tăng cư­ờng độ chống cắt của đất...
Đối với công trình thủy lợi, việc xử lý nền đất yếu còn làm giảm tính thấm của đất, đảm bảo ổn định cho khối đất đắp.
Các biện pháp xử lý nền thông thư­ờng:
- Các biện pháp cơ học: Bao gồm các phư­ơng pháp làm chặt bằng đầm, đầm chấn động, phư­ơng pháp làm chặt bằng giếng cát, các loại cọc (cọc cát, cọc đất, cọc vôi...), phư­ơng pháp thay đất, phương pháp nén trước, phương pháp vải địa kỹ thuật, phương pháp đệm cát...
- Các biện pháp vật lý: Gồm các ph­ương pháp hạ mực n­ước ngầm, phư­ơng pháp dùng giếng cát, phương pháp bấc thấm, điện thấm...
- Các biện pháp hóa học: Gồm các ph­ương pháp keo kết đất bằng xi măng, vữa xi măng, phương pháp Silicat hóa, phương pháp điện hóa...
Phư­ơng pháp xử lý nền đất yếu bằng cọc cátkhác với các loại cọc cứng khác (bê tông, bê tông cốt thép, cọc gỗ, cọc tre...) là một bộ phận của kết cấu móng, làm nhiệm vụ tiếp nhận và truyền tải trọng xuống đất nền, mạng lư­ới cọc cát làm nhiệm vụ gia cố nền đất yếu nên còn gọi là nền cọc cát.
Việc sử dụng cọc cát để gia cố nền có những ưu điểm nổi bật sau: Cọc cát làm nhiệm vụ như­ giếng cát, giúp nư­ớc lỗ rỗng thoát ra nhanh, làm tăng nhanh quá trình cố kết và độ lún ổn định diễn ra nhanh hơn; Nền đất đ­ược ép chặt do ống thép tạo lỗ, sau đó lèn chặt đất vào lỗ làm cho đất đ­ược nén chặt thêm, nước trong đất bị ép thoát vào cọc cát, do vậy làm tăng khả năng chịu lực cho nền đất sau khi xử lý; Cọc cát thi công đơn giản, vật liệu rẻ tiền (cát) nên giá thành rẻ hơn so với dùng các loại vật liệu khác. Cọc cát thường được dùng để gia cố nền đất yếu có chiều dày > 3m.
Phương pháp xử lý nền bằng cọc vôi và cọc đất - ximăng
Cọc vôi thường được dùng để xử lý, nén chặt các lớp đất yếu như: Than bùn, bùn, sét và sét pha ở trạng thái dẻo nhão.
Việc sử dụng cọc vôi có những tác dụng sau:
- Sau khi cọc vôi được đầm chặt, đường kính cọc vôi sẽ tăng lên 20% làm cho đất xung quanh nén chặt lại.
- Khi vôi được tôi trong lỗ khoan thì nó toả ra một nhiệt lượng lớn làm cho nước lỗ rỗng bốc hơi làm giảm độ ẩm và tăng nhanh quá trình nén chặt.
- Sau khi xử lý bằng cọc vôi nền đất được cải thiện đáng kể: Độ ẩm của đất giảm 5 - 8%; Lực dính tăng lên khoảng 1,5 - 3lần.
Việc chế tạo cọc đất - ximăng cũng giống như đối với cọc đất - vôi, ở đây xilô chứa ximăng và phun vào đất với tỷ lệ định trước. Lưu ý sàng ximăng trước khi đổ vào xilô để đảm bảo ximăng không bị vón cục và các hạt ximăng có kích thước đều < 0,2mm, để không bị tắc ống phun.
Hàm lượng ximăng có thể từ 7 - 15% và kết quả cho thấy gia cố đất bằng ximăng tốt hơn vôi và đất bùn gốc cát thì hiệu quả cao hơn đất bùn gốc sét.
Qua kết quả thí nghiệm xuyên cho thấy sức kháng xuyên của đất nền tăng lên từ 4 - 5 lần so với khi chưa gia cố.
Ở nước ta đã sử dụng loại cọc đất - ximăng này để xử lý gia cố một số công trình và hiện nay triển vọng sử dụng loại cọc đất - ximăng này để gia cố nền là rất tốt.
Phương pháp xử lý nền bằng đệm cát
Lớp đệm cát sử dụng hiệu quả cho các lớp đất yếu ở trạng thái bão hoà nước (sét nhão, sét pha nhão, cát pha, bùn, than bùn…) và chiều dày các lớp đất yếu nhỏ hơn 3m.
Biện pháp tiến hành: Đào bỏ một phần hoặc toàn bộ lớp đất yếu (trường hợp lớp đất yếu có chiều dày bé) và thay vào đó bằng cát hạt trung, hạt thô đầm chặt.
Việc thay thế lớp đất yếu bằng tầng đệm cát có những tác dụng chủ yếu sau:
- Lớp đệm cát thay thế lớp đất yếu nằm trực tiếp dưới đáy móng, đệm cát đóng vai trò như một lớp chịu tải, tiếp thu tải trọng công trình và truyền tải trọng đó các lớp đất yếu bên dưới.
- Giảm được độ lún và chênh lệch lún của công trình vì có sự phân bộ lại ứng suất do tải trọng ngoài gây ra trong nền đất dưới tầng đệm cát.
- Giảm được chiều sâu chôn móng nên giảm được khối lượng vật liệu làm móng.
- Giảm được áp lực công trình truyền xuống đến trị số mà nền đất yếu có thể tiếp nhận được.
- Làm tăng khả năng ổn định của công trình, kể cả khi có tải trọng ngang tác dụng, vì cát được nén chặt làm tăng lực ma sát và sức chống trượt.
Tăng nhanh quá trình cố kết của đất nền, do vậy làm tăng nhanh khả năng chịu tải của nền và tăng nhanh thời gian ổn định về lún cho công trình.
- Về mặt thi công đơn giản, không đòi hỏi thiết bị phức tạp nên được sử dụng tương đối rộng rãi.
Phạm vi áp dụng tốt nhất khi lớp đất yếu có chiều dày bé hơn 3m. Không nên sử dụng phương pháp này khi nền đất có mực nước ngầm cao và nước có áp vì sẽ tốn kém về việc hạ mực nước ngầm và đệm cát sẽ kém ổn định.
Phương pháp đầm chặt lớp đất mặt
Khi gặp trường hợp nền đất yếu nhưng có độ ẩm nhỏ (G < 0,7) thì có thể sử dụng phương pháp đầm chặt lớp đất mặt để làm cường độ chống cắt của đất và làm giảm tính nén lún.
Lớp đất mặt sau khi được đầm chặt sẽ có tác dụng như một tầng đệm đất, không những có ưu điểm như phương pháp đệm cát mà cón có ưu điểm là tận dụng được nền đất thiên nhiên để đặt móng, giảm được khối lượng đào đắp.
Để đầm chặt lớp đất mặt, người ta có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau, thường hay dùng nhất là phương pháp đầm xung kích: Theo phương pháp này quả đầm trọng lượng 1 - 4 tấn (có khi 5 - 7 tấn) và đường kính không nhỏ hơn 1m. Để hiệu quả tốt khi chọn quả đầm nên đảm bảo áp lực tĩnh do quả đầm gây ra không nhỏ hơn 0,2kg/ cm2 với loại đất sét và 0,15kg/cm2 với đất loại cát.
Phương pháp gia tải nén trước
Phương pháp này có thể sử dụng để xử lý khi gặp nền đất yếu như than bùn, bùn sét và sét pha dẻo nhão, cát pha bão hoà nước.
Dùng phương pháp này có các ưu điểm sau:
- Tăng nhanh sức chịu tải của nền đất;
- Tăng nhanh thời gian cố kết, tăng nhanh độ lún ổn định theo thời gian.
Các biện pháp thực hiện:
- Chất tải trọng (cát, sỏi, gạch, đá…) bằng hoặc lớn hơn tải trọng công trình dự kiến thiết kế trên nền đất yếu, để chọn nền chịu tải trước và lún trước khi xây dựng công trình.
- Dùng giếng cát hoặc bấc thấm để thoát nước ra khỏi lỗ rỗng, tăng nhanh quá trình cố kết của đất nền, tăng nhanh tốc độ lún theo thời gian.
Tuỳ yêu cầu cụ thể của công trình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn của nơi xây dựng mà dùng biện pháp xử lý thích hợp, có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp cả hai biện pháp trên.
Phư­ơng pháp xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm là phương pháp kỹ thuật thoát nước thẳng đứng bằng bấc thấmkết hợp với gia tải trước.
Khi chiều dày đất yếu rất lớn hoặc khi độ thấm của đất rất nhỏ thì có thể bố trí đường thấm thẳng đứng để tăng tốc độ cố kết. Phương pháp này thường dùng để xử lý nền đường đắp trên nền đất yếu.
Phương pháp bấc thấm (PVD) có tác dụng thấm thẳng đứng để tăng nhanh quá trình thoát nước trong các lỗ rỗng của đất yếu, làm giảm độ rỗng, độ ẩm, tăng dung trọng. Kết quả là làm tăng nhanh quá trình cố kết của nền đất yếu, tăng sức chịu tải và làm cho nền đất đạt độ lún quy định trong thời gian cho phép.
Phương pháp bấc thấm có thể sử dụng độc lập, nhưng trong trường hợp cần tăng nhanh tốc độ cố kết, người ta có thể sử dụng kết hợp đồng thời biện pháp xử lý bằng bấc thấm với gia tải tạm thời, tức là đắp cao thêm nền đường so với chiều dày thiết kế 2 - 3m trong vài tháng rồi sẽ lấy phần gia tải đó đi ở thời điểm mà nền đường đạt được độ lún cuối cùng như trường hợp nền đắp không gia tải.
Bấc thấm được cấu tạo gồm 2 phần: Lõi chất dẽo (hay bìa cứng) được bao ngoài bằng vật liệu tổng hợp (thường là vải địa kỹ thuật Polypropylene hay Polyesie không dệt…)
Bấc thấm có các tính chất vật lý đặc trưng sau:
- Cho nước trong lỗ rỗng của đất thấm qua lớp vải địa kỹ thuật bọc ngoài vào lõi chất dẽo.
- Lõi chất dẽo chính là đường tập trung nước và dẫn chúng thoát ra ngoài khỏi nền đất yếu bão hòa nước.
Lớp vải địa kỹ thuật bọc ngoài là Polypropylene và Polyesie không dệt hay vật liệu giấy tổng hợp, có chức năng ngăn cách giữa lõi chất dẽo và đất xung quanh, đồng thời là bộ phận lọc, hạn chế cát hạt mịn chui vào làm tắc thiết bị.
Lõi chất dẽo có 2 chức năng: Vừa đỡ lớp bao bọc ngoài, và tạo đường cho nước thấm dọc chúng ngay cả khi áp lực ngang xung quanh lớn.
Nếu so sánh hệ số thấm nước giữa bấc thấm PVD với đất sét bão hòa nước cho thấy rằng, bấc thấm PVD có hệ số thấm (K = 1 x 10-4m/s) lớn hơn nhiều lần so với hệ số thấm nước của đất sét ( k = 10 x 10-5m/ngày đêm). Do đó, các thiết bị PVD dưới tải trọng nén tức thời đủ lớn có thể ép nước trong lỗ rỗng của đất thoát tự do ra ngoài.

Kết luận

Nền đất yếu có nhiều tác hại và nguy cơ gây mất an toàn cho các công trình xây dựng. Việc nghiên cứu nền đất yếu và xác định biện pháp xử lý phù hợp có một ý nghĩa quan trọng. Trong thực tế, cần căn cứ vào điều kiện địa chất công trình cụ thể để sử dụng các biện pháp xử lý về kết cấu công trình, các biện pháp xử lý về móng hay các biện pháp xử lý nền, hoặc sử dụng kết hợp tổ hợp nhiều biện pháp, giải pháp phù hợp có liên quan./.

  ngu
ồn Nguyễn Đức Lý

Sở KH&CN Quảng Bình




 
18/03/2015 21:03 # 2
liangluc
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 105/120 (88%)
Kĩ năng: 14/30 (47%)
Ngày gia nhập: 17/12/2012
Bài gởi: 765
Được cảm ơn: 44
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Thanks bạn! Tác giả Nguyễn Đức Lý còn có nhiều bài viết về ổn định mái dốc, nếu có thì bạn up lên cho các bạn sinh viên tham khảo cũng khá hay đấy.



Hãy làm việc hết mình thay vì lo lắng hết mình!


 
Các thành viên đã Thank liangluc vì Bài viết có ích:
07/10/2016 15:10 # 3
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Đất yếu là loại đất có sức chịu tải kém (nhỏ hơn 0,5 – 1,0 kG/cm2), dễ bị phá hoại, biến dạng dưới tác dụng của tải trọng công trình dựa trên những số liệu về chỉ tiêu cơ lý cụ thể.

+ Dựa vào chỉ tiêu vật lý, đất được gọi là yếu khi :

-         Dung trọng:                     gW  < 1,7 T/m3.

-         Hệ số rỗng:                      e > 1.

-         Độ ẩm:                             W > 40%.

-         Độ bão hòa:                     G > 0,8.

+ Dựa vào các chỉ tiêu cơ học:

                        - Modun biến dạng:             E0 < 50 kG/cm2.

                        - Hệ số nén:                           a > 0,01 cm2/kG.

                        - Góc ma sát trong:               j < 100.

                        - Lực dính (đối với đất dính):         c < 0,1 kG/cm2.



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
07/10/2016 15:10 # 4
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


 CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐẤT YẾU.

1.Giải pháp kết cấu.

            Bao gồm các biện pháp sau :

            - Chọn kiểu kết cấu ít nhạy lún, làm khe lún, làm giằng bê tông cốt thép; dự trữ  độ cao bằng độ lún dự kiến của công trình.

            - Lựa chọn độ sâu chôn móng và kích thước móng hợp lý, sử dụng vật liệu, các lớp cách nước ngăn ngừa nước dâng mao dẫn theo các khe hở trong đất.

            - Quy định và chấp hành nghiêm ngặt về quy trình đào đắp đất.

2. Các biện pháp xử lý nền.

            Mục đích : cải thiện thành phần, trạng thái của đất, từ đó làm cho các tính chất cơ học, vật lý của đất nền đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng. Để làm tăng độ bền và làm giảm độ nén lún của đất, có thể chọn những giải pháp làm giảm độ rỗng hoặc tăng lực dính. Trong một số trường hợp khác, mục đích của gia cố là làm cho đất đá từ chỗ thấm nước trở thành cách nước.

3 Các giải pháp về móng.

Lựa chọn các giải pháp về móng cho phù hợp như : móng đơn, móng băng (1 hoặc 2 phương), móng bè, móng cọc, … tùy theo tải trọng tác dụng và đặc điểm của công trình, từng loại đất cụ thể.



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
10/11/2016 13:11 # 5
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Trong thực tế xây dựng, chúng ta thường gặp những loại đất yếu sau đây : đất sét yếu; đất cát yếu; bùn; than bùn và đất than bùn và đất đắp

1. Đất sét yếu

2. Đất cát yếu

Cát được coi là yếu khi cỡ hạt thuộc loại nhỏ, mịn trở xuống, đồng thời có kết cấu rời rạc, ở trạng thái bão hòa nước, có thể bị nén chặt và hóa lỏng đáng kể, chứa nhiều di tích hữu cơ và chất lẫn sét. Những loại cát đó khi chịu tác dụng rung hoặc chấn động thì trở thành trạng thái lỏng nhớt, gọi là cát chảy

3. Bùn, than bùn và đất than bùn

Bùn là những trầm tích hiện đại, được thành tạo chủ yếu do kết quả tích lũy các vật liệu phân tán mịn bằng cơ học hoặc hoá học ở đáy biển, đáy hồ, bãi lầy… Bùn chỉ liên quan với các chỗ chứa nước, là các trầm tích mới lắng đọng, no nước và rất yếu về mặt chịu lực

Than bùn là đất có nguồn gốc hữu cơ, thành tạo do kết quả phân hủy các di tích hữu cơ, chủ yếu là thực vật, tại các bãi lầy và những nơi bị hóa lầy. Đất loại này chứa các hỗn hợp vật liệu sét và cát

4. Đất đắp

Loại đất này được tạo nên do tác động của con người. Đặc điểm của đất đắp là phân bố đứt đoạn và có thành phần không thuần nhất. Nhìn chung, các loại đất đắp hầu hết đều phải có biện pháp xử lý trước khi xây dựng công trình



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
15/11/2016 13:11 # 6
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Phân bố các lớp đất yếu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng [Theo Kết quả đề tài NCKH của Sở GTVT ĐN ] :

Các yếu tố địa hình khu vực có ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố các lớp đất yếu. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thông thường các khu vực có địa chất đất yếu thường nằm ở vị trí ruộng trũng, đầm lầy ao hồ,  bãi bồi ven sông, vịnh biển. Cụ thể, sự phân bố đất yếu ở các địa bàn như sau :

-         Quận Hải Châu : Tập trung khu vực Tây Nam Hòa Cường, đường Bạch Đằng và khu vưc Tuyên Sơn ở ven bờ Tây sông Hàn.

-         Quân Ngũ Hành Sơn : Chủ yếu ở các vùng dọc theo sông Vĩnh Điện.

-         Quận Sơn Trà : Tập trung nhiều ở khu vực vịnh Mân Quang, đương Trần Hưng Đạo (dọc theo bờ Đông sông Hàn).

-         Quận Liên Chiểu : Tập trung chủ yếu là ở các khu đầm lầy, ao hồ, khu đô thi mới Tây Bắc, khu vực KCN Hòa Khạch mở rông và dọc sông Cu Đê.

-         Quận Thanh Khê : Khu vực khu dân cư Thạc Gián – Vĩnh Trung, khu vực sông Phú Lộc.

-         Quận Cẩm Lệ : Khu vực phường Khuê Trung, phường Hòa Xuân, Hòa Thọ, ven sông Cẩm Lệ.

-         Huyện Hòa Vang : Các khu vực xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hoà Nhơn, dọc hai bên hạ lưu sông Yên.



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
05/12/2016 21:12 # 7
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


GIẢI PHÁP DÙNG ĐỆM CÁT

 Phạm vi áp dụng.

Đệm cát thường sử dụng khi lớp đất yếu ở trạng thái bão hòa nước như sét nhão; cát pha bão hòa nước, sét pha nhão; bùn; than bùn có chiều dày lớp đất cần thay thế không lớn lắm (nhỏ hơn 3m). Người ta bóc bỏ các lớp đất yếu này và thay thế bằng lớp cát có khả năng chịu lực lớn hơn.

Đệm cát có các tác dụng sau đây :

- Lớp đệm cát đóng vai trò như một lớp chịu lực tiếp thu tải trọng công trình truyền xuống lớp đất thiên nhiên. Làm tăng sức chịu tải của đất nền.

- Làm giảm độ lún của móng; giảm độ lún lệch của móng do có sự phân bố lại ứng suất do tải trọng ngoài gây ra trong đất nền ở dưới tầng đệm cát.

- Giảm chiều sâu chôn móng từ đó giảm khối lượng vật liệu xây móng.

- Tăng nhanh tốc độ cố kết của nền, do đó làm tăng nhanh sức chịu tải của nền và rút ngắn quá trình lún.

Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp đệm cát cần phải chú ý đến trường hợp sinh ra hiện tượng cát chảy, xói ngầm trong nền do nước ngầm hoặc hiện tượng hóa lỏng do tác dụng của tải trọng động.

Những trường hợp sau đây không nên sử dụng đệm cát :

- Lớp đất phải thay thế có chiều dày lớn hơn 3m, lúc này đệm cát có chiều dày lớn, thi công khó khăn, không kinh tế.

- Mực nước ngầm cao và có áp. Lúc này hạ mực nước ngầm rất tốn kém và đệm cát không ổn định.

  Kích thước đệm cát được xác định bằng tính toán nhằm thoả mãn 2 điều kiện : ổn định về cường độ và đảm bảo độ lún của công trình sau khi có đệm cát nằm trong giới hạn cho phép.



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
05/12/2016 21:12 # 8
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Trình tự thiết kế móng sử dụng đệm cát.

Chọn độ sâu chôn móng.

Căn cứ vào điều kiện địa chất công trình và tải trọng tác dụng, phân tích để lựa chọn phương án, từ đó chọn độ sâu chôn móng (độ sâu này có thể điều chỉnh trong quá trình tính toán chi tiết).

Thông thường độ sâu chôn móng trên đệm cát được chọn bình thường giống như đặt trên nền đất tốt (sơ đồ số 1).

Xác định kích thước đáy móng và kiểm tra điều kiện áp lực.

Gồm các bước sau :

-         Xác định cường độ tính toán quy ước của cát làm đệm (theo công thức quy đổi của quy phạm).

-         Xác định diện tích đế móng và xác định kích thước móng.

-         Xác định chiều dày của đệm cát : để đơn giản, chiều dày thường được chọn trước sau đó kiểm tra lại, nếu không đạt có thể tăng chiều dày đệm, nhưng đệm không nên dày quá 3m, lúc này có thể chuyển sang phương án móng khác).

-         Kiểm tra điều kiện áp lực tại đỉnh lớp đất yếu (đáy đệm cát).

-         Tính toán độ lún của móng.

-         Tính toán các kích thước của đệm cát (theo mặt bằng).

-         Tính toán độ bền và cấu tạo móng (giồng như móng nông trên nền thiên nhiên).

            Cùng nguyên tắc với đệm cát, còn dùng đệm đất, đệm đá sỏi… tùy theo khả năng cung cấp ở từng khu vực xây dựng.



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
10/01/2017 10:01 # 9
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


GIẢI PHÁP XỬ LÝ BẰNG CỌC CÁT.

 Đặc điểm và phạm vi ứng dụng.

Cọc cát được sử dụng trong các trường hợp sau đây : Công trình chịu tải trọng lớn trên nền đất yếu có chiều dày > 3m.

Những trường hợp sau đây không nên dùng cọc cát :

-         Đất quá nhão yếu, lưới cọc cát không thể lèn chặt được đất (khi hệ số rỗng nén chặt enc > 1 thì không nên dùng cọc cát.

-         Chiều dày lớp đất yếu dưới đáy móng > 3m, lúc này dùng đệm cát tốt hơn.

Tác dụng của cọc cát :

-         Làm cho độ rỗng, độ ẩm của nền đất giảm đi, trọng lượng thể tích, modun biến dạng, lực dính và góc ma sát trong tăng lên.

-         Do nền đất được nén chặt, nên sức chịu tải tăng lên, độ lún và biến dạng không đều của đất nền dưới đế móng giảm đi đáng kể.

-         Dưới tác dụng của tải trọng, cọc cát và vùng đất được nén chặt xung quanh cọc cùng làm việc đồng thời, đất được nén chặt đều trong khoảng cách giữa các cọc. Vì vậy sự phân bố ứng suất trong nền được nén chặt bằng cọc cát có thể được coi như một nền thiên nhiên.

-         Khi dùng cọc cát, quá trình cố kết của nền đất diễn ra nhanh hơn nhiều so với nền thiên nhiên hoặc nền gia cố bằng cọc cứng. Phần lớn độ lún của công trình diễn ra trong quá trình thi công, do vậy công trình mau chóng đạt đến giới hạn ổn định.

Sử dụng cọc cát rất kinh tế so với cọc cứng (so với cọc bê tông giá thành giảm 50%, so với cọc gỗ giảm 30%), không bị ăn mòn, xâm thực. Biện pháp thi công đơn giản không đòi hỏi những thiết bị thi công phức tạp.



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
13/05/2017 14:05 # 10
Minhthdtu
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 20/100 (20%)
Kĩ năng: 28/40 (70%)
Ngày gia nhập: 28/08/2012
Bài gởi: 470
Được cảm ơn: 88
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Video giới thiệu về các giải pháp xử lý nền đất yếu rất rõ ràng

https://www.youtube.com/watch?v=LkC2k8IFr68



Hãy làm việc hết mình và tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến


 
17/09/2020 15:09 # 11
nhgiangxd
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 65/130 (50%)
Kĩ năng: 31/40 (78%)
Ngày gia nhập: 01/09/2012
Bài gởi: 845
Được cảm ơn: 91
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Trích:

Video giới thiệu về các giải pháp xử lý nền đất yếu rất rõ ràng

https://www.youtube.com/watch?v=LkC2k8IFr68

Hình như bị gỡ rồi ạ?! Không xem được



 
17/11/2020 14:11 # 12
nhgiangxd
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 65/130 (50%)
Kĩ năng: 31/40 (78%)
Ngày gia nhập: 01/09/2012
Bài gởi: 845
Được cảm ơn: 91
Phản hồi: Nền đất yếu và các biện pháp xử lý Nền đắp trên đất yếu


Video unavailale. Liên kết trên hoặc đã bị tác giả gỡ hoặc bị báo cáo vi phạm bản quyền




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024