Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/11/2011 23:11 # 1
missgarlic
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 43/60 (72%)
Kĩ năng: 33/50 (66%)
Ngày gia nhập: 13/08/2011
Bài gởi: 193
Được cảm ơn: 133
Tăng cường liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp lữ hành


 
 
 

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đang từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế và đạt được một số thành tựu đáng kể. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo kiến thức vững vàng cho sinh viên khi ra trường, các cơ sở đào tạo du lịch đã và đang chủ động xã hội hóa trong công tác giảng dạy bằng việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc tăng cường hợp tác và liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch với doanh nghiệp lữ hành là rất cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo ra nguồn lực mới cho cả cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng, đồng thời phát huy được thế mạnh của nhau.

Thị trường lao động du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin đầu vào cho chương trình đào tạo. Hiện nay đại diện các doanh nghiệp thường xuyên đối thoại với quản lý cơ sở đào tạo để thảo luận về các nhu cầu hiện nay và tương lai, nhận sinh viên vào thực tập, cung cấp các bài tập thực tiễn hoặc các dự án nghiên cứu cho nhà trường. “Những năm qua hoạt động hợp tác và liên kết giữa Khoa Du lịch và Khách sạn, với các doanh nghiệp đã được quan tâm và thu được một số kết quả. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho các cơ quan doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tư vấn, xây dựng chiến lược và lao động bán thời gian cho doanh nghiệp” PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Khoa Du lịch của Trường Đại học KHXH&NV cũng đã chủ động thành lập mạng lưới cựu sinh viên đang công tác tại các doanh nghiệp với mục đích giúp nhà trường phát triển đào tạo. Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Trưởng khoa Du lịch đang có những cựu sinh viên hiện giữ khá nhiều vị trí quan trọng trong các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành lớn. Đây sẽ là mạng lưới hữu ích để nhà trường vận dụng liên kết đào tạo thực hành cho sinh viên của mình. Qua mạng lưới này, nhà trường đã có những mối quan hệ rất tốt với các khách sạn 5 sao, 4 sao và nhiều doanh nghiệp lớn.

Để bổ sung kiến thức thực tế, khoa Văn hóa – Du lịch trường Đại học Văn hóa cũng hợp tác với các doanh nghiệp để hàng năm, ngoài công tác giảng dạy trên giảng đường thường xuyên tổ chức tour xuyên Việt cho sinh viên. Những chuyến đi trải nghiệm như vậy sẽ giúp ích cho sinh viên rất nhiều khi ra trường. Cùng với đó, mỗi tuần một lần, các giảng viên trong khoa và đại diện các doanh nghiệp tổ chức định kỳ tọa đàm về nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho sinh viên.

Các giảng viên của cơ sở đào tạo cũng sẽ tham gia với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu đề tài khoa học, thực hiện các dự thảo phát triển và tham gia vào quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch. Theo ông Phạm Xuân Tùng – Công ty Sonha Travel, mối quan hệ mật thiết giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng lao động được thiết lập nhằm hỗ trợ nhau trong việc đào tạo những kiến thức kỹ năng và thái độ cần thiết cho sinh viên để họ có thể vững vàng bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, tăng cường hợp tác liên kết chặt chẽ giữa thị trường lao động du lịch với cơ sở đào tạo là tất yếu để có đội ngũ lao động du lịch tài năng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tháo vát và có trách nhiệm cao. Nguồn nhân lực du lịch có chất lượng tốt cũng là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bộ VHTTDL cho biết, đến năm 2015, ngành Du lịch cần khoảng 620.000 lao động du lịch trực tiếp. Đến 2020, sẽ cần 870.000 lao động trực tiếp. Về lực lượng lao động gián tiếp, tính đến năm 2015 cần đến 1,5 - 1,7 triệu lao động. Đến 2020, lao động du lịch gián tiếp theo nhu cầu xã hội sẽ cần khoảng 2,2 - 2,5 triệu người.

Mỗi năm, đào tạo du lịch tuyển sinh khoảng 22.000 chỉ tiêu, tăng 22% so với năm 2007, trong đó, tuyển sinh đào tạo ĐH là 3.870 sinh viên; trung cấp là 18.190 học sinh, sơ cấp nghề và đào tạo du lịch dưới 3 tháng ước tính khoảng 5.000 học viên. Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 20.000 người.

Hiện nay, cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm 62 trường ĐH, 80 trường CĐ (có 8 trường CĐ nghề); 117 trường trung cấp (có 12 trung cấp nghề); 2 công ty và 23 trung tâm đào tạo nghề, tăng 3,5 lần so với năm 2007. Các cơ sở đào tạo về du lịch của cả nước đào tạo 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan.

Nguồn: Báo Du lịch


Võ Thị Hằng

Mod khoa Du lịch & khoa Y dược

Mail : hangvo1505@gmail.com

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024