Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/01/2014 07:01 # 1
admin
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 15

Kinh nghiệm: 10/80 (12%)
Kĩ năng: 91/150 (61%)
Ngày gia nhập: 29/01/2010
Bài gởi: 290
Được cảm ơn: 1141
Sửa nhưng chưa đổi trong ưu tiên tuyển sinh


Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh theo hướng chỉ ưu tiên những vùng khó khăn. Tuy nhiên, có những chỉnh sửa chỉ mang tính hình thức mà không thực tế.

Sửa nhưng chưa đổi trong ưu tiên tuyển sinh

Nhiều năm nay học sinh tại TP.Đà Lạt hưởng khu vực ưu tiên 1. Điều này có thể thay đổi trong quy chế tuyển sinh mới năm nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vừa mâu thuẫn vừa phi thực tế
 
Tại dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014, Bộ đã công bố thông tin sửa đổi về chính sách ưu tiên theo khu vực (KV). Theo đó, trước đây, KV 1 được quy định là: Các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Hiện nay KV 1 được quy định là: các thôn đặc biệt khó khăn, xã KV 3 (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18.7.2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 -2015; Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015; các xã giáp biên giới, các xã hải đảo.
 
Như vậy, thí sinh phải ở những thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ mới thuộc KV 1 và được ưu tiên trong tuyển sinh.
 
Tuy nhiên, hiện nay Bộ thực hiện chính sách ưu tiên căn cứ vào nơi thí sinh tốt nghiệp THPT chứ không phải trên hộ khẩu thường trú. Quy định nêu rõ: “Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại KV nào thì hưởng ưu tiên theo KV đó”. Câu hỏi đặt ra là liệu ở những thôn, xã khó khăn đó có trường THPT không để thí sinh được quyền hưởng ưu tiên? Trên thực tế thì rất hiếm và hầu như không có trường THPT nào được đặt ở các thôn, xã, trừ những trường THPT dân tộc nội trú (nhưng ở những trường này, thí sinh đã được hưởng chính sách ưu tiên KV theo hộ khẩu thường trú).
 
Vậy thì dự thảo sửa đổi sẽ tính ưu tiên KV theo nơi thí sinh học hay hộ khẩu? Nếu tính theo nơi thí sinh tốt nghiệp THPT thì có khả năng thực hiện được trong thực tế không? Nếu tính theo hộ khẩu sẽ xảy ra tình trạng “chạy hộ khẩu” về KV1?
 
Trao đổi với  phóng viên Báo Thanh Niên về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Khảo thí và Công nhận văn bằng (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD - Bộ GD-ĐT), thừa nhận: “Ít khi có trường THPT ở thôn, bản xã nhưng Bộ sửa đổi là dựa trên ý kiến của Ủy ban Dân tộc. Hiện Bộ cũng đang lấy ý kiến của xã hội về chủ trương này”.
 
Chưa hợp lý
 
Ngoài KV1, dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh lần này hầu như giữ nguyên các KV khác. Chẳng hạn KV2, KV2 nông thôn không được điều chỉnh trong khi điều kiện kinh tế, xã hội ở các vùng miền này đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Ông Duy lý giải: “Vấn đề này cũng được Bộ đem ra bàn thảo với các bộ ngành khác. Tuy nhiên, các đơn vị này không đồng thuận với việc giảm bớt các KV ưu tiên vì mỗi KV đều có khoảng cách chênh lệch về điều kiện thụ hưởng giáo dục. Do đó các KV ưu tiên như KV2, KV2 nông thôn vẫn giữ nguyên như trước đây”.
 
Nếu chỉ chỉnh sửa KV1 mà vẫn giữ nguyên các KV khác dù điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi là điều không hợp lý.
 
Đánh giá về việc sửa đổi chính sách ưu tiên như trên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Bộ cần thận trọng trong việc sửa đổi chính sách ưu tiên KV vì có thể lại chuyển từ thái cực ưu tiên rất nhiều sang không ưu tiên gì cả”. Ông Nghĩa phân tích: “Trước đây, Báo Thanh Niên đã đề cập đến việc có tới 82% thí sinh thuộc diện ưu tiên KV. Nay Bộ đã sửa đối tượng ưu tiên thuộc KV1 nhưng nếu ưu tiên như vậy thì khó có thí sinh nào được hưởng. Khi đưa ra chính sách này Bộ cần thống kê xem có bao nhiêu trường THPT thuộc cấp thôn bản, xã đặc biệt khó khăn. Nếu có thì có bao nhiêu học sinh được thụ hưởng?”.
 
Bổ sung nhiều đối tượng ưu tiên khác
 
Trong dự thảo quy chế sửa đổi lần này, Bộ đã bổ sung thêm nhiều đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, đối tượng 01 thuộc nhóm ưu tiên 1, trước đây được quy định là công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số nhưng nay đối tượng này phải ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời những đối tượng không thuộc vùng khó khăn sẽ chỉ được ưu tiên ở nhóm ưu tiên 2 và thuộc đối tượng 06.
 
Ngoài việc sửa đổi như trên, Bộ đã bổ sung nhiều đối tượng ưu tiên khác thuộc đối tượng 06 gồm: người khuyết tật nặng; con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81% và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%... Đặc biệt đối với đối tượng 03 trước đây được quy định là quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 12 tháng trở lên tại KV1; quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ  18 tháng trở lên; quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên nay được quy định lại là quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo luật định (nếu ở KV1 chỉ cần 12 tháng).
 
Vũ Thơ
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140105/sua-nhung-chua-doi-trong-uu-tien-tuyen-sinh.aspx



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024