Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/08/2013 12:08 # 1
doquyenbk
Cấp độ: 7 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 8/70 (11%)
Kĩ năng: 19/30 (63%)
Ngày gia nhập: 31/08/2012
Bài gởi: 218
Được cảm ơn: 49
Điểm lại các cây cầu dây văng Việt Nam


Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam

Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long ở ĐBSCL. Cầu được khởi công ngày 6-7-1997 và hoàn thành ngày 21-5-2000, được xem là cây cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam.

Cầu Mỹ Thuận nằm trên tuyến quốc lộ 1A, bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Khởi công tháng 7-1997, hoàn thành tháng 5-2000.

Chiều dài: 1.535 m trong đó phần cầu dây văng dài 350 m; rộng: 23,66 m; cao: 116,5m.

Điểm đặc biệt: Hai trụ tháp chính hình chữ H cao, tạo dáng mỹ thuật.

Vốn đầu tư: 90,86 triệu đô la Úc, trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%.

Nghiên cứu khả thi: Snowy Mountains Engineering Corp. (Úc). Thiết kế: Maunsell Engineering (Úc).

Chủ đầu tư: Bộ Giao thông vận tải.

Nhà thầu xây dựng: Baulderstone Hornibrook (Úc), với sự trợ giúp của Freyssinet (Pháp) trong việc kéo dây cáp, nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Cienco 6 (Việt Nam).

Cầu Bính tại thành phố cảng Hải Phòng

Cầu Bính bắc qua sông Cấm đã được khánh thành ngày 13-5-2005, cùng với các hoạt động kỷ niệm 50 Ngày thành lập thành phố Hải Phòng. Cầu được xây dựng cách bến phà Bính 1,3 km, nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông tại bến phà, đồng thời giúp cho sự phát triển và hình thành một khu đô thị mới của thành phố Hải Phòng ở khu vực phía bắc sông Cấm.

Cùng với dự án xây dựng cầu Kiền trên đường quốc lộ 10, cầu Bính đóng góp một phần quan trọng trong việc kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh, góp phần phát triển mạng lưới giao thông miền Bắc.

Cầu Bính có chiều dài 1.280 m, rộng 22,5 m, hai tháp cầu cao 101,6 m. Cầu được khởi công ngày 1-9-2002 và khánh thành ngày 13-5-2005.

Điểm đặc biệt: Cầu được thiết kế theo đường cong để tạo dáng kiến trúc và thẩm mỹ.

Chủ đầu tư: Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng.

Nhà thầu: Liên danh Ishikawajima Harima Heavy Industries Co., Ltd, Shimizu và Sumitomo-Mitsui thực hiện trong vòng 32 tháng.

Dự án cầu Bính được vay vốn ưu đãi 8,02 tỉ yên từ Chính phủ Nhật Bản, vốn đối ứng trong nước là 141,5 tỉ đồng.

Bãi Cháy - cầu dây văng một mặt phẳng dài nhất Việt Nam

Khi cầu Bãi Cháy bắc qua sông Cửa Lục, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được khánh thành ngày 2-12-2006, các chuyên gia Bộ Giao thông vận tải đánh giá đây là cầy cầu dây văng một mặt phẳng dây đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam và cũng là lớn nhất Việt Nam.

Cầu Bãi Cháy nằm trên tuyến quốc lộ 18, trục giao thông huyết mạch của vùng tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Khởi công tháng 5-2003, thông xe tháng 12-2006, trước 2 tháng so với kế hoạch.

Chiều dài: 903 m, trong đó nhịp chính - nhịp dây văng dài 435 m; chiều rộng: 25,3 m; chiều cao: 130 m.

Điểm nổi bật: Cầu dây văng một mặt phẳng, trong khi các cây cầu dây văng khác tại Việt Nam được thi công theo công nghệ hai mặt phẳng dây. Hai trụ tháp.

Các chuyên gia Bộ GTVT đánh giá đây là cầu dây văng có công nghệ hiện đại nhất của Việt Nam, cũng là một trong những cây cầu dây văng đạt kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính (435 m). Đường dẫn lên cầu dài 5 km, có tám cầu dẫn với tổng chiều dài 1,172 km.

Tổng vốn đầu tư: 2.140 tỉ đồng, bao gồm vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Chủ đầu tư: Bộ Giao thông vận tải. Đại diện chủ đầu tư: Ban quản lý dự án 18 (PMU 18).

Nhà thầu chính: Liên danh Shimizu, Sumitomo và Mitsui của Nhật Bản. Nhà thầu phụ: Cienco 1, Licogi, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu nhà nước về các công trình xây dựng đã khẳng định cầu Bãi Cháy được thiết kế và thi công với chất lượng cao, bảo đảm được các yêu cầu về khả năng chịu lực và tuổi thọ công trình.

Rạch Miễu - cầu dây văng do Việt Nam tự xây dựng

Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng nối liền 2 tỉnh vùng ĐBSCL là Tiền Giang và Bến Tre với nhau. Bờ bắc của cầu này là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bờ nam là huyện Châu Thành của tỉnh Bến Tre, cách tỉnh lỵ Bến Tre 14km. Đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các doanh nghiệp Việt Nam. Cây cầu này sau khi thông xe vào tháng 1-2009 đã giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế cô lập về giao thông đường bộ.

Cây cầu này sẽ nối liền quốc lộ 60 từ Tiền Giang đi xuyên qua địa phận tỉnh Bến Tre. Trước đây, khi chưa có cầu, các phương tiện giao thông phải mất khoảng 30 phút để vượt sông bằng phà. Theo quy hoạch của Bộ GTVT, quốc lộ 60 sẽ là tuyến huyết mạch nối liền vùng duyên hải phía đông của ĐBSCL, nối liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng...

Hiện tại, cầu Hàm Luông trên tuyến này cũng đang được thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Tuyến quốc lộ 60 hoàn chỉnh còn góp phần giải toả áp lực giao thông đổ dồn vào quốc lộ 1A hiện tại.

Cầu Rạch Miễu nằm trên tuyến quốc lộ 60, được khởi công ngày 30-4-2002, hoàn thành ngày 19-01-2009. Việc thi công cầu kéo dài trong nhiều năm do trải qua nhiều lần điều chỉnh về nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư, và những khó khăn về thiếu mặt bằng thi công, thiếu nguyên vật liệu và khó khăn về nguồn vốn.

Tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và liên danh gồm các doanh nghiệp xây dựng nhà nước Cienco 1, Cienco 5 (Công ty 510 và các đơn vị thành viên) và Cienco 6.

Phần cầu chính gồm 2 cầu có tổng chiều dài 2,86 km, chiều dài toàn tuyến 8,33 km (gồm cả đường nối hai đầu cầu); nhịp chính cũng là phần dây văng dài 270 m; chiều rộng: 12-15 m; chiều cao: 117 m. Hai trụ tháp hình chữ V ngược.

Điểm đặc biệt: Cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam thiết kế và thi công, với sự hỗ trợ kỹ thuật của hãng SVL (Thuỵ Sĩ).

Thuận Phước - cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam

Cầu Thuận Phước là cây cầu bắc qua sông Hàn tại cửa biển, nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mẫn Quang, thuộc thành phố Đà Nẵng. Cây cầu này giúp nối liền quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà.

Cầu Thuận Phước được khởi công ngày 16-1-2003, khánh thành ngày 19-7-2009, vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách.

Thiết kế: Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng 533 liên danh với Viện Thiết kế cầu đường số 2 Trung Quốc.

Nhà thầu chính: Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 và Cienco 6.

Chiều dài toàn công trình 2,1 km, trong đó chiều dài cầu 1,85 km; chiều rộng 18 m.

Điểm đặc biệt: Phần cầu treo dây võng là 655 m, được xem là cầu treo dây võng dài nhất hiện nay của Việt Nam.

Phú Mỹ - cầu dây văng do tư nhân xây dựng

Cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn, nối liền khu đô thị Nam Sài Gòn nằm về phía quận 7 với khu vực phía đông của thành phố nằm về phía quận 2. Cầu được đầu tư bởi Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ với nguồn vốn do doanh nghiệp tự huy động, hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Cầu Phú Mỹ được xây dựng từ tháng 3-2007, theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 12-2009, nhưng tiến độ được đẩy nhanh và nhà thầu đã bàn giao dự án ngày 1-9-2009. Cầu được thông xe kỹ thuật ngày 2-9-2009 và thông xe chính thức ngày 9-9-2009.

Tổng mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng.

Chiều dài công trình: hơn 2.100 m, trong đó nhịp dây văng dài 705m; chiều rộng: 27,5 m; chiều cao: 140 m.

Điểm đặc biệt: Hai trụ tháp hình chữ H, khoảng cách giữa hai trụ chính là 380m. Theo nhà thầu, thiết kế trụ tháp hình chữ H được chọn vì đây là phương án chịu lực tốt nhất và tiết kiệm hơn những phương án khác.

Tổng thầu: Bilfinger Berger (Đức).

Liên danh Bilfinger Berger và Baulderstone Hornibrook (gọi là BBBH) thi công cầu chính, phần cáp dây văng thuê nhà thầu phụ là Freyssinet (Pháp) thực hiện. Phần cầu dẫn được giao cho nhà thầu phụ Việt Nam là Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới.

Tư vấn thiết kế: Arcadis (Pháp) và Cardno (Úc).

Cầu Cần Thơ - cầu dây văngnhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơtỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văngnhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, công trình được dự kiến hoàn thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008, tuy nhiên sau sự kiện Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26 tháng 9 năm 2007, công trình phải dừng thi công để điều tra tai nạn. Vì vậy tiến độ hoàn thành bị chậm trễ hơn 1 năm. Cuối cùng, cầu cũng được khánh thành vào lúc 09h00 sáng ngày 24 tháng 4 năm 2010.

Toàn tuyến dự án dài 15,85 km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh Quốc lộ 1 và thành phố Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3,2 km, nối trở lại Quốc lộ 1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ (thời điểm 2001, tức là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

Dự án được chia thành 3 gói thầu:

Gói thầu 1 là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km trong đó có 4 cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà Ôn và vượt Quốc lộ 54. Gói thầu này do 3 nhà thầu thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Liên doanh Tổng Công ty Xây Dựng Thăng Long, Tổng Công ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông 6, Tổng Công ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông 8 thi công trong 42 tháng.

Gói thầu 2 là cầu chính.

Nó gồm có:

Cầu dẫn bờ Bắc bằng dầm Super T dài 0,52 km

Cầu chính kết cấu dây văng dài 1,010 km bố trí nhịp: 2×40 + 150 + 550 + 150 + 2×40, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bêtông cốt thép dự ứng lực.

Cầu dẫn bờ Nam bằng dầm Super T dài 0,88 km

Cầu dầm liên tục đúc hẫng vượt nhánh sông Hậu dài 0,34 km

Tổng chiều dài cầu chính là 2,75 km.

Gói thầu này do Liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản là các tập đoàn Taisei, KajimaNippon Steel thi công trong 50 tháng.

Gói thầu 3 là đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km trong đó có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Ap Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và vượt Quốc lộ 91B. Gói thầu này do nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công trong 45 tháng.

Khổ cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m. Tốc độ thiết kế 80 km/giờ, qua các khu dân cư 60km/g. Tiêu chuẩn thiết kế cầu theo quy trình AASHTO LRFD.

Cầu Cần Thơ có những đặc trưng phổ biến của loại cầu dây văng, cùng môt số đặc điểm riêng như sau:

Về móng trụ tháp: là loại cọc khoan nhồi có đường kính 2,50 m nhưng có chiều dài vào loại dài nhất được thi công ở Việt Nam: 94 m và mỗi cọc có 45 tấn thép với cốt thép chủ đường kính 38 mm và gần 500 bê tông mác 30 Mpa. Trụ bờ Bắc có 30 cọc và trụ bờ Nam có 36 cọc. Máy khoan cọc nhồi làm việc theo nguyên tắc tuần hoàn ngược liên tục dùng dung dịch bentonite có pha polymer khoảng 5%. Ở trụ bờ Bắc thi công trên bờ nên dùng ống thép đường kính 2,60 m dầy 22 mm và dài 12 m làm ống vách tạm thời (khoan nhồi xong rút lên). Ở trụ bờ Nam thi công dưới nước có độ sâu 20 m nên phải dùng ống vách chiều dài 42 m cố định (khoan nhồi xong để lại không rút lên). Chân cọc sau khi đổ bê tông được bơm vữa xi măng bằng bơm áp lực cao để tăng cường sức chịu tải của cọc.

Bệ trụ tháp bờ Bắc thi công trên cạn nên làm hố móng và lắp khuôn đúc đổ bê tông thông thường. Riêng bệ trụ tháp bờ Nam thi công dưới nước nên mặt đáy và vòng vây xung quanh được đúc sẵn trên bờ và lắp ghép trên đâu cọc thành ván khuôn liền với bệ trụ. Vòng vây xung quanh có chiều sâu ngập trong nước dưới cao trình mặt đáy bệ để che chắn bảo vệ đầu cọc. Đây là phương pháp rất hay vừa tiết kiệm chi phí khuôn đúc, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhưng phải đảm bảo việc định vị các cọc hết sức chính xác trong quá trình thi công khoan nhồi (đặc biệt là thi công dưới nước dòng chảy mạnh và mực nước lên xuống do ảnh hưởng của thủy triều), nếu không chính xác các tấm đáy không lắp ghép được và khó mà bịt kín đáy để thi công cốt thép trong môi trường khô ráo. Cốt thép thi công bệ trụ có đường kính lớn nhất tới 52 mm và nối dối đầu bằng đầu nối có ren, thí nghiệm kiểm chứng cho thấy khi kéo phá hoại cốt thép đứt ở thân chứ không đứt ở mối nối.

Về trụ tháp có chiều cao tính từ mặt nước là 164,80 m và tính từ mặt cầu là 134,70 m. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ, hình dạng này rất đẹp và thanh thoát, không như hình chữ H xoạc cẳng, trụ có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại vái lên trời với tâm linh của người Á Đông.

Kết cấu phần trên: Nhịp dây văng có chiều dài 550 m giữa hai trụ tháp, có tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m) đảm bảo cho tầu 10.000 DWT qua lại thường xuyên.

Kết cấu mặt cầu là dầm hộp bê tông cốt thép đúc tại chỗ mác 50 Mpa, mặt cắt ngang là hình thang ngược gồm 4 khoang, đáy ở trên có chiều rộng 26,0 m và chiều cao là 2,70 m. Vì chiều dài nhịp 550 m là khá dài đối với cầu dây văng, nên để giảm bớt tải trọng của nhịp chính, đoạn giữa của cầu 210 m được kết cấu bằng dầm hộp thép chế tạo sẵn và lắp ghép với dầm bê tông cốt thép đã được đúc tại chỗ. Chính ở chỗ mối nối giữa dầm bê tông cốt thép và dầm thép phải thiết kế đặc biệt theo mô hình phần tử hữu hạn (FEM) để chuyển tiếp ứng suất giữa hai loại vật liệu có độ cứng và đàn hồi khác nhau

Hệ dây văng khác với phương pháp truyền thống là các sợi thép bện thành tao rồi kéo và neo tùng tao trước khi cố định cả bó cáp dây văng. Ở đây toàn bộ bó cáp dây văng được chế tạo sẵn trong nhà máy rồi căng kéo và neo trên công trường chứ không phải kéo từng tao. Tất nhiên thiết bị và công nghệ căng kéo là mới và được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam.

Cầu xây dựng dựa vào nguồn vốn vay ODA Nhật Bản Tổng mức đầu tư khoảng 4.832 tỷ VNĐ tỷ giá năm 2004 (khoảng 37 tỷ yen Nhật). NIPPON KOEI – CHODAI và nhà thầu chính là liên danh TAISEI – KAJIMA – NIPPON STEEL (TKN). Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải (Bộ trưởng đương nhiệm là Hồ Nghĩa Dũng) Đại diện chủ đầu tư quản lý dự án là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) (Tổng Giám đốc đương nhiệm là Kỹ sư cầu đường Dương Tuấn Minh) Tư vấn giám sát quốc tế Liên danh Nippon Koei - ChoDai, Nhà thầu chính Liên danh Taisei - Kajima - Nippon Steel (nhà thầu TKN), Nhà thầu phụ VSL (Thụy Sỹ), Mitsui Thăng Long (MTSC) (Liên doanh Việt Nhật về kết cấu thép, NM tại Hà Nội).

Nguồn: Tổng hợp từ báo chí trong nước và Internet

 
 
 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024