Vào sáng ngày 27/7, CLB SVTN Duy Tân chúng tôi đã tổ chức chuyến đi Tiền Trạm tại Xã Phước Năng, Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nhằm chuẩn bị cho chương trình tình nguyện Tết Trung Thu sẽ được tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng 9 này. Chuyến đi tiền trạm hôm ấy, đoàn chúng tôi gồm 7 thành viên, xuất phát vào lúc 7h30 đi Phước Sơn với hành trình là 145km. Chuyến đi lần này, tuy đường sá có phần thuận lợi hơn với đợt tình nguyện lần trước, không lội bùn, lội nước như ở Tây Giang, trời nắng rất đẹp nhưng cũng vì vậy mà đoàn chúng tôi cũng hít bụi đường không kém gì. Đúng với cái tên Phước Sơn, càng đi lên chỉ toàn thấy toàn là núi,rừng. Trải qua hành trình gần 3tiếng đồng hồ với cái nắng nóng oi ả, đến hơn 10h30chúng tôi lên đến Huyện Phước Sơn và được anh Vũ Đình Cuối, BT Huyện Đoàn ra đón. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hành trình lên xã Phước Năng. Đến tầm 11h, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi tại nhà anh Tâm-Phó BT Đoàn Xã.
Tại đây, qua cuộc trò chuyện cùng với anh Hậu-BT Đoàn Xã Phước Năng chúng tôi được biết Huyện Phước Sơn có 15 thành phần dân tộc, 68% là người Bhnoog, đa số là hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện. Riêng với xã Phước Năng gồm 5 thôn, có 2059 hộ, hộ nghèo chiếm hơn 400 hộ. Bà con tại đây toàn là người dân tộc Bhnoong, hầu hết làm ruộng,làm rẫy để sinh sống qua ngày. Đâu đâu chúng tôi cũng chỉ thấy những ngôi nhà gỗ cũ kỹ, ọp ẹp hay những ngôi nhà chỉ bằng tranh lá, che thêm tấm bạc dựng tạm cho có nơi sinh sống đã cho chúng tôi thấy được phần nào cuộc sống mưu sinh rất cực khổ của người dân nơi đây. Nghỉ ngơi và ăn trưa xong, đến 1h Đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường thăm những gia đình nghèo khó khăn lần lượt qua 5 thôn của xã.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi chính là nhà của 2 vợ chồng Anh A Lõm và Chị Hồ Thị In-xã thôn 5. Anh A Lõm bị chất độc màu da cam nên 2 vợ chồng anh chị đều không có con, sống bằng nghề làm ruộng thuê qua ngày. Tài sản chỉ có vỏn vẹn 2 cái giường và căn nhà được chương trình 167 của xã làm cho.
Rời thôn 5, chúng tôi đến với nhà Bà cụ Hồ Thị Voát, bà đã trên 60tuổi nhưng chỉ sống có một mình, không con, không cháu. Hằng ngày, bà đi làm thuê để kiếm miếng cơm ăn qua ngày. Căn nhà của bà với mái tôn thủng hàng nghìn lỗ chẳng khác gì khách sạn ngàn sao mà đến mùa mưa thì nước cứ thế mà tràn vào nhà hay nói cách khác, mưa ở ngoài trời cũng như mưa ở trong nhà vậy.
Đến thôn 3, chúng tôi ghé thăm qua 2 gia đình, đầu tiên là gia đình anh Hồ Văn Đúc và chị Hồ Thị Viên, theo chúng tôi được biết, 2 anh chị đều có bệnh về thần kinh. Anh chị có 2 đứa con trai, đứa lớn 15t đi Gia Lai, còn đứa nhỏ 12t ở nhà,không được học hành gì cả. Các bạn nhìn căn nhà thế này có chạnh lòng không?
Rời căn nhà cũ nát của 2 anh chị, chúng tôi đến với nhà của Chị Hồ Thị Táo, năm nay chị 25tuổi. Mẹ chị mất vào năm 2007,ba bỏ đi lấy vợ khác, một mình chị nuôi 2 đứa em và gia đình với 2 đứa con nhỏ cùng với chồng. Hoàn cảnh cơ cực vô cùng.
Tại thôn 2, chúng tôi đến với nhà cụ bà Hồ Thị Bé, năm nay cụ đã 80t, cụ cũng chỉ sống có một thân một mình, không có khả năng lao động, miếng ăn hằng ngày của cụ đều phụ thuộc vào sự san sẻ của bà con chòm xóm.
Cuối cùng là thôn 1, gia đình đầu chúng tôi đến thăm là gia đình vợ chồng chị Hồ Thị Trừ, người dân tộc Kơ-tu, anh chị có đến 4 đứa con, cuộc sống gia đình rất khó khăn, không đủ ăn qua ngày.
Đến thăm nhà chị Hồ Thị Tâm, căn nhà đơn sơ, cũ kỹ của chị cùng với 6 đứa con, chồng chị đã bỏ đi từ lâu. Cô con gái lớn năm nay 22 tuổi đang học Trung Cấp Y tại Quảng Nam, sáng đi học chiều về lại giúp mẹ đi làm ruộng để nuôi 5 đứa em.
Căn nhà chúng tôi thăm cuối cùng là căn nhà của bé Hồ Thị Trang cùng mẹ là Hồ Thị Lê và em là Hồ Thị Thy. Đây có lẽ là trường hợp đáng thương dành được nhiều sự đồng cảm của nhóm tình nguyện chúng tôi. Bé Trang năm nay chỉ mới học lớp 9, nhưng đã là lao động chính ở trong nhà, sáng em đi học, chiều về em lại đi làm thuê làm mướn để có đủ tiền nuôi mẹ và em. Ba mất vì bệnh, còn mẹ hiện đang bị căn bệnh hiểm nghèo HIV giai đoạn cuối. Một mình em trang trải toàn bộ cuộc sống gia đình, chăm lo cho người mẹ bị liệt cả người từ miếng ăn đến vệ sinh thân thể, rồi đến đứa em gái nhỏ chỉ mới 8 tuổi ăn học. Cô bé nhỏ nhắn nhưng tràn đầy nghị lực, vì phải lo toan mọi điều nên lớp 9 rồi nhưng nhìn bé chỉ như mới lớp 5-6, Trang học rất giỏi, căn nhà của em được trang trí bằng những bằng khen Học Sinh Giỏi. Cô em gái của Trang cũng vậy, để không phụ lòng mẹ và chị, bé Thy cũng liên tiếp là HS Giỏi qua các năm liền. Nói về ước mơ của mình, bé Trang ước mơ sau này được làm Giáo Viên dạy dỗ các em nhỏ, và còn mong ước nhỏ nhoi nữa ko chỉ của riêng Trang mà của cả 2 chị em là mong mẹ được khỏi bệnh. Nghe bé kể về mong ước đó, tôi không khỏi nghẹn ngào, làm sao để có thể nói cho em được ước mong của em nhỏ nhoi thế, rằng mẹ em được khỏi bệnh…. thật khó mà thành hiện thực được.
Không chỉ Trang, Thy mà còn rất nhiều em nhỏ ở nơi đây đều có chung một ước mơ, là đều được tung tăng đến trường, được đi học như bao bạn đồng trang lứa khác. Nhưng mà thật khó, vì cuộc sống, vì miếng cơm, vì gia đình quá-nghèo-khổ, ngay cả ăn cũng không đủ để ăn, mặc cũng không có mà mặc… thì làm sao dám mơ ước đến chuyện được cắp sách đến trường.
Nhìn những cái áo, cái quần các em mặc chúng tôi không khỏi xót xa, những em nào có áo hay quần mặc đã là may mắn lắm rồi, còn có các em nhỏ khác trên người hầu như “không mặc gì”. Dường như, với người dân nơi đây, cái nghèo cái đói đã ám ảnh họ rất nhiều rồi. Đi rồi sẽ biết, nhìn thấy rồi sẽ khắc hiểu.. chúng ta còn may mắn hơn rất rất nhiều người.
Kết thúc chuyến đi tiền trạm rời vùng quê đầy nắng và bụi, tạm biệt những con người dân tộc vùng núi Phước Sơn - những con người mà đều có chung một đặc điểm là hầu hết đều mang họ Bác. Mỗi người chúng tôi đều mang một cảm xúc riêng đi về, hẹn một ngày không xa, được trở lại để cùng chung sức, góp lòng giúp đỡ những mảnh đời cơ cực này. Và tất cả họ đều mong được sự sẻ chia, giúp đỡ ở nơi những trái tim đồng cảm của các bạn.!