Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/11/2010 22:11 # 1
tugumi
Cấp độ: 5 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 6/50 (12%)
Kĩ năng: 13/70 (19%)
Ngày gia nhập: 12/05/2010
Bài gởi: 106
Được cảm ơn: 223
Phong lan đỏ


Phong lan đỏ
Trọng Bảo

 
Ngày nghỉ, tôi thường lang thang đi dọc đường Hoàng Hoa Thám xem hoa. Không biết tự bao giờ, con đường nhỏ hẹp này đã trở thành chợ hoa, cây cảnh. ở đây người ta bán đủ loại hoa, cây giống, cây thế, cây cảnh. Có những loại hoa, loại cây có lẽ chỉ thấy ở đây chứ chưa nhìn thấy ở đâu. Thôi thì đủ loại. Từ các cây rong rêu mọc trong khe núi như cây tế, cây guột, cây dương xỉ, các loại hoa mọc trên rừng như hải đường, mẫu đơn, đến các loại hoa, lá lạ mắt mà người bán hàng nói được nhập từ Đài Loan, Thái Lan hay châu úc. Giá cả cũng thể trên trời, dưới đất. Nghe người ta nói giá đừng vội mua ngay mà cũng đừng hoảng sợ. Có thể cả chục triệu một cái cây cong queo mà họ bảo là thế rồng bay, phượng múa. Những người yếu tim thì đừng đi chợ hoa, cây cảnh.
Tôi rất thích hoa phong lan. Hầu như tất cả các cửa hàng bán hoa phong lan dọc đường Hoàng Hoa Thám và trên địa bàn Hà Nội tôi đều đáo qua một vài lượt. Những cửa hàng nào có nhiều loại hoa quý thì cứ độ vài tuần tôi lại ghé qua, xem có loài nào mới, nhất là những loại lan rừng. Lan rừng khác hẳn lan công nghiệp. Lan rừng hoa mới có mùi hương thơm còn lan công nghiệp thì hầu như không. Thì ra sự phát triển nhân tạo thật khó mà sánh được với sự phát triển của tự nhiên. Tự nhiên tức là từ hạt nảy thành cây rồi ra cành, ra nụ, nở hoa. Còn nhân tạo là người ta cắt một mẩu rễ, mẩu lá cho vào ống nghiệm, dùng chất hoá học kích thích nó ra rễ, phát triển thành cây. Đó là công nghệ nuôi cấy mô. Phong lan cấy mô bây giờ phát triển mạnh, cây lá xanh tươi, hoa nở tứ mùa, rất đẹp nhưng chẳng có mùi mẽ gì. Phong lan rừng thì ngược lại. Sự phát triển tự nhiên khiến con người trở nên bất lực. Một cây hoa phong lan xác xơ suốt mùa đông giá lạnh đột nhiên nứt ra tự thân một muống hoa. Cái muống ấy vươn dài, nụ nhú ra to dần. Và một buổi sáng ta ra vườn, thảng thốt khi bắt gặp một mùi hương thơm ngan ngát, quyến rũ đến nao lòng người.
Cũng do hay la cà ở các vườn lan nên tôi quen được một anh bạn cùng sở thích. Có hôm chúng tôi chạm nhau đến ba lần ở những vườn lan khác nhau. Thế rồi thành quen. Anh tên là Bản. Anh đúng là một tay chơi lan sành sỏi. Hầu như loài nào anh cũng biết tên, cả cách nuôi dưỡng, chăm sóc, nhiệt độ, ánh sáng ra sao, tưới nước thế nào. Có lẽ anh cũng như tôi, tuy thích hoa lan nhưng nghèo. Hai chúng tôi chủ yếu đi chợ hoa ngắm nghía cho thích mắt, lúc về cũng chỉ dám cắn răng mua một hai nhánh lan rừng độ vài chục ngàn mà đám đàn bà, con gái bày bán như bán rau ở hè đường.
Một hôm gặp tôi ở vườn Hoàng Lan, anh Bản hỏi:
- Ông có rỗi không?
- Rỗi! Chả rỗi thì còn đứng đây ngắm nghía phong lan được à?
- Phóng sang Gia Lâm đi!
- Làm gì?
- Sang vườn lan nhà lão Vũ! Mùa này chắc có nhiều giò phong lan nở hoa đẹp lắm.
Thì đi. Tôi và Bản phóng xe qua cầu Long Biên rẽ xuống bờ đê sông Hồng. Trời lắc rắc mưa bụi. Mùa Xuân đang đến rất gần. Cây cối ven bờ sông lộc non đang nhú. Tôi theo Bản rẽ vào một làng nhỏ ven đê. Đường làng lát gạch sạch sẽ. Đến một cái cổng sắt sét gỉ, Bản đập cửa rầm rầm. Hồi lâu mới thấy có người ra. Một gã đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm thò cổ ra hất hàm:
- Làm cái gì mà đập cổng như ăn cướp thế hả!
- Đại ca! Bọn em sang thăm đại ca đây!.
- Thăm mới chả viếng… - Gã vừa lẩm bẩm vừa mở khoá cổng. Tôi hơi nản vì thấy vẻ mặt gã có vẻ không thiện cảm lắm nên rất ngần ngại khi dắt xe vào cổng. Nhưng vừa qua cổng, cái cảm giác ngại ngần ấy của tôi vơi hẳn. Tôi ngỡ ngàng đứng giữa một vườn lan rừng. Những giò phong lan treo lúc lỉu trên giàn, buộc quanh trụ giữa bể nước hay cài trên chạc cây. Những chùm hoa phong lan đủ màu sắc. Hương thơm ngan ngát. Thấy tôi và Bản cứ mê mẩn ngắm hoa, gã chủ nhà khoát tay:
- Vào đi…
Nghe cách nói cộc lốc của gã tôi biết Bản là rất thân thiết với chủ nhà nên yên tâm hơn. Chúng tôi theo gã lên gác hai chui ra một cái ban công rộng. Trên ban công cũng lủng lẳng những giò phong lan đang nở. Giữa ban công trên một bộ bàn ghế nhỏ có một chai rượu và cái chén. Chắc gã đang nhâm nhi nhắm rượu thưởng hoa thì bọn tôi đến. Bản giới thiệu:
- Đây là anh Vũ, dân lan rừng thứ thiệt. Còn thưa “đại ca”, đây là…
- Cũng là “lính tráng” chứ gì?
Gã chủ nhà ngắt lời Bản. Tôi ngạc nhiên: - Sao anh biết em là lính?
- Cậu mặc thường phục hay có cởi truồng ra thì cũng vẫn biết là lính tráng. ồng đội với nhau, chỉ cần nhìn vào mắt nhau là biết! Cựu binh Trường Sơn đây!
Tôi phục tài anh Vũ. Anh đưa tay xiết chặt tay tôi. Tự nhiên tôi thấy thân thiết đã như từng gặp anh lâu rồi, cái mặc cảm lúc vào cổng tan biến. Anh Vũ kiếm thêm hai cái chén. Anh rót rượu rồi bảo “Làm một ly rồi hãy xem hoa!” Chúng tôi chạm cốc.
Anh Vũ giới thiệu một cách khá tỷ mỷ về từng loại phong lan. Thấy tôi cứ chăm chú nhìn một giò lan có chùm hoa màu đỏ thắm, anh bảo:
- Phong lan đai châu đấy! Loại này hoa nở vào mùa Xuân nên người ta thường gọi là “nghinh xuân”…
- Giò phong lan này “đại ca” Vũ quý nhất đấy! Có người trả mấy triệu mà anh ấy không bán. Bán quách đi anh ạ, lấy ít tiền mà nhậu rồi lại nuôi giò khác.
Nghe Bản nói vậy, nét mặt anh Vũ tối lại. Vẻ hứng khởi của anh khi nói về phong lan biến đi đâu mất. Anh lầm lũi quay lại bàn rượu rót thêm vào ly. Tôi cụt hứng kéo Bản quay lại chỗ anh. Anh Vũ run run nâng chén rượu lên. Khóe mắt anh như có nước. Tôi đoán câu hỏi của Bản đã vô tình chạm vào nỗi đau nào đó của anh. Tôi rụt rè: “Chắc giò phong lan ấy là kỷ niệm…” Anh Vũ khoát tay như ra lệnh: “Ngồi xuống!”
Chúng tôi cùng ngồi xuống chờ đợi. Tôi linh cảm anh sắp nói ra một điều rất hệ trọng của đời anh.
*
Câu chuyện của anh Vũ bắt đầu từ năm 1968. Đó là năm đầu tiên xe tăng quân đội ta vượt sông Thạch Hãn thâm nhập miền Nam chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Anh Vũ kể: - Để tạo yếu tố bất ngờ nên việc đưa xe tăng vào chiến trường được giữ bí mật tuyệt đối. Nhiều đơn vị bộ binh cũng còn chưa biết đã có xe táng quân ta xung trận. Ngày ấy, tôi là trưởng xe. Đơn vị xe tăng ém trong rừng. Những chiếc xe tăng vùi mình trong cành lá và bùn đất đợi giờ xuất kích. Trong những ngày chờ đợi ấy tôi quen được một cô gái quê Kinh Bắc. - Anh Vũ ngừng lại ngước nhìn giò phong lan màu đỏ, giọng chùng hẳn xuống: - Cô ấy tên là Mây, thủ kho quân lương nơi chúng tôi thường đến nhận gạo, lương khô, thịt hộp, mì chính. Chúng tôi thân nhau lắm. Mây rất thích hoa phong lan. Mỗi lần đi rừng, cô gỡ những búi phong lan đem về gài lên mái nhà kho làm ngụy trang vừa không bị héo. Phong lan rừng là loài hoa rất lạ. Thân rễ bám vào cành cây nhưng nó không phải là loài tầm gửi. Lan sống chủ yếu nhờ sự tổng hợp chất dinh dưỡng từ không khí và hơi nước. Những cụm phong lan Mây buộc vào cột nhà kho, gài lên vách liếp vẫn buông rễ, xanh lá và ra hoa. Mỗi loài lan một loại hoa, một vẻ đẹp khác nhau.
- Mây cũng rất đẹp. - Anh Vũ bảo: - Giá không có chiến tranh, người con gái Kinh Bắc đôi mươi ấy cầm nón quai thao đi hội Lim thì khối kẻ xin “ở mãi không về…” - Anh Vũ ngậm ngùi: - Nhưng cô ấy chết rồi. Cái chết giữa tuổi hai mươi… Anh im lặng hồi lâu. Tôi và Bản không dám hỏi, sợ khơi thêm nỗi buồn của anh.
- Cũng là tại tôi! - Anh Vũ dụi mắt: - Tại tôi rủ cô ấy đi lấy phong lan... Hôm đi trinh sát chuẩn bị đường cơ động cho xe tăng, tôi phát hiện ở gần con suối cửa rừng trên cái cây cổ thụ lớn có một bụi phong lan tổ quạ và những khóm lan đai trâu sắp ra hoa. Nghe tôi nói, Mây thích lắm. Mây theo tôi đi lấy phong lan. Cài khẩu súng K54 vào bụng, tôi đu người lên cây. Những loài phong lan quý thường mọc ở những cành rất cao, rất khó lấy. Khi tôi vừa chui vào bụi phong lan tổ quạ um tùm giữa chạc ba của cái cây cổ thụ thì chợt nghe dưới gốc cây có tiếng Mây la hét, giẫy giụa. Vội vạch lá ngó xuống, tôi hốt hoảng thấy hai tên biệt kích mặc áo rằn ri đang vật lộn với Mây. Bọn chúng chợt phát hiện ra Mây khi cô đang khe khẽ hát bài “Người ơi người ở đừng về”. Tôi rút khẩu súng ngắn ra. Trong súng chỉ còn ba viên đạn. Cũng không thể bắn được vì hai tên biệt kích đang ôm chặt lấy Mây. Chúng xé toang cái áo cô đang mặc. Mây cố giẫy giụa và nhìn về phía ngọn cây gào lên thật to: “Đừng… đừng… đừng…” Tôi biết, Mây muốn bảo tôi không được nổ súng. Mây hiểu rất rõ nếu phát hiện ra tôi đang ở trong bụi phong lan tổ quạ trên cây thì chỉ cần một loạt đạn là tôi khó thoát. Có thể Mây còn lo bọn địch sẽ phát hiện ra vị trí ẩn giấu của những chiếc xe tăng T54 nữa. Hai tên giặc lôi Mây ra phía bờ suối. Những bàn tay bẩn thỉu của chúng buông súng chụp lấy đôi vú căng tròn của người con gái. Mây vùng vẫy chống cự quyết liệt. Bỗng một tiếng nổ vang lên. Khói bụi mù mịt. Lá cây rụng rào rào. Trong lúc vật lộn Mây đã giật được cái chốt an toàn quả lựu đạn US một tên biệt kích đang đeo ở thắt lưng…
Nét mặt anh Vũ trở nên u ám. Hình như nỗi đau ẩn khuất tự trong tim bỗng lại dội lên. Anh im bặt rất lâu. Lần này thì tôi không nhịn được, buột miệng hỏi:
- Sau đó thế nào hả anh?
- Cô ấy hy sinh. Tôi bị kỷ luật. Nhưng toán biệt kích không phát hiện ra nơi giấu những chiếc xe tăng T54. Nghe tiếng lựu đạn nổ những tên biệt kích đang lùng sục xung quanh vội co cụm lại bắn bừa bãi ra xung quanh một hồi rồi kéo hai cái xác đồng bọn rút lui. Mây được mai táng ở một hẻm núi. Tôi lấy một nhành phong lan cài lên hốc cây bên cạnh mộ Mây, nhặt một hòn đá hình tròn giữa dòng suối dùng dao găm khắc một chữ M chôn ở phía cuối ngôi mộ làm dấu. Mấy tháng sau có dịp đi qua ghé thăm Mây, tôi giật mình thấy khóm phong lan nở một chùm hoa đỏ tưươi như máu.
- Giống như loại kia phải không anh?
Tôi chỉ chùm hoa phong lan màu đỏ. Anh Vũ bảo:
- Thì chính là nó đấy!
- Thế ạ! - Tôi ngạc nhiên. Anh Vũ chậm rãi:
- Mấy năm trước. Tôi đưa gia đình Mây vào Quảng Trị tìm mộ cô ấy. Khi đến chỗ hẻm núi thấy trên hốc cây còn sót lại một nhành phong lan héo quắt. Tôi đem nó về nuôi. Chăm sóc mãi cây mới hồi lại rồi quen dần với thủy thổ ngoài này. Hai năm nay nó mới ra hoa. Thấy hoa lạ ai cũng hỏi mua nhưng chẳng bao giờ tôi bán.
Nói đến đây, anh Vũ đứng dậy. Anh kéo chúng tôi ra phía hòn non bộ đắp ngay trên ban công tầng hai dưới giò phong lan màu đỏ. Anh chỉ vào một hòn đá hình tròn màu trắng ngà đặt ở giữa bảo: “Khi bốc mộ Mây, tìm thấy hòn đá khắc chữ M để đánh dấu ngày ấy, tôi đã đem về đặt ở đây…”
Tôi bần thần trước câu chuyện của anh Vũ, hết nhìn chùm hoa phong lan màu đỏ lại nhìn hòn đá khắc chữ và nghĩ về một thời chúng tôi ở chiến trường.
Mùa Xuân đang về. Muôn hoa, muôn sắc. Nhưng ai biết có một chùm hoa phong lan đỏ nở như những giọt máu đang rơi…
 
 
 
Nguồn: Trọng Bảo


Sống là phải cho đi! Hãy cho đi những gì bạn có để rồi hối hận nhận ra rằng đòi lại sẽ rất khó!


 
Các thành viên đã Thank tugumi vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024