Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/01/2010 09:01 # 1
hoahongtrang91
Cấp độ: 7 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 47/70 (67%)
Kĩ năng: 29/80 (36%)
Ngày gia nhập: 16/12/2009
Bài gởi: 257
Được cảm ơn: 309
Một phần quê hương


TTO - Chẳng hiểu sao mấy đêm nay mình đều ngồi xem lại những bộ phim ngày xưa bọn mình rất thích. Bao nhiêu kỷ niệm về làm mình nhớ bạn, nhớ quê.

 

Bạn với mình lớn lên cùng nhau. Như bao đứa trẻ khác ở làng quê, chúng mình rong ruổi hái hoa, bắt bướm vào mỗi trưa hè nắng gắt. Chúng mình cũng chạy thật nhanh, đuổi nhau dưới ánh trăng và cứ ngỡ trăng đang chạy theo mình khi nhìn cái bóng. Chúng mình cũng đi bắt đom đóm về nhốt trong lọ thủy tinh và chơi trò hoàng tử công chúa.

Bạn nhớ không, chúng mình đã lấy khăn vuông của mẹ để làm áo choàng cho hoàng tử và váy cho nàng công chúa.

Bạn còn nhớ ngày ấy chúng mình không có búp bê để chơi trò chơi bố mẹ, gia đình và bọn mình lấy gối làm em bé. Mình vẫn nhớ bạn thật khéo khi lấy chiếc khăn mùi xoa cột lại làm thành hai tai của “em bé”. Trông thật ngộ và mình rất thích. Sau đó mình lấy chiếc mũ len có dây buộc của mình đội lên cho “em bé”.

Chơi trò chơi gia đình, bạn luôn là bố còn mình là mẹ. Mẹ thì đương nhiên phải ở nhà để chăm sóc em bé, còn bố thì đi tìm thức ăn cho mọi người và là người bảo vệ “gia đình” khi có kẻ khác đến quấy rối. Kẻ đến quấy rối là “các kẻ lạ mặt” - cũng là bọn trẻ con trong xóm chúng mình rủ chơi đóng kịch cùng.

Bạn còn nhớ chúng mình dựng nhà bằng một cái chiếu, mẹ và em bé luôn ngủ trong nhà, còn bố thì luôn ngủ bên ngoài để canh gác, bảo vệ cho cả nhà. Ngày và đêm với chúng mình diễn ra chỉ trong khoảnh khắc, chốc lát. Vương quốc của chúng mình nhỏ như tinh cầu của "hoàng tử bé", chỉ cần xê dịch chỗ ngồi là thấy được mặt trời lặn hoặc mặt trời mọc.

Rồi có những lúc bố hoặc mẹ hoặc em bé bị ốm, hai người còn lại “chăm sóc” rất nhiệt tình bằng cách bón cháo, đưa nước đến rồi đỡ dậy thật nhẹ nhàng để uống thuốc… Kết cục là mỗi lần bọn mình chơi xong lại bị mẹ mình la vì tội làm ướt gối nếu như hôm ấy đến lượt “em bé bị ốm”.

Dù nắng hay mưa, dù ngày lạnh hay nóng, suốt 12 năm học chưa một ngày nào chúng mình quên việc đợi nhau khi đi học và đợi nhau lúc ở trường về, ngay cả khi không học cùng lớp suốt ba năm học trung học phổ thông.

Khi một đứa bị ốm, đứa còn lại buổi sáng trước khi đi học sẽ chạy đến nhà hỏi thăm, buổi trưa đi học về bỏ chiếc cặp vào nhà là sẽ chạy đến nhà bạn xem bạn đỡ chưa. Buổi tối đến chép bài hộ bạn.

Chúng mình gần như chưa bao giờ cãi nhau và chưa từng giận nhau lâu quá một ngày.

Bạn nhớ không...

…Chúng mình từng cùng nhau nằm trên mái nhà ngắm trăng - kể về những nơi mình mơ ước được đến.

…Chúng mình đi bên nhau, ở cạnh nhau như một điều hiển nhiên trong mắt tất cả mọi người.

…Chúng mình cứ thế lớn lên giữa tuổi thơ vô tư lự theo ước mơ của năm tháng…

Rồi mình đi theo tiếng gọi của mơ ước, cách bạn, cách quê hương, cách tuổi thơ của chúng mình thật xa. Mình đi biền biệt đến hai năm sau mới trở về.

Mình còn nhớ lắm ngày hôm ấy, bạn từ nhà chạy ào sang hỏi bà ngoại của mình trong hơi thở đứt đoạn: “H. về rồi hả bà? Nó đâu rồi bà?”. Mình từ trong nhà chạy ra đứng như tượng trước mặt bạn. Lúc ấy mình tưởng chỉ một chút nữa thôi bạn đã ôm chầm lấy mình ngay trước mặt ông bà và mọi người ở đó. Nhưng thấy mình toét miệng cười đưa nắm tay ra đỡ, bạn dừng lại, đưa hai tay lên nắm tai và lắc đầu mình nói: “Ôi, giống gấu bông quá”!

Hôm qua mình ngồi xem lại những đoạn phim đã xem cách đây nhiều năm. Bỗng dưng mình nhớ những con đường đầy gió cạnh cánh đồng bạn đã chở mình qua, những giọt sương êm êm rơi trong đêm... Chúng long lanh, sáng trong như tuổi thơ, như những ngày tháng đầy kỷ niệm chúng mình đã có với nhau vậy. Đâu phải ai cũng có những điều chúng ta đã có phải không bạn?

Và bạn biết không, với mình, bạn là một phần quê hương!
THU HUYỀN

trong kí ức tuổi thơ của mỗi người đều có một phần kí ức dù lớn hay nhỏ đều gắng bó với quê hương, hãy cùng sẽ chia một phần kí ức đó như một niềm tự hào về quê hương và để tôi thêm hỉu bạn hơn.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024