Đã thành thông lệ, cứ đến thời điểm kết thúc năm cũ bắt đầu năm mới, các giải thưởng lại được tổ chức để nhìn lại những thành quả của những người làm nghệ thuật trong suốt một năm qua. Bên cạnh những giải thưởng để tôn vinh những thành quả lao động nghệ thuật xuất sắc, thì những giải thưởng “ngược” để phê phán những cá nhân, sản phẩm chưa tốt cũng rất được công chúng quan tâm. Mời quý độc giả cùng điểm qua 3 ca khúc được xem là “kinh khủng” nhất của làng nhạc Việt trong năm 2009.
Da nâu – Phi Thanh Vân
Xuất hiện lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất trên chương trình truyền hình “Sức sống mới”, ca khúc khiến khán giả màn ảnh nhỏ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trước khi bắt đầu phần biểu diễn của mình, nàng Phương Trinh của “Cô gái xấu xí” chia sẻ: “Vân muốn trở thành hình tượng ca sĩ trẻ, có giọng hát và phong cách trình diễn khỏe khoắn”. Đúng như lời tâm sự của cô, ca khúc Da nâu đã được biểu diễn một cách rất “khỏe”. Cái khỏe đầu tiên phải ghi công lớn cho tác giả khi chỉ với trên dưới 13 từ, anh đã viết được thành một ca khúc để ca sĩ có thể biểu diễn đến gần 5 phút. Trong thời kì các ca sĩ đua nhau làm liveshow, mỗi liveshow ca sĩ phải thuộc và hát trên dưới 20 ca khúc thì những ca khúc như Da nâu rõ ràng là những lựa chọn nên được ưu tiên.
Mặt khác, bước sang năm 2010, các chính sách mới tỏ rõ thái độ không khoan nhượng đối với những ca sĩ hát nhép, thì những ca khúc như Da nâu cũng sẽ là những lựa chọn ưu tiên cho những ca sĩ chăm biểu diễn nhưng lười học lời. Hơn nữa, trong thời đại mà các ca sĩ sẵn sàng chi bạc triệu để mua một ca khúc thì những ca khúc 13 từ như Da nâu sẽ chẳng mấy chốc đưa tác giả lên hàng triệu phú.
Không chỉ bất ngờ về ca khúc quá độc đáo, khán giả còn bất ngờ hơn trước giọng hát của ca sĩ Phi Thanh Vân. Gần 5 phút biểu diễn, Phi Thanh Vân đã gây ấn tượng với khán giả bằng giọng hát mỏng, không cao, không thấp, không ngân rung và chỉ có nhiều giai điệu hơn đoạn rap được thu sẵn trong nhạc nền một ít.
Bên cạnh ca từ, giọng hát, phần biểu diễn Da nâu còn gây bất ngờ với màn vũ đạo tương tự như màn “thể dục dưỡng sinh” thường thấy trong các công viên. Cả vũ công lẫn ca sĩ đều tỏ rõ sự uể oải, mệt mỏi từ nét mặt đến mỗi cái nhấc tay nhấc chân. Thậm chí có vũ công bước ra biểu diễn cũng chỉ đứng cho đông đủ chứ không cần phải làm động tác gì cả. Bởi thế mới hiểu được sự “khỏe” trong phần biểu diễn của Phi Thanh Vân.
Phi Thanh Vân biểu diễn ca khúc Da nâu trong chương trình Sức sống mới
Chính vì nhiều yếu tố quá đặc biệt của ca khúc mà trong chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf, NSƯT Thành Lộc cũng ưu ái đưa đề tài này vào trở thành một màn hài hước lấy tiếng cười của khán giả. Trong phân đoạn ngắn này, “phù thủy sân khấu kịch” đã hát trại đi ca khúc thành Da trâu thay vì Da nâu như nguyên bản.
NSƯT Thành Lộc hát trại đi ca khúc thành Da trâu thay vì Da nâu như nguyên bản trong Ngày xửa ngày xưa
Đừng yêu em – Lê Kiều Như
Khác với Phi Thanh Vân, công việc chính của Lê Kiều Như là ca hát và cô đóng phim, chụp ảnh thời trang với tư cách một ca sĩ. Tuy nhiên đến giờ phút này, ca khúc của cô được khán giả biết đến nhiều nhất lại là một trong những ca khúc “kinh khủng” nhất của làng nhạc Việt 2009.
Được biểu diễn trong buổi quay hình chương trình Thế giới Vpop, ca khúc đã trở thành một kỷ niệm khó quên đối với những khán giả có mặt tại sân khấu Nhà hát Bến Thành. Vốn dĩ được biết đến như một biểu tượng gợi cảm, với những trang phục “hở” rất táo bạo, Lê Kiều Như lại xuất hiện trên sân khấu bằng bộ trang phục bó sát cùng những động tác rất “teen” cho hợp với nội dung của ca khúc. Khán giả chưa “tiêu hóa” xong phần nhìn thì lại được tấn công tiếp bằng phần nghe. Nhiều khán giả trở về từ buổi quay hình này đã không ngớt lời khen tặng Lê Kiều Như vì “cô ấy đã pha trộn được nhạc teen pop và cách nhấn nhá, luyến láy của nghệ thuật cải lương”.
Thật vậy, xuất hiện liên tục trong ca khúc là những kiểu phát âm ngọng nghịu như “tiếng ‘iu’ xưa còn xao ‘xiến’ đảo ‘điêng’ lòng em” hay “lời ‘mặng’ nồng còn trên môi”. Mặc dù là chương trình quay hình, ca sĩ biểu diễn trên phần nhạc đã thu sẵn trước đó chứ không hát trực tiếp, nhưng kỹ thuật phòng thu cũng không thể giúp được Lê Kiều Như che dấu đi chất giọng yếu và những đoạn chênh phô liên tục. Đến nỗi có khán giả hồi tưởng lại đã chia sẻ “lần đầu tiên tôi biết có một ca sĩ hát trong phòng thu mà dở như thế”.
Lê Kiều Như và ca khúc Đừng yêu em trong Thế giới Vpop
Hiệu ứng của ca khúc còn được nhân rộng khi không ít bạn trẻ chấp nhận tốn chi phí để tải ca khúc này về làm nhạc chờ cho điện thoại của mình vì lí do rất đơn giản “những người gọi đến khi nghe nhạc chờ này sẽ dập máy ngay”.
Teen vọng cổ - Vĩnh Thuyên Kim
Và vào những ngày cuối năm 2009, danh sách các ca khúc “kinh khủng” lại ghi nhận thêm trường hợp của Vĩnh Thuyên Kim cùng ca khúc Teen vọng cổ. Nếu Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như đều là những ca sĩ có vấn đề về chuyên môn và tạo ra 2 ca khúc “kinh khủng” một cách ngoài ý muốn, thì Vĩnh Thuyên Kim là một trường hợp khác hẳn, cố ý tạo ra ca khúc “kinh khủng” để tạo được sự chú ý.
Nhận xét khách quan, Vĩnh Thuyên Kim là một ca sĩ có sắc vóc, chất giọng, chỉ thiếu một chút duyên để có thể nổi tiếng. Tuy nhiên sau nhiều năm lặn lội trong nghề không thành công, giờ đây cô đang chuyển sang hướng tạo chuyện “xào xáo” để được chú ý. Trước kia là chuyện “chui vào thùng rác làm album” và bây giờ là Teen vọng cổ.
Ca khúc là một sự pha trộn hỗn tạp giữa nhạc pop hiện đại và một câu cuối trong bài vọng cổ truyền thống. Đứng trên phương diện của những người làm nhạc, ca khúc đã thể hiện được sự sáng tạo khi có thể lắp ghép được 2 thứ tưởng chừng không thể hòa trộn vào nhau. Nhưng mặt khác đây chỉ là một “chiêu thức” tạo sự chú ý vì đã bóp méo và thiếu trân trọng đối với nghệ thuật cải lương, loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc. Chắc hẳn những nghệ sĩ cải lương chân chính sẽ không vui vẻ gì khi nghe những “lên xang xuống xề” của mình lại được đặt cạnh những “ố ồ”, “de de” (yeah) vô nghĩa của âm nhạc hiện đại.
Vĩnh Thuyên Kim biểu diễn Teen vọng cổ
Kết
Mặc dù là những ca khúc “kinh khủng” của năm, nhưng sự thật là lượt truy cập, tìm kiếm, nghe của các ca khúc này trên môi trường mạng rất đáng kể, thậm chí là hơn rất nhiều những ca khúc “tử tế”, “đứng đắn” khác. Nguyên nhân sâu xa vẫn là nhu cầu giải trí của số đông công chúng, họ luôn tìm đến những phút “cười chút rồi thôi” để quên đi nhọc nhằn hằng ngày. Tuy nhiên, nếu công chúng mãi dễ dãi với những tiếng cười như thế thì rốt cuộc chúng ta sẽ chỉ có được một nền âm nhạc Việt Nam toàn những sản phẩm “kinh khủng” như thế và chẳng bao giờ đạt được ước mơ vươn ra tầm thế giới.