Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/10/2017 23:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Tất Tần Tật Những Kiến Thức Bạn Cần Trang Bị Về Các Vị Trí - Công Việc Trong Lĩnh Vực Quản Trị Nguồn Nhân Lực


I. HR Compensation and Benefits (Chuyên Viên Chính Sách - Tiền Lương)

Trong các mảng về ngành nhân sự, Chuyên viên C&B là một trong những mảng quan trọng mà mọi công ty rất “ưu ái” bộ phận này. Các Chuyên viên C&B được coi là người nắm cán cân thu nhập của mọi nhân viên trong công ty.

Chính sách - Tiền lương là một trong những mảng quan trọng của Nhân Sự. Ngoài việc nắm cán cân thu nhập, Chuyên viên C&B còn đảm nhiệm các chính sách phúc lợi của nhân viên.

  1. Khái quát công việc của Chuyên viên C&B

Mô tả công việc

Chuyên viên C&B là người sẽ chịu trách nhiệm các vấn đề về chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, chính sách phúc lợi, thủ tục pháp lí, lịch làm việc của nhân viên...

Công việc cụ thể cần làm

  • Thực hiện công tác chấm công, quản lí việc nghỉ phép năm, vắng trễ, nghỉ việc...;
  • Xây dựng thang bảng lương theo vị trí công việc và năng lực;
  • Thực hiện công tác tính lương và phát lương;
  • Xây dựng chính sách phúc lợi, đãi ngộ, khen thưởng, kỉ luật;
  • Xử lí những tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động;
  • Khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên;
  • Xây dựng hệ thống đánh giá vị trí công việc, cấp bậc;
  • Quản lí hợp đồng lao động và hồ sơ nhân viên;
  • Thực hiện các nghiệp vụ về Bảo hiểm xã hội, y tế...

Mức lương: 5,000,000 VND - 10,000,000 VND.

  1. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có

Kiến thức

Tốt nghiệp ngành Tài chính, Kế toán, Quản trị nhân sự, Quản trị kinh doanh, Quản lí công nghiệp, Hành chính văn phòng, Lao động tiền lương, Luật...

Kỹ năng

  • Kỹ năng tin học văn phòng: Do bạn sẽ làm việc nhiều với các loại giấy tờ nên việc thành thạo Excel, Word, Power Point,… là kỹ năng quan trọng không thể thiếu;
  • Kỹ năng giao tiếp: Được biết Nhân sự là nghề “ làm dâu trăm họ” nên bất kì mảng nào trong ngành Nhân sự đều phải “excellent” về tài ăn nói;
  • Kỹ năng xử lí và phân tích số liệu: Bạn sẽ là người tính lương hàng tháng cho tất cả nhân viên trong công ty nên bạn cần phải có tình yêu đích thực với các con số và có khả năng phân tích tốt;
  • Kỹ năng cập nhật và áp dụng pháp luật: Không chỉ thực hiện việc tính lương và phúc lợi , chuyên viên C&B còn phải nắm bắt những thay đổi về pháp luật để có thể xây dựng chính sách tiền lương phù hợp và mang lại lợi ích cho đôi bên;
  • Ngoại ngữ: Hầu hết các công ty đều yêu cầu Chuyên viên C&B cần có trình độ Tiếng Anh tốt nên thông thạo Tiếng Anh sẽ giúp bạn dễ thăng tiến hơn;
  • Ngoài ra, một Chuyên viên C&B cần có các đức tính như là tỉ mỉ, cẩn thận, trung thực, kiên nhẫn và trí nhớ tốt để phục vụ công việc.

Kinh nghiệm

Ưu tiên những người có kiến thức, kỹ năng, khả năng làm việc với con số tốt, “rành” luật, có network rộng, có kinh nghiệm làm việc ở các công ty càng tốt.

  1. Rèn luyện những kỹ năng này ở đâu?
  • Bạn nên tham gia vào ban Tài chính của các câu lạc bộ, tổ chức phi chính phủ để làm quen với việc tính toán và quản lí tiền bạc trước;
  • Tham gia các khóa học ngắn hạn về chuyên ngành Quản trị nhân sự trên trang upskill.vn ,eduviet.vn, hanhchinhnhansu.com,… khóa học online của Education Portal;
  • Tham khảo các trang web như: Humanresources.about.com, Yorku.ca/hr... hay những quyển sách như: Nhà quản trị một phút của Kenneth Blanchard và Spence Johnson, Quản lý tình huống: Giữ hiệu quả công việc khi gặp khó khăn của Karl E.Weick và Kathleen M.Sutcliffe, Thu hút và giữ chân nhân tài của Richard Luecke; Quản lý nhân sự của Robert L.Mathis và John H.Jackson…
  1. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
  • Thực tập cho các công ty quy mô nhỏ để có kinh nghiệm thực tế và thành thạo hơn về các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ;
  • Chủ động học hỏi kinh nghiệm các anh chị trong nghề, có tinh thần cầu tiến trong công việc.
  1. Những công ty tiêu biểu trong ngành

First Alliances: First Alliances là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực Nhân sự. Khách hàng của First Alliances là những nhà hàng, khách sạn lớn, những công ty trong nước và nước ngoài lớn.

Talenet: Vốn là công ty được tách riêng ra từ bộ phận dịch vụ nhân sự trực thuộc công ty Price water Coopers Vietnam - một trong những tập đoàn lớn tại khu vực Đông Dương. Hiện nay, công ty đang hoạt động trong những lĩnh vực như:

  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao;
  • Khảo sát lương và phúc lợi theo phương pháp Mercer;
  • Dịch vụ lao động và quản lý tiền lương;
  • Dịch vụ tư vấn nhân sự.

HR-Link.Vietnam: Công ty TNHH HR-Link.Vietnam là một công ty chuyên về mảng nhân lực với 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản. Hoạt động chính của công ty bao gồm tuyển dụng, săn đầu người, tư vấn, cung ứng nhân sự và những dịch vụ liên quan đến nhân sực khác để phục vụ không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mà còn các công ty, tập đoàn quốc tế.

  1. Con đường sự nghiệp

C&B Staff/ Executive → C&B specialist/Senior C&B Officer → C&B supervisor/Team leader → C&B Manager

  1. Các công việc liên quan
  • C&B Officer;
  • HR Training and Development;
  • HR Manager;
  • HR Admin.

---

II. HR Admin (Quản Trị Hành Chính - Nhân Sự)

Nhân viên Hành chính - Nhân sự là bước khởi đầu cho những ai trót yêu ngành Nhân sự . Mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau cho nhân viên hành chính - nhân sự tùy vào tính chất và môi trường của mỗi công ty.

Hành chính - Nhân sự là một vị trí khá quan trọng trong bộ phận nhân sự. Nhân viên Hành chính - Nhân sự sẽ "quản" khá nhiều công việc lớn, nhỏ trong công ty nên đây là vị trí đòi hỏi tính chịu áp lực cao.

  1. Khái quát công việc Hành chính - Nhân Sự

Mô tả công việc

Nhân viên Hành chính - Nhân sự được xem là “quản gia” của công ty. Họ sẽ chịu trách nhiệm về tất tần tật những giấy tờ, thủ tục, hồ sơ liên quan đến nhân viên, tài sản của công ty.

Công việc cụ thể cần làm

  • Thực hiện tất cả công việc liên quan đến hành chính nhân sự (văn phòng phẩm, sắp xếp lịch họp, cuộc hẹn, trực điện thoại…);
  • Chịu trách nhiệm về hồ sơ nhân viên, định biên nhân sự;
  • Thực hiện chuyển phát nhanh, giao nhận văn thư, hợp đồng, hóa đơn, chuyển ngay cho các bộ phận có liên quan;
  • Quản lí các mẫu giấy tờ, thủ tục như hợp đồng lao động, thay đổi hợp đồng lao động, bằng khen, thư từ , nhận việc/nghỉ việc,…;
  • Quản lí tài sản công nằm phúc lợi cung cấp cho nhân viên như xe cộ, bất động sản, vouchers,…;
  • Mua sắm, báo cáo kiểm kê văn phòng phẩm công ty;
  • Hỗ trợ tổ chức du lịch, các sự kiện trong công ty;
  • Làm bảng tên, thẻ nhân viên;
  • Theo dõi nội quy, nề nếp, văn hóa công ty;
  • Phối hợp vố các bộ phận khác để đảm bảo hoạt động của công ty.

Mức lương: 7,000,000 VND - 10,000,000 VND.

  1. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có

Kiến thức

Tốt nghiệp các ngành Quản trị nhân sự, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Hành chính văn phòng, Ngoại ngữ,…

Kỹ năng

  • Tin học văn phòng: Với thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “dí tới mông”  thì việc thành thạo tin học và một số phần mềm khác là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty đều yêu cầu kỹ năng này đối với tất cả nhân viên Nhân sự;
  • Kỹ năng giao tiếp: Công tác nhân sự đa phần là “lo cho người khác” nhiều nên việc nhạy bén trong giao tiếp, khéo léo trong cách ứng xử, biết chia sẻ và cảm thông sẽ giúp công việc của bạn thuận lợi hơn;
  • Kỹ năng tổ chức và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: Nhân viên hành chính nhân sự phải làm rất nhiều công việc trong một ngày vì thế nếu biết cách tổ chức công việc hợp lí thì bạn sẽ không cảm thấy bị “quá tải” hay trễ deadline;
  • Kỹ năng làm việc nhóm: Đây là kỹ năng quan trọng để bạn có thể gia nhập vào các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Làm việc nhóm giúp bạn học hỏi nhiều hơn và tiến bộ hơn;
  • Chịu áp lực: Mỗi công ty có những yêu cầu cho nhân viên hành chính nhân sự khác nhau và áp lực công việc cũng khác nhau, vì vậy bạn phải làm quen với việc chịu áp lực cao.

Kinh nghiệm

Đối với người mới ra trường, nhà tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm nhưng nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc/giao dịch ở các công ty nước ngoài là một lợi thế.

  1. Rèn luyện những kỹ năng này ở đâu?
  • Bạn nên tham gia vào các câu lạc bộ tổ chức sự kiện ở trường để làm quen với kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán, tổ chức, lập kế hoạch,… cũng như các kỹ năng cần thiết cho công việc này;
  • Ngoài ra bạn có thể thử sức với công việc part-time liên quan đến giấy tờ tại các công ty nhỏ, hoặc làm công tác Đoàn vụ tại các Công Đoàn, Đoàn trường sẽ cho bạn khá nhiều kinh nghiệm.
  1. Tích luỹ kiến thức thực tế ở đâu?
  • Tham khảo một số trang web về ngành như : blognhansu.net, slideshare.net, quantrinhansu-online.com ,humanresources.com,…;
  • Thực tập tại các công ty cũng giúp bạn định hình rõ hơn về công việc, “săn tuyển dụng” tại intership.edu.vn, careerbuilder.vn,…;
  • Ngoài ra, ngoại ngữ cũng rất quan trọng trong công việc, bạn nên đầu tư vào 1-2 ngoại ngữ;
  • Bạn có thể tìm hiểu các khóa học bổ ích khác như giao tiếp, đàm phán, tin học văn phòng tại edx.org, skillshare.com,…
  1. Những công ty tiêu biểu trong ngành

First Alliances, NIC, Talentnet là một trong những công ty Nhân sự tiêu biểu ở Việt Nam, với nhiều năm hoạt động trong ngành Nhân sự, được khách hàng tin tưởng.

  1. Con đường sự nghiệp

HR Admin → HR Recruitment Executive/ HR General Executive/ HR C&B → HR Manager → HR Director

  1. Các công việc liên quan
  • HR Admin Officer;
  • HR Recruitment;
  • Trưởng ban các bộ phận;
  • Đại diện đối tác.

---

III. HR Recruitment (Chuyên Viên Tuyển Dụng)

“Em ơi, công ty mới tuyển thêm một số nhân viên mới, cuối tháng tổ chức training giúp anh nhé!”, “Dạo này nhân viên làm việc hiệu suất thấp quá, em xem tổ chức thi đua nhé!”, còn rất nhiều công việc A,B,C,...khác mà một Chuyên viên Đào tạo và Phát triển Nhân sự phải đảm nhiệm. Vì thế, Đào tạo và Phát triển là một trong những chức năng nhân sự chủ chốt. Hầu hết các công ty xem đào tạo và phát triển là một phần không thể tách rời của hoạt động phát triển nguồn nhân lực.

Công việc của Chuyên viên tuyển dụng như một thanh nam châm "hút" tất cả người tài về cho công ty. Vì thế, họ cũng khá áp lực khi phải "cân não" để chọn đúng người và phù hợp với nhu cầu nhân sự. Nhưng đây cũng là một công việc khá thú vị khi được tiếp xúc với nhiều người và nhiều cá tính khác nhau.

  1. Khái quát công việc của Chuyên viên tuyển dụng

Mô tả công việc

Chuyên viên tuyển dụng được xem như là chuyên gia “săn đầu người”, họ sẽ là những người đảm bảo nhu cầu và chất lượng nhân sự cho công ty. Ngoài những bộ phận quan trọng khác như Kế toán, IT, Marketing, Kinh doanh,… thì tuyển dụng cũng là một bộ phận đóng góp không nhỏ cho sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Công việc cụ thể cần làm

  • Sàng lọc CV/Résumé và lưu trữ hồ sơ của ứng viên;
  •  Sắp xếp lịch phỏng vấn cho ứng viên;
  •  Thực hiện sơ tuyển ứng viên qua điện thoại hoặc trực tiếp;
  •  Điều phối các cuộc phỏng vấn với các nhà quản lý tuyển dụng;
  •  Kiểm tra đánh giá năng lực của ứng viên;
  •  Tổ chức các sự kiện nhằm thu hút nhân sự;
  •  Xây dựng mạng lưới ứng viên sáng giá phục vụ nhu cầu tuyển dụng;
  •  Soạn văn bản, các loại thư từ: thư xác nhận, thư từ chối, báo cáo tuyển dụng;
  •  Cung cấp thông tin về chính sách, quyền lợi ,nghĩa vụ cho nhân viên mới.

Mức lương: 7,000,000 – 10,000,000 VND.

  1. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có

Kiến thức

  • Học các chuyên ngành về Quản trị nguồn nhân lực, Nhân sự-Hành chính, Quản lý lao động, Kinh tế lao động, Luật;
  • Nếu bạn học trái ngành, bạn vẫn có thể là một Chuyên viên tuyển dụng. Một số công ty vẫn tuyển Chuyên viên tuyển dụng từ các ngành “có liên quan” như  quản trị kinh doanh, hành chính văn phòng.

Kỹ năng

  • Kỹ năng giao tiếp: Đây là kỹ năng đặc biệt quan trọng của một chuyên viên tuyển dụng. Bạn phải có khả năng giải thích bằng lời nói và bằng văn bản bất kỳ hoặc tất cả các thông tin liên quan đến chính sách của công ty, bên cạnh đó bạn cũng sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn, thuyết trình và dẫn dắt hòa giải;
  • Kỹ năng tư duy phản biện: Một nhà tuyển dụng cần có tư duy cực kì nhạy bén và khả năng lập luận logic để có thể phân tích, đánh giá và phân loại ứng viên phù hợp cho công ty;
  • Khả năng quyết định: Nhà tuyển dụng còn được xem như là “trái tim” của công ty, vì thế, sự quyết định của bạn có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người;
  • Vốn hiểu biết sâu và rộng:  Nhân sự là ngành đòi hỏi bạn phải học sâu hiểu rộng, chẳng khác nào một cuốn “Bách khoa toàn thư sống”, sẽ thật là khó khăn khi một nhà tuyển dụng lại có vốn hiểu biết và kiến thức hạn hẹp;
  • Kỹ năng quản lí thời gian: Đôi khi, cùng một thời điểm bạn phải tuyển dụng nhiều vị trí cần thiết cho công ty nên việc sắp xếp thời gian hợp lí rất quan trọng;
  • Tin học văn phòng: Bạn sẽ phải soạn thảo rất nhiều văn bản, giấy tờ và sàng lọc các hồ sơ liên quan đến công việc tuyển dụng. Vì vậy, bạn nên thành thạo các phần mềm như Word, PowerPoint, các công cụ đánh giá;
  • Ngoại ngữ: Thông thạo Tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác sẽ là một lợi thế cho bạn vì nó sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc.

Kinh nghiệm

Phương châm mới trong việc tuyển dụng tại Viettel là: “Làm chuyên môn không cần bằng đại học”. Đối với công việc tuyển dụng, kinh nghiệm thực tế rất quan trọng bên cạnh những bằng cấp liên quan.

  1. Rèn luyện những kỹ năng này ở đâu?
  • Tham gia vào các Câu lạc bộ, Đội, nhóm, các tổ chức phi chính phủ,… chắc chắn “level skills” của bạn sẽ tăng lên không ít mà còn mở rộng mối quan hệ cho bản thân;
  • Chủ động học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những người xung quanh, từ các anh chị trong ngành;
  • Tham gia những chương trình đào tạo uy tín Management Trainee tại các doanh nghiệp như Coca-Cola, Unilever, P&G, Samsung, Nestle, Prudential,… Chương trình đào tạo chuyên biệt từ những Agency như Talentnet Trainee Program;
  • Tham những hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, những sự kiện networking cũng là cơ hội tốt để tích luỹ thêm kiến thức cho mình.
  1. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
  • Bạn có xin làm thực tập sinh nhân sự cho các công ty nhân sự để “gom”  thêm kinh nghiệm. Bạn có thể “săn tuyển dụng” tại intership.edu, vietnamwork, careerbuilder.vn,…;
  • Nếu chưa ra trường, bạn có thể làm Leader hoặc thành viên ban nhân sự cho các Câu lạc bộ để làm quen trước;
  • Tích lũy các chứng chỉ như PHR (Professional in Human Resources), MBA (Master of Business Administration), CSSR (Certified Social Sourcing Recruiter), Tâm lí học,…
  1. Những công ty tiêu biểu trong ngành

First Alliances: First Alliances là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực Nhân sự. Khách hàng của First Alliances là những nhà hàng, khách sạn lớn, những công ty trong nước và nước ngoài lớn.

Talenet: Vốn là công ty được tách riêng ra từ bộ phận dịch vụ nhân sự trực thuộc công ty Price water Coopers Vietnam - một trong những tập đoàn lớn tại khu vực Đông Dương. Hiện nay, công ty đang hoạt động trong những lĩnh vực như:

  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao;
  • Khảo sát lương và phúc lợi theo phương pháp Mercer;
  • Dịch vụ lao động và quản lý tiền lương;
  • Dịch vụ tư vấn nhân sự.

HR-Link.Vietnam: Công ty TNHH HR-Link.Vietnam là một công ty chuyên về mảng nhân lực với 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản. Hoạt động chính của công ty bao gồm tuyển dụng, săn đầu người, tư vấn, cung ứng nhân sự và những dịch vụ liên quan đến nhân sực khác để phục vụ không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mà còn các công ty, tập đoàn quốc tế.

  1. Con đường sự nghiệp

HR Recruitment Executive → HR Coordinator → HR Manager → HR Director

  1. Các công việc liên quan
  • HR Manager;
  • HR Training and Development;
  • HR Admin;
  • HR C&B.

---

IV. Headhunter (Chuyên Gia Tuyển Dụng Nhân Sự Cấp Cao)

Ngoài tên gọi này Headhunter còn được được biết đến là “thợ săn đầu người”. Khác với vị trí HR Recruitment, các headhunter sẽ được các công ty thuê để tìm những ứng viên phù hợp cho những vị trí yêu cầu những kỹ năng đặc biệt và có trình độ cao. Thông thường, những vị trí này thường là những vị trí đầu, cấp quản lý, CEO, giám đốc,… các Headhunter thường sẽ là những chuyên viên cố vấn độc lập cho nhiều công ty khác nhau cùng một thời điểm.

Headhuner thường sẽ là những chuyên gia tuyển dụng nhân sự trong một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như IT, tài chính – ngân hàng, kỹ thuật, … Nếu một  người “lọt vào mắt xanh” của Headhunter, người đó hẳn là nhân vật rất “hot” trong lĩnh vực đó.

  1. Khái quát công việc của Headhunter

Mô tả công việc

Tìm kiếm, tuyển dụng những cá nhân tài năng phù hợp đáp ứng tối đa nhất yêu cầu nhân sự của công ty đối tác. Họ sẽ chủ động tìm kiếm, tiếp cận với những người phù hợp và liên lạc với những ứng viên “chất lượng cao”. Headhunter không can thiệp vào toàn bộ quá trình tuyển dụng. Họ không quảng cáo, đăng tin rầm rộ khắp nơi mà chỉ tìm kiếm những ứng viên phù hợp và liên hệ. Sau đó, họ sẽ trực tiếp trao đổi và tư vấn cho ứng viên đó. Nếu thật sự phù hợp, ứng viên sẽ được công ty mời phỏng vấn và việc của headhunter chỉ còn là chờ phản hồi từ phía công ty khách hàng.

Công việc cụ thể cần làm

  • Nhận mô tả cho vị trí mà công ty khách hàng đang có nhu cầu tuyển dụng;
  • Chắt lọc CV của ứng viên thích hợp hội tụ những yếu tố khách hàng cần;
  • Sắp xếp lịch phỏng vấn ứng viên với công ty khách hàng;
  • Tìm hiểu background của ứng viên để phục vụ cho việc thuyết phục ứng viên;
  • Tư vấn, thuyết phục ứng viên đồng ý nhận vị trí công ty khách hàng yêu cầu;
  • Tư vấn chiến lược nhân sự dài hạn cho doanh nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và headhunter.

Mức lương: 10,000,000 VND – 15,000,000 VND + Khoảng 30% hoa hồng.

  1. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có

Kiến thức

Tốt nghiệp các chuyên ngành Quản trị nhân sự, Luật, Quản trị kinh doanh, Quan hệ lao động, Kinh tế,…

Kỹ năng

  • Kỹ năng giao tiếp;
  • Kỹ năng thuyết phục, đàm phán cực tốt;
  • Kỹ năng đánh giá năng lực;
  • Kỹ năng phân tích và xử lí tình huống;
  • Kỹ năng tư duy phản biện;
  • Kỹ năng thiết lập và duy trì mối quan hệ;
  • Kỹ năng sắp xếp công việc và quản lí thời gian;
  • Chịu áp lực cao.

Kinh nghiệm

Để trở thành một chuyên gia tuyển dụng nhân sự cấp cao, bạn phải có kinh nghiệm ít nhất 3-5 năm trong nghề Nhân sự, đặc biệt là vị trí Tuyển dụng.

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn vẫn có thể là một Headhunter nếu bạn có network cực rộng, khả năng tìm kiếm và đánh giá ứng viên tốt, có uy tín trong ngành, ham học hỏi, cầu tiến. Ưu tiên có các chứng chỉ như PHR (Professional in Human Resources), MBA (Master of Business Administration), CSSR (Certified Social Sourcing Recruiter), Tâm lí học,…

  1. Rèn luyện những kỹ năng này ở đâu?
  • Tham gia những chương trình đào tạo uy tín Management Trainee tại các doanh nghiệp như Coca-cola, Unilever, P&G, Samsung, Nestle, Prudential,…Chương trình đào tạo chuyên biệt từ những Agency như Talentnet Trainee Program;
  • Tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo, khóa học ngắn hạn để rèn luyện những kỹ năng này. Có thể tham khảo các trung tâm như Awake your power, Nhà văn hóa Thanh Niên,... các trường Đại học cũng thường xuyên tổ chức các lớp học kĩ năng dành cho sinh niên;
  • Tham gia các Câu lạc bộ kĩ năng ở trường, các tổ chức phi chính phủ như YEA Vietnam, VYMUN ( chuyên tổ chức các Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc), AIESEC,…
  1. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
  • Thực tập tại các công ty cũng giúp bạn định hình rõ hơn về công việc, “săn tuyển dụng” tại intership.edu.vn, careerbuilder.vn, vietnamwork.com, mywork.com, headhuntvietnam.com, hrchannels.com,…;
  • Dành nhiều thời gian đọc sách để mở rộng kiến thức. Tham khảo những quyển sách như: Nhà quản trị một phút của Kenneth Blanchard và Spence Johnson, Quản lý tình huống: Giữ hiệu quả công việc khi gặp khó khăn của Karl E.Weick và Kathleen M.Sutcliffe, Thu hút và giữ chân nhân tài của Richard Luecke; Quản lý nhân sự của Robert L.Mathis và John H.Jackson…;
  • Tham khảo các khóa học online trên edX.org, edumall.vn,…;
  • Tham gia vào các buổi hội thảo về các lĩnh vực khác nhau để tích góp mối quan hệ.
  1. Những công ty tiêu biểu trong ngành

Navigos Search, NIC, Talentnet, First Alliances, Adecco Vietnam… là một trong những công ty headhunter hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi công ty chuyên trị đa dạng lĩnh vực khác nhau và đều uy tín trên thị trường Việt Nam.

  1. Con đường phát triển

Headhunter → Recruitment Consultant Management → Recruitment Consultant Director

  1. Các công việc liên quan
  • HR Recruitment;
  • Đại diện công ty khách hàng.

---

V. HR Training and Development (Chuyên Viên Đào Tạo & Phát Triển Nhân Sự)

“Em ơi, công ty mới tuyển thêm một số nhân viên mới, cuối tháng tổ chức training giúp anh nhé!”, “Dạo này nhân viên làm việc hiệu suất thấp quá, em xem tổ chức thi đua nhé!”, còn rất nhiều công việc A,B,C,...khác mà một Chuyên viên Đào tạo và Phát triển Nhân sự phải đảm nhiệm. Vì thế, Đào tạo và Phát triển là một trong những chức năng nhân sự chủ chốt. Hầu hết các công ty xem đào tạo và phát triển là một phần không thể tách rời của hoạt động phát triển nguồn nhân lực.

Đào tạo và Phát Triển Nhân Sự là một công việc thú vị, nhưng cũng có yêu cầu khá cao. Đây là là một trong những vị trí quan trọng trong bộ phận Nhân Sự của các công ty.

  1. Khái quát công việc của Chuyên Viên Đào Tạo & Phát Triển Nhân Sự

Mô tả công việc

Nhân viên Đào tạo và phát triển là người tổ chức các hoạt động đào tạo cho nhân viên trong công ty nhằm đảm bảo nhân viên đang đi đúng với các giá trị, tầm nhìn và chiến lược của công ty, cũng như cung cấp các kiến thức và kỹ năng đầy đủ để xử lý công việc đúng theo văn hóa công ty.

Công việc cụ thể cần làm

  • Thiết kế các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng suất làm việc của nhân viên;
  • Tham gia kiểm soát chi phí đào tạo đã được phê duyệt, kể cả chi phí đào tạo do các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý;
  • Giám sát chất lượng nhân viên, đánh giá mức độ vận dụng kiến thức, kĩ năng vào công việc;
  • Khảo sát nhu cầu training của nhân viên;
  • Phối hợp với Trưởng Bộ phận đào tạo tham gia thực hiện lập chứng chỉ chuyên môn, chứng nhận khóa học, hồ sơ đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý đào tạo;
  • Đánh giá và báo cáo kết quả sau đào tạo định kỳ năm, quý, tháng;
  • Định hướng, tư vấn con đường phát triển sự nghiệp cho nhân viên;
  • Tương tác và hỗ trợ với nhân sự trong lĩnh vực tuyển dụng tổ chức các chương trình phát triển tài năng trẻ;
  • Theo dõi thực hiện chương trình phát triển cán bộ nguồn, giữ người tài đức;
  • Chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình khảo sát về mức độ hài lòng, văn hóa doanh nghiệp.

Mức lương: 6,000,000 VND – 8,000,000 VND.

  1. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có

Kiến thức

  • Tốt nghiệp các chuyên ngành Quản trị nhân sự, Quản trị kinh doanh, Quản lí lao động, Kinh tế, Luật, Sư Phạm,…;
  • Có kiến thức chuyên sâu về đào tạo và nghiệp vụ sư phạm.

Kỹ năng

Với những người làm Training & Development ngoài những kiến thức chuyên môn bạn cần có những kỹ năng sau để tối ưu hiệu quả công việc:

  • Kỹ năng xử lí tình huống;
  • Kỹ năng tổ chức và quản lí công việc tốt;
  • Kỹ năng giao tiếp, trình bày, thuyết trình tốt;
  • Kỹ năng xây dựng và phát triển các mối quan hệ;
  • Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm;
  • Kỹ năng nhận định và đánh giá con người;
  • Kỹ năng đàm phán;
  • Soạn thảo văn bản, tổng hợp, báo cáo;
  • Tin học văn phòng;
  • Ngoại ngữ (Tiếng Anh) lưu loát là một lợi thế.

Kinh nghiệm

Để đảm nhiệm vị trí này bạn cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, quản lí nhân sự,… hoặc 2 năm tại vị trí trainer.

Nếu bạn yêu thích công việc này mà chưa có nhiều kinh nghiệm, đừng lo ngại. Bạn hãy tự tin cho nhà tuyển dụng thấy những điểm mạnh của mình như sự nhạy bén trong tư duy, khả năng tổ chức sự kiện tuyệt vời, network rộng, chịu áp lực cao,...

  1. Rèn luyện những kỹ năng này ở đâu?
  • Tham gia các Câu lạc bộ kỹ năng ở trường, các tổ chức phi chính phủ như YEA Vietnam, VYMUN (chuyên tổ chức các Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc), AIESEC,…;
  • Tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo, khóa học ngắn hạn để rèn luyện những kỹ năng này. Có thể tham khảo các trung tâm như Awake your power, Nhà văn hóa Thanh Niên,... các trường Đại học cũng thường xuyên tổ chức các lớp học kỹ năng dành cho sinh niên.
  1. Tích lũy kiến thức ở đâu?
  • Tham khảo một số trang web về ngành như Tham khảo một số trang web về ngành như : blognhansu.net, slideshare.net, quantrinhansu-online.com ,humanresources.com, hr.smcgov.org...;
  • Bạn có thể tìm hiểu các khóa học bổ ích khác như giao tiếp, đàm phán, tin học văn phòng tại edx.org, skillshare.com...;
  • Thực tập tại các công ty cũng giúp bạn định hình rõ hơn về công việc, “săn tuyển dụng” tại intership.edu.vn, careerbuilder.vn, vietnamwork.com, mywork.com...;
  • Tham gia các chương trình do các công ty, tập đoàn tổ chức như: “Quản trị viên tập sự” của Nestlé, Unilever Fresh Programme...
  1. Những công ty tiêu biểu trong ngành

Unilever, P&G, Vinamilk, IBM, Abbott,...là một trong những công ty, tập đoàn lớn mà nhiều người ao ước mong muốn được làm việc. Họ có phòng ban Đào tạo và Phát triển chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng làm việc của nhân viên. Bạn có thể phấn đấu để trở thành Chuyên viên đào tạo và phát triển cho những công ty này.

  1. Con đường sự nghiệp

HR Traning and Development → HR Traning and Development Manager → HR Traning and Development Director

  1. Các công việc liên quan
  • HR Recruitment;
  • HR Manager;
  • HR Admin.

---

VI. Employee Relations (Chuyên Viên Quan Hệ Lao Động)

Chuyên viên quan hệ lao động là “cầu nối” giữa người lao động và ban lãnh đạo công ty, đôi lúc nhiều người còn đùa vui rằng đây là bộ phận “tâm lí” của công ty. Nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, chắc năng của bộ phận này cũng quan trọng như nhiều bộ phận Nhân sự khác.

Vị trí Quan hệ lao động thường chỉ có các công ty lớn, các tập đoàn lớn là quan tâm nhiều và tách hẳn chuyên biệt có người phụ trách. Công việc của một Chuyên viên Quan hệ lao động cũng khá thú vị và có thể tiếp xúc với nhân viên nhiều nhất trong các bộ phận Nhân sự.

  1. Khái quát công việc của Chuyên viên Quan hệ lao động

Mô tả công việc

Nhiệm vụ cốt yếu nhất của vị trí này là giúp ổn định tổ chức bằng việc dung hòa các mối quan hệ thông qua việc tăng cường truyền thông và phản hồi.

Công việc cụ thể cần làm

  • Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ trong công ty;
  • Triển khai, giám sát và hỗ trợ thực hiện đúng nội quy - quy định lao động cũng như những thoả ước của nhân viên;
  • Tham gia xây dựng các chính sách, quy trình, quy định về nhân sự, các quy tắc, chuẩn mực, các chương trình phát triển văn hóa công ty;
  • Thực hiện đào tạo hội nhập cho nhân viên mới nhận việc và xử lí thôi việc,thẩm định lí do nghỉ việc của người lao động;
  • Cập nhật các thông tin về quan hệ lao động theo quy định nhà nước để tư vấn cho phòng nhân sự;
  • Phối hợp với bộ phận khác phát triển tổ chức qua việc đánh giá kết quả công việc hàng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền/ động viên nhằm xây dựng văn hóa công ty;
  • Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lí vi phạm;
  • Nắm bắt nhu cầu, mong muốn và khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên trong công ty. Đề xuất chính sách đối với người lao động.

Mức lương: 7,000,000 VND – 10,000,000 VND.

  1. Kiến thức, Kỹ năng & Kinh nghiệm cần có

Kiến thức

Vị trí này yêu cầu có kiến thức chuyên môn sâu về ngành Nhân sự. Để làm vị trí này bạn cần tốt nghiệp các chuyên ngành Quản trị nhân sự, Quản trị kinh doanh, Luật lao động, Quan hệ lao động, Lao động tiền lương,…

Kỹ năng

  • Kỹ năng giao tiếp;
  • Kỹ năng đàm phán, thuyết phục tốt;
  • Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề;
  • Kỹ năng lãnh đạo;
  • Kỹ năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm tốt;
  • Khả năng nắm bắt tâm lí;
  • Khả năng sáng tạo, định hướng.

Kinh nghiệm

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu từ 3-5 năm kinh nghiệm với vị trí này hoặc 2 năm tại vị trí HR Manager. Một số công ty yêu cầu Chứng chỉ Luật lao động và bảo hiểu xã hội, tâm lí học.

Nếu bạn vẫn chưa có kinh nghiệm về vị trí này, không sao cả. Bạn có thể tích lũy thêm một số tính chỉ về Nhân sự, Luật, Tâm lí học để làm lợi thế cho mình hoặc thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người có lập trường, có trái tim nhân hậu có thể dung hòa và đồng cảm với người khác.

  1. Rèn luyện những kỹ năng này ở đâu?
  • Tham gia hội nghị, hội thảo, trại huấn luyện, những sự kiện liên quan đến phát triển kỹ năng;
  • Trải nghiệm nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng thế giới quan;
  • Tham khảo các khóa học online trên edX.org, edumall.vn,…;
  • Dành nhiều thời gian đọc sách để mở rộng kiến thức. Tham khảo những quyển sách như: Nhà quản trị một phút của Kenneth Blanchard và Spence Johnson, Quản lý tình huống: Giữ hiệu quả công việc khi gặp khó khăn của Karl E.Weick và Kathleen M.Sutcliffe, Thu hút và giữ chân nhân tài của Richard Luecke; Quản lí nhân sự của Robert L.Mathis và John H.Jackson…
  1. Tích lũy kiến thức thực tế ở đâu?
  • Tham khảo các trang web Nhân sự như: Humanresources.about.com, Yorku.ca/hr, shrm.org, quanhelaodong.com;
  • Tham gia các khóa học ngắn hạn về chuyên ngành Quản trị nhân sự trên trang upskill.vn, eduviet.vn, hanhchinhnhansu.com,…;
  • Tham gia các hội thảo, sự kiện liên quan đến quan hệ lao động và tâm lí học;
  • Thực tập tại các công ty quy mô nhỏ để học hỏi kinh nghiệm.
  1. Những công ty tiêu biểu trong ngành

First Alliances, NIC, Talent Net, Adecco vietnam… là nhiều trong những công ty Nhân sự tiêu biểu ở Việt Nam, với nhiều năm hoạt động trong ngành Nhân sự, được khách hàng tin tưởng.

  1. Con đường sự nghiệp

HR Employee relations → HR Manager → HR Director

  1. Các công việc liên quan
  • HR Manager;
  • HR Admin;
  • HR C&B;
  • HR Recruitment.

Theo 4sv.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024