Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/07/2020 23:07 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Review Sách] “Ứng Dụng NLP Trong Công Việc”: Khám Phá Khả Năng Tiềm Ẩn Trong Bạn


Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao có người dường như suy nghĩ hoàn toàn khác biệt so với bạn hay bạn đã thấy đồng nghiệp giải quyết vấn đề trong nhóm hay lời phàn nàn của khách hàng rất thành công và bạn tò mò làm sao họ làm tốt như vậy? Có lẽ bạn muốn hiểu tại sao ai đó lại có phản ứng cụ thể nào đó với những gì bạn nói hoặc làm? Tôi chắc rằng sẽ rất có ích cho bạn nếu bạn hiểu một cách sâu sắc hơn thứ gì là quan trọng với họ, thứ gì thúc đẩy họ và cách họ hành động trong cuộc sống. Phương pháp NLP là phương pháp tối ưu giúp bạn hiểu cấu trúc của việc trải nghiệm chủ quan hay nói cách khác nó liên quan đến chức năng và nền tảng cơ bản của hệ thống thân thể tâm thần giúp chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm cũng như tưởng tượng về thế giới xung quanh mình.

Cuốn sách Ứng dụng NLP vào công việc của Richard Youell mang đến một cái nhìn chi tiết hơn vào phương pháp NLP và hướng dẫn cụ thể cách áp dụng NLP vào công việc và cuộc sống hàng ngày. Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) là một trong những công cụ giao tiếp mạnh mẽ nhất. Nó giúp bạn hiểu điều gì kích thích người khác, tạo sức ảnh hưởng, thuyết phục mọi người và hiểu rõ điều gì thực sự xảy ra khi chúng ta giao tiếp.

1.     NLP là gì?

Lập trình Ngôn ngữ Tư duy viết tắt là NLP (Neuro Linguistic Programming) là một nghiên cứu về cấu trúc của trải nghiệm chủ quan. Nó quan tâm tới các chức năng, nền tảng cơ bản của hệ thống thân – tâm giúp chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm và tưởng tượng về thế giới xung quanh mình. NLP là mô hình được hợp tác phát triển giai đoạn đầu bởi một nhà khoa học máy tính nghiên cứu về tâm lý học Richard Bandler và John Grinder, một phó giáo sư về ngôn ngữ học tại Đại học California trong những năm đầu thập niên 1970. Phương pháp NLP không chú trọng vào câu hỏi “tại sao” một số cách ứng xử lại có hiệu quả, mà chỉ muốn biết “làm thế nào” để ứng xử có hiệu quả. Khi Bandler và Grinder phát triển, họ đặc biệt quan tâm đến khả năng giao tiếp và ảnh hưởng.

2.     NLP hoạt động thế nào?

Con người là sinh vật của thói quen. Chúng ta thường nỗ lực học một kỹ năng mới và rồi với sự luyện tập, kỹ năng này trở thành một phần và được thực hiện một cách vô thức. Tương tự với việc từ bỏ một thói quen không cần thiết cũng cần có ý thức, luyện tập cùng nỗ lực. Vậy, chúng ta học như thế nào? Chúng ta luôn bắt đầu trong trạng thái không biết những gì mình không biết hay còn gọi là “không thành thạo một cách vô thức”. Khi chúng ta không biết một điều gì đó, có thể ta cho rằng chúng không cần thiết nên không muốn làm nó, chúng ta thậm chí sẽ không xem xét đến làm việc đó hay cách nó hoạt động. Tuy nhiên, khi ta bắt đầu tìm hiểu một thứ gì đó, ví dụ như tập chạy xe, trong những ngày đầu ta sẽ tìm hiểu cách để giữ thăng bằng, còi hay cách nhấn ga thế nào. Khi đó, ta đang chuyển dần sang giai đoạn “không thành thạo một cách có ý thức”. Cứ như vậy bạn học thêm được cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông, cách nhìn gương chiếu hậu hay kim xăng của xe, dần dần bạn cũng có ý thức về sự thành thạo của mình. Lúc này, bạn đang ở giai đoạn “thành thạo có ý thức”. Nhiều năm sau, sau khi lái xe hàng cây số, bạn đã trở thành người thành thạo một cách vô thức rồi và đó chính là một chu trình học tập của con người. Nếu bạn bắt đầu học một kỹ năng nào khác, bạn đang lặp lại chu trình học tập:

Chưa thành thạo một cách vô thức     -->     Chưa thành thạo một cách có ý thức     -->     Thành thạo một cách có ý thức     -->     Thành thạo một các vô thức

Cách duy nhất để chúng ta lấy được thông tin vào nhận thức, hiểu biết và trí nhớ của mình chính là nhờ năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác. Việc nhận thức rõ hơn về thông tin cảm giác thô này và những ưu tiên của chúng ta cho những gì mình nhận thấy là bước quan trọng đầu tiên trong bất kỳ quá trình học nào. Hai chế độ thúc đẩy chúng ta gồm: Suy nghĩ “tránh xa” được điều khiển bởi nỗi sợ hãi và suy nghĩ “tiến tới” tận dụng trí tưởng tượng của bản thân, thường kéo dài hơn và bớt áp lực hơn thay vì suy nghĩ “tránh xa”. NLP đánh giá cao suy nghĩ “tiến tới”, bởi nó giúp ta nghĩ nhiều hơn về kết quả mà ta mong muốn thay vì những điều ta không muốn xảy ra.

Chúng ta luôn có những ưu tiên khác nhau trong việc xử lý thông tin nhận được từ các giác quan. Việc nhận thức về sự ưu tiên sẽ giúp ta thấu hiểu bản thân cũng như nhận ra được sự ưu tiên của người khác, điều này có thể giúp sự giao tiếp và thấu hiểu hiệu quả. Mô hình lập trình ngôn ngữ tư duy thừa nhận có những cầu nối giữa sinh lý học, trạng thái (điều bạn đang suy nghĩ, cảm nhận cùng thái độ của bạn) và hành vi của bạn. Mô hình này còn miêu tả việc chúng ta lọc thông tin cảm giác xuống một lượng thông tin nhất định, chúng ta có thể hiểu một cách tự nhiên và thường là trong vô thức. Các bộ lọc gồm: Các ưu tiên của ta đối với hệ thống tái hiện, khuôn mẫu tư duy, niềm tin và giá trị bản thân, kinh nghiệm học thức cùng cơ thể và trạng thái. Tất cả bộ lọc này đều hoạt động dựa trên các dữ liệu từ giác quan bằng cách xóa bỏ, điều chỉnh và khái quát hóa. Từ kết quả của bộ lọc cho ra việc chúng ta xây dựng nên bản đồ thế giới độc đáo cho riêng mình. 

 

 

3.     Ứng dụng NLP trong quản lý bản thân và quản lý người khác.

3.1.          Quản lý bản thân

Aristotle từng nói: “Hiểu biết chính bạn là sự khởi đầu của mọi sự hiểu biết”. Nhìn chung, việc có thể quản lý bản thân cho bạn sự tự tin và uy tín khi quản lý người khác. Có nhận thức về bản thân là một điều kiện tiên quyết để có thể phát triển bản thân tốt hơn. Nếu bạn không biết bắt đầu từ nơi đầu làm sao bạn biết được khi nào bạn tới nơi? Nhận ra mục tiêu cùng ước mơ của mình để lập một kế hoạch chi tiết thay vì những khát vọng mơ hồ có thể tạo sự khác biệt rõ ràng đến những cơ hội tiến tới mục tiêu của chúng ta. Các kỹ thuật và phương pháp NLP có thể giải quyết những vấn đề chúng ta đang tìm kiếm.

Con người đôi khi đưa ra các quyết định dựa trên niềm tin của bản thân, và thường trong trạng thái không có ý thức. chúng ta biết rằng niềm tin là một loạt các quy tắc chúng ta sử dụng để khái quát hóa các mối quan hệ và ý nghĩa. Thay vì phân ra niềm tin nào đúng niềm tin nào là sai thì trong NLP chúng ta nhận ra rất nhiều niềm tin chúng ta nắm giữ thường dựa trên hoạc ảnh hưởng đến nhận thức của ta. Nói một cách khác, niềm tin có ảnh hưởng đến nhận thức, phát triển khả năng nắm bắt những giả định hướng tới trong những hoàn cảnh nhất định là việc rất hữu ích. NLP cung cấp một danh sách các giả định cực hữu dụng là những niềm tin được nắm bắt và mô phỏng từ những người có kỹ năng giao tiếp xuất sắc. Từ đó nó có thể giúp ích trong những hoàn cảnh nhất định.

3.2.          Quản lý người khác

Sau khi đã phát triển các công cụ và kỹ thuật giúp hiểu bản thân tốt hơn, lúc này, bạn có thể cân nhắc việc làm sao để mở rộng hiệu quả của nó để giúp bạn quản lý và tác động người khác, giúp họ đạt mục tiêu của họ, của bạn và của công ty.

Để làm việc trong một tập thể là điều không hề dễ dàng với bất kỳ ai. Đôi khi bạn có thể tạo nên mối quan hệ tốt một cách tự nhiên nhưng cũng có khi có những người khiến bạn không thoải mái khi làm cùng. Điều này cho thấy bạn có nhiều điểm chung với những người dễ quen và ít hơn so với những người khó quen. Vậy thì, làm sao để gắn kết được với họ? Sự gắn kết là quá trình tự nhiên và thường hoàn toàn vô thức. Có được nhận thức về quá trình này là điều hữu ích và cần thiết. Để có thể gắn kết hiệu quả hơn, bạn cần chủ động tạo sự tương đồng và cầm nhịp trạng thái, ngôn ngữ cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc của họ. Chúng ta không chỉ lọc ra thông tin nhận được để xây dụng bản đồ cho riêng mình mà còn phải cân nhắc những thông tin ấy theo một bố cục tham chiếu nhất định. Theo NLP, các bố cục tham chiếu gồm có nhận thức của bạn, nhận thức của người khác, và nhận thức của người quan sát khách quan. Khi luyện tập và phát triển khả năng chuyển đổi nhanh chóng, mượt mà giữa những nhận thức khác nhau, có thể giúp sự tương tác của bạn với người khác hiệu quả hơn.

 

 

4.     Sức mạnh của ngôn từ

Một câu nói rất hay của Nelson Mandela đó là: Nếu bạn nói với một người bằng thứ ngôn ngữ anh ấy hiểu, bạn đang nói chuyện với tâm trí của anh ấy; nếu bạn nói chuyện với một người bằng thứ ngôn ngữ của anh ấy, bạn đang nói chuyện với trái tim người ấy.

Trong đời sống giao tiếp hàng ngày hay trong công việc, chúng ta đều muốn truyền tải thông điệp hiệu quả nhất có thể. Khả năng tác động và thuyết phục người khác rất hữu ích dù bạn quản lý, bán hàng cho họ hay được quản lý. Việc chúng ta giao tiếp tốt đến đâu sẽ quyết định thành công của chúng ta. Việc xây dựng sự gắn kết với ai đó, cố gắng tìm hiểu về bản đồ thế giới của họ là một cách tuyệt vời giúp họ và bạn phân tích những suy nghĩ và cảm nhận hành động của họ.

Sử dụng ngôn ngữ cụ thể hóa giác quan, giàu yếu tố thị giác, thính giác và xúc giác là một cách giúp cho giao tiếp của bạn dễ hiểu hơn và không gây mơ hồ cho người khác; theo cách thúc đẩy và thu hút thay vì sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, khái quát hóa hoặc “học thuật”. Việc phát triển nhận thức về ngôn ngữ cơ thể của người khác và của chính bạn là bước đầu tiên để tận dụng kên giao tiếp hiệu quả này.

Lời kết

Quá trình thấu hiểu bản thân luôn luôn là quá trình gian nan và không hề dễ dàng. Vì thế, NLP là một mô hình có thể hỗ trợ cho bạn việc đó, hơn nữa, còn giúp bạn thấy hiểu khách hàng hay nhân viên của bạn. Với những lập luận chặt chẽ cùng những ví dụ minh họa dễ hiểu, cuốn sách Ứng dụng NLP trong công việc sẽ giúp bạn hiểu hơn về NLP là gì, nó hoạt động thế nào và làm sao để ứng dụng nó vào các mối quan hệ thực tiễn. Hy vọng rằng mô hình Lập trình Ngôn ngữ Tư duy sẽ giúp bạn quản lý công việc dễ dàng hơn và hiệu quả hơn, từ đó giúp bạn bớt đi những lắng lo trong cuộc sống. 

 

Tác giả: Alice

Hình ảnh: Alice

_______________________

Ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024