Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/09/2018 21:09 # 1
hienhien1503
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 99/250 (40%)
Kĩ năng: 4/20 (20%)
Ngày gia nhập: 04/08/2018
Bài gởi: 3099
Được cảm ơn: 14
Đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo


Ngày 1-1-2017, Luật Báo chí năm 2016 chính thức có hiệu lực. Thực hiện quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, tháng 12-2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc,… Đây là những yếu tố chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự ý thức. Vì thế, để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được luật hóa thông qua Luật Báo chí năm 2016 và gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà còn đồng thời khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không phân biệt giữa người làm báo có Thẻ Nhà báo, hay người làm báo không có Thẻ Nhà báo.

Những năm gần đây, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Qua báo chí, nhiều tấm gương tốt được biểu dương, nhiều vụ việc tiêu cực được phơi bày, nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết… Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, vẫn còn một số sai phạm trong hoạt động báo chí tồn tại với biểu hiện, dạng thức khác nhau, và đáng nói là theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, các vi phạm chủ yếu liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, thể hiện qua việc thông tin sai sự thật. Sự kiện nổi bật nhất của các sai phạm là gần đây, hàng loạt tờ báo đăng tải thông tin sai sự thật về nước mắm truyền thống. Hậu quả là dư luận xã hội hết sức hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng và hoạt động sản xuất nước mắm truyền thống cũng như tới thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Một sự kiện đáng tiếc khác là cuối tháng 8-2016, một số tờ báo và trang tin điện tử đồng loạt đưa tin không đúng sự thật về sự việc Ksor Sôn - một cậu bé 11 tuổi ở tỉnh Gia Lai tự tử vì “không có áo mới đến trường”. Sự việc được làm sáng tỏ sau khi cơ quan chức năng xác minh nguyên nhân cậu bé tự tử lại là do bất đồng ý kiến với gia đình, do tâm lý không ổn định của lứa tuổi chứ không từ nguyên nhân như một số báo đã nêu. 14 cơ quan báo chí đăng thông tin này đã bị xử phạt, nhưng thông tin sai sự thật được đăng tải cũng kịp gây dư luận không tốt, và đã bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc. Đó mới chỉ là một số sự việc tiêu biểu cho tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí thời gian qua. Ngoài ra còn phải kể đến hiện tượng một số báo, trang tin điện tử đăng thông tin giật gân, câu khách, không đúng sự thật qua cách rút tít theo lối “treo đầu dê bán thịt chó”,... Thậm chí, một số bài báo còn cố tình đăng tải thông tin mê tín dị đoan, lẫn lộn hư thực gây hoang mang trong người đọc, tạo hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội. Chưa kể thời gian qua, trong sinh hoạt báo chí còn có hiện tượng một số nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi “mưu lợi”, như: lợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân; viết bài tâng bốc, quảng cáo (có cả quảng cáo không đúng sự thật)…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 5 năm (2011 - 2015), đã có: 242 lượt cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí hơn 4,6 tỷ đồng; thu hồi 121 thẻ nhà báo (trong đó có 95 thẻ thu hồi do cơ quan báo chí dừng hoạt động và 26 trường hợp bị thu thẻ do có vi phạm). Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý hành vi hành chính 37 trường hợp cơ quan báo chí vi phạm, phạt tiền 33 lượt cơ quan báo chí hơn 1,5 tỷ đồng, phạt cảnh cáo bốn trường hợp, phạt tiền gần 800 triệu đồng đối với 18 tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng internet (in-tơ-nét). Còn tin từ Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của bốn đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là: Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin cơ sở cho biết thêm: trong năm 2016, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí là gần 1,7 tỷ đồng; 79 trường hợp báo chí bị xử phạt (trong đó sai phạm của báo điện tử là 76, báo in là ba); 27 quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực truyền hình và thông tin điện tử đã được ban hành. Lý do sai phạm chủ yếu của cơ quan báo chí là thông tin sai sự thật (75 trường hợp); đồng thời đã phát hiện ra một số sai phạm của cơ quan báo chí như chưa thực hiện đúng các quy định trong giấy phép hoạt động báo chí, vi phạm về nội dung thông tin, quảng cáo…

Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là hết sức kịp thời, cần thiết. 10 điều quy định gồm: “1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; 2. Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; 3. Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; 4. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; 5. Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; 6. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật; 7. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; 8. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại; 9. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; 10. Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”. Mười điều quy định nêu trên thật sự là hệ thống tiêu chí hoàn chỉnh, tương ứng với ý thức công dân, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Thiết nghĩ, một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc là mục tiêu hướng tới của bất kỳ nền báo chí nào. Và nếu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, trang tin hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, sự say mê nghề nghiệp và khả năng thâm nhập cuộc sống. Để sự thật luôn được lên tiếng, để đem những điều tốt đẹp đến với bạn đọc,… thì sự tự nhận thức, lòng khát khao hướng đến những giá trị nghề nghiệp đích thực, và cống hiến những gì tốt đẹp nhất mình có được,… luôn phải là nhu cầu tự thân của người làm báo, và vì thế, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức quan trọng. Hy vọng trong thời gian tới, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam sẽ sớm trở thành yếu tố cấu thành nên phẩm cách của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

 

                                                                                      Nguồn :Báo tuổi trẻ

 



Cuộc sống giống như bông hoa hồng

Vẽ đẹp luôn đi cùng với gai.

Facebook: Nguyenhien

Gmail: nguyenhienduong2k@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024