Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/06/2014 10:06 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
Đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tổ chức, cán bộ


Mọi cán bộ công chức đều phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về “Đạo đức công dân” và “đạo đức cách mạng”.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không đề cập những nội dung rộng lớn nói trên, chỉ xin mạnh dạn nêu một số suy nghĩ khi tìm hiểu tư tưởng của Bác Hồ về đạo đức mang tính nghề nghiệp của người làm công tác tổ chức, cán bộ.

Xã hội có nhiều nghề. Là người dân của một nước dân chủ thì phải có đạo đức công dân. Là người làm cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Làm nghề y phải có y đức, làm giáo viên phải có đạo đức sư phạm. Làm nghề tổ chức, cán bộ (tức nghề quản trị nhân sự) càng phải có đạo đức nghề nghiệp và phải được đào tạo, rèn luyện một cách nghiêm cẩn. Hồ Chí Minh không tách đạo đức ra khỏi chuyên môn (đức phải đi liền với tài) không tách đạo đức ra khỏi một con người cụ thể, trong một nghề nghiệp cụ thể. Người đòi hỏi phải “hồng thắm, chuyên sâu”, có đức phải có tài, có tài phải có đức.

Hơn bất cứ một nghề nghiệp nào, công tác tổ chức, cán bộ là một nghề khó khăn và phức tạp vì đối tượng lao động của họ là con người, có trí tuệ khác nhau, nguồn gốc gia đình, môi trường giáo dục, văn hóa khác nhau, có các mối quan hệ đa dạng và phức tạp đan xen, tác động qua lại, tổng hòa với nhau. Chính vì vậy mà người làm nghề tổ chức, cán bộ phải được chọn lựa cẩn thận, họ phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về chính trị học, tâm lý học, sinh học, xã hội học, văn hóa ứng xử và nhiều môn học khác của khoa quản trị nhân sự. Như vậy, đạo đức trong chuyên môn là một vấn đề phức tạp, bởi vì không vững về chuyên môn tự nó đã tạo ra sự thiếu hụt, thậm chí sai lầm trong ứng xử, đối với tổ chức và con người. Cách giải quyết đối với tổ chức và con người bản thân nó đã là một sự tổng hòa giữa khoa học và nghệ thuật, một loại hình khoa học và nghệ thuật mang tính nhân học, nhân văn và đạo đức sâu sắc.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu, người ta cũng có thể “bóc tách” để tiếp cận vấn đề, từ đó chỉ ra khía cạnh đạo đức mà người làm nghề tổ chức, cán bộ cần phải có.

Thứ nhất, công tác tổ chức, cán bộ là một nghề lao động đặc thù, thực chất là nghề quản trị nhân sự mà đối tượng lao động là con người (tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp, sử dụng, đãi ngộ, đánh giá, khen thưởng, xử phạt) vì một mục tiêu đã được xác định. Vì vậy, động cơ làm việc là điểm cốt yếu nhất của đạo đức nghề nghiệp tổ chức, cán bộ. Nếu dùng người với động cơ đúng (lợi ích của nhân dân, của dân tộc) thì nó sẽ trở thành triết lý nhân sinh, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động, ứng xử, đối đãi với người khác của người làm công tác tổ chức, cán bộ. Động cơ đúng sẽ là nội lực, thắp sáng tâm hồn và trái tim, dẫn dắt người cán bộ tổ chức, cán bộ giữ được tính đảng, tính nhân văn, tính công bằng, nghiêm chỉnh, độ lượng và bao dung đối với người khác vì sự nghiệp chung, vì nghĩa lớn chứ không phải vì sự nhỏ nhen, ác cảm, ích kỷ, tư túng, thành kiến, vùi dập. Một chân lý hiển nhiên: Dùng người vì lợi ích chung của dân tộc thì đó chính là đạo đức, là bí quyết thành công của nhà tổ chức.

Thứ hai, tôn trọng con người, trọng những người có năng lực và trung thực, tận tụy với công việc chung là điều nhất thiết phải có của người làm tổ chức, cán bộ.

Như trên đã nói, lao động nghề nghiệp của người làm công tác tổ chức, cán bộ là làm việc với con người, hoạt động của họ được đánh giá bởi sự phát huy mọi nguồn lực của tổ chức, là xây dựng văn hóa công sở, tạo ra sự đồng thuận, kích thích niềm phấn khích, khêu gợi lòng tự trọng, tự tôn của những người khác. Vì vậy, phải noi theo Hồ Chí Minh để luôn luôn chứng tỏ rằng mình là người trung thực, thẳng thắn, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng con người, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, niềm vui và cả nỗi khổ đau của người khác; làm sao để cán bộ, công chức trong phạm vi mình quản lý tin cậy rằng người làm công tác tổ chức, cán bộ là đại diện cho “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”, biết giải quyết công việc “có lý, có tình”, không máy móc, xa rời thực tế, không thành kiến, định kiến, không hững hờ vô cảm đối với số phận của mọi người. Người cán bộ tổ chức có trách nhiệm tuyển dụng, sắp xếp, phân công, đãi ngộ, đánh giá cán bộ, công chức cần phải công tâm, công minh, tuyệt đối không được phê bình, nhận xét bất cứ ai mà động cơ “không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”(1).

Điềm tĩnh, lắng nghe và khoan dung là đức tính rất cần phải có của người làm nghề tổ chức, cán bộ. Phải biết đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh cụ thể của cán bộ, công chức mà cân nhắc, đánh giá.

Nhưng để hiểu người thì trước hết phải tự hiểu mình, phải thường xuyên tự nghiêm khắc, tự kiểm điểm và tự đánh giá bản thân và phải tự sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”(2).

Thứ ba, phải giữ vững quan điểm khách quan, toàn diện và phát triển khi đánh giá, cất nhắc cán bộ. Cách chúng ta hiện nay vừa đúng nửa thế kỷ, Bác Hồ đã căn dặn: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy xem xét cán bộ quyết không nên chấp nhất vì nó cũng biến hóa. Thí dụ: Có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng nhưng sau này có thể phản cách mạng.

Một người cán bộ khi trước có sai lầm không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm nhưng chắc gì sau này không bị sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn luôn giống nhau.

Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ… Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”(3).

Để xem xét, đánh giá cán bộ đúng đắn, chính xác còn cần phải thường xuyên kiểm tra cán bộ, người đi kiểm tra phải rất trung thành, trung thực, Bác Hồ gọi là những cán bộ thật tốt.

Cất nhắc cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng, cần phải xét kỹ nhu cầu công việc và khả năng cán bộ. Trước khi cất nhắc cần theo phương pháp hệ thống, kết hợp cả lịch đại và đương đại, lý lịch phải rõ ràng, thành tích, ưu điểm, khuyết điểm, nhược điểm phải cụ thể, không nên nhận xét chung chung, mơ hồ; đặc biệt là phải xét thái độ tự giác và ý thức sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, phải đối chiếu lời nói với việc làm của họ, phải xem họ đối với cơ quan tổ chức, với cán bộ chuyên viên làm công tác tổ chức, cán bộ, với cấp trên, với cấp dưới và những người xung quanh thế nào. Khi đã quyết định cất nhắc rồi thì phải tiếp tục giám sát, giúp đỡ, thấy cán bộ có thành tích, ưu điểm thì phải đề xuất khen thưởng kịp thời, đúng mức, “thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay”(4), khuyên họ nghiêm túc sửa lỗi, tìm cách làm cho họ tiếp tục vươn lên. Qua thực tiễn, nếu thấy “việc to quá, họ làm không nổi, tốt nhất là đổi việc khác cho thích hợp với họ…”(5). Khi cán bộ có lỗi lầm, qua nhiều lần giúp đỡ, họ vẫn “chứng nào tật ấy” thì phải có hình thức kỷ luật thích đáng, nếu cần thì đề nghị cách chức nhưng tuyệt nhiên không nên điều chuyển vòng vo, bênh che, làm giảm tính uy nghiêm của kỷ luật đảng, làm như vậy không những người bị lỗi không tỉnh ngộ để hướng thiện hoàn lương mà còn làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự công bằng, chính trực của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, công tác cán bộ của chúng ta vẫn còn mắc khuyết điểm mà Hồ Chí Minh đã nhắc nhở từ đầu tháng 3-1947: “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm Đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật…”(6). Gần đây, việc công khai khuyết điểm của một số cán bộ và công bố hình thức kỷ luật đối với họ được dư luận trong cả nước đồng tình. Theo chúng tôi, Đảng lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, những người làm công tác ở các ban tham mưu của Đảng phải được chọn lựa cẩn thận, phải sàng lọc làm cho bộ máy tham mưu của cơ quan lãnh đạo các cấp thật trong sạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc”(7). Theo thiển nghĩ của chúng tôi, công tác nhân sự phải vì toàn thể, vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước chứ không thể vì lợi ích riêng cho một số người. Kỷ luật đảng càng nghiêm thì uy tín của Đảng càng cao. Đó là một điều hiển nhiên mà người làm tổ chức, cán bộ phải là người trước tiên nắm vững và thực hiện để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy.

Thứ tư, người làm công tác tổ chức, cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm bảo vệ chân lý, bảo vệ cán bộ tốt, dù người đó có những điều không phù hợp với mình, thậm chí người đó bị thủ trưởng, cấp trên thành kiến, trù dập. Người làm công tác tổ chức, cán bộ thường bị áp lực từ nhiều phía: Từ cấp trên, từ cấp ủy và thủ trưởng, từ sự thân quen (bạn hữu, họ hàng…) từ lợi ích cá nhân. Không phải là không có hiện tượng vì “con cháu các cụ cả” mà tuyển dụng, cất nhắc không đúng tiêu chuẩn, hoặc được bênh che, nâng đỡ, nhẹ tay… Người làm tổ chức, cán bộ là chiến sĩ tham mưu cho cấp ủy, cho thủ trưởng, phải có chính kiến, trong sáng, chính trực và trung thành với lý tưởng cách mạng, với nhân dân, với nhiệm vụ chiến lược của tổ chức. Dũng cảm và trung thực là đạo đức của người làm công tác tổ chức, cán bộ, dám bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người bị oan sai, quyết không thể yêu nên tốt, ghét nên xấu.

Người đời ai cũng có khuyết điểm, có sai lầm. Người làm công tác tổ chức, cán bộ không phải là thánh, họ cũng có đúng, có sai. Vấn đề là ở nơi động cơ, bản lĩnh, trí tuệ, biết lắng nghe, dám nhận khuyết điểm, mạnh dạn sửa chữa. “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”(8).

Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, cải cách hệ thống tư pháp và cải cách hành chính đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất là yếu tố con người, là chất lượng của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức mà trước tiên là ở chất lượng của cơ quan tổ chức, ở cán bộ, chuyên viên làm công tác tổ chức, cán bộ.

Sứ mệnh của công tác tổ chức, cán bộ là vô cùng to lớn. Vinh dự và trách nhiệm của người làm công tác tổ chức, cán bộ càng cao thì đạo đức của họ càng phải đúng đắn và mẫu mực. Họ đang thực sự là những chiến sĩ tham mưu và chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của đất nước ta.

____

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 5, tr.258. (2,3) Sđd, tr.278. (4,5) Sđd, tr.282. (6,7) Sđd, tr.73). (8) Sđd, tr.283.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024