Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/03/2013 09:03 # 1
tanphuong85
Cấp độ: 37 - Kỹ năng: 38

Kinh nghiệm: 142/370 (38%)
Kĩ năng: 98/380 (26%)
Ngày gia nhập: 19/01/2010
Bài gởi: 6802
Được cảm ơn: 7128
So sánh truyện Kiều của Nguyễn Du và Epsghenhi Oonheghin của Púkin


 

 

 

SO SÁNH HAI TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU VÀ EPGHÊNHI ÔNHÊGHIN CỦA A.X.PUSKIN VỀ MẶT CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT

 

TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG

 

          “Tất cả đều được nhận thức bằng so sánh”. Câu cách ngôn cổ đó đã trở nên phổ biến. Tất nhiên không phải tất cả mọi sự vật đều có thể đem ra so sánh được. Thật vô nghĩa khi chúng ta đem so sánh hai sự vật hoàn toàn chẳng liên quan gì với nhau, chẳng có một mối tương đồng nào cả. Tuy nhiên, khi sự so sánh là hợp lý và chính đáng, nó có thể trở thành phương tiện nhận thức thực sự, giúp người ta xác định  được chính xác tính chất về lượng cũng như về chất của các hiện tượng liên quan đến nhau và từ đó tìm ra những qui luật phát triển chung hay đặc thù.

          Nguyễn Du và Puskin là hai thi hào của hai dân tộc Việt  và Nga – hai dân tộc tuy ở rất xa nhau nhưng có số phận lịch sử rất giống nhau. Hai ông sống gần như cùng thời, và cùng cho ra đời hai tác phẩm truyện thơ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc: Truyện Kiều và Epghênhi Onhêghin. Tuy nhiên, việc so sánh hai tác phẩm vĩ đại của hai nền văn học khác nhau như Truyện Kiều và Epghênhi Onhêghin không phải là một việc đơn giản. Sự giống nhau và khác nhau ở đây hết sức phức tạp và tế nhị. Có thể nói rằng trong sự giống nhau có sự khác nhau, và ngược lại, trong sự khác nhau có sự giống nhau. Nếu nói khác nhau giữa Truyện Kiều và Epghênhi Onhêghin, giữa Nguyễn Du và Puskin thì thật không có gì khác nhau hơn thế nữa. Thế nhưng nhiệm vụ của nghiên cứu văn học so sánh lại là phải tìm ra sự giống nhau trong sự khác nhau đó, khi tìm ra sự giống nhau rồi lại phải tìm ra sự khác nhau, từ sự giống nhau và khác nhau như vậy phải rút ra được điều gì đó có ý nghĩa đối với tư duy khoa học, đối với sự cảm nhận và lý giải văn chương nghệ thuật và đối với xã hội, con người. Quả thật, đây là công việc không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố thử làm với mong muốn thông qua việc so sánh này xác định được vị trí của Truyện Kiều và của Nguyễn Du trong tiến trình phát triển văn học dân tộc và văn học thế giới, tức là có một cách tiếp cận khách quan tới Truyện Kiều trên bình diện văn học thế giới.

          Trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi không dám so sánh toàn diện hai tác phẩm, mà chỉ xin đi vào so sánh một khía cạnh nhỏ (nhưng thực ra cũng rất quan trọng vì nó chi phối toàn bộ nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm) –đó là so sánh cảm hứng nghệ thuật của hai tác phẩm.

          Nhà phê bình văn học Nga V.Biêlinxki trong một bài báo viết về sáng tác của Puskin đã viết: “Mỗi một tác phẩm nghệ thuật là thành quả của một ý tưởng mạnh mẽ chi phối nhà thơ” (1). Đó không phải là ý tưởng bất kỳ nào, mà là ý tưởng nghệ thuật – “không phải là một tam đoạn luận, một giáo điều, một luật lệ, đó là một sự say mê sống động, đó là cảm hứng nghệ thuật” (2).

          Cảm hứng nghệ thuật, cơ sở tinh thần thống nhất, nền tảng của lý tưởng thẩm mỹ của hai tác phẩm Truyện Kiều và Epghênhi Onhêghin là tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo. Nguyễn Du và Puskin thể hiện trong sáng tác của mình những quan niệm riêng về con người, nhưng đều có chung một “nỗi đau về con người” (từ dùng của Đôbrôliubôp) mà ở những mức độ khác nhau, nó thúc đẩy sự khám phá đặc điểm bi kịch của cuộc sống con người trong những điều kiện xã hội có áp bức bóc lột.

          Đau đớn thay phận đàn bà…

          Tiếng kêu thương cảm xót xa đó được thốt lên từ Truyện Kiều. Truyện Kiều là câu chuyện về số phận cay đắng bất hạnh của một phụ nữ, một con người tài sắc vẹn toàn nhưng lại bị vùi dập xuống tận cùng của sự đau khổ.

          Câu chuyện về cuộc đời chàng trai Epghênhi Onhêghin của Puskin cũng là câu chuyện buồn về số phận bất hạnh của một “con người thừa” trong xã hội Nga đầu thế kỷ 19.

          Nguyễn Du và Puskin đều là những thiên tài, những “nhà tiên tri” của thời đại, là những người có khả năng nhìn xa trông rộng và thấu hiểu hơn những người đương thời về những hiện tượng của cuộc sống và tái hiện chúng bằng nghệ thuật ngôn từ và bằng trái tim nồng hậu. Những người như vậy không thể không nhìn thấy hay bỏ qua số phận những con người bất hạnh trong xã hội mình đang sống.

          Xã hội Nga và xã hội Việt cuối thế kỷ 18 –đầu thế kỷ 19 khác nhau rất nhiều do những đặc điểm phát triển lịch sử dân tộc khác nhau, tuy nhiên có cùng điểm chung là đang ở thời kỳ mà chế độ phong kiến đã suy tàn, bộc lộ tất cả những cái thối nát, lạc hậu, phản động của nó, và vẫn đang là một lực lượng lớn cản trở tự do con người. Trong khi đó những mầm mống của chủ nghĩa tư bản đã nhen nhóm. Những quan hệ xã hội mới được hình thành trên cơ sở kinh tế hàng hoá đã phát triển ở chừng mực nhất định. Con người phải chịu thêm sức ép của một thế lực mới là thế lực đồng tiền. Trong xã hội Nga và Việt giai đoạn này diễn ra nhiều biến động sâu sắc: sự sụp đổ của ý thức hệ phong kiến thống trị, sự vùng dậy của quần chúng nhân dân bị áp bức. Cùng với những biến động đó, ý thức về cá nhân con người càng lúc càng rõ rệt hơn, thể hiện ở những khát vọng vươn tới tự do, thoát ra khỏi những ràng buộc của những thế lực áp bức để có được hạnh phúc. Văn học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lịch sử của thời đại, và người ta đã có thể nói đến các trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học Việt Nam và văn học Nga cuối thế kỷ 18- đầu thế kỷ 19. Vấn đề con người và xã hội được đặt ra. Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội là điều mà các nhà văn quan tâm tìm hiểu, khai thác và tìm cách lý giải. Nguyễn Du và Puskin gặp nhau ở chỗ nàt, tuy rằng mỗi nhà thơ có cách lý giải khác nhau do xuất phát từ những cơ sở tư tưởng thẩm mỹ khác nhau.

          Những trang tiểu sử của Nguyễn Du cho thấy ông xuất thân từ một dòng họ quý tộc danh vọng nhất từ thời Lê Mạt. Họ nhà Nguyễn Tiên Điền mấy đời ăn lộc vua, bản thân Nguyễn Du cũng từng làm quan cho nhà Nguyễn. Cuộc đời Nguyễn Du gắn với chế độ phong kiến, song nó cũng ba chìm bảy nổi. Là một nhà nho, tư tưởng của Nguyễn Du thuộc hệ tư tưởng phong kiến; song là một nhà văn, một con người, Nguyễn Du không thể không nhận thấy những cái thối nát của xã hội phong kiến và cảm thông với những số phận con người đau khổ trong xã hội đó. Nguyễn Du mang một tâm sự day dứt suốt cuộc đời và tâm sự đó bộ lộ trong thơ văn ông. Đó không phải là cảnh ngộ riêng tư, đó cũng không hẳn là tâm trạng hoài Lê, sự yêu mến hay chán ghét đối với triều đại này hay triều đại khác. Đó là nỗi đau đời và mong muốn đi đến một nhận thức có tính chất bản chất về xã hội. Nguyễn Du có thể có mâu thuẫn trong những khái quát triết lý của ông về xã hội, nhưng những hình tượng  nghệ thuật ông xây dựng thì lại rõ ràng sinh động, rất gần với chân lý cuộc sống.

          Đọc Truyện Kiều, đọc câu chuyện về cuộc đời Thuý Kiều, người đọc có thể hình dung ra bức tranh rộng lớn về thời đại Nguyễn Du đang sống, trong đó nổi bật lên sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là của người phụ nữ với sự áp bức của chế độ phong kiến trong lúc suy tàn.

          Hoài Thanh khi nói về bộ mặt xã hội phong kiến trong Truyện Kiều đã viết: “Tất cả những đau thương là vì đâu? Thuý Kiều và Nguyễn Du nói là vì số mệnh. Nhưng số mệnh ở đây lại hiện ra dưới hình thức những con người. Bọn người ấy khá đông. Đày đoạ Kiều không phải chỉ có một người như trường hợp Thạch Sanh hay Ngọc Hoa, Phạm Tải. Đày đoạ Kiều là cả một xã hội” (3).

          Vấn đề xung đột giữa cá nhân và xã hội được đặt ra, và Nguyễn Du rõ ràng đứng ra bênh vực con người, mà cụ thể là một người phụ nữ là Thuý Kiều. Là người thuộc tầng lớp quí tộc phong kiến, nhưng Nguyễn Du còn là một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Nhà văn ấy đã vượt lên trên những quan niệm của giai cấp mình khi phản ánh hiện thực con người và xã hội trong tác phẩm Truyện Kiều. Xã hội phong kiến bày ra trước mắt người đọc với tất cả những cái thối nát xấu xa từ trên xuống. Đầu truyện Nguyễn Du viết:

          Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.

          Nhưng sự thật bên dưới cái “phẳng lặng”, “vững vàng” ấy là cả một bộ máy quan lại thối nát. Vụ án nhà họ Vương thực chất là một vụ ăn cướp ban ngày dưới sự che chở của pháp luật nhà vua:

          Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Nguyễn Du thừa hiểu bản chất của sự việc:

          Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

          Rồi đến vị quan “công minh” trong vụ Thúc Ông kiện Thuý Kiều với cách xử lạ đời.

          “Một là cứ phép gia hình,

Hai là lại cứ lầu xanh phó về.

“Phép gia hình” đó được thi hành ngay vì quan không cần biết đầu đuôi sự việc, để thân Kiều đến nỗi:

          Phận đành chi dám kê oan

Đào hoen quẹn lá liễu tan tác mày.

          Một sân lầm cát đã đầy,

Gương lờ nước thuỷ mai gầy vóc sương.

          Phải chăng luật pháp của vua là sự tàn bạo như vậy đối với con người? Và cuối cùng đến Hồ Tôn Hiến, vị quan đại thần “kinh luân gồm tài”, đầy quyền lực, là đại diện cho cả triều đình, lại hoá ra là một kẻ tráo trở, ti tiện và hám sắc. Bên cạnh đám quan lại triều đình là một loại người tuy “thuộc dòng danh gia” nhưng gian ác tàn bạo như Hoạn Bà, Hoạn Thư. Xã hội phong kiến tiền tư bản còn sản sinh ra cả loạt lưu manh, lừa đảo, những bọn buôn người như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Hà, Bạc Hạnh… Tất cả bọn người trên xúm lại đày đoạ, chà đạp lên nhân phẩm của Kiều.

          Việc Nguyễn Du đưa hình tượng cô gái giang hồ vào tác phẩm như một nhân vật chính diện là một sự mạnh dạn, táo bạo trong bối cảnh đương thời. Chẳng thế mà Truyện Kiều từng bị xem là “yêu thư”:

          Đàn ông chớ đọc Phan Trần

Đàn bà chớ đọc Thuý Vân, Thuý Kiều.

          Nguyễn Du đã vượt lên trên những quan niệm lễ giáo phong kiến hà khắc để có một cái nhìn mới mẻ, tiến bộ về con người. Cô gái giang hồ Thuý Kiều là hiện thân của một số phận con người bị xã hội đoạ đày đau khổ. Cho dù Nguyễn Du tin vào chủ nghĩa định mệnh và lý giải mọi nỗi bất hạnh Kiều gặp phải là do số Trời đã định, nhưng giá trị tố cáo xã hội và bênh vực con người của Truyện Kiều là không thể phủ nhận. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du gởi vào đó tất cả tâm huyết của mình. Truyện Kiều không chỉ thấm mồ hôi lao động nghệ thuật của nhà thơ, mà thấm cả nước mắt.

          Tố Như ơi ! Lệ chảy quanh thân Kiều…

          Tố Hữu đã viết như thế và quả đúng như thế.

          Tuy nhiên, tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du không chỉ thể hiện ở những giọt nước mắt cảm thông, đau xót cho số phận con người mà còn ở chỗ ông nhìn thấy ở con người sức mạnh chiến thắng số mệnh. Đó là cái mà ông gọi là chữ TÂM.

          Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

          Thuý Kiều đã bị ghi tên trong sổ đoạn trường và bị đẩy vào kiếp trần ai. Suốt mười lăm năm lưu lạc với bao đau khổ tủi nhục, Kiều vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp, trong sạch trong tâm hồn, và thế là:

          Tâm thành đã thấu đến trời,

Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.

          Một niềm vì nước vì dân,

Am công nhắc một đồng cân đã già.

          Đoạn trường sổ rút tên ra…

          Nguyễn Du ton vào khả năng con người có thể làm thay đổi vận mệnh, dù niềm tin ấy còn nhuốm màu tôn giáo tâm linh, cũng như ông tin con người có trách nhiệm đối với hạnh phúc hay bất hạnh của chính mình. Khi bọn Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Hà, Bạc Hạnh.. bị Kiều xử tội, Nguyễn Du nói:

          Mấy người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.

          Tinh thần nhân đạo ở Nguyễn Du không khác xa mấy với tinh thần nhân đạo ở Puskin. Các nhà văn, nhà thơ vĩ đại đồng thời cũng là những nhà nhân văn. Tác phẩm của họ là sản phẩm của tài năng và của tình yêu đối với con người và cuộc đời.

          Trong Epghênhi  Onhêghin, Puskin cũng vẽ nên bức tranh xã hội đầy rẫy những xấu xa thối nát, những ngang trái bất công không kém xã hội Truyện Kiều. Puskin mô tả giới quý tộc Nga ăn chơi xa hoa phè phỡn. Đằng sau vẻ tráng lệ của những lâu đài, những vũ hội, những phòng trả, những rạp hát là cuộc sống vô nghĩa đầy những sự giả dối, ghen ghét đố kỵ. Bên trong những bộ quần áo sang trọng quý phái là những tâm hồn lười biếng trống rỗng, những trái tim lạnh lùng khô cứng. Đối lập với cuộc sống xa hoa nhàn hạ của giới quý tộc là cuộc sống lầm than khổ cực của những người nông nô. Đó là những cô gái hái trái cây ban đêm cho chủ, vừa hái vừa phải hát để khỏi ăn vụng trái. Đó là bà vú già cả cuộc đời không biết đến niềm vui, hạnh phúc và tình yêu…

          Cũng như Nguyễn Du, Puskin xuất thân từ tầng lớp quí tộc, nhưng khinh ghét những cái xấu xa của giới mình và có lòng cảm thông sâu sắc với người dân lao động. Thái độ trân trọng đối với phụ nữ và cảm thông đối với những phụ nữ bất hạnh là nét chung giữa Nguyễn Du và Puskin. Trong Truyện Kiều bao lần Nguyễn Du đã thốt lên những tiếng xót xa thương cảm nàng Kiều thì trong Epghênhi Onhêghin, Puskin cũng bao lần bày tỏ niềm cảm thông, thương xót nàng Tachiana. Quan niệm của hai nhà thơ về tự do và hạnh phúc, về đức hạnh của người phụ nữ rất gần nhau và có thể nói là tiến bộ so với đương thời. Hành động của Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến với Kim Trọng cũng như việc Tachiana viết thư tỏ tình với Onhêghin là những hành động vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến (của cả Nga lẫn Việt ) thời bấy giờ. Song cái nhìn của cả Nguyễn Du và Puskin đối với các hành động đó đều là cái nhìn đồng cảm cũng như khi họ tán đồng hành động “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ” của Kiều đối với Kim Trọng ở đoạn đoàn viên và việc Tachiana từ chốit ình yêu của Onhêghin để giữ lòng chung thuỷ với chồng. Trong xã hội còn nhiều luật khắt khe kìm hãm tự do của con người nhất là tự do yêu đương của người phụ nữ, sự đồng cảm đối với những hành động táo bạo, mạnh dạn nhưng xuất phát từ những tình cảm trong sáng, chân thật rất tự nhiên, rất con người như vậy là những biểu hiện của tinh thần nhân đạo mới mẻ so với đương thời ở cả hai tác phẩm Truyện Kiều và Epghênhi  Onhêghin.

          Như đã nói ở trên, Nguyễn Du nhìn thấy trong con người sức mạnh để chiến thắng định mệnh. Nói cách khác, ý thức về cá nhân con người và sức mạnh của nó đã rất rõ nét ở Nguyễn Du. Tuy nhiên ở Truyện Kiều nói riêng cũng như ở văn học cổ điển nói chung chưa có khái niệm về chủ nghĩa cá nhân như đã có ở trong Epghênhi  Onhêghin. Nguyễn Du và Puskin đều sống trong xã hội phong kiến tiền tư bản, nhưng giữa hai ông có sự khác nhau về ý thức hệ. Nguyễn Du là người thuộc ý thức hệ phương Đông. Là một nhà nho, Nguyễn Du nhìn con người trong sự ràng buộc của những nghĩa vụ. “Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân” (Nguyễn Công Trứ). Từ lúc rời lòng mẹ, con người đã có vua, có cha, và từ đó có nghĩa vụ đối với vua, cha, có trung, có hiếu. Nguyễn Du đã cho Kiều đôi lúc vượt rào lễ nghĩa để hành động theo những tình cảm tự nhiên của tuổi trẻ. Ông không vì đạo mà quên đời. Tuy nhiên ý thức về nghĩa vụ con người vẫn đóng vait rò quan trọng trong tác phẩm. Kiều được cứu thoát bởi vì:

          Tâm thành đã thấu đến trời,

          Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.

          Cái TÂM của con người, cái có khả năng giúp con người chiến thắng số mệnh trong truyện Kiều là việc làm tròn bổn phận của cá nhân đối với gia đình, đối với xã hội.

          Ơ phương Tây, chủ nghĩa cổ điển cũng đề cao lý trí, đề cao nghĩa vụ của con người. Trong các bi kịch cổ điển, các nhân vật thường được đặt vào tình huống phải đấu tranh giữa lý trí và tình cảm, giữa nghĩa vụ đối với vua, cha và tình yêu đôi lứa, và nhân vật thường phải đặt nghĩa vụ lên trên, hành động nhiều khi ngoài ý muốn của trái tim.

          Như vậy có thể nói văn học cổ điển của cả phương Tây lẫn phương Đông đều nhấn mạnh đến nghĩa vụ của con người, đề cao con người ở khía cạnh lý trí. Đó cũng là đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo của văn học cổ điển nói chung và của Truyện Kiều nói riêng.

          Khác với Nguyễn Du, Puskin tuy là quý tộc, nhưng lại chịu ảnh hưởng của những tư tưởng tư sản phương Tây. Puskin ra đời mười năm sau Cách mạng tư sản Pháp, đã tiếp thu tinh thần của cuộc cách mạng này, mà trước hết là tư tưởng về nhân quyền, về tự do của con người. Do vậy, ý thức về cá nhân trong Epghênhi  Onhêghin không phải là cá nhân bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ, mà là cá nhân với những quyền được hưởng, những niềm vui, hạnh phúc mà cuộc sống đem lại. “Tôi yêu”, “tôi muốn”, “tôi thích”… những từ đó lặp đi lặp lại trong tác phẩm như để nhấn mạnh cái tôi tự do và hưởng thụ.

          Puskin đề cao quyền của cá nhân được hưởng tự do và hạnh phúc, song ông cũng đồng thời ý thức được nguy cơ chủ nghĩa cá nhân huỷ hoại nhân cách con người đương thời như Onhêghin.

          Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đau xót cảm thông với số phận của cá nhân. Những đau khổ mà những người như Thuý Kiều phải chịu đựng là do ngoại cảnh gây nên. Con người là nạn nhân của những lực lượng bên ngoài, dù là định mệnh hay hoàn cảnh xã hội, và Nguyễn Du đứng ra bênh vực con người nạn nhân đó. Đó là đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo ở Nguyễn Du và Truyện Kiều.

          Chủ nghĩa nhân đạo của Puskin trong Epghênhi  Onhêghin lại có đặc điểm khác. Puskin cũng bênh vực con người và hạnh phúc của con người, nhưng con người đó lại không phải là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội như Thuý Kiều, mà trái lại còn được xã hội ưu ái, chiều chuộng. Puskin viết về Onhêghin.

          Nhưng thử hỏi Onhêghin vì thế,

          Hạnh phúc không hay đau khổ, chán chường,

          Khi có đủ tự do và tuổi trẻ,

          Và cuộc đời đầy khoái lạc, yêu thương?

          Nỗi bất hạnh của Onhêghin là do tự anh ta gây ra: tự anh ta đánh mất đi tình bạn, tự anh ta chối bỏ tình yêu để khi nhận ra thì đã quá muộn.

          Epghênhi  Onhêghin của Puskin đã miêu tả sự phá sản tinh thần của nhân vật Onhêghin, sư thu mình của anh ta trong lợi ích riêng tư, vị kỷ của mình. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ như một nét điển hình của các quan hệ xã hội và ý thức xã hội đã bị lên án, và đó chính là chủ đề nhân đạo của Puskin trong tác phẩm.

          Tóm lại, do chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du và Truyện Kiều còn ở trong phạm trù của chủ nghĩa nhân đạo thời đại phong kiến, trong khi chủ nghĩa nhân đạo của Puskin đã bước sang thời đại tư sản; cho nên trong Truyện Kiều sự giải phóng cá nhân chưa đi liền với sự tàn phá của chủ nghĩa cá nhân như trong Epghênhi  Onhêghin. Thuý Kiều là nạn nhân của xã hội, còn Epghênhi  Onhêghin là nạn nhân của chính mình. Xung đột cá nhân –xã hội trong Truyện Kiều diễn ra bên ngoài cá nhân, trong khi xung đột ở Epghênhi  Onhêghin diễn ra bên trong cá nhân. Đó là sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây, song đó cũng là sự khác nhau giữa chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản, dù rằng đó là cuối phong kiến và đầu tư bản.

          Cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa khác nhau như vậy dẫn đến nghệ thuật khác nhau giữa chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa hiện thực trong tất cả mọi phương diện của thi pháp. Kết luận của chúng tôi là: Truyện Kiều là đỉnh cao của nghệ thuật cổ điển phương Đông ở Việt Nam, là “tập đại thành” của văn chương cổ điển Việt Nam; trong khi Epghênhi  Onhêghin của Puskin là sự khởi đầu của chủ nghĩa hiện thực phương Tây ở Nga và cũng là đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật. Một bên là sự hoàn thành, một bên là sự bắt đầu, khoảng cách giữa chúng rất gần, đó là điều dĩ nhiên. Chủ nghĩa hiện thực của Puskin còn vương vấn rất nhiều yếu tố của chủ nghĩa cổ điển, trong lúc chủ nghĩa cổ điển của Nguyễn Du lại báo hiệu những mầm mống của chủ nghĩa hiện thực. Song dù sao đó vẫn là hai loại hình văn học khác nhau, hai loại hình thi pháp khác nhau về lịch sử.

          Theo chúng tôi, kết luận này có thể giúp cảm nhân tác phẩm một cách sâu sắc hơn, đồng thời cũng giải thích phần nào tại sao thế kỷ 19 của Việt Nam bắt đầu với Nguyễn Du và kết thúc với Nguyễn Đình Chiểu, trong khi thế kỷ 19 của Nga bắt đầu với Puskin lại kết thúc với Tônxtôi và Đôxtôiepxki. Rõ ràng Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục sự hoàn thành của Nguyễn Du, trong khi Tônxtôi và Đôxtôiepxki tiếp tục sự khởi đầu của Puskin. Với Nguyễn Du, một thời đại văn học đang kết thúc ở Việt Nam, với Puskin một thời đại văn học đang khởi đầu ở Nga.

          Dĩ nhiênở đâu cũng vậy, sự so sánh bao giờ cũng khập khiểng và không phải bao giờ cũng có lý, song chân lý tương đối bao giờ cũng có thể nảy sinh từ so sánh hợp lý và tế nhị, nhất là trong lĩnh vực so sánh văn học nghệ thuật.

 

Chú thích

(1)   (2) Biêlinxki V. G, Toàn tập tác phẩm, tập 6, tr. 257 (Bản tiếng Nga).

(3)  Hoài Thanh, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển IV. NXB Văn Sử Địa, 1959.

 

Nguồn: sưu tầm




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024