Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/03/2013 08:03 # 1
tanphuong85
Cấp độ: 37 - Kỹ năng: 38

Kinh nghiệm: 142/370 (38%)
Kĩ năng: 98/380 (26%)
Ngày gia nhập: 19/01/2010
Bài gởi: 6802
Được cảm ơn: 7128
Hồ Xuân Hương


 

HỒ XUÂN HƯƠNG

I.                   VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

 

Trong nền văn học Việt Nam, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà ngay cả các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu. Riêng về cuộc đời riêng tư của nhà thơ, cho đến nay vẫn còn là những dấu hỏi, chưa có một công trình nghiên cứu nào đáng tin cậy cả.

Trong phần mở đầu bài thơ Hồ Xuân Hương - người đó là ai, cố nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Trung Thông, nguyên Viện trưởng Viện Văn học vốn người xứ Nghệ, làng Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu đã viết:

Người ta nói nhiều về

Hồ Xuân Hương

Nhưng người đó là ai

Thật mỉa mai

Không ai biết rõ

Như có như không như không như có

Nàng ở làng Quỳnh

Nàng lại ở phường Khán Xuân

Mờ mờ tỏ tỏ...

Qua đoạn thơ trên, đủ thấy việc nghiên cứu, giới thiệu tiểu sử nữ sĩ họ Hồ quả là một việc phức tạp. Đó phải chăng cũng là một hiện tượng đặc biệt của nữ sĩ? mà giới nghiên cứu văn học nước nhà luôn luôn quan tâm trong nhiều thập kỷ.

Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mẹ bà là một cô gái nghèo xứ Bắc.

Cuộc đời riêng tư của nữ sĩ chịu nhiều đau khổ. Bà lấy chồng muộn, xây dựng gia đình nhưng chẳng mấy hạnh phúc - Cuộc hôn nhân (làm lẽ) với Tổng Cóc, một tên ác bá, ngu dốt, là một nỗi đau buồn của nhà thơ. Khi làm lẽ ông Phủ Vĩnh Tường cũng chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì hơn!

Hồ Xuân Hương là người phụ nữ thông  minh, có tài văn chương và rất có bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật.

II.                 TÁC PHẨM, CHỦ ĐỀ VÀ ĐỀ TÀI CHÍNH TRONG THƠ HXH

 

1.      Tác phẩm: thơ HXH chủ yếu lưu hành bằng truyền miệng, bà có khoảng 50 bài thơ Nôm đc lưu truyền cho đến nay, ngoài ra bà còn có một tập thơ chữ Hán mang tên “Lưu hương kí”

 

2.       Đề tài:

 

a.       Thơ tả cảnh, danh lam thắng cảnh Đàng Ngoài (đèo Ba Dội, hang Thanh Hóa, Kẽm Trống, động  Hương Tích, chùa Quán Sứ, Quán Khánh..)

b.      Thơ vịnh vật: những sự vật bình thường dung dị trong cuộc sống thường nhật đc bà đưa vào trong thơ như cái quạt cái giếng, quả mít, bánh trôi nước…

c.       Thơ kể việc: các sự việc, các sinh hoạt trong đời sống thường nhật như mời trầu, dệt cửi, đánh đu.

d.         Thơ vịnh người: các đối tượng mà HXH đưa vào thơ là sư sãi, nho sĩ, người phụ nữ bình dân, và chính bản thân tác giả

 

3.      Chủ đề:

a.      Chống phong kiến:  HXH tập trung phê phán đã kích bọn tu hành  sống trái tự nhiên, mất hết sinh khí (Vịnh sư, Sư bị ong châm, Kiếp tu hành) và mỉa mai châm biếm bọn nho sĩ mất hết phẩm chất, đạo đức (Mắng học trò dốt, Trách Chiêu Hổ). Trí thức nhà trường và trí thức nhà chùa là hai đối tượng bọ nhà thơ lên án mạnh mẽ

 

b.      Đề cao phụ nữ: bà có nhiều bài thơ đè cao vẻ đẹp cơ thể cũng như vẻ đẹp đạo đức phẩm hạnh tài năng của người phụ nữ (Mời trầu, đề đền Sầm Nghi Đống, Bánh trôi nước, Tranh tố nữ, Thiếu nữ ngủ ngày…)

 

c.    Lòng yêu đời của nhà thơ: đối với cuộc đời nhiều lúc HXH rất buồn (đc thể hiện qua các bài thơ khóc chồng như  khóc ông Phủ Vĩnh Tường, khóc Tổng Cóc) song HXH ko bất lực mà luôn vươn lên trong cuộc sống (Mời trầu, chùm thơ trách Chiêu Hổ)

 

III.             NGHỆ THUẬT THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG


Hồ Xuân Hương là một hiện tượng lạ trong suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam. Những vần thơ của bà là một sự pha trộn đầy mê hoặc giữa tính dân tộc và sự nổi loạn, giữa sự trào phúng lên đến cực điểm, cái nhìn mỉa mai chế giễu đầy ngạo mạn mà cũng lắm đắng cay với cái ý, cái tình nồng nàn, đằm thắm... Thơ của Xuân Hương in đậm dấu ấn cá nhân của bà - một cá tính mạnh mẽ và đặc sắc, một chuyện đời đầy long đong, thống khổ mà đến nay vẫn chưa ai làm rõ được.
 

Ngay từ khi còn cắp sách đến trường, Xuân Hương đã có khiếu trào lộng, hóm hỉnh. Một hôm Xuân Hương đến cổng trường chẳng may trượt chân ngã bổ chỏng, bị các bạn trai cười ầm lên, Xuân Hương tức khắc chữa thẹn bằng hai câu thơ:

“Giơ tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”.

Thơ Hồ Xuân Hương trước hết là tiếng nói nhân đạo và dân chủ, đòi quyền sống hạnh phúc cho người phụ nữ. Bà rất căm phẫn chế độ đa thê, và cực lực lên án nó như một tệ nạn vô nhân đạo:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng, 
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung…

Bà thường hướng ngọn bút sắc bén của mình vào trật tự phong kiến, vào những cái chướng tai gai mắt trong xã hội, từ vua chúa, quan lại đến các bậc “hiền nhân quân tử”; nhất là đám thầy tu giả hiệu và bọn văn nhân hay chữ dởm, đều không thoát khỏi tiếng cười hý lộng cay độc của bà.

Đặc biệt đối với bọn hay chữ dởm mà lại cứ làm bộ “thơ thẩn”, lắm khi còn đua nhau đề thơ làm bẩn cả di tích văn hóa Thăng Long, thì tiếng cười của “chị” Xuân Hương đã thực sự làm cho đối tượng mất mặt:

- Khéo khéo đi lũ ngẩn ngơ,
Lại đây cho chị dạy làm thơ.

- Ai về nhắn nhủ phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền

Ngoài tài thơ trào lộng, Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ trữ tình với những vần thơ sâu lắng, thiết tha, chan chứa tình yêu non sông đất nước và tình nhân ái đối với người phụ nữ bị áp bức. Trong lĩnh vực này, dường như Xuân Hương có ý muốn tôn vinh, muốn ngợi ca cái đẹp của người phụ nữ, cái đẹp trong trắng, hồn nhiên, như là một sản phẩm bất hủ của tạo vật, để nhằm chống lại những gì xúc phạm đến nó, và chà đạp nó. Bài Đề tranh Tố nữ, Bánh Trôi Nước là thuộc loại những thi phẩm như thế.

Mỗi nhà thơ ưu tú đều tiếp nhận ở truyền thống dân tộc những gì tâm đắc và phù hợp với cá tính sáng tạo của mình. Hồ Xuân Hương hình như thiên về phía tiếp thu tinh thần “phản phong” quyết liệt trong vốn văn hoá dân gian đương thời. Trong thơ của bà như có cả tranh Hứng dừa lẫn truyện Tiếu lâm, lẫn những vai hề chèo, như có cả những bức chạm khắc dân gian cùng loại

VẤN ĐỀ DÂM VÀ TỤC TRONG THƠ HXH

Ta có thể đưa ra ví dụ chứng minh cho vấn đề:

Bài thơ Quả mít:
Quả mít

Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy.
Quân tử có yêu thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.

Con ốc.

Thân em là con ốc nhồi
Đêm nằm trằng trọc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc..yếm
Xin đừng mó máy lỗ...trôn tôi

Vịnh quạt

Mười bẩy hay là mười tám đây
Cho anh yêu dấu chẳng rời tay
Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc
Rộng hẹp dường nào cắm một cây
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này.

 

 

NGÔN TỪ TRONG THƠ HXH

Có lẽ đây là mặt thành công nhất trong nghệ thuật thơ HXH, bà dùng nhiều biện pháp như chơi chữ nói lái, láy, ngoa ngữ…

 

Cái duyên ăn nói của XH thể hiện rất rõ trong những bài xướng hoạ với Chiêu Hổ - một cuộc xướng hoạ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn học Việt Nam:

Xướng (3)

Những bấy lâu nay luống nhắn nhe.
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè.

Chiêu Hổ hoạ lại

Hỡi hỡi cô bay tố hão nhe
Hão nhe không được, gậy ông ghè.
Ông ghè không được, ông ghè mãi,
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè.



“Nhắn nhe”, “rụt rè”, “gùn ghè”...những lộng ngữ (bỡn ngữ) rất linh hoạt và phóng khoáng, nó vừa là cái tài chữ của HXH, vừa là cái tình, cái tính không che đậy, úp mở nhiều của bà.
Hiếm có nữ sĩ trung đại nào lại yêu nhiều, yêu tha thiết cháy bỏng và mang tình yêu vào nhiều đến thế trong thơ như HXH. Đa tình, nặng tình nhưng lại phải chịu cảnh cô quạnh, lạnh lùng, HXH vừa yêu vừa ghét, mà yêu ghét đều mãnh liệt, lúc nào cũng chực muốn nổ tung ra. Có một HXH rất mực dịu dàng, đằm thắm trong “ Mời trầu” :

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi!


"Nho nhỏ", "hôi", rồi " thắm" , "bạc như vôi" , hiếm có bài thơ nào được Xuân Hương viết vơi lời lẽ nhũn nhặn, dịu dàng âu yếm như vậy. Nó là những lời từ đáy lòng, hết sức tha thiết, chân thành... Cũng có lúc Xuân Hương làm thơ để bộc lộ nỗi lòng của mình:

Tự tình bài 2
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.


"Trơ", "cái" gợi lên cái gì vừa đau đớn vừa mạnh mẽ trong tâm hồn Xuân Hương, nó vừa là cái nhìn mỉa mai, chua chát, vừa là yếu tố "nghịch di" đẩy cái đẹp của bản thân lên một tầm cao vừa nhận thức nỗi đau và ngay lập tức phản kháng lại nó trong chỉ một câu thơ cũng là nét riêng của Hồ Xuân Hương.

Đèo Ba Dội

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá sanh rì lún phún rêu.

 
HỒ XUÂN HƯƠNG LÀ NHÀ THƠ TRỮ TÌNH

Tiếng nói trữ tình trong thơ HXH là tiếng nói yêu đời và hận đời, là tiếng khóc lẫn trong tiếng cười, đồng thời tiếng nói trữ tình trong thơ cũng rất khỏe khoắn, lạc quan và đầy nhiệt tình ham sống

Xuân Hương đặc biệt khác, đặc biệt nổi trội so với những thi sĩ cùng thời chính bởi bản lĩnh, cá tính, là con người cá nhân nổi bật qua từng chữ, từng câu mà những Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, công chúa Lê Ngọc Hân và thậm chí cả những bậc nam nhi khác cũng không tài nào có được. Như ai đó đã nói, ở Hồ Xuân Hương, chúng ta thấy sự nổi loạn. Chính sự nối loạn, chính cái đa đoan lệch chuẩn ấy làm cho Hồ Xuân Hương trở thành kì nữ. Chuyện đời của bà cũng bình thường thôi, không phải hiếm gặp. Nhưng chính vì con người XH quá cứng đầu, quá cách mạng mà cái chuyện bình thường nhiều người cùng thời với bà gặp phải, với bà lại trở thành một bi kịch lớn. Cũng trong bài tự tình đã dẫn ở trên, ta thấy cái năng lực bứt phá, một khát vọng giải phóng đang bừng bừng như sắp đến hòi nổ tung trong những chữ: "xiên ngang", "đâm toạc". Xuân Hương thổi vào sự vật khát vọng của chính bản thân mình, và vì thế, dẫu phải chịu cảnh lẻ loi, quạnh quẽ, ta vẫn thấy Xuân Hương không hề yếu đuối, đơn độc.
Không phải thi sĩ nào, văn nhân nào cũng thẳng thắn, mạnh mẽ được như ngưồi đàn bà Xuân Hương. Bà mỉa mai, chỉ trích giới nho sĩ bấy giờ, những kẻ quân tử dởm chỉ thích khoe chữ và ra vẻ ta đây biết nhiều. Bà không ngần ngại gọi chúng là "phường lòi tói", là "dê cỏn", "ong non". Bà cho mình cái quyền đứng trên hạng tiểu nhân ấy một bậc mà xưng "chị" với chúng. Bà còn mỉa mai bọn quan thị, sư sãi, lính tráng...bằng những câu chứ thật sắc sảo, " nói đâu trúng đấy". Hãy xem cách Xuân Hương chế giễu bọn sư sãi :

Sư hổ mang
Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lốc, áo không tà.
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,
Vải núp sau lưng sáu bảy bà.
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm choẹ,
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha.
Tu lâu có lẽ lên Sư cụ,
Ngất nghểu toà sen nọ đó mà.


So với Xuân Hương thì Nguyễn Khuyến vẫn còn là hiền lành :

Đầu trọc lóc bình vôi
Nhảy tót lên chùa ngồi
Y a kinh một bộ
Lóc cóc mõ ba hồi
Cơm chẳng cần cá thịt
ăn rặt oản chuối xôi
Không biết câu tình dục
Đành chịu tiếng mồ côi.


Xuân Hương cũng là người tự do phóng khoáng, ham du ngoạn, đi đến đâu cũng để lại thơ từ. Cách nhìn nhận sự vật của Xuân Hương cúng thật khác so với người cùng thời, bởi thế mà trong việc dùng từ, bà đã chọn lối đi thẳng trực tiếp vào cảm giác, chứ không chỉ loanh quanh vòng vèo như hầu hết các thi sĩ trung đại khác... Điều này mang lại tính chân thực trong ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương mà ta có thể thấy rất rõ qua các bài "Hang cắc cớ", "Hang Thánh Hoá'', "Cảnh thu"... Cũng bởi vậy mà Xuân Hương có một chỗ đứng đặc biệt trong văn học Việt Nam: Xuân Hương là một nhà cách mạng.
Có thể thấy, với Hồ Xuân Hương, thơ là con người, là cuộc đời, là chân dung đặc sắc nhât của bà mà ngày nay ta còn tìm thấy được. Và, thế hệ nối tiếp thế hệ, qua nhiều thế kỉ, nhiều thăng trầm biến cố, thơ bà đã theo cuộc đời đến với chúng ta, để tạc vào lịch sử bức chân dung của một kì nữ, một hiện tượng thơ độc đáo và nổi trội bậc nhất của VH VN trước kia và cả sau này. Có mấy ai làm được như Hồ Xuân Hương, để lại cho nhân gian chân dung của chính mình trong những bài thơ; có mấy ai như Xuân Hương, trải qua mấy thế kỉ vẫn là người đàn bà hừng hực nhựa sống để biết bao người ngưỡng vọng? Phải chăng vì như Xêđrin : “ Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.”?

IV.             KẾT LUẬN

Thơ HXH là tiếng nói giải phóng tình cảm cá nhân con người chống lại chủ nghĩa cấm dục của Nho giáo , chủ nghĩa diệt dục của phật giáo và chủ nghĩa tiết dục của Đạo giáo

Mặt mạnh, đồng thời cũng là mặt chưa mạnh trong thơ HXH chính là bản năng, con người bản năng, nhu cầu trần thế là những vấn đề nổi bật trong thơ bà




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024