Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/08/2013 20:08 # 1
nguyenthang_ktr
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 180/300 (60%)
Kĩ năng: 148/210 (70%)
Ngày gia nhập: 06/10/2011
Bài gởi: 4530
Được cảm ơn: 2248
Quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Một di sản sống trong cấu trúc đô thị phát triển


qh2-001

Từ làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) tháng 5 năm 2013 đến phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) tháng 7 năm 2013… lần lượt người dân xin trả lại danh hiệu: Di tích quốc gia !?. Thật hy hữu!Nhưng tại sao? Nguyên nhân từ đâu…? Có phải do công tác quy hoạch bảo tồn, cách tiếp cận hay cơ chế chính sách, mô hình quản lí còn bất cập…? Hay tại người dân không thể sống nổi bằng di sản? Bài học từ phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng sau sự kiện “đình đám” trả lại danh hiệu Di tích quốc gia (năm 1997) nay đã trở thành mô hình thành công nhất trong nước và có tiếng vang quốc tế về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản có làm cho chúng ta quan tâm, suy nghĩ đối với trường hợp làng cổ Đường Lâm hay phố cổ Đồng Văn?

Từ bao đời nay cuộc sống của người Việt Nam đã gắn bó với làng quê. Hình ảnh làng quê Việt Nam với luỹ tre xanh, cây đa, giếng nước, sân đình… đã trở nên rất quen thuộc trong tình cảm mỗi người dân. Và đằng sau sự yên bình, êm ấm của làng là một bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống linh thiêng và tự hào.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, làng cổ Việt Nam thường được tổ chức theo huyết thống, địa bàn cư trú nên tính cộng đồng và tự trị rất cao. Cộng đồng dân cư này đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong “một vương triều” thu nhỏ với “luật pháp riêng” được gọi là hương ước và luật tục với Hội đồng kì mục là cơ quan lập pháp; Lí dịch là cơ quan hành pháp. Sự can thiệp của Nhà nước phong kiến, thông thường, không làm ảnh hưởng nhiều đến tổ chức của làng. Bởi, “phép vua thua lệ làng”…

Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là một làng cổ điển hình như vậy. Trải qua bao thăng trầm, Đường Lâm cơ bản giữ được cấu trúc của một ngôi làng cổ, đậm bản sắc của một làng thuần nông và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước đặc sắc Việt Nam. Với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, với những ngõ xóm, đường làng, tường đá ong, mái ngói và những công trình kiến trúc cổ xưa… Đường Lâm, mảnh đất hai vua như báu vật hiếm của một quá khứ vàng son trong quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước hôm nay.

Mảnh đất Đường Lâm đã sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây dựng chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phan Kế Toại, hoạ sĩ Phan Kế An…

Không gian nhà cổ với nghề làm tương truyền thống, Mông Phụ, Đường Lâm

Không gian nhà cổ với nghề làm tương truyền thống, Mông Phụ, Đường Lâm 

Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề, gắn kết nhau tạo nên một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng có từ xa xưa nhưng vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Theo số liệu thống kê, Đường Lâm có khoảng 956 ngôi nhà truyền thống (nhà cổ). Trong đó làng Đông Sàng có 441 ngôi, làng Mông Phụ có 350 ngôi và làng Cam Thịnh có 165 ngôi. Có nhiều ngôi nhà đã được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850…). Trong số 8 di tích lịch sử – văn hóa ở Đường Lâm có 2 di tích là đình Mông Phụ và chùa Mía được Nhà nước xếp hạng loại di tích đặc biệt. Đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684, là ngôi đình đặc trưng đại diện cho đình Việt truyền thống. Chùa Mía cũng có những nét đặc biệt riêng về tổ chức mặt bằng, công trình kiến trúc. (Hiện chùa có 287 pho tượng, trong đó có 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng làm từ đất sét). Cấu trúc làng cổ Đường Lâm có những nét riêng, được hình thành dựa trên cấu trúc hệ thống đường xương cá đặc biệt của làng. Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Cổng làng Mông Phụ cũng là một điểm đặc biệt của Đường Lâm. Nó không giống với các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ do chỉ là một ngôi nhà hai mái dốc, không có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò như các cổng làng khác. Cổng làng Mông Phụ nằm dưới bóng cây đa khổng lồ đã 300 năm tuổi, ngay trên đường vào làng. (Rất ấn tượng !).

Qua những đợt khảo sát nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và Cục Tài sản văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Showa – Tokyo đã xác định đây là địa danh mang giá trị đặc trưng của một ngôi làng Việt cổ cần bảo tồn. Và, nếu coi phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An là bảo tàng lối sống đô thị, thì làng cổ Đường Lâm là bảo tàng của lối sống nông thôn, lối sống nông nghiệp. Đây có thể xem như một không gian sống truyền thống của cư dân nông nghiệp chưa bị tác động nhiều của lối sống đô thị hóa.

Vậy mà, gần đây người dân làng cổ Đường Lâm cũng giống như dân phố cổ Hội An (Quảng Nam) năm 1997 lại có đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia quý báu này. Thật hi hữu! Nhưng tại sao? Nguyên nhân từ đâu…? Có phải do công tác bảo tồn, cách tiếp cận hay cơ chế chính sách, mô hình quản lý cũng bất cập? Hay tại người dân không thể sống nổi cùng di tích? Theo báo cáo của Chủ tịch thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng, 5 năm qua, xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở, thanh tra xây dựng đó lập biên bản vi phạm và đình chỉ xây dựng 94 hộ. Đầu năm 2013, do sự buông lỏng quản lý ở các cấp nên nhiều hộ dân lại tự ý xây dựng khi chưa có thỏa thuận, xây sai quy định. UBND thị xã đã chỉ đạo xã Đường Lâm kiểm điểm, đồng thời có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân xây dựng sai quy định. Việc này là “Giọt nước tràn ly” đã làm nảy sinh bức xúc của một số hộ dân trong diện bị xử lý, dẫn tới viết đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia.

Hãy nhớ rằng, làng cổ Đường Lâm, cũng như phố cổ Đồng Văn, Hội An… đang, luôn là một bộ phận cấu thành/một “di sản sống” trong cấu trúc đô thị phát triển và còn tiếp tục sống, tiếp tục phát triển. Bởi vậy, cũng giống như phố cổ Hội An, phải chọn được phương pháp luận bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản Đường Lâm một cách “khôn ngoan” để người dân sống được cùng di sản và di sản ngày càng được tôn vinh một cách xứng đáng trong hệ thống giá trị của dân tộc và trường tồn mãi với thời gian.

Điệp khúc mái nhà trong một cụm di tích

Điệp khúc mái nhà trong một cụm di tích 

Kể từ những năm 80 của thế kỉ XX, thuật ngữ “phát triển” đã trở thành biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế. Bước đầu của giai đoạn này chỉ quan tâm đến vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường mà thiếu sự quan tâm đến vị trí, vai trò văn hóa của các dân tộc trong phát triển kinh tế – xã hội. Điều đó làm nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ tới thành tựu thu được từ cải cách, phát triển kinh tế. Đó là dấu hiệu việc cảnh báo về sự cần thiết phải lưu ý đến đặc điểm văn hóa, tính riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hay mỗi vùng châu lục. Từ đó, để khuyến khích sự phát triển có hiệu quả và bền vững, các chính sách phát triển luôn đề cập đến các yếu tố văn hóa, truyền thống. Một kết quả tích cực là nhận thức và thái độ ứng xử của các cộng đồng đối với các giá trị văn hóa của họ và văn hóa được coi như nguồn nội lực có tiềm năng kích thích sự phát triển.

Đặc biệt còn có một số chuyển biến quan trọng trong suy nghĩ về khái niệm di sản văn hóa mà điều đó có ảnh hưởng rất quan trọng đối với công tác bảo tồn. Một chuyển biến đã được tuyên bố rất rõ ràng trong báo cáo của Hội thảo tháng 2 năm 2000 ở Narra, Nhật Bản. Mục tiêu hiện nay không chỉ còn hạn chế ở góc độ bảo quản di sản như những đồ trang sức hoặc là nhân chứng của trí tuệ nhân loại trong quá khứ mà quan trọng hơn là làm cho chúng trở thành một phần của cuộc sống hôm nay.

Với làng cổ Đường Lâm, hay với bất cứ một di sản sống nào, phương pháp tiếp cận, nhất là tư duy lãnh đạo trong công tác qui hoạch bảo tồn, phát huy giá trị cần thiết phải tôn trọng nhận thức của văn kiện Narra, cần gắn bảo tồn với phát triển và ngược lại. Di sản phải là một phần của cuộc sống đương đại. Phải chuyển phương pháp tiếp cận từ thụ động sang chủ động. Những cách tiếp cận thụ động hay gọi là phương pháp bảo tồn đối với quản lí công trình di sản bao gồm gìn giữ, duy trì, bảo tồn và trùng tu. Những phương pháp tiếp cận này nhằm chỉ để tạo nên những thay đổi rất nhỏ đối với các di sản hoặc khu vực di sản. Và thực tế đã để lại cho Đường Lâm những vấn đề bất cập nảy sinh trong thời gian vừa qua…Cách tiếp cận chủ động hơn bao gồm tôn tạo, cải tạo và tái phát triển. Cách tiếp cận này nhằm nâng cấp và thay đổi tình trạng của di sản phù hợp với nhu cầu phát triển chung: (1) Đưa những công trình lịch sử và những khu vực phụ cận trở lại với đời sống và các hoạt động bằng cách nâng cấp tình trạng di sản (tôn tạo); (2) Xây dựng cải tạo chỉnh trang lại một khu chức năng được tiến hành bởi chính quyền đô thị (cải tạo);  (3 )Khôi phục lại những khu vực đã bị đổ nát, suy thoái (tái phát triển)…

Thời gian vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã bàn thảo nhiều vấn đề về quản lý và bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Sở Quy hoạch Kiến trúc đang khẩn trương thẩm định quy hoạch xã Đường Lâm để trình UBND phê duyệt. Sở Kế hoạch Đầu tư phải thẩm định dự án giãn dân làng cổ và Sở Xây dựng ra quy định cho phép thị xã Sơn Tây thỏa thuận xây dựng để tạo điều kiện cho người dân sửa chữa, xây dựng nhà ở. Đặc biệt, thành phố sẽ dành một nguồn kinh phí bảo tồn, tu bổ một số ngôi nhà có giá trị lớn.

Tuy nhiên, về qui hoạch, cần thiết phảỉ xác định được tầm nhìn, mục tiêu quy hoạch; xác định được các chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị. Phải xác định được ngưỡng quy mô dân số mà khả năng khu vực di sản có thể dung nạp, chịu tải để có kế hoạch giãn dân hiệu quả. Phải phân định được các vùng theo cấp độ bảo tồn, khả năng can thiệp, kiểm soát phát triển, đảm bảo thực hiện tầm nhìn, mục tiêu quy hoạch đã đề ra. Xây dựng các giải pháp kết nối về không gían, thực hiện việc bảo tồn một cách liên tục theo sự phát triển chung của khu vực (của môi trường xung quanh di sản). Xây dựng các quy định quản lý, kiển soát phát triển về quy hoạch, kiến trúc cho từng vùng, từng khu vực cụ thể; các hướng dẫn về thực hiện quy hoạch, phát triển kiến trúc (như có các mẫu nhà cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới phù hợp với khu vực di sản); các yêu cầu quản lý, khai thác… Các cơ chế, chính sách và các dự án chiến lược ưu tiên đầu tư (như giãn dân, dành kinh phí để bảo tồn, tu bổ các công trình di sản có giá trị…). Trên cơ sở có sự tham gia bình đẳng, khách quan của cộng đồng. Chủ động tạo thêm các sản phẩm du lịch, việc làm cho người dân sống trong khu vực di sản. Tất cả các công việc này phải có sự đồng thuận của người dân và người Đường Lâm phải làm chủ, phải trở thành chủ nhân thật sự của khu vực di sản, phải sống được bằng di sản… Có nghĩa là quy hoạch phải có tính khả thi… Đồng thời phải xây dựng được mô hình quản lý  linh hoạt, đủ mạnh phù hớp với một “Di sản sống” trong cấu trúc đô thị phát triển… Và những người quản lí phải có Tâm, đủ Tầm như ở phố cổ Hội An vậy.

Phải chọn được phương pháp luận bảo tồn, tôn tạo, phát huy gía trị khu di sản Đường Lâm một cách “khôn ngoan” để người dân sống được cùng di sản, và di sản ngày càng được tôn vinh một cách xứng đáng trong hệ thống giá trị của dân tộc và trường tồn mãi với thời gian. Di sản phải là một phần của cuộc sống đương đại.

TS.KTS Trương Văn Quảng – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị & Nông thôn – BXD

Theo Kientrucvietnam

 



Nguyễn Anh Minh Thắng- K17 KTR3
Gmail: nguyenthang1593@gmail.com

...

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm 1 ngày sống để yêu thương!!!

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024