*Bài viết không khuyến khích các bạn bỏ học.
Thay vào đó, dưới đây sẽ là những đề xuất về phương pháp học nào hiệu quả, tiết kiệm tối đa thời gian và phương pháp nào đang bào mòn năng lượng, trí nhớ của bạn. Nhưng nhớ, mỗi con số dưới đây là nói về thói quen bạn nên bỏ nhé.
1. Quên đặt mục tiêu và kế hoạch một cách cụ thể nhất.
Tất nhiên bạn sẽ không muốn cảm thấy việc học như vô tận, và gồng lên mỗi ngày để cố gắng vượt qua nó. Cho nên, có cho mình một mục tiêu về việc nắm giữ một lượng kiến thức nhất định là rất quan trọng. Bởi vì bạn cần phải biết rõ nơi mình muốn đến thì mới có thể sắp xếp và lên kế hoạch để chạy đến đó được.
Cách để bắt đầu đặt cho mình một mục tiêu đó là liệt kê ra thành từng gạch đầu dòng các nội dung mà bạn muốn học. Từ đó, lên kế hoạch theo ngày và tuần để hoàn thành từng cái gạch đầu dòng mà bạn đã viết ra ở trên.
2. Multitasking (thói đa nhiệm)
Đó là hành động cố gắng để làm nhiều việc nhất có thể. Chẳng hạn như, bạn vừa nghe bài giảng, vừa đọc sách; vừa học bài vừa nghe nhạc có lời... Có quá nhiều sự xao nhãng cùng một lúc ở đây, và dù bạn tự cho rằng bản thân có thể multitasking để tối ưu hóa thời gian làm việc của bạn thì thực chất, bạn chỉ đang cố gắng chuyển từ làm việc này sang việc khác một cách nhanh nhất. Cũng có nhiều dẫn chứng đã cho rằng bộ não chúng ta KHÔNG THỂ xử lý được nhiều thông tin cùng một lúc. Vậy nên khi bạn duy trì thói đa nhiệm, bộ não của bạn sẽ kiệt sức nhưng kết quả mà bạn có được cũng chẳng tốt đẹp gì.
Phương pháp thay thế tốt nhất là single tasking (đơn nhiệm). Tập trung hoàn thành 1 công việc trong 1 khoảng thời gian cố định. Việc tập trung hoàn thành 1 thứ sẽ khiến bạn bất ngờ hơn về tốc độ làm việc của mình. Và hãy tập học bài trong 1 không gian yên tĩnh, hoặc, nghe nhạc không lời để tránh bị phân tâm. Hoặc nếu bạn muốn tìm hiểu sâu và khắc phục hoàn toàn thói đa nhiệm này bạn có thể xem qua video “CHẤM DỨT HẲN chứng MẤT TẬP TRUNG và SUY NGHĨ LAN MAN” của ông Quéo
3. Phương pháp học “bị động”
Đọc lại, chép lại nguyên mẫu, chép đi chép lại nhiều lần... Việc làm này khá là đơn giản đúng không? Nhưng đó mới chính là vấn đề, hành động này là đang luyện bộ não của bạn chỉ thích ứng với việc giải quyết một số vấn đề có trong bài vở và chỉ ghi nhớ được một lượng thông tin nhất định. Hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác: “Sao cái từ này quen quen, nhưng mà mình không nhớ rõ nó nghĩa là gì...” thì đó chính là hậu quả của phương thức học bị động.
Học bị động không xấu, nhưng bạn không thể vì thấy cách học này dễ mà lạm dụng nó. Vì vậy, hãy phối hợp thêm với các cách học chủ động khác, chẳng hạn như flashcard, dạy cho bạn bè, mindmap, và làm bài tập.
4. Chỉ làm bài nào dễ
Chỉ làm những bài nào mà mình chắc chắn biết làm và không buồn bỏ một chút nỗ lực vào những bài mới hoặc bài nâng cao. Việc làm này chỉ tốn thời gian của bạn, và nó không khác gì bản thân đang trốn tránh những thiếu sót của chính mình.
Vậy nên việc bạn cần làm thay vì cắm mặt vào các bài dễ là nhận diện những thiếu sót của mình và bắt tay vào cải thiện chúng. Còn làm thế nào để nhận ra được những điểm yếu của mình? Cứ làm thử 1 bài test đi rồi bạn sẽ biết ngay thôi.
5. Học ngay trên giường
Khoa học đã kiểm chứng rằng, khi con người tiếp thu một lượng kiến thức mới và thực hành chúng ở cùng một vị trí, cùng 1 lớp học trên cùng 1 cái bàn, bạn sẽ làm tốt hơn. Và dù bạn cho rằng bản thân có thể tập trung tốt khi học ở trên giường, sự thật là cơn buồn ngủ sẽ chẳng bao giờ tha bạn.
Đề xuất ở đây là bạn nên tạo một góc học tập lý tưởng cho riêng mình. Vừa thoải mái vừa tạo dựng được năng suất làm việc và tránh xa các thiết bị điện tử để tập trung một cách tối đa. Một góc học tập thoải mái sẽ giúp bạn có hứng thú để ngồi vào bàn và học hơn.
6. Từ chối nhận sự giúp đỡ.
Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy tuyệt vời nếu tự bản thân học được một kiến thức mà tự giải quyết được bài tập bằng sách và Google. Nhưng có một số kiến thức bạn không thể có được nếu chưa có kinh nghiệm, và tất nhiên Google không thể nào miễn phí mách cho bạn được, thì việc nhận sự giúp đỡ từ ai đó là rất cần thiết. Trao đổi với giáo viên, bạn bè và học nhóm... việc tương tác phản biện lẫn nhau và có những góc nhìn đa chiều về kiến thức đó sẽ khiến bạn nhớ lâu hơn và mở rộng tầm nhìn của mình.
Quy tắc ở đây là nếu bạn bị kẹt ở một bài tập quá 15 phút, hãy mở miệng và đi hỏi ngay. Và chẳng có gì phải xấu hổ khi nhờ vả người khác cả, bất kể là nhà khoa học, người đoạt giải Nobel hay giảng viên và tiền bối của bạn, đều sẽ gặp vấn đề về bất kỳ một kiến thức nào đó thôi.
Well, nếu như bạn nhận thấy bản thân vẫn còn đang tồn tại những thói quen xấu trên thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy bắt đầu sửa đổi chúng, từng bước, từng bước một, và bạn sẽ làm được. Chúc các bạn thành công!