Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/12/2011 00:12 # 1
phimanh
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 5/10 (50%)
Kĩ năng: 4/10 (40%)
Ngày gia nhập: 09/12/2011
Bài gởi: 5
Được cảm ơn: 4
Tính Chất Của Nhân Quả – Quy Luật Của Cuộc Sống


 



Quy luật của cuộc sống không khác gì tính chất của nhân quả. Hiểu rõ tính chất của nhân quả chính là hiểu rõ quy luật của cuộc sống.

 

Để hiểu rõ nhân quả trong cuộc sống chúng ta hãy nhìn cây thảo mộc thì sẽ hình dung ra được ngay được nhân quả của con người không khác gì nhân quả của thảo mộc. Tính chất của nhân quả con người không khác gì tính chất của nhân quả của thảo mộc, bởi vì thảo mộc, con người và muôn vàn vạn vật khác trong cuộc sống đều có đồng tính chất, chỉ cần chịu khó để tâm quan sát thì sẽ dễ dàng nhận ra những quy luật chung của cuộc sống.

 

•           Một nhân cho ra nhiều quả.

•           Một quả có nhiều nhân.

•           Quả bao giờ cũng lớn hơn nhân nhiều lần.

•           Nhân quả của mỗi cây khác nhau.

•           Nhân nào quả đó.

•           Nhân quả là vô thường.

•           Sự tương ưng tái sinh của nghiệp báo nhân quả.

•           Nhân quả có thể chuyển hóa được.

 

1.            Một nhân cho ra nhiều quả.

Khi gieo một hạt giống xuống đất, chúng ta gặt hái được rất nhiều hoa, quả, củ, trái.

 

Con người cũng vậy khi gieo một nhân trộm cắp, chính người đó sẽ gặt hái được rất nhiều hậu quả như: bị đuổi rượt, bị truy nã, bị đánh đập, bị bắn giết, bị ngồi tù, bị ức hiếp, bị tra tấn, bị người đời khinh thường, bị người nhà xa lánh, bị lý lịch xấu, khi ra tù khó xin việc làm, v.v…

 

2.            Một quả có nhiều nhân.

Trong trái đu đủ có hàng trăm hạt, trái ớt cũng có rất nhiều hạt, tuy nhiên cũng có vài quả có một hạt như quả xoài, v.v…

 

Con người khi bị nhân quả tới thăm, thường phản ứng lại rất nhanh. Ví dụ khi bị quả có người đánh mình, người bị đánh giận nóng mặt lên, nói những lời nói hung dữ, nạt nộ nhau, tìm cách trả thù, đánh nhau, chém giết bắn nhau,v.v…hoặc nhẫn nhịn, thương yêu tha thứ bỏ qua, nói lời nói xin lỗi, v.v… Những phản ứng đó chính là những nhân mới từ một quả bị người đánh đập.

 

3.            Quả bao giờ cũng lớn hơn nhân nhiều lần.

Đúng vậy trái quả nào cũng lớn hơn rất nhiều lần hạt gieo xuống đất từ 10, 100 hay 1000 lần.

 

Nhân quả của con người cũng như vậy, không phải khi chúng ta gieo nhân trộm cắp  người khác 1 đồng thì sẽ bị người khác trộm lại 1 đồng. Trái lại có khi chúng ta bị người khác trộm lại vật nào đó có giá trị gấp rất nhiều lần. Khi đánh một người một cái, người đó sẽ bị đánh trả lại không phải chỉ một cái mà có khi bị đánh túi bụi bầm dập,v.v…

 

4.            Nhân quả của mỗi cây khác nhau

Thời gian cây thực vật cho ra trái, quả, củ rất khác nhau, có khi chỉ trong một ngày (cây giá từ hột đậu xanh), có khi trong vòng vài ngày, vài tháng,…cho đến vài năm (cây lan, cây mai, cây ớt, cây đu đủ, cây lúa, cây xoài,…).

 

Nhân quả của con người cũng vậy, có người gieo nhân thì gặt quả ngay như khi đánh người thì bị người đánh lại ngay, có khi đến vài tháng, vài năm cho đến vài chục năm.

Có người đặt câu hỏi tại sao những người tham ô của cải nhà nước lại càng ngày càng giàu, không thấy bị quả báo. Đó là vì phước báu thiện của họ vẫn còn, đến khi phước báu hết thì họ sẽ gặt phải quả báo xấu ngay. Do vậy nhân quả của mỗi việc làm của mỗi con người đều khác, không giống nhau và không có công thức nào tính được.

 

5.            Nhân nào quả đó

Hạt ớt cho ra trái ớt, hạt đu đủ cho trái đu đủ, hạt xoài cho ra quả xoài, không thể hạt ớt cho ra trái đu đủ hay trái xoài được. Chúng ta ví ớt giống như điều ác, đu đủ giống như điều thiện. Gieo nhân ác thì phải gặt quả ác, gieo nhân thiện thì sẽ gặt được quả thiện.

 

Nhân quả của con người cũng vậy, gieo nhân nào phải gặt quả đó. Gieo nhân giết hại, ăn thịt hay nướng chúng sanh thì phải có quả báo bị giết hại, bệnh tật, tai nạn, bị hỏa hoạn, phỏng hoặc chết cháy. Gieo nhân biết thương yêu tha thứ người hay muôn loài vạn vật thì có quả báo được thương yêu, gặp may mắn và muôn điều lành khác. Sống tham lam ích kỷ, trộm cắp không bố thí giúp đỡ người thì phải có quả báo nghèo hèn, túng thiếu. Sống không siêng năng tìm tòi học hỏi thì làm sao tạo quả thông minh được. Sống không sân giận, nóng tính và luôn trãi rộng lòng từ đến với mọi người, dùng lời nói diu dàng, ôn tồn thì sẽ có quả báo được nhan sắc đẹp tuấn tú, được người thương mến và có cảm tình thân thiện ngay, ngược lại thì tạo quả nhan sắc xấu xí (bởi vì người nóng tính sân giận, thì có gương mặt rất hung dữ và sát khí).

 

Nhân nào quả đó, không thể nói gieo nhân dâng hoa cho Phật thì được nhan sắc đẹp hay tuấn tú khôi ngô, hay quy y tam bảo thì được quả thông minh. Gieo nhân làm biếng không học hành, đi cầu xin thần thánh cho thi đậu thì không thể thi đậu được.

 

6.            Nhân quả là vô thường.

Sự vô thường đó là sự thay đổi, không bất biến, không bất dịch nghĩa là không có vật gì trên đời này là không thay đổi. Cây thảo mộc rồi cũng phải chết, trái quả cũng có to nhỏ khác nhau, rụng sớm muộn khác nhau, v.v…

Sự vô thường của con người cũng nằm chung trong quy luật của cuộc sống, không thể thoát khỏi. Ai nghĩ rằng chuyện gì đó bất biến, không thay đổi thì chính người đó sẽ tự làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật khác. Ai hiểu rõ quy luật vô thường của nhân quả thì người đó không chấp hay dính mắc vào bất kỳ điều gì, vật gì, hay bất kỳ ai, người đó là người sống biết buông xả, biết cách sống đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và cho muôn loài vạn vật khác.

 

Để hiểu rõ hơn xin đọc bài “Buông xuống”

http://chanhkien-pa.blogspot.com/2011/10/buong-xuong.html

 

7.            Sự tương ưng tái sinh của nghiệp báo nhân quả

Để dễ hiểu chúng ta hãy nhìn xem cây thảo mộc. Khi cây có trái, người nông phu lại lấy tiếp những hạt từ  trái quả của cây mẹ đầu tiên làm giống gieo xuống đất để ươm thành những cây con mới, những cây con này lại phát triển sanh trưởng lớn lên cho ra trái quả, và cứ như thế bao thế hệ tiếp theo được gieo trồng lớn lên từ thế hệ trước. Cái đặc biệt đáng chú ý ở đây chính là những thế hệ con cháu đó là gốc từ một cây mẹ ban đầu vẫn còn sống chưa chết. Đó gọi là nhân quả hiện tại tương ưng tái sinh.

Còn nếu như cây mẹ chết đi sanh ra những cây con mới gọi là nhân quả cận tử nghiệp tương ưng tái sanh.

 

Hành động nhân quả của mỗi con người đều phóng xuất từ trường. Nhân ác thì phóng xuất từ trường ác; nhân thiện thì phóng xuất từ trường thiện, nhưng từ trường gồm có hai:

1- Từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo hiện tại.

2- Từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo cận tử nghiệp.

 

Nghiệp báo của nhân quả có hai trường hợp tái sinh đó là:

•           Nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

•           Nhân quả thiện ác cận tử nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

Chúng ta hãy thử xem từng trường hợp:

a)         Nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

Hằng ngày nhân quả thiện ác của mỗi người qua thân, khẩu, ý đều phóng xuất ra môi trường sống những từ trường nghiệp báo thiện ác, những nghiệp báo đó sẽ tương ưng tái sinh ngay trong từng giây phút hiện tại mà không ai ngờ được.

 

Nếu như nhân quả nghiệp báo ác thì sẽ tương ưng tái sanh trong môi trường ác. Ví dụ như người thích ăn thịt gà sẽ phóng xuất từ trường ác và từ trường nghiệp báo này sẽ tương ưng tái sinh thành nhiều chú gà con khắp nơi trên thế giới. nhân quả nghiệp báo thiện thì sẽ tương ưng tái sinh vào môi trường thiện. Ví dụ người sống thiện, giữ gìn ngũ giới thì sẽ tương ưng tái sinh trong hiện kiếp vào gia đình nào đó để được sinh ra làm người.

 

Chính vì tính chất này của nhân quả mà chúng ta nhận thấy dân số thế giới càng ngày càng tăng lẫn người và vật. Không cần phải đợi đến lúc con người chết mới có tái sanh, mà ngay trong từng giây phút hiện tại con người đang sống đã có biết bao nhiêu sự sống được tương ưng tái sinh từ nhân quả nghiệp báo của chính người đó.

 

Chúng ta còn nhớ về tính chất của nhân quả, “một nhân có nhiều quả”, mỗi mỗi một từ trường nghiệp báo sẽ tương ưng tái sinh ra nhiều chúng sinh chứ không phải một đâu.

 

Nếu nói rằng khi chết nghiệp báo mới có tương ưng tái sinh thì khi chết một người, có một người tái sinh thì chắc số lượng chúng sinh trên thế giới là một con số không đổi (constant), nhưng thực ra thì không phải vậy, ngày nay số lượng người và vật (gà, bò, heo, cá sấu, cá, v.v…) tăng rất nhiều. Chính những con vật đó chính là con cháu của những người thích ăn thịt gà, bò, heo, cá, tôm, cua,v.v… và chính những con vật đó lại phải trả nhân quả bị người khác giết, ăn, nướng, v.v…

 

b)         Nhân quả thiện ác cận tử nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

Trường hợp cận tử nghiệp thì dễ hiểu và ai cũng biết đó là trước khi chết từ trường nghiệp báo cuối cùng của người còn sống phóng xuất vào không gian sẽ tương ưng tái sanh vào những gia đình nào có cùng nghiệp báo tham sân si khắp thế giới, bởi vì thế giới này là thế giới của tham sân si.

 

Chỉ khi hết tham sân si thì mới không còn tương ưng tái sinh vào thế giới luân hồi này, còn tham sân si thì không thể thoát khỏi thế giới trần gian này. Điều kiện này không phụ thuộc vào người theo tôn giáo nào, ở đây chỉ xét có nghiệp báo tham sân si là đủ điều kiện để quyết định có còn tái sinh hay không tái sinh.

 

8.            Nhân quả có thể chuyển hóa được.

Đối với cây thảo mộc con người luôn không ngừng chuyển hóa chúng thành những cây trái bõ dưỡng, ngon ngọt, thơm và có ích cho con người. Cụ thể như tưới nước, bón phân, cắt ghép giống cây tốt, chuyển gen, giữ lại những gen tốt, loại bỏ những gen xấu,.v.v…Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều loài giống tốt, thu hoạch ngắn ngày, trái mùa, từ cây lúa, cây lan nhiều loại nhiều màu, xoài, sầu riêng, mận thái lan, trái bưởi, quả măng cụt, trái vú sữa, trái thanh long…

 

Cuộc sống của con người luôn bị nhân quả chi phối như vậy cho nên đức Phật mới nói rằng: “Con người từ nhân quả sinh ra, sống trong nhân quả và chết với nhân quả.”

 

Khi chúng ta hiểu được câu này thì những giải đáp của cuộc sống đã sáng tỏ, tại sao có người sinh ra trong gia đình giàu sang, nghèo hèn, bệnh tật, chết yểu, thông minh, ngu khờ, thành thị, nông thôn, cao nguyên, biên giới, miền nam, miền bắc, miền trung, hay ở nước Việt Nam, nước Nga, nước Mỹ, v.v…

 

Ai cũng muốn có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, vui vẻ, thành công, phát đạt, sống lâu, hưởng thụ phú quý đời đời. Vậy yếu tố gì quyết định cuộc sống hạnh phúc đó?

Có phải là do thần thánh phù hộ?

 

Chỉ cần chịu khó quan sát một chút ai cũng nhận ra rằng, người nghèo, kẻ khó khăn rất tin tưởng thần thánh, họ còn cầu xin thần thánh, đi chùa, đi nhà thờ, cầu nguyện, tụng đọc kinh còn nhiều hơn người giàu sang phú quý, nhưng cuộc sống của họ vẫn nghèo hèn, khó khăn và túng thiếu.

 

Lại nữa trong bất kỳ tôn giáo nào cũng có người giàu kẻ nghèo, người khỏe kẻ bệnh, người thông minh kẻ ngu dốt, người thành công, kẻ thất bại,v.v… Do vậy tôn giáo không phải là yếu tố chính làm cho con người trở nên giàu có hạnh phúc hay thành công được.

 

Vậy yếu tố nào là yếu tố quan trọng nhất để có thể chuyển hóa nhân quả. Đó chính là đạo đức nhân bản nhân quả. Đạo đức nhân bản nhân quả là những đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả muôn loài vạn vật khác, nghĩa là những đức hạnh mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, mọi người và muôn loài vạn vật khác.

 

Chính vì khi gieo một nhân đức hạnh thì chúng ta sẽ gặt được những quả thiện sum sê thơm ngọt trong tương lai.

 

Có bao nhiêu đức hạnh? Thưa rằng có rất nhiều không thể kể hết, từ một việc nhỏ như nhặt đinh hay vỏ chuối ngoài đường, cho đến bố thí, chia sẻ những gì mình có cho người khác cho đến biết thương yêu sự sống của những loài vật khác bằng cách không ăn thịt hay giết các loài vật và những lời nói ái ngữ thương yêu,v.v… Chính những đức hạnh đó sẽ giúp cho con người thay đổi được cuộc đời mình.

 

Để hiểu rõ hơn về một phần đa dạng của đạo đức xin mời các bài đọc bài “Sống Thương Yêu”: 

http://chanhkien-pa.blogspot.com/2010/09/song-thuong-yeu.html

 

 

Kết luận: Tóm lại khi hiểu được những tính chất của nhân quả, con người hiểu rõ được những quy luật của cuộc sống, biết sợ hãi từng hành vi của mình từ lời nói, hành động và suy nghĩ. Tự trau dồi hay sửa lại những gì đã sai phạm, dần dần trở nên toàn thiện con người mình và cảm thấy rất hạnh phúc.

 

Để đạt được kết quả thì phương pháp “như lý tác ý” hay còn gọi là phương pháp tự kỷ ám thị sẽ giúp chúng ta rèn luyện những đức hạnh tốt. Thiếu “tác ý” con người sẽ bị cuốn trôi vào ác pháp lúc nào không biết. Nhờ có tác ý mà con người sẽ thấy hiểu rõ và làm chủ từng tâm niệm của mình.

 

Đức Phật đã dạy: “Có như lý tác ý và không như lý tác ý.

Này các Tỳ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Này các Tỳ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt”

 

(Các lậu hoặc ở đây chính là những điều ác, những điều làm khổ mình, khổ người và khổ những loài vật khác.)

Từ những tính chất này con người có thể dễ đàng tìm thấy được nhân quả của vũ trụ.


Để hiểu rõ thêm về nhân quả, mời các bạn tải các file đính kèm.

 

 

 

 

 

 


File đính kèm Bạn phải đăng nhập mới thấy link download
Bạn phải đăng nhập mới thấy link download
Bạn phải đăng nhập mới thấy link download
Bạn phải đăng nhập mới thấy link download



 
03/10/2012 15:10 # 2
FanMU123
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 2/10 (20%)
Kĩ năng: 0/10 (0%)
Ngày gia nhập: 01/10/2012
Bài gởi: 2
Được cảm ơn: 0
Phản hồi: Tính Chất Của Nhân Quả – Quy Luật Của Cuộc Sống


bài viết quá ý nghĩa, quá thiết thực. cảm ơn bạn nhiều :)




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024