Ảnh: Unsplash.com

Đợt rồi mình và một cô bạn cùng đọc một cuốn sách giống nhau. Bạn đọc trước mình mấy ngày và thấy hay nên giới thiệu mình tìm đọc, sau đó mình mới đặt mua trên Tiki và vài ngày sau mới nhận được sách. Cuốn sách tầm khoảng 200 trang, và mình đọc chỉ trong khoảng 2 ngày là xong ̣(dĩ nhiên là đọc ngắt quãng, mỗi ngày chỉ đọc 1-2 tiếng chứ không phải đọc liên tục trong 2 ngày), trong khi bạn chỉ mới đọc được 1/3 cuốn sách.

Vậy bí quyết nào để mình có tốc độ đọc nhanh như vậy? Thực ra cũng chẳng có bí quyết nào, mà chủ yếu là phương pháp đọc của mình và cô bạn hoàn toàn khác nhau, nên kết quả là tốc độ đọc cũng khác nhau. Cô bạn mình thì đọc chậm, còn mình thì áp dụng phương pháp đọc sách skimming và scanning.

Phương pháp đọc sách skimming và scanning là gì?

Skimming & scanning là hai kỹ thuật đọc khi luyện thi IELTS Reading:

  • Skimming: đọc lướt để tìm kiếm ý chính của bài đọc.
  • Scanning: đọc quét để tìm chi tiết cần tìm trong bài đọc.

Áp dụng vào việc đọc sách, skimming là đọc lướt để tìm ý chính của từng đoạn và từng chương sách, còn scanning là đọc quét để nhặt “vàng” ẩn giấu trong cuốn sách – những thông tin đắt giá mà bạn tâm đắc, muốn lưu trữ lại để suy ngẫm.

Trong bối cảnh bài thi IELTS, thời gian thì có hạn mà bài đọc thì dài, nên thí sinh mới bắt buộc phải luyện hai kỹ thuật skimming và scanning để nắm được ý chính và tìm đáp án cho phần câu hỏi. Nhưng trong chuyện đọc sách, thực ra chẳng ai đặt ra giới hạn thời gian cho bạn đọc một cuốn sách trong bao lâu, hay cũng chẳng ai đánh giá tốc độ và chất lượng đọc của bạn như thế nào, nên phương pháp này chỉ là một ứng dụng mang tính cá nhân và tùy theo mục đích của bạn là đọc để làm gì.

Thông thường, mình chỉ đọc chậm – tức đọc một cách chậm rãi, từ tốn, tận hưởng cuốn sách, cảm nhận từng câu chữ của cuốn sách – với thể loại sách hư cấu như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, tản văn,… Thể loại này thì có tính chất kể chuyện, trải lòng, tự sự của tác giả nên phải đọc chậm thì mới cảm được cuốn sách một cách trọn vẹn. Nhưng thể loại sách phi hư cấu như sách khoa học thường thức, kỹ năng sống, tâm lý học, kinh tế, xã hội,… thì thường chỉ mang tính chất cung cấp thông tin và đưa ra những câu chuyện liên quan đến thông tin đó.

Một cuốn sách trung bình dày khoảng 200 trang, độ dài ước lượng khoảng 100.000 từ (tương đương với việc bạn đọc 100 bài trên blog của mình). Một bài viết với độ dài 1000 từ của mình thì thời gian đọc trung bình là 7 phút, suy ra 1 cuốn sách như trên bạn phải mất tới 700 phút = 11,7 giờ để đọc xong cuốn sách đó, theo phương pháp đọc chậm để cảm nhận từng câu chữ. 11,7 giờ thì cũng tương đương 1/2 ngày, và con số này thì nhiều hơn 8 giờ bạn đi làm mỗi ngày. Thử tưởng tượng bạn đến nơi làm việc, và chỉ ngồi một chỗ để đọc sách từ sáng tới chiều, và ngồi thêm 3 tiếng nữa để đọc nốt cuốn sách thì một ngày sẽ dài lê thê như thế nào.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, một cuốn sách dài chưa chắc đã là một cuốn sách hay, hay có giấu nhiều “vàng” trong đó. Với mình, vàng ở đây là những nội dung tinh túy bạn chắt lọc được từ trong cuốn sách đó. Những nội dung này có thể gợi suy nghĩ, gợi liên tưởng, gợi trăn trở, gợi nỗi buồn, gợi niềm vui, gợi đau đớn, gợi sự tâm đắc, gợi một nỗi u hoài, gợi lên một đợt sóng,… bên trong bạn. Khi đó gấp cuốn sách lại, bạn nhặt được một đống vàng.

Nhiều khi chúng ta bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian tới tận 11,7 tiếng đồng hồ (hay nhiều hơn) để đọc cho đã đời, rồi chỉ lượm được mấy hột vàng nhỏ xíu, hay có khi không lượm được hột nào, thì còn ai buồn đọc chi nữa? Lúc đó, 11,7 tiếng của bạn xem như đổ sông đổ bể, hoài phí mất nửa ngày trời.

Lẽ vậy, đối với dòng sách phi hư cấu nói trên, mình thường áp dụng phương pháp đọc sách skimming và scanning để rút ngắn và tiết kiệm thời gian đọc sách của bản thân hơn, để mình có dư thời gian và năng lượng để làm nhiều việc khác có ích cho cuộc đời mình hơn. Tuy nhiên, chính trong những cuốn sách phi hư cấu cũng có những cuốn nội dung rất hay, dịch rất mượt. Khi bản thân cuốn sách tự toát ra sức hấp dẫn của riêng nó, dù cho ngay từ đầu bạn có chủ ý chỉ đọc skimming và scanning thôi, thì một lúc nào đó bạn cũng sẽ dừng lại và chuyển sang đọc chậm trong vô thức.

Khi áp dụng phương pháp đọc sách skimming và scanning, kết quả đầu ra là mình nắm được ý chính cuốn sách tác giả nói gì qua từng chương, từng đề mục, cũng như thâu lượm được những chi tiết đắt giá nào từ cuốn sách. Sau đó, mình sẽ tiến hành phương pháp rã sách để lưu trữ lại những chi tiết đắt giá đó, và chuyện có giữ cuốn sách lại hay không sẽ không còn quan trọng với mình. Bởi lẽ, phần tinh túy nhất của cuốn sách mình đã hấp thụ được, nên cuốn sách bây giờ chỉ còn lại phần xác. Dẫu cho… cháy nhà thì cũng không tới mức phải vác theo mấy cuốn sách mà chạy ra khỏi nhà. 🙂

Cuối cùng, việc đọc theo phương pháp nào – đọc chậm hay đọc nhanh – vẫn là lựa chọn mang tính cá nhân và tùy theo mục đích đọc sách của bạn. Bài viết này mình chỉ giới thiệu thêm một phương pháp hữu ích dành cho những bạn nào muốn đọc sách nhanh, đọc được nhiều sách trong thời gian ngắn để thâu nạp được một lượng lớn thông tin cho quá trình học tập, nghiên cứu của bạn.