Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/03/2019 22:03 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Review Sách “Giết Con Chim Nhại”: Có Cuộc Đấu Tranh Nào Là Vô Nghĩa?


Vừa dí dỏm vừa hiền minh và vừa đau đớn xé lòng, Giết con chim nhại là một tác phẩm kinh điển sẽ mãi còn nói nhiều điều với các thế hệ sau và xứng đáng được đọc đi đọc lại.

__Alix Wilber__

Tại Maycomb, “một thị trấn cổ chán ngắt”, những câu chuyện kỳ lạ và đáng nhớ đã xảy ra với cô bé cá tính và tò mò Jean Louise Finch, biệt danh Scout. Câu chuyện được kể lại với giọng văn hóm hỉnh và dưới góc nhìn của một cô bé sáu tuổi đã giúp cuốn sách Giết con chim nhại của nhà văn Harper Lee đề cập đến những vấn đề phức tạp, rắc rối của người lớn, của xã hội bằng cách đặt chúng trong lăng kính ngây thơ, hồn nhiên của một đứa trẻ. Đây là tác phẩm kinh điển của Harper Lee, lấy bối cảnh Alabama, một tiểu bang miền Nam nước Mỹ trong những năm thành kiến phân biệt chủng tộc vẫn rất nặng nề. Tác phẩm được xuất bản năm 1960 và ngay lập tức trở thành một best seller, bán được hơn 30 triệu bản, đem lại cho tác giả Huân chương Tự do do đích thân Tổng thống Mỹ trao tặng, được giảng dạy trong hệ thống trường học tại Mỹ và vẫn còn sức hút tới tận ngày nay. Cuốn sách đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên và phát hành năm 1962.

Phần đầu của cuốn sách tập trung vào cuộc sống thường ngày và thế giới nội tâm của cô bé Scout với nhiều sự kiện, biến cố giúp người đọc dần hình dung được bối cảnh xã hội. Giọng kể của Harper Lee được đánh giá là “tài năng hiển nhiên”, một nhà nghiên cứu đã viết: "Harper Lee có một tài năng kể chuyện tuyệt vời. Nghệ thuật của bà là khơi dậy thị giác, cùng với các hình ảnh lưu loát và tinh tế, chúng ta được thấy một cảnh này tan vào trong cảnh khác mà không có những khớp nối chuyển cảnh". Chỉ bằng lời kể về những trò nghịch ngợm, trường học, gia đình và những người dân trong thị trấn của cô bé Scout, Harper Lee đã làm hiện lên những nét nổi bật của xã hội và con người thời bấy giờ đồng thời thể hiện rõ tính cách nhân vật: ông bố Atticus đại diện cho nhân quyền và sự công bằng, một tia sáng trong không khí ảm đạm của thời cuộc, người anh trai Jem với những mâu thuẫn về thế giới nhân sinh quan ở tuổi mới lớn, người hàng xóm Radley sống như một bóng ma đáng sợ,… Đỉnh điểm của cuốn sách chính là quá trình xét xử vụ án của Tom Robinson, một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng, do chính bố Atticus là một luật sư người da trắng bào chữa, làm dấy lên sự xôn xao và nỗi kinh ngạc cho cả thị trấn Maycomb, đẩy những mâu thuẫn trong xã hội và tâm lí nhân vật lên gay gắt, cao trào.  

Không có gì ngạc nhiên khi nói chủ đề lớn của tác phẩm là nạn phân biệt chủng tộc, nhưng một cách chi tiết hơn, chúng ta có thể nhìn thấy trong cuốn sách Giết con chim nhại còn chứa đựng thông điệp về lương tri, những định kiến, sự phân biệt giai cấp, giáo dục và phân biệt giới tính,… Có lẽ chính vì vậy mà dù là 60 năm trước hay hiện tại và cả tương lai, Giết con chim nhại vẫn mang trong mình những giá trị nhân văn to lớn, một tiếng nói đau đớn nhưng đầy hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Phân biệt chủng tộc – sự bất công và những tia hy vọng

Vào thời điểm mà người da đen vẫn bị coi là ở dưới đáy xã hội, việc một luật sư người da trắng bất chấp tất cả để bào chữa cho một người da đen đã làm cả thị trấn Maycomb phải bàn tán. Những tấm áp phích biếm họa, “kẻ yêu bọn mọi đen”, những lời đe dọa nguy hiểm chính là điều bố Atticus nhận được khi là vị luật sư can đảm này. Thành kiến phân biệt chủng tộc rất sâu sắc và rõ nét trong cuốn sách này, khi một sự bất công vô lý khủng khiếp trong xã hội hiện lên gián tiếp qua những câu chuyện ngây thơ của một cô bé.

Đó tưởng như là một cuộc chiến đơn độc. Bố Atticus đứng trong tòa án, lời nói điềm tĩnh rắn rỏi vang lên cùng những giọt mồ hôi đổ xuống trước sự chứng kiến của đông đảo người dân thị trấn Maycomb. Họ ở đó, cả người da trắng và người da đen, và tất nhiên là ở trong các khu vực tách biệt đã được phân chia rõ ràng dựa trên màu da của mình. Con đường đấu tranh vì nhân quyền cho người da đen dường như chẳng hề có hy vọng, không chỉ là trong tòa án lạnh lẽo này mà còn trong tòa án trái tim con người. Dường như chẳng hề có cơ hội cho Tom, cho bố Atticus, cho Scout và Jem hai đứa con luôn ủng hộ bố mình, cho những người da đen và những người da trắng muốn dành lấy sự công bằng cho tất cả mọi người.

Nhưng Scout đã giúp chúng ta biết cuộc chiến của bố Atticus không hề vô nghĩa, bởi vì một người hàng xóm đã nói với cô bé “...chúng ta đã bước được một bước… chỉ một bước ngắn, nhưng đó là một bước”, bởi vì cô đã kiên nhẫn lắng nghe một ông lão trò chuyện để biết được có một nỗi đau đớn như thế này tồn tại trên đời:

Khóc về sự bất hạnh đơn giản do người này gây ra cho người kia… mà không hề suy nghĩ. Khóc về điều bất hạnh do người da trắng gây ra cho người da màu, mà không hề dừng lại để nghĩ rằng người da màu cũng là con người.

Ngay cả trong hiện tại, không phải trong chúng ta vẫn luôn có những người cống hiến và đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người hay sao? Dù là trong lĩnh vực gì, môi trường, giáo dục, chiến tranh, nghèo đói, nhân quyền, bình đẳng, đã bao giờ bạn tự hỏi những hành động nhỏ bé trong một bối cảnh rộng lớn có thể thay đổi được điều gì?

Những người đã có mặt trong phiên tòa ấy và chứng kiến tất cả sẽ không thể giống với những người chưa từng ở đó. Thị trấn Maycomb nơi có một người dũng cảm đứng lên chống lại sự phân biệt chủng tộc tuyệt nhiên không thể trở lại thành thị trấn Maycomb trước đây. Một điều gì đó dù nhỏ hay lớn, mơ hồ hay rõ ràng xuất hiện cũng sẽ khiến mọi người, mọi vật không thể trở lại như khi nó chưa từng xảy đến. Giống như phiên tòa chật hẹp mà ở đó bố Atticus đã dốc hết sức mình để đấu tranh có lẽ chẳng là gì so với một xã hội với định kiến vững chắc, thì đó vẫn sẽ là một bước đi dũng cảm để hướng tới cái đích đến cuối cùng.

Những bài học đánh thức lương tri

Không chỉ là tiếng nói của nhân quyền, bố Atticus luôn dạy các con những bài học về lương tri và lòng dũng cảm. Những bài học của bố Atticus tuy nhẹ nhàng nhưng rất đáng suy ngẫm, từ từ định hướng các con của mình đi theo những điều đúng đắn, những điều tốt đẹp. Đó là khi Scout nhận thấy mọi người xung quanh nghĩ rằng bố mình đã sai khi bảo vệ cho một người da màu, ông vẫn bình tĩnh nói với cô bé:

Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ, nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.

Cách ông định nghĩa về lòng can đảm cũng rất khác biệt. Khi Jem tức giận và phá nát vườn hoa của bà lão Dubose vì bà gọi bố cậu là “kẻ yêu bọn mọi đen”, ông đã bắt cậu phải xin lỗi, kể cho cậu về cuộc sống của bà và khen ngợi bà là một người can đảm. Điều đó không chỉ giúp Jem thấy rằng việc bà lão xúc phạm bố cậu không đáng để tức giận như thế, mà còn khiến cậu bé học được cách nhìn nhận một con người toàn diện và vị tha:

Bố muốn con thấy một điều gì đó ở bà. Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩa rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trên tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng cho dù có chuyện gì xảy ra.

Jem và Scout còn bị ảnh hưởng bởi những thành kiến mà người lớn liên tục xây dựng và truyền đạt cho các em. Nhưng qua những biến cố, các em dần nhận ra cái tốt và cái xấu để trở nên chín chắn hơn.

Có thể nói, Jem và Scout đã đón nhận lời dạy của bố Atticus thành công: “Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó…” “Bà già xấu xa chết tiệt” Dubose luôn buông lời mắng nhiếc lũ trẻ thực ra cũng là một người rất can đảm. Người hàng xóm Boo Radley mà đám trẻ con luôn sợ hãi thực ra lại rất dịu dàng và chỉ là một con người lương thiện bị xã hội hủy hoại.

Với giọng kể của một cô bé đang trong tuổi hình thành nhân cách và thích quan sát mọi thứ xung quanh, tác giả đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội mà được cho là quy tắc hiển nhiên, đặt bên cạnh những thắc mắc ngây thơ của cô bé. Mỗi lần Scout đưa ra câu hỏi tại sao cho những điều mà người lớn nói với cô bé, có lẽ người đọc cũng phải tự đặt lại nghi vấn cho chính mình, cho chính những thành kiến không biết từ bao giờ đã hình thành bên trong cách chúng ta suy nghĩ.

Cuốn sách đã đưa ra một quan điểm rằng những thành kiến luôn bao phủ lấy đôi mắt và trí óc con người, khiến chúng ta dễ dàng đưa ra các lời đồn, các phán xét về cả những điều mà mình không hề biết rõ. Chỉ khi gạt bỏ được nó, người ta mới có thể vỡ lẽ ra rằng mọi thứ thật khác xa với những gì thành kiến gây dựng lên và nhìn nhận toàn diện, công tâm một con người.

Giết con chim nhại

Chim nhại là một loài chim “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”, nên giết nó là tội lỗi. Giết con chim nhại đã được tác giả sử dụng để tượng trưng cho những con người lương thiện, ngây thơ nhưng bị sa ngã, hủy hoại bởi cái xấu trong xã hội, như Tom Robinson, như Boo Radley và có thể là Jem nếu không được chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với cái xấu.

 

Giết con chim nhại khiến người đọc phải suy nghĩ, ám ảnh vì vẽ lên một bức tranh xã hội đầy chân thực, những điều xấu xa và tốt đẹp song hành, đôi khi cái này quật ngã cái kia, đôi khi cái đẹp bị che giấu trong lớp vỏ xấu xí và một cái kết khiến con người cảm thấy đau đớn, xót xa. Tác phẩm không chỉ tố cáo bất công xã hội mà còn cho thấy tia hy vọng về những điều tốt đẹp nếu như mỗi người đều góp phần vào cuộc chiến chống lại những thành kiến, bất công và giành lấy quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.

 

Tác Giả: Khánh Huyền - Bookademy

-------------------------------------------

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024