Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
11/01/2019 20:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Review Sách "Khi Ta Mơ Quá Lâu": Tuổi Trẻ, Mộng Tưởng Và Băn Khoăn


 

Khi Ta Mơ Quá Lâu được được giảng dạy ở trường Đại học Quốc gia Singapore và được đánh giá là tác phẩm kinh điển của văn chương Singapore. Sáng tác năm 1968, khi Singapore bước vào giai đoạn chuyển mình sau khi độc lập, tác phẩm đã mô tả cuộc sống của con người nơi đây và đặc biệt là tâm lý của những người trẻ khao khát được làm một điều gì đó ý nghĩa nhưng vẫn thấy bế tắc trong cuộc sống.

Khi ta chẳng hề muốn tỉnh giấc

Tác phẩm kể về nhân vật Kwang Meng, một người bắt đầu bước chân vào cuộc đời, đang làm thư kí trong giai đoạn thử việc. Câu chuyện không có quá nhiều diễn biến mà chỉ đơn giản là cuộc sống thường ngày của Kwang Meng. Cậu không thích công việc này, cậu cho rằng đó là công việc vô ích và thường xuyên viện cớ để trốn việc. Mạch truyện cũng là mạch suy nghĩ và cảm xúc của Kwang Meng dưới ngôi kể thứ ba. Có nhiều người đọc không thấy cuốn sách này hay và cho rằng nó loanh quanh và dài dòng. Đúng vậy, sự loanh quanh, chậm rãi ấy cũng giống như cuộc sống của Kwang Meng. Từ thứ hai đến thứ 6, sáng đi làm nhưng trốn trong nhà vệ sinh quá nửa, trưa hẹn gặp bạn bè ăn trưa, chiều tiếp tục làm việc mà theo như cậu đánh giá là giống giam tù ấy. Chiều tối cậu về nhà ăn cơm cùng bố mẹ nhưng cũng không khí yên lặng của gia đình cũng khiến cậu ngột ngạt và đến buổi tối lại chìm đắm trong rượu bia ở quán bar và những suy nghĩ mông lung khó giải thích. Cậu chỉ mong chờ đến chiều thứ bảy và chủ nhật, vì khi đó cậu được đi bơi và cậu cảm thấy mình được tự do nhất.

Kwang Meng luôn mơ ước được đến những vùng đất mới lạ, trinh nguyên chưa được khai phá. Cậu có rất nhiều ước mơ, những ước mơ của một người trẻ mộng mơ mới bước vào cuộc đời.

Kwang Meng đôi lúc mơ mộng về cuộc đời khác có thể dành cho anh, càng lúc càng thường xuyên. Nếu anh là ngư dân thì sao nhỉ, trong chiếc thuyền độc mộc dài và thanh nhã khai thác của cải lòng biển cả…Hay là một thủy thủ, trên giường tầng trong cabin vào buổi đêm, lắng nghe tiếng biển ầm ào, còn ban ngày thì ở trên boong dõi theo những tia nước mặn mòi, chẳng có gì hết xung quanh ngoài biển, biển và biển.

….Hoặc là nông dân thì sao nhỉ, chăm chút cho khoảnh đất nho nhỏ của mình, trồng những loại cây xanh mướt non tơ bằng chính đôi tay mình…Hay là một công nhân xưởng đóng tàu ở Jurong, hàn tấm thân bọc thép han gỉ của con tàu chở dầu đồ sộ…

 

Những ước mơ ấy cho thấy Kwang Meng khao khát được trở thành một con người tự do, làm những điều mà cậu cho là phi thường. Cậu không muốn sau này cũng giống như bố mình, một con người cả đời làm thư kí và những gì sau mấy chục năm làm việc chỉ là một bức ảnh tẻ nhạt treo trên tường. Cậu mơ nhiều, cậu khao khát nhiều, cậu muốn thoát khỏi tình cảnh chán ngắt và tầm thường của mình bây giờ nhưng xuyên suốt cả cuốn sách, ta không thể tìm thấy đâu sự nỗ lực và cố gắng thực hiện mong muốn của mình.

Cậu có một người cậu, tên là Cheong, một người đã có chút thành tựu trong cuộc đời và vẫn tiếp tục gắng gỏi làm ăn dù đã gần sáu mươi tuổi. Ông luôn đưa cho Kwang Meng những lời khuyên về cuộc đời và gợi ý những cơ hội đi xa hơn đến những vùng đất mới. Nhưng đáp lại những lời khuyên ấy chỉ sự bi quan về thực tại và dù có cố gắng mấy thì những nỗ lực hay sự may mắn nào đó sẽ không dành cho cậu. Kwang Meng có nhiều ước mơ nhưng cậu lại không dám đối mặt và chấp nhận thực tại là mình cần phải cố gắng kiên nhẫn hơn. Một năm làm thư kí nhưng cậu đã chắc chắn rằng cả đời mình sẽ làm thư kí thôi, bố cậu cũng đã làm thư kí rồi đến lượt cậu và cả con cháu của cậu nữa. Một dòng họ thư kí. 

 

Tôi nghĩ rất nhiều người trẻ, có thể có cả tôi, trong một vài khoảnh khắc nào đó chúng ta chán ghét thực tại của mình và mơ ước những điều tốt đẹp hơn, những điều chúng ta thấy ở những người tài giỏi, những người có điều kiện hơn mình. Nhưng khi nghĩ đến việc chúng ta làm thế nào để có được những điều tốt đẹp ấy, chúng ta lại phủ nhận và bi quan về con người mình. Chúng ta viện cớ không có điều kiện, không có khả năng và cả may mắn. Chúng ta luôn mơ nhưng lại không dám làm những điều khác lạ và kiên trì để có những ước mơ ấy. Bởi vì chúng ta còn trẻ và còn quá nhiều điều chúng ta chưa nhận ra.

 

Ai rồi lớn lên cũng sẽ thay đổi?

Kwang Meng có những người bạn học cùng trung học: Hock Lai và Portia. Hock Lai hồi còn đi học luôn mơ trở thành một hiệp sĩ làm những điều chính nghĩa, nhưng khi bước vào cuộc đời, cậu đã thay đổi trở nên thực dụng hơn và Kwang Meng càng ngày càng thấy rằng đó không phải là bạn mình nữa. Tiền, vẫn là nó khiến chúng ta thay đổi. Những ước mơ ngày nào không còn nữa mà thay đó là những ước mơ khác, những ước mơ cao xa hơn và họ cho rằng đó là những ước mơ thực tế.

Khi mày đã chạm tới thế giới giàu sang đó rồi, cả tầm mắt của mày mở rộng ra. Cả đời chỉ quẩn quanh với cái chỗ nhỏ tí này, thế rồi, mày biết còn có một thế giới khác tồn tại. Chỉ cần liếc một cái vào cõi ấy, thì cả thế giới mày từng sống tan thành tro bụi. Và mày phải tiến vào thế giới đó. Mày không biết làm thế nào, nhưng mày phải chen chân cho được, không thì điên lên mất!

 

Còn Portia là điển hình của những người mà chúng ta gọi là “con ông cháu cha” và có những mối quan hệ thân tình họ hàng ấy. Cuộc sống của Portia chỉ đơn giản là đến thăm những người họ hàng của mình ở những nơi xa xôi. Những người vậy có bệ phóng vững chắc và cuộc đời của họ dường như quá dễ dàng để tiến xa. Cuối cùng, Portia đến London, một nơi mà có lẽ cả đời Kwang Meng mơ cũng chả thể đến đó được. Kwang Meng nhận thức được rằng dù những người bạn đó có cùng ta học và lớn lên thì sau này khi đã trưởng thành cũng sẽ đi những con đường xa nhau. Họ chỉ sống ngang hàng với ta trong một khoảng thời gian và sự ngang hàng ấy không thể kéo dài mãi. Rồi đôi lúc Kwang Meng lại nhớ đến những ngày khi cậu còn nhỏ, những người bạn thời thơ ấu, khung cảnh ồn ào của khu phố Tàu nơi trước đây cậu ở. Những người bạn thuở nhỏ, bà nội đã ra đi khỏi cuộc đời cậu, giờ họ chỉ là một mảnh kí ức mong manh nào đó. Và liệu những người bạn bây giờ, lớn lên và đổi thay nhanh quá, cũng sẽ rời đi như thế chăng? Sự tự ti và bế tắc cứ như vậy bao trùm lấy Kwang Meng trong những năm tháng tuổi trẻ đầu đời đó.

Chỉ có thực tại mới khiến ta tỉnh giấc

Có lẽ điểm sáng duy nhất trong tuổi trẻ của Kwang Meng là khi cậu được kết bạn với vợ chồng Boon Teik, một người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết và có tình cảm với cô gái Anne. Lần đầu trong đời cậu biết kiên nhẫn đọc những cuốn sách mà cậu chưa bao giờ nghĩ có thể đọc hết nổi. Cậu cũng không còn cảm thấy tuyệt vọng vào mỗi tối chỉ để nghĩ xem sẽ lựa chọn quán bar nào và lang thang trên đường phố đến khuya mịt. Điều đó cho ta thấy trong cuộc đời này chúng ta rất cần những người có thể truyền cảm hứng và đưa cho ta những góc nhìn mới về cuộc đời. Khác với cậu Cheong, Boon Teik dành ra những lời khuyên với Meng một cách nhiệt huyết hơn với tư cách của một người cùng lứa tuổi. Anh không ngại phân tích và phản bác suy nghĩ tiêu cực của Meng cũng như tìm các cách khác nhau để cậu hiểu ra được vấn đề. 

 

Có thể trông thì có vẻ vô nghĩa, nhưng thật ra thì không đâu. Tùy cách nhìn nhận sự việc thế nào thôi. Mình tin rằng chuyện này phải nhìn xa hơn, từ điểm nhìn xã hội. Con người là một sinh vật xã hội, cậu phải chấp nhận điều đó. Con người sống trong xã hội, và vì thế để xã hội vận hành được, phải có đủ thứ ngành nghề. Nhưng dẫu là loại nghề gì, cấp độ nào, mọi người đều có chỗ của mình như những bánh răng trong một cỗ máy phức tạp, như trong một chiếc đồng hồ ấy. Mọi bánh răng, mọi chi tiết đều quan trọng.

 

 

Tôi ước rằng giá như tác giả có thể cho một cái kết tươi sáng hơn đối với Kwang Meng nhưng có lẽ đây chính là mục đích của tác giả khi muốn những người như Kwang Meng tự nhận ra mục đích sống thực sự và tự tỉnh giấc khỏi giấc mộng xa xôi của mình. Những nỗi sợ luẩn quẩn trong chúng ta: thất nghiệp, tình yêu, bạn bè,… sẽ chẳng thể nào xóa bỏ nổi nếu như ta mãi chìm sâu vào sự bi quan và lười nhác. Bối cảnh của câu chuyện là những năm 60 của thế kỉ trước ở đất nước Singapore, khoảng thời gian đất nước đang bắt đầu chuyển mình và phát triển. Dù nó chỉ là câu chuyện một phần cuộc đời của một người trẻ ở đất nước khác cách đây gần 60 năm nhưng nó không hề cũ và lỗi thời cho cả thanh niên Singapore và đặc biệt là ở Việt Nam. Đất nước ta phát triển muộn hơn và cũng đang bước vào thời gian hội nhập, phát triển mạnh mẽ với thế giới, thì tại sao những người trẻ như chúng ta lại có thể vẫn đắm chìm và mơ mộng một thế giới mới nếu như không chịu tỉnh giấc và cố gắng chứ? Tôi tin rằng đây cũng chính là lí do mà cuốn sách này được lựa chọn giảng dạy ở trường Đại học quốc gia Singapore. Nó như một lời cảnh tỉnh tất cả các bạn trẻ vừa mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đừng mơ quá lâu mà hãy đối diện với thực tại và chiến đấu với nó. Xã hội thay đổi, con người cũng phải chấp nhận và thay đổi theo, nhưng hãy thay đổi một tích cực và đừng đánh mất chính bản thân mình. Mỗi người là một chi tiết nhỏ trong bộ máy xã hội phức tạp và chúng ta phải cố gắng để làm sao hoàn thành trách nhiệm ấy.

 

 

Kết luận:

 

Theo đánh giá của tôi, Khi Ta Mơ Quá Lâu là một cuốn sách đáng đọc đối với những người trẻ còn đang băn khoăn và mơ màng trước cuộc đời. Cách viết của Goh Poh Seng đơn giản, xây dựng mạch truyện và miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật rất tự nhiên và đôi lúc cũng nói lên chính suy nghĩ của người đọc vậy. Đây là tác phẩm văn học Singapore đầu tiên tôi đọc và cảm thấy rất ấn tượng không chỉ về thông điệp của tác phẩm mà còn là những nét đẹp của đất nước đa dạng văn hóa này. Khi Ta Mơ Quá Lâu không phải là tác phẩm khiến bạn thích thú và phấn khích muốn đọc ngấu nghiến từ đầu nhưng sẽ là tác phẩm bạn sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần để cảm nhận được hết ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải. Khi ta mơ quá lâu là lúc ta đã ở bên rìa xã hội.

 

Review chi tiết bởi Tuyết Ngân - Bookademy

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024