Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/10/2018 08:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Bookademy] Review Sách "The Sun Is Also A Star" – Câu Chuyện Của Những Điều Khác Biệt


"Tôi viết cuốn sách này cho bất cứ ai thiết tha đi tìm ý nghĩa. Cho bất cứ ai luôn hoài nghi và đặt câu hỏi. Cho cả những kẻ mộng mơ và những người chất vấn" - Nicola Yoon

The Sun Is Also A Star tuyệt đẹp, lấp lánh và độc nhất được kể bằng lời của vũ trụ toàn năng nhìn thấu được quá khứ và tương lai của từng nhân vật. Natasha và Daniel trôi nổi trên đường phố New York với ngôi sao của chính mình, kiếm tìm manh mối của tương lai, tưởng như trái ngược nhưng lại đồng điệu đến không ngờ. Câu chuyện của họ cũng là một lá thư tình gửi đến cho vũ trụ và những vì sao đã tạo nên khát vọng và mơ ước. Tôi đọc cuốn sách này cầm trong tay cả giấy note và bút highlight vì câu chuyện đó cũng chính là một bài học về cuộc sống: làm sao mà – sự trùng hợp hay định mệnh, những mối liên kết bất ngờ – chồng đống vào nhau một cách ngẫu nhiên và hình thành nên cả tương lai của chúng ta?

Carl Sagan, bánh táo và vũ trụ

Nicola Yoon bắt đầu cuốn tiểu thuyết với Carl Sagan và câu chuyện bánh táo của ông: “Nếu bạn muốn làm nên một cái bánh táo từ hư không, bạn phải tạo ra vũ trụ trước. Bạn nên bắt đầu từ vụ nổ Big Bang, neutron, ion, nguyên tử, hố đen, mặt trời, mặt trăng, thủy triều, dải Ngân Hà, Trái Đất, sự tiến hóa, khủng long, sự tuyệt chủng, thú mỏ vịt, loài người,…Bạn phải làm tất cả mọi thứ từ đầu. Bạn phải phát hiện ra lửa. Bạn cần nước và đất đai màu mỡ và hạt giống. Bạn cần những con bò sữa và người vắt sữa và nhiều người hơn nữa để chế biên sữa thành bơ. Bạn cần bột bánh và đường và cả những cây táo nữa. Bạn cần hóa học và sinh học. Để cái bánh táo thật sự chất lượng, bạn cần nghệ thuật. Để cái bánh táo được lưu truyền qua các thế hệ mà không bị lãng quên, bạn cần đến ngành công nghiệp in ấn và Cuộc Cách mạng Công nghiệp, hoặc có thể là một bài thơ.”

Để làm một thứ đơn giản như cái bánh táo thôi, bạn phải tạo ra cả một thế giới khổng lồ.

Và đây là cuốn sách chứng tỏ làm cách nào mà mỗi một người trong chúng ta đều góp phần, bất kể nhỏ bé hay quan trọng, vào câu chuyện tình bất tận giữa khoa học và nghệ thuật này.

Hoài nghi hay mơ mộng?

Natasha Kingsley 17 tuổi, tin tưởng tuyệt đối vào khoa học, vào những thứ mà cô có thể đo đếm được. Cô không tin vào số phận, định mệnh hay những ước mơ viển vông.

Sự thật: cô là người Jamaica nhập cư trái phép vào Mỹ cùng gia đình từ năm lên 8. Cô phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về lại Jamaica, về quê hương bản xứ lạ lẫm mà cô đã lãng quên, vào 10 giờ tối nay, tất cả là do bố cô bị bắt giữ và kiểm tra lý lịch khi lái xe lúc đang uống rượu say. Cô sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng vẫn nỗ lực đến giây phút cuối cùng để ngăn cản sự trục xuất: hẹn gặp cán bộ ở cục Dân số và Nhập cư Hoa Kì, nhờ đến sự trợ giúp của luật sư, và đến nơi yêu thích của cô ở New York lần cuối cùng.

 

 

Daniel Jae Ho Bae, hoàn toàn trái ngược, là một cậu thiếu niên 17 tuổi tập tành làm thơ với niềm tin vào định mệnh, tình yêu, vào những thứ người ta không lý giải được.

Sự thật: Bố mẹ cậu, người Hàn Quốc nhập cư ấp ủ giấc mơ Mỹ cho con cái mình, kì vọng cậu sẽ vào học Yale – một trong những trường Ivy League - để trở thành bác sĩ, nhất là sau khi Charlie – anh trai cậu đã phụ lòng tin của bố mẹ và bỏ học ở Harvard sau một học kỳ. Cậu giấu bố mẹ những bài thơ mình viết, giấu đi bản chất lãng mạn của mình, để làm người con trai tốt, làm một cậu học trò giỏi – giống như Charlie vậy. Daniel ép mình vào một khuôn mẫu đã được định đoạt trước bởi cả một thế hệ người nhập cư Hàn ở Mỹ: Yale, trường y khoa, sự nghiệp bác sĩ, kết hôn với một cô gái Hàn, sinh con người Hàn, chăm sóc bố mẹ, nghỉ hưu, viện dưỡng lão, cuối cùng là lễ tang. Cậu không bao giờ là nhà thơ trước mặt bố mẹ, cho dù mẹ cậu cũng mang trong mình tình yêu với hội họa không được chấp nhận; cậu không bao giờ là kẻ mộng mơ. Nhưng cho đến khi Daniel gặp Natasha, mọi thứ thay đổi. Natasha để lộ ra con người thật trong cậu, cái phần tính cách luôn tin tưởng và hi vọng vào những trùng hợp ngẫu nhiên, vào số phận, vào điều mà cậu vẫn khăng khăng cho là đúng: Daniel và Natasha là để “dành cho nhau”.

American Dreams – Những giấc mơ Mỹ…

Natasha dành những giờ phút cuối cùng ở New York không chút ý định để cho triết lí sống của mình bị thách thức; cũng không mong chờ mình sẽ bị xoay như chong chóng với nhịp tim cũng đập nhanh không kém. Nhưng tình yêu và Daniel đã xuất hiện, đường hoàng bước vào tâm trí của Natasha, ấn tượng và mạnh mẽ như những thí nghiêm hóa học mà cô mê mẩn. Daniel và Natasha lang thang quanh thành phố cả ngày để ăn thức ăn Hàn Quốc, bắt hai tên trộm vặt, đi hát karaoke, trò chuyện về vũ trụ song song, các tia xuyên vật lí,… dành tình cảm cho nhau mặc dù biết rằng chẳng còn có ngày mai cho họ.

Daniel và Natasha có cách suy nghĩ và lí tưởng hoàn toàn khác biệt, nhưng họ chia sẻ với nhau những điểm chung đắt giá nhất có thể của hai người lạ: họ là những đứa trẻ thuộc về thế hệ người nhập cư đầu tiên, chọn cách sống quay ngược hẳn 180 độ so với cha mẹ – sinh ra trên đất Mỹ, hoàn toàn xa lạ với những gì thuộc về quê hương bản xứ - thế nhưng vẫn là người ngoài cuộc ở hợp chúng quốc Hoa Kỳ, không được chấp nhận như một người Mỹ chính gốc. Lại càng không được chấp nhận như một người con của quê hương, không cảm được văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ, chỉ vì họ đã nghe và nói tiếng Anh từ khi mới lọt lòng. Họ bị kẹt giữa lằn ranh giới: không đến từ thế giới cũ nhưng thế giới mới chưa sẵn sàng để chấp nhận, hay bảo vệ họ.

 

 

 

Và tất nhiên, lạc lỗi, mắc kẹt đều đồng nghĩa với mặc cảm và sợ hãi. Charlie ghét bỏ đứa em trai mình chỉ vì nó gọi anh là “hyung”( một đại từ nhân xưng trong ngôn ngữ Hàn Quốc để gọi “anh”) trước mặt những người bạn Mỹ của mình. Anh mặc cảm rằng mình không đến từ nơi đây, và nỗ lực hết mình để rút ngắn khoảng cách. Charlie chơi thể thao giỏi, giành điểm số tốt, quẩy party, hẹn hò bạn gái xinh và là cool boy ở trường trung học. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài hoàn hảo đó là mong muốn được hòa nhập với cuộc sống thật sự nơi xứ người, mong muốn rũ bỏ cái nguồn gốc gia đình mình, cho dù ngoại trừ bề ngoài ra thì Charlie không còn một chút bản tính nào giống người Hàn Quốc. Đối với anh, tiếng Hàn là những từ ngữ danh sách đen mà tốt hơn hết là không bao giờ được nhắc đến, anh cau mày khó chịu và chê Daniel “yếu đuối” khi cậu thản nhiên ăn sữa chua Hàn Quốc, anh không hài lòng việc bố mẹ anh cố gắng níu kéo những hoài niệm về quê hương họ, về nơi mà họ thực sự thuộc về. Charlie không nhận ra rằng anh mới là người yếu đuối nhất, mặc cảm và tự ti hơn cả em trai Daniel của anh. Daniel quá bận rộn với việc là chính mình, cậu không để những định kiến vô nghĩa về người nhập cư làm cậu cảm thấy lép vế hay bị ảnh hưởng như Charlie đã từng để tâm. Còn Natasha, cô sợ hãi phải trở về quê hương của chính mình, sợ  rằng mình không được chào đón, sợ mình quá khác biệt so với người dân Jamaica. Cô không muốn bị chia tách khỏi bạn bè mình, không muốn chứng kiến gia đình mình rạn nứt, không muốn mất đi cơ hội được học ở trường đại học mà cô muốn vào. Vì cô sinh ra ở đây, cô thuộc về nơi đây, hợp chúng quốc Hoa Kỳ tự do và tráng lệ.

…không thành hiện thực                

Cha của Natasha sống một cuộc đời đầy nuối tiếc – về những gì ông đã có thể hoàn thành nếu như không gặp mẹ của Natasha và có với bà hai đứa con – vẫn phải cố gắng giả vờ rằng ông không khó chịu khi gia đình đã chiếm mất thời gian và vị thế của nghiệp diễn viên trong ông. Cố tình làm mình xao lãng khỏi hiện thực tồi tệ, vũng bùn thất bại và trì hoãn mình đã sa vào, ông tự đánh lừa bản thân khi mơ mộng rằng thời hoàng kim, tấm vé một chiều tới danh hiệu ngôi sao màn bạc đã sắp đến rồi. Natasha chứng kiến một giấc mơ Mỹ, vở kịch độc thoại  của cha mình dần dần bị đạp đổ trong cay đắng, và chẳng còn gì trong cô muốn một thứ gọi là ước mơ nữa. Cô chỉ còn nhìn thấy những số liệu thống kê, những sự thật có thể chứng minh và khối kiến thức khoa học khổng lồ. Mơ ước và đam mê không có chỗ trong thế giới của Natasha – cô chỉ tin tưởng vào phương trình toán học và cơ sở lập luận hiển nhiên. Nói cho cũng, dữ liệu chẳng thể làm tổn thương bạn nhiều như ước mơ có thể làm được.

 

 

 

Cha mẹ của Daniel nhập cư từ Hàn Quốc (theo lời khuyên của gia đình) và mở cửa hàng chăm sóc tóc (theo lời khuyên của gia đình). Họ đã thu được sự thành công im lặng và không phô trương. Theo lẽ tự nhiên, họ cũng mong đợi các con trai mình có sự ngoan ngoãn và tính cách thực tế tương tự: làm bác sĩ và lập một gia đình yên ổn với một cô gái Hàn Quốc mà bố mẹ chấp nhận. Cha Daniel cho rằng đó là một giấc mơ Mỹ điển hình và hoàn hảo. Daniel nhìn thấy đó là một cuộc đời nhạt nhẽo và quá bình yên. Cậu chỉ muốn làm thơ và tự quyết định tương lai của mình.

Khi Daniel nói rằng cậu là người Hàn Quốc, Natasha đã hỏi lại: “Làm sao mà cậu tự gọi mình là người Hàn được? Cậu sinh ra ở đây cơ mà?”

Cậu trả lời: “Chẳng quan trọng. Mọi người luôn hỏi tớ từ đâu đến. Tớ đã từng nói tớ là người ở đây, nhưng người ta lại hỏi tớ thực sự là người ở đâu thì tớ trả lời tớ là người Hàn…Tớ nói gì đâu thành vấn đề. Mọi người nhìn tớ từ đầu đến chân và tin vào những gì họ muốn… Bố mẹ thì nghĩ rằng tó không đủ chất Hàn Quốc. Tất cả những người khác thì tin rằng tớ cũng chẳng có đủ chất Hoa Kỳ.”

Vẫn là Natasha, người theo chủ nghĩa duy lý, khẳng định rằng: “Tớ không nghĩ rằng cậu nên nói cậu là người Hàn Quốc. Vì điều đó không đúng. Cậu ở đây, cậu là người Mỹ. Không phải lỗi của cậu khi mà người khác rập khuôn cậu như thế.”

“Tình yêu từ cái nhìn thứ hai”

Daniel tìm kiếm ý nghĩa và tính chất “định mệnh” trong từng khoảnh khắc. Niềm hy vọng dai dẳng, cứng đầu của cậu dần dần lấn sân tính hoài nghi của Natasha. Cảm nhận rõ ràng từng tiếng tích tắc của đồng hồ, Natasha cố gắng định nghĩa tình yêu của mình bằng một luận thuyết tuyệt đẹp về tính hình tượng của trái tim:

Khi người ta nói trái tim muốn những gì mà nó muốn, họ đang nói về trái tim cảm xúc – trái tim của thi ca và hi vọng, trái tim mà có thể đổ vỡ cứ như được làm từ thủy tinh vậy. Họ không nói đến trái tim thực sự, cái thứ mà cần chế độ ăn uống lành mạnh và nhưng bài tập thể dục aerobic ấy.

Trái tim cảm xúc là thứ chúng ta không thể tin tưởng được. Nó sẽ dẫn đường làm cậu lạc lối. Nó sẽ bảo với cậu rằng tất cả những gì cậu cần là tình yêu và ước mơ. Nó sẽ chẳng đả động gì đến thức ăn, nước uống, nhà cửa hay tiền bạc. Nó sẽ bảo với cậu rằng người này này, cái người đứng ngay trước mặt cậu đây này, ngươi mà đã thu hút cậu bất kể vì lí do gì đi nữa…- chính là Người Đó – nhưng chỉ lúc này thôi, cho đến khi nó lại tìm được một cô gái khác. Trái tim cảm xúc chắc chắn không thể được tin tưởng khi ta nói đến những quyết định quan trọng của đời mình.

 

 

 

Sự dằn vặt đè nặng lên trái tim cô khi 10 giờ càng ngày càng gần. Những nỗ lực cứu lấy tương lai của mình trong tuyệt vọng của cô không được đền đáp. Vị luật sư - hi vọng cuối cùng của cô - đã xao nhãng công việc và không thể đưa ra bất kì sự trợ giúp nào, trớ trêu thay, nguyên nhân chính là vì cái thứ đã mang đến cho cô một ngày tuyệt vời nhất ở New York cùng Daniel – tình yêu. Natasha sẽ bắt đầu chuyến hành trình trở lại Jamaica trước lúc 10 giờ, nhân thức rõ ràng rằng mình đã yêu Daniel, mặc cho lý tính và sự tin tưởng vào khoa học của cô không thể giải thích được nguyên nhân.

 

Một cô gái nhập cư Jamaica và một chàng trai Mỹ gốc Hàn được kết nối với nhau bằng những sợ dây liên hệ nhỏ nhất – giống hệt như nguyên tử và neutron trong học thuyết bánh táo của Carl Sagan. Kết quả cuối cùng là một vụ nổ Big Bang của một tình yêu đâm chồi và nở rộ rực rỡ trong vỏn vẹn 12 tiếng đồng hồ ở thành phố New York đầy hỗn độn. Câu chuyện của Daniel và Natasha là một điều khác biệt, không chỉ đơn giản như một chuyện tình vô nghĩa của các nàng teen da trắng.

The Sun Is Also A Star tái hiện rõ ràng những lạc lối, đồng thời cả hi vọng của tuổi trẻ, cuộc chiến tranh không hồi kết giữa bố mẹ và con cái, những dằn vặt nội tâm tiêu biểu của người nhập cư – “con lai” của hai nền văn hóa, và hơn hết, những câu chuyện xứng đáng được kể. Tôi rất thích tính thách thức định kiến xã hội trong câu chuyện của Nicola Yoon – bà để cho Daniel và Natasha đảo ngược vị thế - một cô gái da màu của chủ nghĩa duy lí, coi khoa học là lẽ sống và một chàng trai mộng mơ tin tưởng vào sự tồn tại của định mệnh. Tôi thích cả cách thức tiết lộ từng khía cạnh cuộc sống của các nhân vật phụ mượn lời của vũ trụ quyền năng: Irene cô gái bảo vệ an ninh, người đàn ông canh giữ sân thượng, Jeremy luật sư, cô thư ký Hannah Winter,… Yoon gắn kết những số phận, những mảnh đời và hàng triệu khả năng hỗn tạp khác nhau vào một tổng thể truyền cảm hứng và đầy ý nghĩa.

 

Review chi tiết bởi Hồng Nhung - Bookademy

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024