Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
11/04/2018 22:04 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Review Sách “Hộ Chiếu Xanh: Hành Trang Của Những Công Dân Toàn Cầu – Hành Trình Ra Biển Lớn”: Muốn Biết Bản Thân Mình Là Ai, Cần Phải “Trải” Và “Nghiệm”


Có những ngày của tuổi trẻ, chúng mình đôi lần cảm thấy chênh chao, loay hoay với câu hỏi mình là ai, mình mong muốn điều gì, sao mình không rõ ước mơ của chính mình? Nhìn ra thế giới thấy người trẻ nước họ tự tin, say mê sáng tạo, còn mình đầy mặc cảm, tự ti, chẳng dám đi đâu. Những lúc ấy chỉ mong có ai đó thấu hiểu, sẻ chia với mình.

Hiểu được những khó khăn nhất định của người Việt trẻ khi muốn thực hiện ước muốn sánh vai với bạn bè năm châu, “Hộ chiếu xanh: Hành trang của những công dân toàn cầu- Hành trình ra biển lớn” ra đời. Cuốn sách như một món quà mà các tác giả dành tặng các bạn trẻ để chúng mình có thêm nhiệt huyết, cảm hứng bắt đầu hành trình vươn ra thế giới!

“Hành trình ra biển lớn”- một câu chuyện được kể bằng câu chữ và hình ảnh...

Ấn tượng đầu tiên của mình khi cầm trên tay cuốn sách này là “sách có cần đẹp vậy không?” Sách dày 275 trang, được in màu trên giấy siêu dày và mịn. Tất cả các nội dung đều được trình bày chỉn chu từng chi tiết, rõ ràng cùng những hình ảnh minh họa sinh động. Thế là chúng mình có thể hoàn toàn thay đổi suy nghĩ rằng sách về kỹ năng, chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thì phải “toàn chữ là chữ”, khô khan. Dù biết không thể đánh giá cuốn sách chỉ qua hình thức bên ngoài nhưng mình vẫn không thể kìm lòng ở hiệu sách mà mang “em” sách này về ngay khi nhìn thấy “em”.

Có nhiều bạn cũng hỏi so với cuốn “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới: Những bước để trở thành công dân toàn cầu” đã từng xuất bản, “Hành trình ra biển lớn” có gì khác biệt không, và khác biệt như thế nào?

Đây đều là hai cuốn cẩm nang gối đầu giường của những bạn trẻ muốn trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, nếu cuốn “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” được viết bởi bộ ba tác giả Đức, Hương và Linh thì “Hộ chiếu xanh: Hành trang của những công dân toàn cầu – Hành trình ra biển lớn” là tập hợp bài viết của hơn 40 tác giả, những người Việt trẻ khắp năm châu cũng như những người nước ngoài thành công trên trong nhiều lĩnh vực.  Nếu cuốn sách đầu tiên giúp bạn định hình những hiểu biết cần có trong chuỗi hành trình trở thành công dân toàn cầu thì cuốn thứ hai chính là những việc thật cụ thể để bạn hiện thực hóa hành trình đó.

“Hành trình ra biển lớn” là sự tiếp nối thành công của “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới”, giúp chúng mình có thêm hoàn thiện bản thân, dám dũng cảm mang tấm hộ chiếu Việt Nam đi khắp thế giới, để sống, để trải nghiệm, để tìm thấy chính mình. Và vì thế, mình không thể trả lời câu hỏi “Nên mua cuốn sách nào” hoặc câu hỏi “Cuốn sách nào hay hơn”, bởi mình đã lỡ “phải lòng” cả hai mất rồi.

Chúng mình đọc gì ở “Hộ chiếu xanh: Hành trang của những công dân toàn cầu – Hành trình ra biển lớn”?

Cuốn sách gồm bốn phần chính: Tiếng gọi ra khơi, Chuẩn bị hành trang, Vượt sóng cả và Chinh phục đại dương.

Tiếng gọi ra khơi

Đây là phần đầu tiên của cuốn sách. Trong phần này bao gồm những bài viết giới thiệu về cộng đồng “Hộ Chiếu Xanh đi quanh thế giới”, những người đã ấp ủ và làm nên cuốn sách thú vị làm “rung rinh” trái tim bao bạn trẻ và nhiều quan điểm xung quanh việc đi du học.

Trước hết bạn sẽ được đọc Lời tự bạch dễ thương của Hộ Chiếu Xanh để biết được lí do mà Hộ Chiếu Xanh được sáng lập, sứ mệnh cũng như những hoạt động mà cộng đồng đã làm được từ khi thành lập.

Nếu tò mò về tiêu chí của cộng đồng Hộ Chiếu Xanh, chúng mình có thể đọc ngay bài viết 77 tiêu chí của cộng đồng Hộ Chiếu Xanh. Chắc hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc sao có “những” 77 tiêu chí, một con số khá lớn, nhưng đây đều là những tiêu chí cần thiết và quan trọng. Tất cả đều được bật mí ngắn gọn chỉ trên hai mặt giấy.

Tiếp đến là Cảm nhận của gia đình Hộ Chiếu Xanh. Phần này các tác giả lần lượt nêu những suy nghĩ, tình cảm của mình về mái nhà Hộ Chiếu Xanh.

Trước khi đến với Hộ Chiếu Xanh họ đều là những người trẻ nhiều hoang mang. Đó là Phương Trinh “cô sinh viên năm nhất chẳng biết gì, lơ ngơ với mọi thứ mới lạ”. Đó là Lê Đoàn Đăng Châu “vẻ ngoài gai góc, luôn muốn chứng tỏ bản thân mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách nhưng sau tất cả, vẫn luôn tự ti nhút nhát”. Đó là Võ Trí Tín “không bao giờ nghĩ mình sẽ làm được gì ngoài học cả”. Đó là Phương Hạ “Đại học năm ba. Bảng điểm giỏi. Nhưng lòng trống rỗng và hoang mang.” Và rất nhiều bạn trẻ khác nữa.

 

 

Song tất cả cùng tham gia vào gia đình Hộ Chiếu Xanh, cùng trưởng thành và làm được nhiều điều ý nghĩa. Với họ, như Đăng Châu chia sẻ:

Tôi vẫn nghĩ, mỗi người đều ở trong một “hang cua”, chỉ khác về độ rộng của nó và chính Hộ Chiếu Xanh đã cho tôi đủ can đảm để rời bỏ cái hang của mình-một vùng an toàn quá mức với sự bảo bọc của gia đình mà hơn 20 năm nay tôi đã nghĩ mình sẽ không rời bỏ, để đến với một cái hang mới- nơi tôi được tiếp lửa để chắp cánh cho ước mơ, điều tôi chỉ muốn nhưng chưa dám thực hiện. Và đây sẽ là nơi tôi bắt đầu hành trình vươn ra đại dương mênh mông của mình.

Tiếp sau đó là phần Quan điểm: Bạn nghĩ thế nào về “công dân toàn cầu”? Thời điểm “chín muồi” để xách ba lô lên và đi du học là khi nào? Phụ nữ nên chọn “giỏi việc nước” hay “đảm việc nhà”?

Mình thích nhất là bài viết “Phụ nữ hiện đại giỏi giang hay đảm đang” của Hồ Thu Hương. Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra những quan niệm không đúng mà xã hội vẫn thường áp đặt lên phụ nữ như “Phụ nữ không nên học nhiều quá, nếu không sẽ bị ế...” hay “Phụ nữ là phái yếu nên không thể mạnh mẽ”. Từ đó, tác giả khẳng định “Phụ nữ hiện đại là người tìm cách phối hợp công việc với cuộc sống riêng tư để không khía cạnh nào bị ảnh hưởng”.

Thông điệp mà chị gửi tới là “để trở thành một người phụ nữ hiện đại bạn nên trau dồi và phát triển bản thân, duy trì sự cân bằng trong cuộc sống và học cách tự lập”.

Giản dị, chân thành và thực tế, bài viết góp phần khiến mình thay đổi suy nghĩ, tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống. Mình tin rằng là con gái có thể vừa giỏi giang vừa đảm đang theo một cách nào đó, điều quan trọng mình cần hiểu rõ bản thân, trân trọng và yêu thương chính mình.

Mình thích bài viết trên nhất không có nghĩa là không mê mẩn Lá thư “quá khứ gửi tương laiNên đi du học vào thời điểm nào hay hạnh phúc xuất phát từ bên trong.

Chuẩn bị hành trang

Sau khi đã nghe theo “Tiếng gọi ra khơi”, Hộ Chiếu Xanh sẽ giúp chúng mình biết cần “Chuẩn bị hành trang” như thế nào.

Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài rìu.

(Abraham Lincoln)

Chúng mình đều hiểu rằng việc chuẩn bị trước mọi hành trình là vô cùng quan trọng, càng chuẩn bị tốt bao nhiêu mình càng dễ dàng chinh phục được mục tiêu hơn. Các hành trang cần chuẩn bị cho hành trình ra biển lớn là Sức khỏe - thể thao, Ngoại ngữ, Kỹ năng - Kinh nghiệm.

Nếu các cuốn sách khác khi nhắc tới chuyện du học thường chú trọng bàn về kiến thức, kỹ năng bạn cần chuẩn bị mà quên đi một yếu tố vô cùng quan trọng là sức khỏe thì “hành trình ra biển lớn” đã dành 6 bài viết, 6 “tip” để chúng mình có một sức khỏe tốt nhất cho mỗi chuyến đi. Điều đặc biệt, mọi hướng dẫn đều vô cùng chi tiết cụ thể từ chuyện tập yoga, giấc ngủ cho tới cả những gợi ý để chúng mình có thể thư giãn trên máy bay. Đây chính là phần mình cần “note” ngay vào sổ tay và thực hiện để không lo mất ngủ, rối loạn gời giấc hay mệt mỏi khi đi máy bay.

Hành trang tiếp theo- cũng là hành trang không thể thiếu khi du học: Ngoại ngữ. Mình thấy đây là phần rất thiết thực, vì các bài viết đều đưa ra những cách cụ thể về phương pháp học các ngoại ngữ không chỉ có Tiếng Anh.

Ví dụ như trong bài viết “2 công cụ luyện nghe cho người mới bắt đầu” tác giả đã so sánh những ưu nhược điểm của VOA Special English với Eslpod để chúng mình có thể tham khảo và quyết định lựa chọn công cụ học tập hiệu quả.

Kỹ năng - Kinh nghiệm là yếu tố quan trọng với người trể chúng mình. Ở những bài viết về phần này chúng mình sẽ được hướng dẫn và lưu ý khi viết CV, nhắc nhở về vật dụng bất li thân khi xa nhà, cách dùng dao dĩa hay cách thuyết trình trước đám đông.

Cuối cùng là “Tình nguyện ở nước ngoài - Câu chuyện của trái tim ấm áp và tư duy rộng mở.”

Vượt sóng cả

Khi đã đổ đầy bình Sức khỏe, ngoại ngữ và Kỹ năng, chúng mình còn chần chừ gì nữ mà không “Vượt sóng cả”.

“Vạn sự khởi đầu nan”. Đặt chân đến một đất nước mới mẻ, với những con người lạ lẫm, phong tục và văn hóa khác biệt vốn không dễ dàng. Hãy cùng Hộ Chiếu Xanh “nhập gia tùy tục”, vượt qua thách thức ban đầu.

Đã hơn một năm kể từ khi mình bắt đầu cuộc sống tự lập ở một nơi xa Việt Nam. Mọi thứ lúc đầu đều xa lạ: ngôn ngữ mới, môi trường mới, con người mới, căn nhà mới và cả nghìn thứ khác đều mới tinh. Mặc dù khá tự tin với khả năng thích nghi của bản thân, mình vẫn không tránh khỏi cảm giác lạc lõng khi xung quanh không có bất cứ thứ gì quen thuộc. Mỗi sáng thức dậy, mình không có hứng thú chào đón ngày mới, không muốn đi học, không muốn nói chuyện- làm quen - kết bạn, không muốn ngủ cũng không muốn ăn...

Đó là tâm trạng của Đặng Thị Như Anh chia sẻ trong bài viết “Mình đã làm gì để thích nghi với cuộc sống mới”. Đó cũng là tâm trạng chung của chsung mình khi vi vu trời Tây, ở nơi đất khách. Cô bạn ấy đã thích nghi như thế nào, mình có thể học tập được gì từ kinh nghiệm của bạn, tất cả đều được bật mí trong sách. Cùng với bài viết này là chuỗi bài về chuyện quản lí tài chính, giải đáp băn khoăn về chuyện thực tập ở nước ngoài hay làm thêm ở các nước mình du học.

Theo cảm nhận cá nhân, mình ấn tượng nhất với bài viết “Hà Phương Thảo- Đi một con đường mới, cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức”. Nghe lời tâm niệm của chị, mình học được nhiều điều:

Thảo trân trọng cơ hội được sống và làm việc ở những quốc gia khác nhau để nhận ra rằng không có nơi nào là hoàn hảo. Ở đâu cũng có những mặt tích cực, tiêu cực. Quan trọng là bạn học hỏi những điều tốt đẹp và chấp nhận những khác biệt.

Đọc xong bài viết mình thiết nghĩ: Chúng mình còn trẻ hãy thử đi nhiều, đọc nhiều và học thêm nhiều điều mới. Thế giới ngoài kia rộng lớn biết chừng nào, phải không?

 

 

Ở phần này cũng như các phần trước có một số bài viết của các tác giả nước ngoài được trình bày dưới dạng song ngữ. Chúng mình có thể vừa đọc để biết thêm nhiều thông tin hữu ích vừa có thể luyện thêm khả năng đọc tiếng Anh nữa. Các bài viết “Câu chuyện giấc mơ chinh phục châu Á của cô gái Á” và “Câu chuyện nhập gia tùy tục của anh chàng châu Âu nơi phương trời châu Á” thấm thía suy ngẫm của những người trẻ trên thế giới về chuyện vi vu nơi đất khách.

Vậy là chúng mình còn biết thêm về cảm nhận, về khó khăn cũng như quá trình vượt qua thách thức của bạn trẻ khắp năm châu, để nhận ra hóa ra họ cũng như mình, người trẻ chúng mình đều gặp phải vấn đề giống nhau, chỉ khác là cách mỗi người đối diện với nó.

Chinh phục đại dương

Khi đọc đến phần cuối của cuốn sách, chúng mình đã biết được cần làm gì để có thể thực hiện hành trình ra biển lớn, chinh phục đại dương. Vậy ở phần này, Hộ Chiếu Xanh sẽ mang tới những bài viết về chủ đề nào?

Chinh phục đại dương sẽ hé lộ cho chúng mình chân dung những gương mặt xuất sắc, những người trẻ dám đi, dám sống, những công dân toàn cầu thực thụ.

Đừng nghĩ “Khó thế sao mà làm được”. Hãy nghĩ “khó như vậy thì phải làm như thế nào?”

Khi đọc tới phần này mình đã không thể giấu được sự ngưỡng mộ đối với các nhân vật được nhắc tới. Mình đặc biệt thích chia sẻ của chị Trần Thị Thùy Trang, tác giả cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s” trong bài viết “Muốn biết bản thân mình là ai, cần phải “trải” và “nghiệm”.

 

 

Mình đã thu nhận được lời khuyên bổ ích:

  • Để làm việc hiệu quả cần biết sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định việc nào là trọng tâm trong một khoảng thời gian để dồn hết sức vào nó.
  • Khi cố gắng đạt được một mục tiêu, có thể thành công hay thất bại không phải là điều quan trọng nhất so với việc bản thân sẽ đạt đến tầm cao mới khi nỗ lực hết mình chinh phục thử thách đó.
  • Để biết bản thân mình là ai, cần phải làm gì thì không thể tự nhiên mà nhìn ra được, cần phải “trải” và “nghiệm”. Phải “trải” thì mới có cái để “nghiệm”.
  • Cuộc đời có rất nhiều lựa chọn phù hợp với bản thân, quan trọng là tìm ra lựa chọn nào là gần gũi với mình nhất, chứ không bao giờ có sự lựa chọn nào là hoàn hảo cả.

Đó chỉ là một vài điều mình rút ra được trong lần đầu tiên đọc, mình nghĩ rằng mình sẽ còn đọc lại những bài viết “Phượt thủ Tuấn Anh: Phượt để yêu thương nhiều hơn”“Trần Hùng John: Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội dành cho những bạn trẻ tiên phong và phóng khoáng” hay bài viết “Đừng để tham vọng bị mờ nhạt đi theo thời gian hay bị mài mòn theo hoàn cảnh” và rất nhiều bài viết khác nữa trong cuốn sách. Mình nghĩ các anh chị đi nhiều, trải nghiệm nhiều và đầy tâm huyết nên những gì họ chia sẻ rất có ích với chúng mình. Mỗi người có một thế mạnh, một khám phá về thế giới riêng, chọn cho mình những cách khác nhau để thực hiện “hành trình ra biển lớn”. Và vì lẽ đó, những chia sẻ của các anh chị là bài học vô giá mà chúng mình có thể học hỏi.

 

 

Cuối cùng, trong phần này là các bài viết truyền cảm hứng văn hóa nghệ thuật. Mình đã rất thích thú với những điều thú vị được kể lại bởi các tác giả sau mỗi chuyến đi tới những vùng đất khác nhau trên thế giới.

Đừng quên đọc phần Bạn hỏi - Hộ chiếu xanh trả lời. Bởi khi đọc phần này mình nhận ra có nhiều bạn cũng có các thắc mắc như mình và các câu hỏi ấy đều được Hộ Chiếu Xanh trả lời nhiệt tình. Các anh chị không chỉ đơn thuần đưa ra lời khuyên mà còn bày tỏ sự đồng cảm và quan tâm, điều đó khiến mình thấy rất gần gũi, đáng nhớ.

Lời kết:

“Hộ chiếu xanh: hành trang của những công dân toàn câu- Hành trình ra biển lớn” là cuốn sách mang lại cho mình nhiều cung bậc cảm xúc: từ niềm hào hứng với các kiến thức mới mẻ, niềm say mê trước những chia sẻ đầy chân thành từ các anh chị, niềm háo hức muốn lên đường khi đọc về hành trình đầy sắc màu của mọi người và hơn cả là những khoảng lắng lại suy ngẫm về tuổi trẻ, về đam mê, về những chuyến đi và sứ mệnh của người trẻ.

Và mình biết chúng mình cần dong buồm ra khơi, chinh phục đại dương, vươn ra thế giới vì mình chỉ sống một lần, có một thời tuổi trẻ.

Tác giả: Thu Thảo - Bookademy

------

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024