Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/01/2018 22:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Bookademy] Review Sách "Italy, Đi Rồi Sẽ Đến": Hơn Cả Một Cuốn Cẩm Nang Du Học, Cuốn Sách Này Sẽ Giúp Bạn Tìm Cách Vượt Qua Khó Khăn Trong Cuộc Sống


Như mọi cẩm nang du học khác, Italy, Đi Rồi Sẽ Đến là một cuốn sách tràn đầy nỗ lực, sức mạnh và những bài học quý giá của Fanara Lê (tên thật: Lê Thủy Anh) trong quá trình bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình và tìm kiếm các cơ hội du học. Tuy nhiên, cuốn sách của chị cũng vô cùng khác biệt, bởi câu chuyện của riêng chị, bởi làn gió ôn hòa từ nước Ý huyền bí và cổ kính, cùng những điều rất Ý, chỉ có ở Ý.

Tôi đã từng nghĩ sẽ phải từ bỏ giấc mơ du học vì rất nhiều khó khăn từ gia đình nhưng tôi vẫn giữ được ước mơ của mình và cuối cùng cũng đã làm được. Tôi đã từng nghĩ sẽ từ bỏ tình yêu xa với khoảng cách 14 giờ bay như một điều không tưởng nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã làm được. Tôi đã có những tháng ngày tồi tệ ở đất Milan khi không thể hòa nhập nổi môi trường học tập nhiều sức ép ở đấy và đã từng rất nghi ngờ về năng lực của bản thân. Tôi đã từng nghĩ rất nhiều thứ là không thể, cũng tự nghi ngờ khả năng của bản thân, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng đã vượt qua và hoàn thành được khóa thạc sĩ của mình.

Những lời chia sẻ thật lòng này của Fanara Lê là bản tóm tắt ngắn gọn và chính xác nhất về Italy, Đi Rồi Sẽ Đến cũng như cuộc sống của chị trong khoảng thời gian từ khi có ước mơ du học đến lúc hoàn thành khóa học trên đất Ý. Thật không ngoa khi nói rằng cuốn sách này là “một bài ca về nghị lực sống, về tinh thần vượt khó vươn lên” và chị là một cô gái Việt “biết vượt lên không chỉ những khó khăn, cản trở đặc trưng với một phụ nữ Á Đông mà còn biết dung hòa giữa nghĩa vụ gia đình với khát vọng sống của bản thân.” (theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh – Giảng viên Đại học Ngoại thương)

Italy, Đi Rồi Sẽ Đến trước hết dành cho những bạn quan tâm đến du học Ý, đến đất nước Ý xinh đẹp (và trường đại học Bocconi). Sau là những bạn đang nuôi dưỡng ước mơ du học, muốn biết thêm về cuộc sống của du học sinh ở châu Âu cũng như những khó khăn có thể gặp phải. Cuốn sách này sẽ có tất cả những điều đó.

Cá nhân tôi cảm thấy, thay vì là một cuốn cẩm nang du học, Italy, Đi Rồi Sẽ Đến là một cuốn nhật kí hành trình của Fanara Lê. Chị chia sẻ từ hoàn cảnh gia đình đến những công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, những bài học đầu tiên ở trường đời và quá trình ôn thi các chứng chỉ. Giọng văn của chị đơn giản (nhiều chỗ còn dùng văn nói) như đang nói chuyện với người đọc, như đang chia sẻ tâm sự trong lòng khiến nội dung cuốn sách trở nên gần gũi hơn.

Italy, Đi Rồi Sẽ Đến được chia làm 3 phần và 1 phụ lục.

Tôi chọn nước Ý hay nước Ý chọn tôi?

Du học vốn là ước mơ của rất nhiều người trong đó có tôi. Từ ngày còn bé tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị từ những chuyến công tác nước ngoài của bố. Bố kể cho tôi nghe về một thế giới hoàn toàn khác lạ, những con người bố gặp, những bức ảnh bố chụp tại các tòa nhà đẹp lung linh, sang trọng. Những thứ bánh kẹo, đồ chơi và cả những cuốn sách ảnh màu mà tôi chưa từng được thấy ở Việt Nam, đã gieo vào lòng tôi ước mơ về một ngày nào đó mình cũng sẽ đi nước ngoài như bố. (…) Tôi đã viết trong nhật kí năm 15 tuổi rằng: “Lớn lên, mình nhất định sẽ đi du học” nhưng tôi không ngờ được rằng 15 năm sau tôi mới thực hiện được ước mơ này và tại một đất nước chưa bao giờ nằm trong suy nghĩ của mình.

Nước Nhật là địa điểm du học đầu tiên chị muốn đặt chân tới. Một phần bởi bố chị học tiếng Nhật và nước Nhật là nơi thân quen với chị từ những bức ảnh trong chuyến hành trình của bố. Một phần khác là vì chị muốn phá vỡ định kiến giới tính cổ hủ của làng quê. Chị thi vào khoa Kinh tế Đối ngoại (hiện là khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế) Đại học Ngoại thương tiếng Nhật. Sau khi thành công đỗ đúng nguyện vọng, chị bước vào cánh cổng đại học “với tâm thế luôn ước ao, khát khao tìm kiếm cho mình một suất học bổng để được sang Nhật.”

Tuy nhiên, do số lượng học bổng ít và nhiều người giỏi hơn, chị không có được một học bổng nào phù hợp với mình. Thay vào đó, chị có được những kinh nghiệm, vốn sống và kiếm ra tiền nhờ nỗ lực học tiếng Nhật.

Những bài học đầu đời đã dạy tôi dù làm bất kì công việc gì hãy làm bằng tất cả sự nỗ lực và trái tim thì nhất định sẽ được đền đáp. Đừng đòi hỏi quyền lợi mà hãy cống hiến hơn tất cả những gì mình được yêu cầu vì phần thưởng phía trước còn lớn hơn rất nhiều.

Dù có một khoảng thời gian thất nghiệp, chị cũng không để những ngày đó trôi qua lãng phí. Chị vừa chăm sóc gia đình vừa bắt đầu luyện thi chứng chỉ tiếng Anh. Trong lúc chờ kết quả thi, chị nhận được công việc trợ lý phòng Mineral Resource & Energy (năng lượng & khoáng sản) tại Sumimoto Corporation – vị trí có ảnh hưởng lớn đến việc du học của chị sau này.

Thời gian làm việc ở đây tôi đã được sử dụng tối đa năng lực, sở trường và kĩ năng của mình. Tôi đi làm chăm chỉ và kiếm được thu nhập tốt đảm bảo tài chính cho mình và hỗ trợ gia đình. (…) Tôi viết bài cho báo của tập đoàn, chụp ảnh, làm video hay tham gia tổ chức sự kiện cho công ty… Chưa bao giờ tôi thấy mình sống nhiệt thành, muốn cống hiến và được cống hiến nhiều đến thế. Tôi tự hào khi là thành viên của SC và đến giờ vẫn luôn hạnh phúc khi nhớ lại khoảng thời gian đẹp đẽ ấy.

Dù có một công việc ổn định, môi trường làm việc lành mạnh và những đồng nghiệp tốt, chị vẫn cảm thấy chưa đủ. Ước mơ đi du học một lần nữa sống lại trong chị. Chị chia sẻ rằng chị luôn ngưỡng mộ người Nhật, nhưng chị không muốn trở thành một con robot làm việc quên ngày tháng như họ. Đó chưa bao giờ là cuộc sống chị mong muốn.

Fanara Lê chưa từng một lần buông bỏ giấc mơ du học, chị chỉ tạm gác nó lại một bên để đặt gia đình lên trước. Và đó là điều khiến tôi cảm phục chị nhất. Những biến cố trong gia đình chị thật quá khó khăn để vượt qua, thế mà chị vẫn trải qua tất cả, để giờ có thể sống thật hạnh phúc, sống cho bản thân mình.

Chị nói có nhiều người bảo chị may mắn. Người ta vẫn thường hay nhìn vào kết quả tươi đẹp mà cho rằng cả quá trình là một đường đi bằng phẳng, thậm chí có những người chẳng bao giờ công nhận tài năng và công sức của người khác, họ quy hết mọi thành quả của người khác là nhờ may mắn. Tôi mong rằng bạn – người đang đọc bài viết này – biết không có may mắn nào tạo được thành quả dài lâu. Người thành công cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn để đến được ngày gặt quả ngọt. Không có gì tự nhiên đến cả.

Biến cố gia đình ngày ấy chính là đòn bẩy to lớn để tôi lại quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều bạn trẻ hiện tại cũng đang trải qua khó khăn như gia đình tôi, sự thiếu thốn về kinh tế, mất mát người thân, sự đổ vỡ tình cảm… tất cả đều rất đau đớn và khổ sở. Nhưng đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy dùng chính hoàn cảnh để thử thách và mài giũa bản thân mình. Hãy nhớ rằng không ai có thể giúp bạn ngoài chính bản thân bạn, kêu ca phàn nàn hay chán chường tuyệt vọng chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Tôi đã tự động viên mình những ngày ấy rằng cuộc đời đã lựa chọn mình để trao cho mình những khó khăn, vậy nên cứ kiên trì cố gắng mà vượt qua. Giống như cầu vồng không thể có nếu thiếu những cơn mưa. Tôi cũng chẳng còn quá để tâm và bận lòng những gì người khác nói về mình nữa mà cứ thế kiên trì và âm thầm theo đuổi con đường của mình. Những ngày cùng cực nhất tôi đã chọn cách ngồi thiền chỉ để giữ tâm mình tĩnh lặng. Hít một hơi thật sâu căng đầy lồng ngực rồi thở ra thật khẽ để biết rằng mình còn đang được sống và khỏe mạnh đã là một điều hạnh phúc rồi. Chỉ cần bạn giữ niềm tin vào chính bản thân mình, giữ vững ước mơ của mình thì chắc chắn sẽ có ngày bạn thực hiện được nó. Chỉ là ước mơ của bạn có đủ lớn hay không.

Nước Ý đối với Fanara Lê như duyên nợ. Bởi chị đã yêu một chàng trai người Ý, người mà giờ là chồng chị. “Tình yêu là cái duyên dẫn tôi đến nước Ý nhưng sự lựa chọn và quyết định vẫn là từ chính bản thân tôi.” Chị đã từ chối lời cầu hôn của anh sau ba năm yêu xa mà tập trung tìm kiếm cơ hội cho mình trên mảnh đất châu Âu, nơi chị có thể tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn mình và được sống là chính mình.

Nhờ ba năm làm việc tại Sumimoto Corporation, chị tìm ra lĩnh vực chị muốn phát triển lâu dài chính là ngành năng lượng. Khi đã có những dự định cụ thể và rõ ràng hơn, chị tìm thấy khóa học thạc sĩ 1 năm về năng lượng tái tạo và bền vững tại Đại học Bocconi, Ý.

Và đó là khi hành trình đến Ý của chị bắt đầu.

Hành trình tại Ý

Chương đầu tiên của phần 2 trước hết là những thông tin về nền giáo dục Italy và các học bổng cho sinh viên quốc tế. Tiếp theo là quá trình hoàn thiện hồ sơ, đăng kí học bổng chính phủ MAECI và đăng kí khóa thạc sĩ tại trường đại học chỉ dành cho “con nhà giàu và học giỏi” Bocconi. Theo sau đó là một phần nhỏ hướng dẫn cách đóng gói đồ đạc trước khi lên đường sang xứ người.

Thời gian Fanara Lê chuẩn bị hồ sơ cũng là lúc dự án khi gas thiên nhiên tại SC do chị phụ trách đang vào giai đoạn nước rút. Chị vừa đi làm, vừa tự ôn thi và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho chuyến đi du học của mình dưới áp lực lớn. Khung thời gian khi đó của chị gần như kín mít với những ngày thi, ngày nộp hồ sơ và lịch công tác. Các chứng chỉ TOEFL iBT và GMAT chị đều tự học dựa trên các trang web trên mạng. Tự học là một việc khó khăn, nhất là đối với những người có khả năng tập trung kém. Dù phải đi làm đến 7, 8 giờ tối, có ngày 10 giờ đêm nhưng chị vẫn cố gắng kịp tiến độ ôn thi: làm bài tập đến 1, 2 giờ sáng và học cả vào cuối tuần để bù lại những ngày đi công tác. Chị có chia sẻ trong cuốn sách những trang nhật kí chị viết trong tháng ngày căng thẳng đó để tự động viên bản thân. Đọc những dòng chị viết tôi lại thấy rõ hơn những khó khăn, những hoài nghi và những nỗ lực của chị như thế nào. Vậy nên tôi không ngạc nhiên khi công sức của chị cuối cùng cũng được đền đáp với học bổng 9 tháng từ MAECI và chị được nhận vào khóa thạc sĩ năng lượng tái tạo và bền vững (MAGER) từ Bocconi mặc dù điểm thi không được như chị mong muốn.

Một điều nữa đã khiến chị có đủ động lực theo đuổi ước mơ của mình là gia đình. Ở tuổi của chị, các bà mẹ thường giục con gái mình đi lấy chồng, nhưng mẹ chị lại một lòng ủng hộ chị nắm lấy cơ hội. Tôi cho rằng đó là một điều may mắn bởi không phải gia đình nào cũng đồng ý cho con mình từ bỏ một công việc ổn định để đi vào một con đường khó khăn hơn.

Ngày 9/1/2016, tôi bay sang Ý. Hành trình dài cho ước mơ của tôi cuối cùng đã thành hiện thực. Nhìn lại đoạn đường đã qua tôi biết mình đã có thể mỉm cười vì những cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian dài. Nhưng tôi biết mình sẽ không được nghỉ ngơi lâu vì chặng đường tiếp theo chỉ mới bắt đầu. Sẽ có rất nhiều khó khăn, vất vả chờ tôi phía trước nhưng chẳng có gì khiến tôi phải sợ hãi hay gục ngã cả. Đúng như câu nói trong cuốn Nhà Giả Kim: “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì đó thì cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn.”

Đúng như câu nói “Vạn sự khởi đầu nan”, Fanara Lê đã gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu đặt chân đến Ý. Chị suýt bị lừa khi tìm nhà trọ, bị móc túi và phải đi làm lại thẻ cư trú (giấy tờ quan trọng nhất với du học sinh ở Ý), khó khăn trong việc kết bạn ở lớp và rạn nứt tình bạn với người bạn thân ở Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh chị luôn có anh Giuseppe – người yêu của chị, và người bạn trọ Elisa giúp đỡ chị vượt qua những cú sốc đầu tiên này.

Chương tiếp theo của phần 2 giới thiệu về khóa học mà chị Fanara Lê theo đuổi và những cảm nhận của chị xoay quay việc học tập ở Đại học Bocconi. Trong đó cá nhân tôi thấy sự khác biệt giữa tư duy phương Tây và phương Đông là điều quan trọng nhất mà bất cứ ai có ý định du học ở châu Âu hay châu Mỹ cũng cần biết và ghi nhớ.

Các bạn châu Âu vốn tư duy độc lập, có khả năng tư duy phản biện tốt và thường thẳng thắn nói việc mình thích hay ghét, đồng ý hay không đồng ý, trong khi người châu Á thường ít bộc lộ quan điểm cá nhân mà hay lựa chọn theo tư duy “đám đông”.

Dưới đây những điều bạn cần chuẩn bị khi đến Ý (hay đến bất cứ nước nào khác). Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho việc du học, hãy đọc kĩ phần này trong cuốn sách và đánh dấu vào những mục đã có nhé.

  • Sức khỏe.
  • Ước mơ.
  • Tinh thần.
  • Ngoại ngữ.
  • Tài chính & Tự lập.
  • Thủ tục cư trú ở Ý (hay ở nước bạn đặt chân tới).
  • Tử tế & Trung thực.

 Nước Ý là nhà

Ở phần này, chị Fanara chia sẻ những cảm nhận, quan sát và câu chuyện về nước Ý trong thời gian sống ở nơi này.

Với chị Fanara, nước Ý là Việt Nam ở châu Âu bởi hai nước đều có những nét giống nhau đến không ngờ: nền văn hóa ẩm thực phong phú, những danh lam thắng cảnh đặc sắc, sở hữu nhiều phương ngữ, xu hướng xuất ngoại và di chuyển đến các thành phố lớn của người trẻ, giao thông lộn xộn, thủ tục hành chính tốn nhiều thời gian, truyền thống gắn bó qua nhiều thế hệ trong gia đình, và một điểm thú vị là nước mắm. Đúng rồi, bạn không nhìn nhầm đâu. Ý cũng có nước mắm riêng đấy.

Về cuộc sống của người Ý, tôi xin phép liệt kê ra đây một vài điều thú vị được đề cập trong sách:

Thứ nhất, người Ý là dân tộc biết tận hưởng cuộc sống và chỉ quan trọng việc sống hết mình cho hiện tại.

Thứ hai, ẩm thực là chủ đề yêu thích của người Ý.

Thứ ba, vóc dáng săn chắc và thon gọn của người Ý là nhờ ăn uống điều độ và ưa thích các hoạt động ngoài trời.

Thứ tư, Ý là đất nước du lịch nhưng người Ý cũng rất chịu khó đi du lịch.

Thứ năm, người Ý là bậc thầy trong việc dùng cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể.

Thế nhưng, tất nhiên ở đâu cũng có điều tốt và điều chưa tốt. Nước Ý cũng không ngoại lệ. Đi du học Ý là một ý tưởng không tệ bởi chi phí sinh hoạt và học tập không quá đắt đỏ, thời tiết ấm áp, ẩm thực phong phú và con người thân thiện. Nhưng nếu bạn muốn lập nghiệp ở Ý thì hãy suy nghĩ kĩ bởi tìm việc ở Ý không phải là điều dễ. Các công ty ở đây cũng thường chọn người Ý hơn người nước ngoài bởi rào cản ngôn ngữ và luật pháp yêu cầu do tỷ lệ thất nghiệp cao. Ý cũng có ít chương trình thực tập, thường các bạn tham gia thực tập sẽ không được trả lương hoặc trả rất ít.

Bên cạnh đó, những câu chuyện về người Việt xấu xí hay chuyện những cô dâu Việt lấy chồng Tây luôn là vấn đề đáng quan ngại bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến những người có liên quan cũng như hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Tôi nghĩ rằng mỗi người có một lựa chọn cho mình và ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân mình. Sự độc lập và tự tin vào bản thân chính là cánh cổng cho mọi con đường. Bạn phải tự xây dựng các kĩ năng cho mình đặc biệt là ngoại ngữ để có thể hòa nhập vào cuộc sống mới chứ không nên phụ thuộc hay dựa dẫm vào bất kì ai.

Theo chị, sự chủ động, không ngại hỏi và thừa nhận mình còn kém là cách hòa nhập với cuộc sống mới. Dù bạn đang phải hòa nhập với môi trường làm việc của công ty hay phong cách sống của một đất nước xa lạ, sự chủ động sẽ là chìa khóa giúp bạn tốt nhất.

Mặc dù mới sống và học tập ở Ý được một thời gian ngắn, nhưng Fanara Lê đã gắn bó với những con người nơi đây và có vô vàn những câu chuyện cùng kỉ niệm với đất nước cổ kính và huyền bí này, nơi có gia đình chồng chị và nơi chị lựa chọn ở lại. Với chị, nước Ý đã thật sự trở thành NHÀ.

Kết

Italy, Đi Rồi Sẽ Đến quả thật không chỉ là một cuốn cẩm nang du học Ý mà còn hơn thế nữa. Đây chính là một cuốn sách sẽ giúp bạn tìm cách đối diện và giải quyết những tình huống tưởng chừng khó khăn nhất trong cuộc đời. Những điều chị Fanara Lê chia sẻ đều là những điều chị trực tiếp quan sát và trải nghiệm, nên chúng trở nên hữu ích đối với các bạn trẻ dù có ý định đi du học hay không. Hãy lựa chọn cuốn sách này, kể cả bạn có đang nhắm đến nước Ý cho kế hoạch du học hoặc du lịch của mình, hay bạn đang bế tắc và cần tìm lời khuyên cho bản thân. Mọi điều giới trẻ cần biết, đều nằm trong 260 trang của Italy, Đi Rồi Sẽ Đến.

 

 

Tác giả: Thu Trang – Bookademy.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024