Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/07/2014 09:07 # 1
MyLan
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 10/110 (9%)
Kĩ năng: 22/70 (31%)
Ngày gia nhập: 22/03/2014
Bài gởi: 560
Được cảm ơn: 232
Nhà văn Tô Hoài - những chi tiết không quên


TT - Tôi có may mắn được làm việc cùng nhà văn Tô Hoài ở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và báo Người Hà Nội khoảng 15 năm, từ 1985 đến năm 2.000.

Trước đó, khi tôi là phóng viên báo Hà Nội Mới, được cơ quan cho ở nhờ trên tầng 4 của báo, nhìn xuống hồ Gươm gần nhà bác Tô Hoài nên thỉnh thoảng nhà văn cũng ghé thăm gia đình tôi và trò chuyện cùng ông xã tôi - một người cũng yêu và hiểu Tây Bắc như Tô Hoài.

Tôi thường pha trà và nói vui: “Em mời hai ông ké xơi nước ạ” vì hai vị nhắc đến những Mường Giơn, Mường Lò, nhà tù Sơn La, nhà dài, già bản... mà tôi chỉ biết ngồi nghe im lặng và vô cùng thích thú.

Hồi cùng làm việc, nhà văn thường dặn tôi: “Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt cô ạ”.

Một lần, tôi viết bài thơ về chùa có câu: Bóng thông chùa Trấn Quốc - Như thực lại như mơ”... Sau khi báo đăng, nhà văn gặp tôi, cười: “Hôm qua tôi phải đạp xe lên chùa Trấn Quốc xem có cây thông như cô viết không, chứ cô mà mơ màng viết thế, là hỏng!”.

Hôm nay, nghe tin nhà văn vừa vĩnh biệt chúng ta, tôi ngồi viết những dòng này mà nước mắt rơi... Tôi bỗng nhớ lại biết bao chi tiết mà nhà văn đã để lại, với tôi, là những kỷ niệm không quên.

Một lần, Tô Hoài rủ tôi tham gia bữa ăn của ông và nhà văn Nguyễn Tuân tiếp một nữ nghệ sĩ từ miền Nam ra, thấy tôi ngần ngại ông bảo: “Cô cứ ngồi im mà quan sát thôi”.

Thế là hôm ấy tôi được gặp một nữ nghệ sĩ rất xinh đẹp, lịch lãm và cũng rất điệu đàng. Khi tiễn tôi về sớm, nhà văn nói nhỏ: “Cô biết không, toàn silicon bơm nên da mới căng thế đấy. Mấy năm nữa rồi khóc với nó”...

Lần khác, tôi ra ga đi vào Nam một mình, khi bạn bè đã ra về hết, vào sân tôi mới gặp bác Tô Hoài đứng chờ với một quả táo đỏ trên tay, ông cười: “Táo Nga đấy, nhưng mà ăn ngay, đừng có để lâu nó hỏng mất”.

Dạo đó, táo Tây là rất hiếm, nhưng tôi cũng giữ mấy ngày vì đó là quà của nhà văn mà tôi kính trọng.

Có lần đi nước ngoài Tô Hoài để lại một bài báo vừa viết xong, chưa kịp đặt tên và nhờ tôi đặt giúp rồi gửi ngay cho báo.

Tôi đọc xong, đặt tên và gửi đi, báo đăng ngay. Đó là bài Lời em lời đẹp (thì phải) nói về các cô gái Thái và bài hát của họ.

Về, nhà văn trêu tôi: “Cái tít của cô thơ quá, không có hợp với bài đâu nhé”!... Hiện nay tôi còn giữ nhiều tập bản thảo của Tô Hoài, bác đưa tôi và dặn: “Lúc nào rỗi, cô đọc xem tôi viết cẩn thận thế nào. Cô thì cứ viết ào ào, hỏng!”. Quả thật bản thảo của nhà văn toàn chữ viết tay, nhỏ nhắn và đều tăm tắp nhưng sửa chữa rất nhiều.

Có thể nói trong các nhà văn lớp trước, tôi thật may mắn được làm việc và sống gần nhà văn Tô Hoài - một người Hà Nội tỉ mỉ, hóm hỉnh, giản dị và say mê viết văn đến tận những ngày cuối đời khi bác còn cầm được bút.

Vĩnh biệt nhà văn yêu quý của thủ đô, của Việt Nam - một người anh, người thầy đáng kính của tôi và bao bạn viết cùng trang lứa.

PHAN THỊ THANH NHÀN

 

 

nguồn: tuoitre.vn



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024