Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/02/2014 17:02 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
Suy nghĩ nhỏ về 'kiến văn' của người cầm bút


Đầu năm, người ta thường muốn nói với nhau về cái mới. Nói về cái cũ, cái thua thiệt hay còn đang ngổn ngang trong tâm trí thành điều kiêng kị, xui xẻo phải tránh né. Nhưng, oái oăm thay, cái đất của văn chương rộng lớn đến nỗi có thể dung chứa được bấy nhiêu sáng tạo, bấy nhiêu cá tính, nhưng cũng lại hẹp nỗi khó lòng tránh né những gì mà mỗi người cầm bút từng ngày phải đối mặt, năm nào qua đi vẫn còn đó món nợ với lòng mình. Ấy là sức sáng tạo dường như đang bị kìm hãm bởi cái tài đang còm cõi, oằn oại trong một cái tầm kiến văn hạn hẹp. Điều mà không phải ai cũng dám thốt thành lời dù là khi đang “độc thiện” trước ngọn đèn và trang giấy.

 

Kiến văn có đồng nghĩa với “độc thư”

Có ai đó, mệt nhọc gối đầu lên sách thì trong cơn trằn trọc đó sẽ lại vẳng câu nói đầy chân ý của Lê Quý Đôn: “Văn học không phải là trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được.”

Nhưng ngẫm ngợi, cũng từng thấy lắm khi người ta đọc sách cho vơi bồ, đầy bụng, để rồi trong từng trang văn khi đọc xong, độc giả lại giật mình về thứ lai ghép, sao in rất đỗi tinh xảo của nhà văn- thứ tài nghệ đáng khen ở bác thợ mộc, thợ chạm, thợ hồ… nhưng thật đáng trách ở một người cầm bút. Văn xuôi đã vậy còn thơ cũng lộ liễu không kém. Nhiều câu thơ in ra mà lọc mãi vẫn lổn nhổn những câu từ đặt trong nháy nháy, làm sang cho trang viết bằng những vay mượn cấu tứ đến phát mệt cho những ai đi tìm cái mới. Có người bạn đã từng nói với tôi rằng, hình như “cánh” làm thơ ở nước mình học lỏm cái chiêu làm răng cưa của mấy ông thợ khóa thì phải. Chỉ có tầm ấy cái răng cao, thấp, cái hõm sâu, nông, rộng hẹp… đảo đi đảo lại thành nhiều tần xuất. Các ông làm thơ cũng vậy, toàn những “anh say”, “men rượu”, “bỏ bùa”, “dại khờ”… cứ thế mà xoay tua đến cả những ông sáng tạo ra cho đến nhiều người đọc đều hoa mắt mà thừa nhận trước những món xào xáo, đánh lừa ấy.

Chất hàn lâm, thi liệu được nhiều cây bút dụng công đến vậy, còn ngẫm ra sự dung nạp những biểu tượng sông, núi, cảnh vật như lời nhà bác học họ Lê cũng đâu có vừa. Nhiều nhà văn nhân có bạn văn ghé chơi, nhân giấy mực thơm, giấy trắng của nhà in cũng hồ hởi khoe cái vốn liếng viết lách theo kiểu đến đâu ghi nấy đến là gờm. Không có nơi đâu anh đến lại không làm được thơ, không có nàng thơ nào chối từ những khi anh chèo lên núi, bơi xuống suối, nghển cổ ngắm trăng, cúi đầu nhòm cá… Ăm ắp những chất tươi sống đó, nhưng đọc lên, chết nỗi chỉ là những thứ khô héo, cũ kĩ tồn kho trong văn chương vì đã được những văn tài đi trước đưa vào kho tàng văn hóa từ rất lâu rồi. Nhưng cũng lạ, nhiều lúc người đọc văn hình như cũng nhiễm cái bệnh của mấy bà nội trợ là lâu lâu “gặm” lại món cũ cũng thấy thinh thích. Các nhà phê bình khi ấy hoặc thấy cái tầm như thể e có đả phá thì sức cùng lực kiệt cũng không xuể, hoặc làm thinh chung sống trong cái khu “trung cư cao cấp” văn chương là hội này hội nọ. Ở đó là sự tương phản khi nhà văn thì ở lều còn “lều văn” thì cao sang vật chất… Ít ra thì mỗi năm có kha khá những người cầm bút như thế được đôn lên hàng dự bị để được kết nạp, tung hô.


(Ảnh Internet)

 

Kiến văn còn là bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh nghĩ và viết…

Nếu được chọn một nhà văn đã từng được đi nhiều trong cuộc đời thì phải là Tô Hoài. Nếu chọn một nhà văn thấm thía nhất cái “đói” bầu trời Tổ quốc phải là Nguyễn Đình Thi. Một li tâm mạnh mẽ, một li tâm quyết liệt. Nhưng, đọc trong văn của họ thì hình như bao nhiêu chữ nghĩa, bút pháp, biểu tượng học được từ sự va đập, tiếp xúc văn hóa lặn đâu hết vào con chữ để thành những quan niệm thuần Việt, tinh tế, nhẹ nhàng và sâu sắc. Chú dế mèn của Tô Hoài đâu phải chỉ để cho mấy cậu bé học sinh tiểu học cảm nhận và vẽ vời trên trang sách. Chú dế có tầm vóc và ẩn trong mình những triết lí cao cả của “văn học thiếu nhi cổ điển” ngang tầm với sử thi Hy Lạp.

Nguyễn Đình Thi từng được biết đến như một nghệ sĩ đa tài khi khẳng định được tên tuổi trên nhiều loại hình nghệ thuật. Chính vốn tri thức văn hóa đã giúp cho ông có được nội lực ấy. Nhưng thật lạ, cái phút nhà thơ thốt lên câu nói đã ấp ủ từ kí ức tuổi thơ, niềm khao khát một khoảng trời quê hương lại là lời thơ đơn giản như một câu nói: “Trời xanh đây là của chúng ta”. Không giống với cái nhìn trời xanh trong sự tương quan với một gam xanh, giai điệu của những thi nhân lớn lên từ xứ sở:

Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ

Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ

Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển

Xanh trời xanh cả những giấc mơ

(Tố Hữu)

Kì thực, tầm kiến văn của nhà văn phải là một bản lĩnh văn hóa khi tiếp xúc với những giá trị mới, giá trị khác lạ nhưng vẫn đủ sức vận hành tư duy để nói bằng lời lẽ, bằng cảm quan của bản thân mình, của dân tộc mình. Hiểu biết giúp người ta đi xa hơn bằng đôi cánh của tri thức, nhưng hiểu cho tường tận, hiểu để mà quay lại cật vất tâm hồn mình, để tìm ra lối đi cho văn chương, văn hóa bản địa mới là sự khẳng định chính yếu nhất và thuyết phục nhất cho kiến văn của mình.

 

nguồn vanhocquenha...vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024