Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/02/2014 17:02 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
Quảng Bình vắt qua những nỗi buồn khắc khoải


Bão…

bão…

và bão…

Chưa thu vén xong hoang tàn phờ phạc của cơn bão vũ trụ đã bàng hoàng cập bến cơn bão trái tim.

Chưa quệt khô dòng nước mắt tiễn biệt vỹ nhân cuối cùng của thời đại Bác Hồ đã bị nhấn chìm vào lụt lội…

Những cú giật kinh thiên động địa từ nhiều chiều, vắt rẻo đất Quảng Bình hao gầy như tay mẹ qua những nỗi buồn khắc khoải.

Mấy ngày trời các phương tiện truyền thông loan tin bão số 10, một siêu bão ngạo ngược về tính chất và hung hãn về sức mạnh. Quảng Bình là tâm bão. 6 giờ đồng hồ xoắn vào tâm bão, trái tim mỗi người chực bật bung ra ngoài vòm ngực theo từng tiếng thét gào của cuồng phong. Sự sống bị dồn chặt vào mỗi nhịp thở. Trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, con người và chiếc lá trên cây cùng thân phận. Quảng Bình như một phim trường tái hiện cảnh chiến tranh. Con người thực sự mang cảm giác khiếp sợ do bị uy hiếp trực diện. Những vật vô tri chịu trận trong thương tích và đớn đau. Tất cả cơ hồ bị nghiền nhỏ, vắt kiệt và tung vào gió. Đêm sau bão, không điện, không a lô, cả tiếng gió cũng không…đến con người hình như cũng không ai dám nói… tất cả chìm trong im lặng chờ trời sáng. Đêm như dài hơn, nỗi âu lo “Liệu có còn lại gì?” cũng căng ra, làm trái tim mỗi người đập dồn dập như trống trận. Suốt một dãi từ Đèo Ngang xuống Hạ Cờ, từ Trường Sơn về Biển Đông bị quần đảo nát nhừ. Có những con người bất ngờ lìa trần. Có nhiều ngôi nhà bị “Giải tỏa” mà không cần lệnh. Có những cánh rừng hàng chục năm bất ngờ bị đốn hạ. Có những con đường mất dấu… Cánh đồng chìm ngỉm trong nước bạc. Tất cả vừa trải qua một cơn sang chấn tâm lý dữ dội, hình như không ai biết sẽ bắt đầu từ đâu và cũng chẳng có ai nói được điều gì nữa, lặng lẽ hơn, nhẫn nại hơn nhặt nhạnh những gì còn sót lại để vá víu cuộc sống. Một tấm ngói rêu mốc xanh rì sứt mẻ, một miếng tôn lợp bị gió vày vò như người ta vò giấy lộn… cũng quý. Quảng Bình lưng tròng nước mắt. Người ta đã kịp thống kê đến con số lẻ những thiệt hại do bão, hơn 8000 tỷ “để gió cuốn đi”, hơn 150 ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái, chủ yếu là nhà ở cấp 4 của người thu nhập thấp. Đó là con số cực kỳ khủng so với giá trị nền kinh tế nghèo nàn và thiếu sức bật của Quảng Bình. Nhưng có lẽ lúc này chẳng ai đủ bình tĩnh để nghĩ về 8000 tỷ, người trắng khăn tang, người ngước đôi mắt mệt mỏi của mình lên những mái nhà xuyên thấu khoảng không xám xịt màu cánh vạc ở trên cao đang tới tấp trút mưa, người lặng phắc đứng giữa ngổn ngang cây đổ… và nghĩ về một ngày mai gian lao khốn khó.

 


Quảng Bình sau những cơn bão


Bão số 10 thẳng tay cho Quảng Bình khánh kiệt. Tất cả bị hạ gục ngay từ những trận gió đầu tiên. Tưởng như đó là cuộc đối đầu sát ván cuối cùng và kết quả là Quảng Bình chẳng còn gì để mất. Người Quảng Bình thêm một lần chấp nhận thương đau, gượng dậy níu lấy nhân tâm mà xây dựng lại cơ đồ. Nhưng không, hung tin vẫn chưa hết… Cơ thể mảnh mai đau đớn này còn được bồi thêm một nhát cứa thẳng vào tim, niềm tự hào của đất mẹ Quảng Bình, niềm tự hào cuối cùng của thời đại Hồ Chí Minh: Đại tướng Võ Nguyễn Giáp ra đi vào một chiều sau cơn bão. Khó có thể viết bằng ngôn từ về cơn bão trái tim của Người Quảng Bình dành cho Đại tướng, tôi chỉ nhớ rất rõ hình ảnh tất tả của người mẹ Hạ Trạch nhà dột, cột xiêu do bão, úp vội chiếc nón lên đầu băng đồng trắng nước, chạy ra đường cái quan để quỳ lạy trước linh cữu Người với lời nói đẫm ướt “Mệ chạy cho kịp để đưa Ông đi một đoạn. Nhà mệ sập, mệ mần lại, mệ không buồn. Nhưng Ông mất là hết… Hết cả….???”. Bình dị vậy mà mắt tôi cay xè và ngập nước nhìn theo đoàn xe tang của Người bình thản đi trong nắng chiều quê nhà. Cơn bão trái tim đang tiễn chân Người về lòng đất Mẹ.

Thủy, hỏa, phong, lôi - Nước, lửa, gió và sấm sét. Đó là bốn đại họa từ thiên nhiên. Đất Quảng Bình, người Quảng Bình đã nhận nhiều vết thương sâu do nước và gió cứa vào. Nhưng chưa bao giờ chịu thảm họa đúp như năm nay. Hậu quả cơn bão số 10 còn ngổn ngang, cơn bão số 11 ấp đến ...

Chưa kịp hoàn hồn, Quảng Bình lại điếng người trước thảm họa…

Quảng Sơn là một vùng quê đẹp bên sông Nan. Những ngày bình yên làng xóm ở đây hiền hòa và trữ tình với rặng tre và cánh đồng, với hàng dừa soi bóng và mái chèo khua nước, với những người dân quê hiền lành như bông lúa, ngọn khoai. Tôi đã có những ngày tuổi thơ ở chốn này và lưu giữ mãi hình ảnh ấy làm góc nhỏ an lành cho tâm hồn giữa cuộc đời bất trắc. Bây giờ thì góc nhỏ an lành ấy chỉ còn trong ký ức. Lốc xoáy và lũ dữ đã vơ vét nốt những gì còn sót lại của Quảng Sơn. Trên một xã nghèo thuần nông với những nghề phụ nhọc nhằn “Thọ Linh bít lá/ Thọ Hạ đốt than/ Diên Trường chằm nón...” mà người ta đếm được tổng thiệt hại lên đến hơn 500 tỷ thì quả là Quảng Sơn đã trắng tay. Những con người vừa thoi thóp thoát chết trong gang tấc ngoi ngóp trong nước bạc, bùn lầy và đổ nát, ngoi ngóp trong tang thương, đói khát và gió rét. Sau khi bươn bả vượt qua dòng nước ngước từ Ba Đồn sang quê, mẹ tôi và rất nhiều người đã òa khóc khi nhìn thấy cảnh tiêu điều lấm láp của nơi chôn nhau cắt rốn, khi thấy máu mủ ruột rà co ro cúm rúm bất lực đội màn mưa dăng mù mịt. Quê hương như thế này sao?! Tôi không khóc được. Tôi cũng không biết làm gì giúp cậu dì chú bác và những đứa em khốn khổ của tôi trong tình cảnh ấy. Tôi chỉ nhìn như bị thôi miên vào đôi mắt đói dại của mấy đứa cháu nhỏ vẫn đang ngồi thu lu trên “tra” và cô em gái đang cố rửa sạch số gạo lẫn bùn non còn sót lại trong thùng để nấu cho những đứa con một bát cơm sau hai ngày nhai mỳ sống. Đôi mắt của mấy đứa cháu cho tôi biết chúng vừa trải qua một điều thật khủng khiếp. Ngoài con đường, người ta đang cố vớt những trang vở học trò đang trôi xấp xỏa trong dòng nước quánh đặc và mò mẫm dưới lớp bùn lầy những gì còn kẹt lại đặng sống qua ngày. Cú đập trời giáng làm tan chảy cả những trái tim chai cứng, một làn sóng yêu thương tràn về Quảng Sơn ào ạt. Cũng may, dù ở thời đại nào người Việt Nam cũng không làm ngấm tắt nghĩa “Đồng bào”. Lúc sung sướng đủ đầy, có thể người ta quên bẵng tình thân mà đấu đá, dành giật công danh, quyền lợi, nhưng trong hoạn nạn khó khăn tình người lại trỗi dậy dẹp hết nhỏ nhen ty tiện để mà có thể chết cho nhau. Vậy cho nên, Quảng Bình năm mấy cơn lụt, mấy trận bão. Lụt vô rồi lụt rút. Bão đến rồi bão tan. Khổ mấy rồi cũng qua, chỉ tình người ở lại, dâng đầy thêm lên. Từ sau cơn bão số 10, sau sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau cơn bão số 11 dãi đất Quảng Bình hình thành 2 dòng sông yêu thương trôi mải miết, trôi về những phận đời khốn khổ trong bão lũ, trôi về nơi an nghỉ của một người Quảng Bình vỹ đại để chia sẻ tình thương và góp gom nghị lực. Tôi đã trôi đi… trôi đi… trên hai dòng sông ấy và gặp nụ cười của Người trên di ảnh. Nụ cười bình thản trước hết thảy mọi biến cố thăng giáng của cuộc đời, nụ cười đánh bạt mọi đớn hèn bạc nhược, nụ cười bỏ qua những tỵ hiềm gai góc, nụ cười bản lĩnh của Người Quảng Bình vượt lên tất cả để làm một Người Quảng Bình tử tế. Tôi cũng đã gặp rất nhiều, rất nhiều người dân quê lấm lem bùn đất đến quỳ sụp trước mộ Người. Tôi hiểu tất cả đến nơi này như đến với một điểm dựa tinh thần, đến để nạp thêm nghị lực giữa những ngày khốn khó.

Thời bé, tôi được mẹ dạy cho bài ca dao “Mười cái trứng”: “Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm được một quan tiền/ Ra chợ kẻ Diên mua con gà mái/ Về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng: ung/ Hai trứng: ung/ Ba trứng: ung/ Bốn trứng: ung/ Năm trứng: ung/ Sáu trứng: ung/ Bảy trứng: ung/ Còn ba trứng nở ra ba con:/ Con diều tha/ Con quạ cắp/ Con mặt cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi!/ Còn da: lông mọc, còn chồi: nẩy cây!”. Những lúc khó khăn hoạn nạn, người ta thường nhớ về bài ca dao này như một lời nhắc về niềm hy vọng “Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây” Tôi tin lần này cũng sẽ vậy, những vết thương sâu của Quảng Bình sẽ được nhân tâm chữa trị, sẽ lại kín miệng và tươi da thắm thịt. Những ngôi nhà lại tươi màu ngói mới. Những cánh rừng lại nở búp non. Những cánh đồng lại đều đặn sá cày. Những con đường nối dài con đường. Cuộc sống chưa bao giờ đứt đoạn.

 

nguồn vanhocquenha...vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024