Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/03/2020 19:03 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 201/400 (50%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8001
Được cảm ơn: 2114
Bí quyết quản lý nhân viên trong thời gian thử việc


Thời gian thử việc tối đa từ ba đến sáu tháng thường được cung cấp cho nhân viên mới để họ chứng minh khả năng cho vai trò công việc đã chọn. Khoảng thời gian này cũng đủ để các nhà tuyển dụng đưa ra quyết định quan trọng về việc có nên tuyển chọn ứng viên như một nhân viên toàn thời gian hay chấm dứt hợp tác với họ.

 

Trong thời gian thử việc này, quản lý nhân sự và người giám sát cần hợp tác tốt với nhau để tìm hiểu về tiềm năng, năng lực và kỹ năng của nhân viên cho vai trò cũng như sự phù hợp văn hóa của công ty. Dưới đây là những lời khuyên giúp các nhà tuyển dụng quản lý nhân viên hiệu quả trong thời gian thử việc, hãy cùng tham khảo nhé.

 

 

Tiến hành các cuộc họp định kỳ

 

Tổ chức các cuộc họp đánh giá thử việc với mỗi nhân viên nhân viên mới trong thời gian thử việc, mỗi tuần (tháng) một lần, là điều cần thiết. Các cuộc họp này nên tập trung vào việc xem xét hiệu suất, mức độ tiến bộ theo thời gian và thiết lập mục tiêu cho tuần (tháng) tới. 

 

Các chuyên gia nhân sự cho rằng cuộc họp đánh giá thử việc cuối cùng nên diễn ra vào ngày cuối cùng của thời gian thử việc. Nếu rơi vào thời gian nghỉ, hãy chuyển cuộc họp đến ngày làm việc gần nhất.

 

Nếu bạn không tiến hành cuộc họp cuối cùng trước khi kết thúc thời gian thử việc, nhân viên có thể nghĩ rằng họ đã vượt qua thời gian thử việc thành công. Điều này có nghĩa là họ sẽ được ký hợp đồng làm việc chính thức.

 

Cung cấp thông tin phản hồi

 

Các nhà quản lý nên sử dụng các cuộc họp thử việc như một cơ hội để cung cấp phản hồi về các vấn đề mà nhân viên cần cải thiện. Phản hồi thường xuyên sẽ giúp đảm bảo rằng nhân viên không “lún” quá sâu vào các sai lầm và hiểu rõ hơn về những gì bạn mong đợi ở họ.

 

Lúc này, cần đưa ra các phản hồi rõ ràng và chính xác, đồng thời nên cung cấp các ví dụ cụ thể về các vấn đề mà nhân viên cần cải thiện hoặc điều chỉnh, tránh nói một cách chung chung. Chú ý nên thảo luận những điều này một cách cởi mở với mục đích xây dựng. Tốt nhất là sử dụng những từ tích cực thay vì những từ tiêu cực liên quan đến thất bại.

 

Các cuộc họp thử việc cũng là cơ hội để bạn thu hút nhân viên, vì vậy cũng nên nêu bật những kết quả mà nhân viên đang làm tốt.

 

Hỗ trợ thường xuyên trong thời gian thử việc

 

Nhân viên mới, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp vẫn còn mới ở nơi làm việc và cần hỗ trợ nhiều hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ của họ. Do đó, bạn cần hỗ trợ, giúp đỡ để giúp nhân viên cải thiện kỹ năng của họ trong thời gian thử việc. Bạn phải cởi mở để hiểu những lo lắng và khó khăn, những khó khăn mà nhân viên phải đối mặt và tìm cách giải quyết ngay lập tức. Các buổi đào tạo và hướng dẫn tại chỗ là hai cách mà các doanh nghiệp có thể giúp nhân viên mới hòa nhập vào văn hóa của nơi làm việc, cải thiện kỹ năng và phát triển hơn. 

 

Cung cấp chương trình đào tạo phù hợp để nâng cấp kiến thức và kỹ năng

 

Một số nhân viên sở hữu những đặc điểm mong muốn và thái độ tuyệt vời đối với vai trò công việc, tuy nhiên họ thiếu các kỹ năng để phù hợp với tiêu chuẩn ngành nghề. Để giải quyết mối bận tâm này, bạn có thể tiến hành các chương trình đào tạo tại chỗ hoặc tổ chức hội thảo ngắn để giúp nhân viên cải thiện và nâng cấp các kỹ năng của họ. Mặc dù đầu tư vào các chương trình đào tạo và hội thảo có thể hơi tốn kém, nhưng bạn có thể đạt được nhiều lợi ích khi nhân viên đạt được hiệu suất tốt chỉ sau khoảng thời gian ngắn.

 

Khuyến khích các cuộc trò chuyện cởi mở

 

Thời gian thử việc có nhiều khả năng thành công nếu nhân viên có nhiều cơ hội để nêu ra các vấn đề và đặt câu hỏi về môi trường làm việc. Thông thường, nhân viên có thể lo lắng về việc yêu cầu giúp đỡ, đặc biệt nếu đó là về một điều gì đó họ đã được hướng dẫn.

 

Do đó, bạn cần cho thấy rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ họ thành công trong vai trò. Một cách để tạo ra các cuộc trò chuyện cởi mở và đặt các hỏi mở và tích cực lắng nghe những gì nhân viên nói.

 

Cung cấp công việc có ý nghĩa

 

Nếu bạn không cung cấp công việc có ý nghĩa và đầy thách thức cho nhân viên trong thời gian thử việc, bạn sẽ không thể đánh giá đúng giá trị của họ đối với doanh nghiệp. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, bạn chỉ có từ 2 đến 3 tháng để đánh giá một nhân viên. Do đó, bạn nên cố gắng đảm bảo họ được giao những công việc và thử thách trong giai đoạn này để có thể đưa ra các đánh giá đúng liệu họ có phù hợp với vai trò trong thời gian lâu dài hay không.

 

Đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng

 

Đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng đối với nhân viên mới trong thời gian thử việc sẽ giúp họ tập trung vào công việc, dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc mới và đáp ứng mong đợi. Đồng thời, nếu có sẵn các tiêu chuẩn cho nhân viên mới thì việc theo dõi, xem xét tiến trình, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của họ trong công việc trở nên khá dễ dàng. Cũng nhờ đó mà sau này các nhà quản lý có thể xác định các chương trình đào tạo phù hợp nhất để giúp họ nâng cao kỹ năng và trở nên nổi bật trong ngành nghề nếu được tuyển chọn chính thức.

 

Phân công một người cố vấn để theo sát

 

Một người cố vấn hữu ích và thân thiện là điều cần có đối với nhân viên mới để cải thiện hiệu suất của họ và tối đa hóa năng suất trong thời gian thử việc. Cung cấp một người cố vấn có thể giúp nhân viên mới trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và làm rõ những thắc mắc và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hàng ngày của đội nhóm hiện tại.

 

Đừng hứa hẹn

 

Ngay cả khi nhân viên đã đáp ứng đủ điều kiện trong thời gian thử việc thì bạn cũng nên tránh đưa ra những lời hứa hẹn hoặc nhận xét mang lại cho nhân viên suy nghĩ rằng họ có nhiều khả năng tiếp tục ở vị trí này. Bạn có thể khuyến khích nhân viên nhưng đừng hứa hẹn. Bởi nếu như vậy, thì sau đó phải chấm dứt hợp đồng thử việc thì uy tín và hình ảnh của bạn sẽ suy giảm nghiêm trọng.

 

Đưa ra những quyết định tốt nhất

 

Trong thời gian thử việc, người quản lý và giám sát nhân sự nên thực hiện đánh giá một cách khách quan về động lực, đam mê và hiệu suất của nhân viên mới trong công việc. Khi có một nhân viên nào đó cần nhiều thời gian hơn để điều chỉnh và thích nghi với phong cách làm việc của công ty, bạn nên cho phép họ kéo dài thời gian thử việc để có thêm thời gian học tập và phát triển. Tuy nhiên, nếu nhân viên mới vẫn tiếp tục đạt hiệu suất thấp trong thời gian thử việc kéo dài, bạn có thể chọn chấm dứt việc tuyển dụng và tìm kiếm các ứng viên phù hợp khác cho công việc.

 

Quản lý nhân viên mới một cách hiệu quả trong thời gian thử việc đòi hỏi sự kiên trì, thời gian, chi phí và nỗ lực để đào tạo lực lượng lao động mới nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và kỳ vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng cách lập ra kế hoạch hiệu quả và phối hợp cẩn thận giữa quản lý nhân sự và giám sát trực tiếp, bạn có thể khiến cho thời gian thử việc trở nên dễ dàng hơn cho các nhân viên mới và bạn cũng sẽ đạt được nhiều lợi ích đáng kể trong việc đánh giá cũng như đưa ra quyết định tuyển dụng chính thức phù hợp.

 

Huỳnh Trâm

 

Nguồn:careerlink.vn



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024