Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
31/10/2018 20:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Tâm Lý Học Trong Làm Việc Nhóm: 7 Kỹ Năng Để Giúp Một Nhóm Hoạt Động Hiệu Quả


Có một câu nói cũ vẫn được lưu truyền giữa các huấn luyện viên thể thao:

“A champion team will defeat a team of champions.”

Tạm dịch là: “Đội vô địch sẽ đánh bại đội của những người vô địch”

 

Mặc dù chúng ta luôn lý tưởng hóa liên kết giữa các cá nhân trong nhóm, ý niệm về “nhân vật nổi bật” hay “prima donna”- người tách biệt khỏi đám đông, và thành công một cách độc lập, không nhờ đến sự giúp đỡ của người khác vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ.

Vậy giữa hai cách trên, đâu là phương pháp hoàn hảo để có thể làm việc tốt hơn?

 

Nhóm hiệu quả và cá nhân xuất sắc

 

Hãy xem xét tình huống sau:

Tưởng tượng bạn được nhận vào phòng VIP của bệnh viện với tình trạng bệnh tim nghiêm trọng, cần phẫu thuật cấp cứu. Bởi vì sự giàu có và tầm ảnh hưởng của mình, bạn được tùy chọn một bác sĩ nổi tiếng để thực hiện ca phẫu thuật này.

Trong trường hợp đó, tất cả chúng ta đều sẽ ưu tiên lựa chọn một bác sĩ nổi tiếng hơn là một ekip phẫu thuật bình thường, đúng không?

Có thể là không.

Robert Huckman và Gary Pisano từ Harvard Business School đã đánh giá các chuyên gia bằng cách đo lường tỷ lệ thành công của hơn 200 bác sĩ phẫu thuật tim làm việc trên 43 bệnh viện khác nhau.

Họ so sánh tỷ lệ thành công (tỷ lệ sống sót của bệnh nhân) giữa các ca phẫu thuật thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm cao làm việc tự do và các ekip đã làm việc nhiều với nhau.

Sau khi phân tích hơn 38.000 ca, họ nhận thấy tỷ lệ thành công của các chuyên gia phẫu thuật tim mạch cao hơn đáng kể qua quá trình thực hành và tích lũy kinh nghiệm.

Nhưng điều đó chỉ đúng ở bệnh viện nơi họ thực hiện hầu hết các ca phẫu thuật của mình.

Khi các bác sĩ này rời ekip quen thuộc của mình, đến làm việc tại các bệnh viện khác, tỷ lệ thành công của họ trở lại mức trung bình.

Dường như làm việc với một nhóm các đồng nghiệp quen thuộc (các bác sĩ, y tá, bác sĩ gây mê) giúp phát huy khả năng chuyên môn của từng thành viên trong nhóm.

Các tác giả kết luận rằng tỷ lệ phẫu thuật thành công cao hơn là do “sự quen thuộc mà một bác sĩ có được khi tiến hành cùng với nhóm của mình” -  đây là cách nói mềm dẻo rằng các cá nhân chỉ có thể tỏa sáng khi kết hợp với các đồng nghiệp của họ.

Huckman và các đồng nghiệp làm rõ hơn những phát hiện này bằng cách trích dẫn một số nghiên cứu khác. Ví dụ, trong một nghiên cứu về các dự án phát triển phần mềm máy tính, sự quen thuộc của nhóm (số lần trung bình mỗi thành viên làm việc với các thành viên khác) là một yếu tố dự báo cho một dự án thành công và đúng thời hạn, hơn là tổng kinh nghiệm của từng thành viên trong nhóm.

Trong một nghiên cứu tại NASA, khi được đặt dưới áp lực mô phỏng, những đội đã bay cùng nhau gây ít lỗi hơn đáng kể so với những phi công chưa bao giờ làm việc cùng nhau.

Tâm lý học luôn nhấn mạnh lợi ích của các mối quan hệ xã hội và sự kết nối với người khác. Và bây giờ, chúng ta có thể nói rằng sự kết nối cũng tạo ra hiệu quả kinh tế tốt hơn, bằng cách cải thiện hiệu suất làm việc của tổ chức ở mức cao nhất.

Nhà tâm lý học và giáo sư kinh tế, Adam Grant, tóm tắt những phát hiện trên:

“So once we get the right people on the bus, let’s make sure they spend some time driving together.”

Tạm dịch: "Trên một chuyến xe buýt, khi chúng ta đã có được đúng người, hãy để những người đó có thời gian đi cùng nhau."

Nhóm hiệu quả là gì?

Làm việc nhóm không chỉ đơn giản là làm việc với những người khác, mà nó đồng nghĩa với sự hợp tác, giao tiếp vì một mục đích chung.

Do đó một nhóm không chỉ là tập hợp của nhiều người. Thực tế, các nhóm là một tổ chức rất đặc biệt có sự liên kết giữa các cá nhân, sự tập trung vào cấu trúc và hoạt động chung.

Một trong những định nghĩa của nhóm được sử dụng trong Tâm lý học là:

“Một nhóm là tổ chức gồm hai hay nhiều người phụ thuộc lẫn nhau, cùng tìm cách đạt được một mục đích chung, thường là thông qua giải quyết vấn đề, để đáp ứng mục tiêu chung và mục tiêu riêng. Ít nhất, một nhóm phải là một đơn vị hợp tác, và tốt nhất, nên là một đơn vị cộng tác.”

Giá trị của tinh thần đồng đội

Theo kết quả nghiên cứu, phụ nữ có khả năng làm việc nhóm tốt hơn nam giới.

Ngoài ra, các nghiên cứu phát hiện ra rằng sau sự cố 11/9, tầm quan trọng của khả năng lãnh đạo và tinh thần đồng đội tăng mạnh. Do đó, chúng ta không thể sống thọ mà không thuộc về một nhóm nào đó hay không có bạn bè.

Theo khuôn khổ VIA (Giá trị trong hành động), sức mạnh của tinh thần đồng đội được phân loại cụ thể. Những người coi trọng sức mạnh này thường là những người đồng đội trung thành và tận tụy, làm việc chăm chỉ cho sự thành công của cả nhóm. Mục tiêu chính của họ không chỉ liên quan đến bản thân mà liên quan đến cả những người khác nữa.

Làm việc nhóm và cộng đồng

Tại sao công việc tình nguyện luôn được khuyến khích? Câu trả lời đơn giản chỉ vì nó tăng cường sự liên kết trong cộng đồng xã hội.

Làm việc nhóm cũng được gọi là “sức mạnh dân sự” vì nó “làm cho đời sống cộng đồng lành mạnh hơn do có sự tương tác”. Không chỉ được khuyến khích trong cộng đồng, làm việc nhóm còn cần thiết cả ở những hoàn cảnh khác mà mọi người hợp tác vì một mục tiêu chung.

Khác với những thế mạnh mà bạn có thể rèn luyện độc lập, tinh thần đồng đội liên quan đến nhiều yếu tố. Dựa trên thế mạnh nổi bật trong các tổ chức, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những thế mạnh cá nhân như sự sáng tạo dường như không xảy ra đồng thời với những thế mạnh khác như tinh thần đồng đội.

Khi làm việc trong một nhóm, bạn đang chuyển trọng tâm từ bạn sang người khác.

Tin tưởng là một yếu tố cốt lõi

Để xây dựng một nhóm mạnh, sự tin tưởng là điều cần thiết.

 

“Niềm tin là những mong muốn về ý định, thái độ và hành vi tích cực của người khác đối với mình trong các tình huống có sự không chắc chắn hoặc mơ hồ.”

Trong các tổ chức, chúng ta có thể thấy sự tin tưởng trong 3 hình thức hoặc giai đoạn khác nhau:

1. Tin cậy dựa trên lợi ích: cân nhắc lợi và hại khi tin tưởng.

2. Tin cậy dựa trên thông tin: hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm trước đây (cả tích cực và tiêu cực).

3. Tin cậy dựa trên sự quen biết: chúng ta tin cậy hơn vào những người mà ta biết.

 

Chúng ta cũng biết rằng thiếu tin tưởng sẽ dẫn đến:

• Thông tin không thống nhất

• Những cuộc gặp bí mật

• Kỳ vọng không được đáp ứng

• Một nhóm có mức độ kiểm soát và cảnh giác cao hơn

 

Vì thế:

"Khi có sự không chắc chắn, sẽ có sự tin tưởng l".

Thuận lợi

Sự thuận lợi cũng là một yêu cầu trong làm việc nhóm. Tom Wujec trình bày những phát hiện của mình về 'vấn đề marshmallow' rằng nhóm sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều nếu có người điều hành.

‘Bởi vì họ có những kỹ năng hỗ trợ đặc biệt. Họ quản lý quá trình. Họ hiểu quá trình. Sự quản lý và quan tâm chặt chẽ đến công việc sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất của nhóm. '

Hầu hết thời gian, nhóm chỉ là những người làm việc trong cùng một không gian. Mỗi người đều có thế mạnh và kỹ năng riêng. Mỗi người có thể tự làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, nếu trở thành một nhóm hiệu quả, họ có thể đạt được kết quả phi thường.

Andrew Carnegie từng nói:

“Làm việc nhóm là cùng nhau hướng tới một mục đích chung. Khả năng hướng các cá nhân hướng tới mục tiêu tổ chức là nhân tố cho phép những người bình thường đạt được những kết quả phi thường.”

7 kỹ năng tâm lý cốt lõi trong làm việc nhóm

 

Vậy phải làm gì để xây dựng được một nhóm hiệu quả? Theo mô hình TESI, có 7 kỹ năng góp phần tích cực cho hoạt động của nhóm:

1.    Sự định hình nhóm

2.    Động lực

3.    Nhận thức về cảm xúc

4.    Giao tiếp

5.    Sức chịu đựng căng thẳng

6.    Giải quyết mâu thuẫn

7.    Tâm trạng tích cực

1. Sự định hình nhóm

Điều này liên quan đến cách các thành viên trong nhóm thể hiện mong muốn làm việc cùng nhau và ý thức rõ ràng về vai trò của mình, cùng với sự trung thành, tận tụy cao.

2. Động lực

Động lực quyết định mức năng lượng và trách nhiệm trong nhóm. Nó cũng cho biết liệu rằng sự cạnh tranh giúp tăng hiệu quả hoạt động của nhóm hay phản tác dụng. Để có động lực tốt, cần phải đặt mục tiêu lâu dài, củng cố khả năng thành công và sự kiên trì của nhóm.

3. Nhận thức về cảm xúc

Là mức độ mà nhóm nhận biết, thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của từng thành viên. Đây là yếu tố quan trọng quyết định động lực, năng suất và khả năng cộng tác của các cá nhân trong một nhóm. Vì vậy, nó là cốt lõi của sự thành công của mọi nhóm.

4. Giao tiếp

Tất cả chúng ta đều biết rằng giao tiếp là một yếu tố thiết yếu để một nhóm có thể làm việc cùng nhau. Nó thể hiện cách mà mỗi thành viên trong nhóm lắng nghe, khuyến khích nhau hoạt động cũng như thảo luận về những chủ đề nhạy cảm.

5. Sức chịu đựng căng thẳng

Phản ánh mức độ mà các thành viên trong nhóm có thể quản lý áp lực của khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút và nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đẫy cũng là cách tốt nhất để đánh giá sức khỏe thể chất của mỗi người.

6. Giải quyết mâu thuẫn

Xác định cách mà sự bất đồng ý kiến xuất hiện trong nhóm và cho biết liệu nhóm có thể đối phó với nghịch cảnh để tăng cường hiệu quả hoạt động thay vì bế tắc khi xảy ra xung đột hay không. Đây là điều cần thiết để nâng cao năng suất và sự sáng tạo.

7. Cảm xúc tích cực

Nhấn mạnh sự khuyến khích, tính hài hước và những thành công trong tương lai của nhóm là một biện pháp tích cực giúp nhóm thêm linh hoạt và tăng cường khả năng hồi phục sau khó khăn. Thái độ tích cực quyết định trạng thái tràn đầy sinh lực trong nhóm của bạn.

Theo đó, khi áp dụng những kỹ năng này, ta có thể duy trì năng suất làm việc, cảm xúc và sự liên kết trong nhóm. Đó là điều mà tất cả chúng ta muốn, phải không?

Henry Ford từng nói:

“Coming together is a beginning. Keeping together is progress. Working together is success.”

Tạm dịch là:  “Đến với nhau là khởi đầu. Đi cùng nhau là sự tiến bộ. Làm việc cùng nhau tạo nên thành công.”

 

-----------------

 

Tác giả: Catarina Lino and Brad Desmond

Link bài gốc: The Psychology of Teamwork: The 7 Habits of Highly Effective Teams

Dịch giả: Phạm Anh - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024