Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
31/10/2013 05:10 # 1
linhqnh2
Cấp độ: 7 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 39/70 (56%)
Kĩ năng: 13/30 (43%)
Ngày gia nhập: 03/09/2013
Bài gởi: 249
Được cảm ơn: 43
Triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam


(LLCT) - Trải qua các giai đoạn tìm đường cứu nước (1911-1920), mở đường và  dẫn đường cách mạng nước ta (1921-1945), Hồ Chí Minh bước vào thời kỳ thiết kế tương lai với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.

 Triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam
 

Trong những năm đi tìm đường cứu nước, xem xét cuộc sống, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến một xã hội mới, dân chủ, công bằng, nhân đạo, khác hẳn cái xã hội đầy rẫy áp bức, bất công ở Tổ quốc mình cũng như ở các nước khác, nghĩ đến một xã hội văn minh cho dân tộc mình và các dân tộc khác. Với ước mơ đó, ngay từ những ngày bôn ba trên đất khách quê người, Người đã nghĩ đến người nghèo. Khoảng một năm trước Đại chiến thứ nhất, anh Ba làm ở tiệm ăn Cáclơtông ở Luân Đôn do ông Étcốpphie làm đẩu bếp. Ông Étcốpphie đã từng có một câu trả lời nổi tiếng khi vua Đức sang thăm Luân Đôn, vua Anh mời ông phụ trách làm bữa tiệc, ông kiêu hãnh trả lời: “Tôi người Pháp. Tôi không nấu cho kẻ thù của dân tộc tôi”. Anh Ba khi làm việc dọn dẹp đồ đạc tại tiệm ăn Cáclơtông đã không vứt thức ăn thừa, những miếng thịt gà, bít tết to vào thùng, mà lại giữ gìn sạch sẽ và đưa lại cho nhà bếp. Khi đầu bếp Étcốpphie

hỏi anh “tại sao không quẳng thức ăn thừa vào thùng, như những người kia” thì anh trả lời: “Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”(1). Trong thời gian này, anh Ba chịu khó học tiếng Anh và động viên những người bạn cùng học. Những suy nghĩ và việc làm này của anh Ba theo suốt cuộc đời anh, sau này trở thành quan điểm và phương châm hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăm áo mặc, ai cũng được học hành”(2). Hồ Chí Minh đã ghi lên lá cờ của Đảng một thông điệp về con đường phát triển của Việt Nam. Đó là Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tiêu ngữ của nước Việt Nam mới là Dân chủ - Cộng hòa - Độc lập -Tự do - Hạnh phúc. Đây chính là triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam. Theo quan điểm của Người, nước Việt Nam thuộc địa thì nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa sống còn với dân tộc và Tổ quốc là đấu tranh giải phóng dân tộc theo tinh thần “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Nhưng giành độc lập dân tộc mới chỉ là nhiệm vụ trước mắt, còn nhiệm vụ lâu dài là làm cho mỗi người và mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện. Các nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề ra ngay sau ngày tuyên bố độc lập là giải quyết nạn đói, nạn dốt; thực hiện quyền tự do dân chủ bằng tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội; xây dựng đạo đức mới với những nội dung cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết là sự khẳng định bổn phận Chính phủ mới là công bộc của dân; là sự cam kết của Đảng và Chính phủ với toàn dân về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy cả nước còn phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, tức là vẫn nằm trong quy luật của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng Hồ Chí Minh đã nhận thức đúng và hành động theo quy luật của nhiệm vụ củng cố chính quyền và xây dựng xã hội mới. Người ý thức rất rõ những khó khăn, thách thức của công việc kiến thiết đất nước. Theo Người, “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”(3). Khó đến mấy, khó đến mức “khổng lồ” cũng phải làm, vì đây vừa là sứ mệnh vừa là vinh quang của một Đảng cầm quyền, của một chính thể cộng hòa dân chủ. Khó nhưng phải làm vì phát triển xã hội còn là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Bởi vì: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(4) “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(5).

Với tư duy khoa học, cách mạng và nhân văn, ngay từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã kêu gọi Đảng và Chính phủ phải thực hiện ngay: 1- Làm cho dân có ăn; 2- Làm cho dân có mặc; 3- Làm cho dân có chỗ ở; 4- Làm cho dân có học hành.

Từ học thuyết giải phóng đến học thuyết phát triển, Hồ Chí Minh đã để  lại di sản mang tầm vóc lớn, thể hiện tầm nhìn phát triển đất nước qua bức tranh về xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong di sản của mình, C.Mác từng nhấn mạnh: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(6). Đó là một cách tiếp cận về mục tiêu của xã hội tương lai.

Khi bàn về mục đích của CNXH, Hồ Chí Minh thường nêu và trả lời câu hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là gì?”. Theo Người, nói một cách giản đơn và dễ hiểu, CNXH  là “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Có lúc Người nói “không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân” là mục đích của CNXH. Theo Người, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(7). Đó là cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu. Trên thực tế, đi tới CNXH là một quá trình lâu dài, trải qua một một thời kỳ quá độ với nhiều bước quá độ trung gian. Cách mạng XHCN chứa đựng nhiều cuộc cách mạng, phản ánh các mặt của đời sống tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì vậy, quá trình hoàn thiện và xây dựng CNXH cũng cần đạt được các mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu chính trị:Đó là chế độ chính trị dân chủ, nhân dân là chủ và làm chủ. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Nhà nước là của dân, do dân và vì dân; mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước, có quyền kiểm soát đối với đại biểu của mình, “có quyền bãi miễn đại biểu Quốc  hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(8). Khi xác định chế độ ta là chế độ dân chủ nghĩa là quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm của Chính phủ “là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(9).

Chế độ chính trị do dân làm chủ thì người dân phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người chủ thì phải chăm lo việc nước như việc nhà, tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Vì là người chủ nên phải có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng và chấp hành pháp luật, tôn trọng và bảo vệ của công, có nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Chế độ chính trị do dân làm chủ vừa là mục tiêu của CNXH vừa là động lực của sự phát triển. Dân chủ và thực hành dân chủ thật sự, rộng rãi là cái thìa khóa vạn năng, thúc đẩy xã hội tiến bộ và phát triển.

Triết lý phát triển Hồ Chí Minh phản ánh tầm nhìn xa về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Đó phải là một Đảng đạo đức và văn minh. Bởi vì Đảng có vững cách mạng mới thành công. Người sớm bàn đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đó là một nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh công nông, do Đảng lãnh đạo, kết hợp nhuần nhuyễn “đức trị” với “pháp trị”. Để một xã hội phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững phải có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhưng nhân tố có ý nghĩa quyết định là con người. Bởi vì, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, mọi việc đều do người làm ra; Đảng là mỗi chúng ta; mọi sự thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, để Việt Nam phát triển, Hồ Chí Minh hết sức chú trọng nhân tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cán bộ, đảng viên chất lượng cao. Với Hồ Chí Minh, cán bộ cần những tố chất về phẩm chất đạo đức, chính trị, chuyên môn; về năng lực trí tuệ; về phong cách công tác, lãnh đạo; đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Đó chính là động lực của sự phát triển.

Hồ Chí Minh chú trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế theo tinh thần “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(10).

Mục tiêu kinh tế:Chế độ chính trị XHCN phải dựa trên nền kinh tế phát triển cao với lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế nước nhà. Tiến hành CNH, HĐH là quy luật tất yếu và phổ biến ở nước ta. Trên cơ sở kinh tế XHCN ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Hồ Chí Minh quan tâm đến chế độ sở hữu. Theo Người, trong thời kỳ quá độ tồn tại bốn hình thức sở hữu chính: “Sở hữu Nhà nước tức là của toàn dân. Sở hữu của hợp tác xã  tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Sở hữu của người lao động riêng lẻ. Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”(11).

Mục tiêu văn hóa - xã hội:Cách mạng tư tưởng - văn hóa là một cuộc cách mạng trong cách mạng XHCN. Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa mới đầy đủ các yếu tố về tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị. Nền văn hóa đó phải dựa trên nền tảng kinh tế, nhưng đồng thời lại tác động tích cực trở lại kinh tế. Không những thế, tiếp cận theo triết lý phát triển, văn hóa có sứ mệnh to lớn, “soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”(12). Theo Hồ Chí Minh, văn hóa phải để lên hàng đầu để biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến. Ở đây, vai trò của văn hóa được nhận diện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, mà hàng đầu là nhanh chóng đào tạo cán bộ cho tất cả các ngành hoạt động. Bởi vì, muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người XHCN; muốn có con người XHCN phải có tư tưởng XHCN. Người còn chỉ rõ, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa phải làm cho mỗi người và mọi người hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Cùng với văn hóa, các chính sách xã hội cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Người chăm lo hạnh phúc của đồng bào nói chung, trong đó đặc biệt lo toan cho người nghèo “làm cho người nghèo thì đủ ăn và ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; quan tâm đến sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ; đến thiếu niên nhi đồng, thương binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, đồng bào các dân tộc ít người, đồng bào tôn giáo.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, CNXH là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người, trước hết khỏi sự bất công. Vì vậy, Người rất quan tâm tới quyền con người, đạo đức, lối sống, tâm hồn, nhân cách. Nền văn hóa đó phải “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Vì vậy, văn hóa phải “sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải “làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”.

Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, mà yếu tố hàng đầu là tâm lý dân tộc. Một dân tộc phải có tâm lý độc lập tự cường và mỗi người phải biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng thì mới xứng đáng hưởng độc lập, tự do. Nền văn hóa Việt Nam, về mặt chính trị là đề cao dân quyền, về mặt xã hội là quan tâm tới phúc lợi của nhân dân. Đó chính là nội dung XHCN của nền văn hóa, và vì vậy nền văn hóa đó đậm tính nhân văn, tính dân tộc.

Cốt lõi và hạt nhân của văn hóa là con người. Con người là chủ thể, là sản phẩm của văn hóa, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Bản chất của CNXH là phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Đó phải là những con người có đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần và năng lực làm chủ, có kiến thức khoa học kỹ thuật, nhạy bén với cái mới, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tóm lại, triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam là hình ảnh của xã hội XHCN mang bản chất nhân văn. Xã hội đó bao quát tất cả các mặt về chính trị (do nhân dân làm chủ), kinh tế (lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ sở hữu toàn dân và tập thể), văn hóa, đạo đức, xã hội và con người (bình đẳng, công bằng, hợp lý, nhân dân thoát nạn bần cùng, được ấm no và sống đời hạnh phúc). Tuy nhiên, nếu xem xét sự nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng từ những ngày đầu khi Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no đến khi cách mạng thành công, hướng đến mục đích tự do, hạnh phúc như là giá trị cao nhất, thì bản chất của CNXH, xét đến cùng theo quan điểm Hồ Chí Minh là một xã hội giàu có hơn và quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn, công bằng, hạnh phúc hơn so với chủ nghĩa tư bản.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011) nêu lên tám đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam. Đó thật sự là những đặc trưng bản chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát triển Việt Nam là công việc lâu dài, đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và trí tuệ, lực lượng, niềm tin của cả dân tộc. Để có một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững theo quan điểm Đại hội XI của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

_______________________-

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2012

(1) Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.29.

(3),(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.4, 591.

(4),(5) Hồ Chí Minh: Sdd, t.4, tr.56, 152.

(2),(6) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628, 161.

(8),(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.9, tr..591, 588.

(9),(10) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.60, 220.

(12) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa, văn nghệ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.72.

PGS, TS Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024